| Hotline: 0983.970.780

Dỡ nhà dân, tha nhà "quan"!

Thứ Tư 11/02/2015 , 10:06 (GMT+7)

Người dân ở khu vực 3 Sông Hậu, phường Cái Khế (quận Ninh Kiều, Cần Thơ) đang có nhiều đơn bày tỏ sự bất bình vì bị đối xử bất công. Sự bất công theo đơn của người dân là chính quyền cưỡng chế đập hai nhà của người nghèo, còn nhà cất trên đất quan chức và biệt thự, khách sạn của người giàu (cũng cất không phép) thì không đập.


Túp lều của cha con cô Cưng bị đập

Khu vực này là Cồn Khương giữa sông Hậu, một nửa có nhiều biệt thự của quan chức nên còn gọi “cồn biệt thự”, cuối tháng 11/2014, chính quyền cưỡng chế đập hai ngôi nhà cất không có giấy phép.

Chúng tôi chuyển bất bình của người dân đến Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều, ông Dương Tấn Hiển.

Sẽ kiểm tra

Hai căn nhà bị đập của cô Nguyễn Thị Cưng và Phạm Thị Mỹ Tiên. Trong đó, cô Cưng vừa mới đưa cha là ông Nguyễn Văn Be, thương binh hạng 4/4, từ Cà Mau lên nuôi dưỡng. Đất của hai cô có giấy đỏ nhưng là đất vườn, không được chuyển lên đất ở vì một quy hoạch “treo” và cũng vì thế không được cấp phép cất nhà.

Đơn của người dân cho biết, cất sau hai cô có những căn nhà ở trên đất của một ông PGĐ Công an TP Cần Thơ, thì không bị đập. Còn lớn nhất và đẹp nhất khu vực là ngôi biệt thự của “một quan chức”, sát bến phà qua sông Hậu, cũng không bị đập. Các đơn đặt vấn đề: Có phải dân thấp cổ bé họng mới bị đập nhà?

Cất cùng lúc với hai cô, ở mặt tiền đường lớn chạy ngang Cồn Khương có nhà nghỉ Đông Nghi với 30 phòng. Cũng ở mặt tiền đường lớn, khách sạn Lam Kiều cao tầng cất năm 2013-2014 và nhiều cơ sở kinh doanh khác. Đơn của ông cán bộ nghỉ hưu Nguyễn Văn Nam nêu câu hỏi: “Tại sao đối xử giữa người nghèo và giàu khác nhau như vậy?”.

Chủ tịch UBND quận Dương Tấn Hiển trả lời: “Đã chỉ đạo Thanh tra quận Ninh Kiều tham mưu thành lập Đoàn kiểm tra, xác minh, giải quyết đơn tố cáo, kiến nghị, phản ảnh cho dân theo quy định”.

Cũng “sẽ kiểm tra” nội dung đơn của dân về Chủ tịch UBND phường Cái Khế là ông Trần Quốc Thành có lời lẽ thô tục với dân, và vấn đề nêu trong đơn của cô Cưng: “Có phải do tôi nghèo không có tiền đưa cho ông Chủ tịch phường nên mới bị đập nhà hay không?”.

Trước lo lắng của người dân sẽ bị tiếp tục cưỡng chế đập nhà, Chủ tịch quận Dương Tấn Hiển nhấn mạnh: “Hạn chế tối đa thiệt hại về tài sản của người dân”.

Ông giải thích, thực hiện chủ trương của Quận ủy tại cuộc họp ngày 8/12/2014 về tăng cường quản lý, lập lại trật tự xây dựng ở khu vực 3 Sông Hậu, quyết ngăn chặn, không để tình trạng xây dựng trái phép mới phát sinh. Còn với những trường hợp phải áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt, sẽ “xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể”.

11-48-10_0302151
Ngôi biệt thự gần bến phà qua sông Hậu

“Nếu cưỡng chế thì phải thực hiện dãy nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ giàu có trước vì họ ngang nhiên xây dựng trước, chính quyền tiêu cực không nói gì, các nhà trong hẻm thấy vậy làm theo. Theo tôi, cần xem xét các đơn xin tự tháo dỡ, không bồi thường khi nhà nước thu hồi, vì nơi đây quy hoạch treo khoảng 20 năm, tổ chức họp dân giải thích rõ mới được”, cán bộ nghỉ hưu Nguyễn Văn Nam.

Có 129 người dân ký tên vào “Đơn xin bãi bỏ quy hoạch Cồn Khương”, vì quy hoạch 94 ha trùm lên nhà đất của họ treo khoảng 20 năm nay, làm cuộc sống của họ “lâm vào cảnh hết sức khó khăn, túng cùng, không lối thoát”. Chủ tịch Hiển trả lời: “UBND quận Ninh Kiều sẽ có văn bản báo cáo UBND thành phố xem xét, giải quyết nội dung kiến nghị bãi bỏ quy hoạch Cồn Khương của nhân dân khu vực 3 Sông Hậu”.

"Thấy cán bộ là đau tim"

Chúng tôi trở lại khu quy hoạch “treo”, thấy người dân nháo nhác.

Ông Lý Tuấn Kiệt lò dò bước ra, biết phóng viên thì nói: “Tưởng cán bộ chính quyền. Chúng tôi bây giờ thấy cán bộ là đau tim”. Vì họ sợ bị đập nhà. Ông Kiệt kể, trước đây gia đình ông ở phường An Khánh cùng quận Ninh Kiều, bán nhà trả nợ còn ít tiền sang bên này mua mảnh đất gần 50 m2 cất nhà ở. Con cái của ông đều làm thuê chỉ đủ ăn, nếu nhà bị đập “phải đi ở trọ là đói”.

Gần nhà của ông Kiệt là nhà của bà Dương Thị Thu Hương, 50 tuổi, cất cùng lúc với cô Cưng và Tiên, cũng nơm nớp. Chồng của bà Hương bị bệnh tai biến, hai con còn đi học “nếu nhà bị đập thì hết sống”, bà nói và khóc.

Cùng dãy, bà Nguyễn Thanh Hồng, 35 tuổi, cuộc đời ở trọ dành dụm mua được căn nhà nhỏ mới trả nửa tiền; ông chạy xe ôm Bành Bửu Bình cất dở căn nhà rồi bỏ đó.

Còn trên đất của ông PGĐ Công an TP Cần Thơ có 3 căn nhà. Một của ông Đỗ Công Thành mua đất cuối năm 2012, xây nhà năm 2013; hai căn của anh em ông Nguyễn Thanh Tùng cất sau cô Cưng và Tiên ít lâu. Ông Thành giới thiệu là cựu chiến binh, bày tỏ băn khoăn không hiểu vì sao chính quyền phải đập nhà dân, “chẳng lẽ quy hoạch treo kéo dài và bắt dân ở nhà cửa rách nát hoặc không có chỗ ở mãi?”.

Trở lại túp lều ni lông của cô Cưng dựng đầu đống gạch sau ngày nhà bị đập, nay được che đậy thêm lớp lau sậy. Cha của cô, ông thương binh hạng 4/4 Nguyễn Văn Be, 72 tuổi, ngồi một mình trên cái giường sắt có dán mảnh giấy ghi “những người nghèo hùn tiền ủng hộ cho ông thương binh già một cái giường”.

Ông kể, xe ba gác chở cái giường với mảnh giấy đến, không biết của ai. Một lúc, giọng ông rất buồn: “Phải chi hôm đó, ông Chủ tịch phường đừng ra lệnh đập sát đất, còn bờ tường thì đêm nằm cũng đỡ lạnh”.

Tặng quà Tết cho gia đình ông Be

Chiều 5/2, đại diện Hội đồng hương tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu đến thăm, tặng quà tết cho gia đình ông thương binh 4/4 Nguyễn Văn Be. Đại diện Hội đồng hương hầu hết là sỹ quan quân đội nghỉ hưu, cho biết: “Thấy gia đình ông Be đang rất khổ, chúng tôi quyên góp trong đồng hương đến chia sẻ”.

Nguyễn Long

 

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Dông lốc ở Lào Cai gây thiệt hại gần 3 tỷ đồng

Các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện ngày càng gây thiệt hại lớn tài sản người dân trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm