| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 05/01/2017 , 06:40 (GMT+7)

06:40 - 05/01/2017

Đổ lỗi!

Hầu hết chúng ta, từ hồi còn là trẻ con, luôn được dạy dỗ rằng, khi làm điều sai sót thì phải biết nhận ra lỗi, xin lỗi, và khắc phục lỗi, sửa chữa lỗi...

Chứ nhất quyết không được đổ lỗi cho người khác hoặc một lý do khác. Nhưng văn hóa nhận lỗi có vẻ chưa được phổ biến, mà đang lan tràn hiện nay là văn hóa đổ lỗi. Hậu quả đáng tiếc xảy ra, lỗi luôn do người khác hoặc tại khách quan.

Xây tượng đài 1.500 tỷ đồng chưa hoàn thành nhưng đã xuống cấp. Lỗi do thời tiết. Vỡ đập thủy điện. Lỗi do ảnh hưởng của bão. Cầu Thăng Long nứt vỡ. Lỗi do trời lạnh. Đường lún. Lỗi do nắng nóng. Đường xuống cấp nhanh. Lỗi do nhiều xe chạy. Ngập lụt trong thành phố, ông phụ trách lĩnh vực này bảo lỗi do lĩnh vực kia. Tiêm chủng gây chết người. Lỗi do vacxin.…

Tóm lại, lỗi không phải do tôi, do chúng tôi. Mà do người khác, ngành khác, do khách quan, do bất khả kháng.

Có 2 bệnh nhân chết gần như đồng thời sau khi gây mê tại bệnh viện Trí Đức (Hà Nội) hôm 25/12/2016 để cắt amidan và làm phẫu thuật tuyến giáp. Sau khi gây mê, cả 2 đều có tai biến và được chuyển sang khoa cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai gần đó nhưng đều không qua khỏi.

Đoàn của Sở Y tế Hà Nội sau đó đưa ra kết luận ban đầu là các bệnh nhân chết do sốc phản vệ. Các nguyên nhân gây sốc phản vệ thì có rất nhiều, trong đó thuốc là nguyên nhân hàng đầu, tiếp đến là thức ăn, nọc côn trùng…

Theo khảo sát trong một nghiên cứu đăng trên Thư viện y dược Quốc gia Hoa Kỳ (National Library of Medicine) thì chết do gây mê và liên quan đến gây mê là 1,1 trên một triệu dân mỗi năm (1,45 đối với nam và 0,77 đối với nữ) và 8,2 triệu ca phẫu thuật (11,7 đối với nam giới và 6,5 đối với nữ). Tỷ lệ tử vong cao nhất được tìm thấy ở những người từ 85 tuổi trở lên.

Mỗi năm tại Hoa Kỳ, gây mê/gây tê được báo cáo là nguyên nhân cơ bản chỉ trong khoảng 34 trường hợp tử vong. Do kỹ thuật và thuốc dùng trong gây mê đã được cải thiện, tăng mức an toàn, nên việc bệnh nhân chết vì gây mê hoặc liên quan đến gây mê trở nên hiếm.

Với trình độ ngành Y và Dược tại Việt Nam hiện nay, để sốc phản vệ gây tử vong do thuốc khi gây mê, rất hiếm, 2 ca đồng thời thì cực hiếm, nhất là với bệnh viện Trí Đức đang có uy tín.

Nhiều người ngờ rằng có sự nhầm lẫn nào đấy. Một điều dường như thành lệ, là sau những sai sót gây chết người như thế, điều đầu tiên người ta đổ do “sốc phản vệ”. Vì sao? Vì “tội” đó không phải do thày thuốc gây ra mà do cơ địa bệnh nhân, nếu không phát hiện được trước đó, cũng... chẳng phải tội.

Người không có chuyên môn thì không thể xác định được. Trong một nhà nước pháp quyền, người ta xây dựng nên hệ thống lập pháp (quốc hội), hành pháp (chính quyền), tư pháp (viện kiểm sát, tòa án). Các hệ thống này hoạt động độc lập để kiểm soát lẫn nhau, bảo đảm cho xã hội sự công bằng.

Còn trong ngành y, rất cần có một tổ chức kiểu như hiệp hội, bao gồm các chuyên gia độc lập, để xác định trình độ, khả năng hành nghề của bác sĩ, nhân viên y tế, và những chuyện đúng sai thuộc về chuyên môn trong ngành y. Chứ cùng trong một hệ thống kiểm tra nhau, sao mà có được niềm tin của người ngoài hệ thống?

Chả cứ ngành y, ngành nghề nào cũng thế.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm