| Hotline: 0983.970.780

Đổ xô đào vườn nuôi tôm

Thứ Tư 15/02/2012 , 10:44 (GMT+7)

Do giá trị tôm thương phẩm tăng cao, hàng trăm hộ nông dân ở xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ (Bình Định) đã đào “trốc” đất nông nghiệp để làm ao nuôi tôm.

"Liên hoàn" ao tôm giữa khu dân cư
Do giá trị tôm thương phẩm tăng cao, vài năm gần đây, hàng trăm hộ nông dân ở xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ (Bình Định) đã đào “trốc” đất nông nghiệp để làm ao nuôi tôm. Kiểu nuôi tôm tự phát này đang dẫn tới hệ lụy gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Bỏ ruộng “ôm” tôm

Chỉ sau vài năm quay trở lại, tôi nhận ra bức tranh nông thôn ở xã Mỹ Thành (Phù Mỹ- Bình Định) bây giờ không còn những vườn cây êm đềm, không còn những nương đỗ, nương bắp xanh mượt mà. Thay vào đó là những ao tôm ken đầy giữa những khu dân cư, ao này nối tiếp ao kia. Tiếng máy sục khí vang xoành xoạch suốt ngày đêm. Vùng quê thuần nông thuở nào bỗng nhiên trở thành vùng nuôi trồng thủy sản rầm rộ.

Hỏi ra thì biết, từ năm 2010 đến nay, nhìn thấy bà con nuôi tôm trên cát ở những địa phương lân cận như xã Mỹ Thắng, Mỹ An thắng lợi liên hoàn, tiền vô ùn ùn. Mê quá. Nhưng vì không có đất quy hoạch cho con tôm nên hàng trăm hộ nông dân ở xã này liền “hô biến” những khu vườn và đất nông nghiệp thành những ao hồ để nuôi tôm.

Ông Ngô Hải, Chủ tịch UBND xã Mỹ Thành cho biết: “Từ vài hộ bột phát ban đầu tại thôn Hưng Tân vào năm 2010 thu lợi nhuận cao, nạn nuôi tôm trái phép nhanh chóng lan rộng sang nhiều thôn lân cận với hàng trăm hộ tham gia. Hết đất vườn thừa, họ làm lấn qua những diện tích đất liền kề vốn trước đây canh tác lúa và hoa màu. Qua kiểm tra sơ bộ, tổng diện tích nuôi tôm trái phép trên địa bàn xã hiện đã lên đến gần 50 ha”.

Cũng theo ông Hải, toàn bộ diện tích đất được đưa vào nuôi tôm trái phép là những vùng đất rất bất thuận cho việc nuôi tôm bởi nằm về phía cao triều, khó lấy nước mặn, cũng như không có đường thoát cho nước thải nên địa phương không quy hoạch cho con tôm. Nhưng vì cái lợi trước mắt quá hấp dẫn, nên những người nuôi tôm trái phép bất chấp sự ngăn chặn của chính quyền địa phương, rủ nhau ào ạt đào vườn thả nuôi.

“Cuối năm 2011, thời điểm nạn nuôi tôm trái phép phát triển rầm rộ, chúng tôi đã thành lập tổ công tác gồm các ngành công an, địa chính, tư pháp về tận từng thôn, xóm kiểm tra. Phát hiện trường hợp vi phạm là lập biên bản, xử phạt hành chính và bắt làm cam kết san lấp diện tích đã đào, trả lại nguyên trạng. Nhưng rồi đâu lại vào đó, họ vẫn lén lút làm không ngăn nổi.

Họ thuê xe cơ giới sẵn, đợi 1- 2 giờ sáng mới làm. Chỉ 1- 2 tiếng đồng hồ sau là hình thành 1 cái ao. Mới chiều qua đi kiểm tra thấy vùng đó còn cây màu đứng sởn sơ, sáng sớm ra nhìn lại đã thấy thành ao nuôi tôm. Thậm chí chúng tôi tổ chức ngăn chặn xe cơ giới đi vào những địa bàn “nóng”, nhưng lực lượng cán bộ xã không đủ để đêm nào cũng canh chừng nên cuối cùng đành bó tay”, ông Hải than vãn.

Cũng phải thôi, bởi với mức phạt 500.000 đ/1 trường hợp thì chẳng răn đe được ai. Vì với 1 sào đất đào ra làm hồ nuôi tôm, sau 3 tháng, với giá tôm thẻ chân trắng (TCT) hiện nay là 100.000 đ/kg, hộ nuôi kiếm được 50- 70 triệu thì mức phạt nói trên chẳng “xi-nhê” gì.

Gậy ông đập lưng ông

Vì là vùng cao triều, nằm xa đầm Đề Gi nên người nuôi tôm trái phép phải đóng giếng ở những vùng đất ven đầm để lấy nước mặn. Sau đó bơm, dẫn vào ao nuôi bằng đường ống dài cả 1km. Nước ngọt thì khai thác tại chỗ từ nguồn nước ngầm. Bởi không được quy hoạch nên những vùng nuôi này không có hệ thống thoát cho nguồn nước thải.

Kết thúc 1 vụ nuôi, hệ thống dẫn nước mặn vào ao tiếp tục có nhiệm vụ đưa nước thải ra đầm. Mặc ao người nào người nấy xả. Kể cả nước thải của những ao vừa mới thả nuôi chừng vài chục ngày, tôm đã dính bệnh lăn đùng ra chết. Nguồn nước cung cấp cho nuôi tôm tại đầm Đề Gi tăng tốc ô nhiễm từng ngày.

Ông Ngô Hải, Chủ tịch xã lo lắng: “Nuôi tôm kiểu “ăn xổi ở thì” như vậy thì chỉ ăn được vài vụ đầu khi nguồn nước chưa bị ô nhiễm. Chẳng chóng thì chầy, sự ô nhiễm của nguồn nước sẽ quay lại hại chính con tôm trên những diện tích nuôi trái phép. Chẳng những vậy, chúng tôi còn lo nó sẽ hại lây những diện tích nuôi tôm trong quy hoạch ở những vùng hạ triều”.

“UBND tỉnh đã chỉ đạo cho chúng tôi làm việc với UBND xã Mỹ Thành, ngay trong tháng 2 này phải thành lập đoàn công tác, kiểm tra từng hộ vi phạm, xác định diện tích và loại đất. Bắt họ phải cam kết san lấp ao nuôi trả lại nguyên trạng. Nếu trường hợp nào ngoài phạm vi xử lý của xã thì trình lên huyện, tỉnh để xử lý đúng khung. Trong thời gian tới phải kiên quyết bằng mọi biện pháp chấm dứt tình trạng này”, ông Ngô Đình Ba- Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện Phù Mỹ.

Lo lắng của ông Hải quả không thừa. Ngày 8/2, thời điểm thả nuôi vụ 1 của năm 2012, khi về thôn Hưng Tân, nơi phát xuất nạn nuôi tôm trái phép, tôi đã nghe râm ran lời than vãn của những chủ ao tôm bị “thua” liền mấy vụ nuôi trong năm vừa qua. Thấy năm 2010 nhiều hộ nuôi trúng đậm, nhiều hộ nông dân dù không có vốn đầu tư cũng đi vay mượn về đào ao nuôi tôm. Đến lúc này nguồn nước đã bắt đầu ô nhiễm, thả nuôi vụ nào thua trắng tay vụ đó.

Ông Huỳnh Ngọc Giai (56 tuổi), người đang sở hữu 2.400 m2 ao tôm tiết lộ: “Thấy nuôi tôm lãi to ham quá cũng nhắm mắt đưa chân bắt chước làm theo chứ làm tôm trên vùng cao triều bấp bênh lắm. Ở quanh quanh đây thôi đã có nhiều hộ lỗ to sau nhiều vụ nuôi như ông Võ Bá Sỹ, Võ Bá Dũng, Đinh Văn Ly, Đinh Văn Bình và ông Ba Nông”.

Theo chỉ dẫn của ông Giai, tôi tìm đến ao nuôi của anh Võ Bá Sỹ. Vừa bước chân vào chòi canh tôm, tôi nhìn thấy anh Sỹ đang đứng tựa cửa nhìn ra ao nuôi với đôi mắt đầy lo lắng. Không lo lắng sao được khi mới “nảy” ra nghề nuôi tôm vào đầu năm 2011, nuôi liên tiếp 2 vụ thua đủ 2 vụ.

“Tui đào khoảnh vườn rộng 170m2 để nuôi tôm. Vụ đầu thả giống mới 20 ngày tôm bỗng lăn đùng ra chết trắng ao. Xả nước ra thả tiếp vụ khác, cầm cự cũng chỉ được chưa đầy 1 tháng tôm lại chết hết. Làm ruộng bấy lâu nay dành dụm được 30 triệu thì nay đã bị lũ tôm “ăn” mất, lại còn đang phải gánh nợ đại lý thức ăn 30 triệu nữa. Đây là vụ thứ 3 mới thả được hơn 1 tháng, nếu thua tiếp thì tui sẽ phải chịu nợ thêm hơn 20 triệu nữa”, anh Sỹ nói như khóc.

Xem thêm
Hơn 300 đại lý tham gia Hội nghị khách hàng Japfa Việt Nam

Ngày 28/3, Hội nghị khách hàng khu vực miền Bắc của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Japfa Việt Nam) được tổ chức tại Vĩnh Phúc với chủ đề 'Đồng kiến tạo giá trị'.

Đề xuất không xử phạt hành chính thuốc thú y chưa kịp công bố hợp quy

Bộ NN-PTNT đề xuất Chính phủ không xử phạt thuốc thú y đã được cấp chứng nhận lưu hành nhưng chưa thực hiện công bố hợp quy từ ngày 14/2/2024 đến ngày 31/5/2025.

Giá ớt giảm mạnh, nông dân không buồn thu hoạch

QUẢNG NGÃI Dù mới bước vào đầu vụ nhưng giá ớt giảm mạnh. Bên cạnh đó, một số diện tích sụt giảm năng suất khiến nông dân đứng trước nguy cơ thua lỗ, không buồn thu hoạch.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất