| Hotline: 0983.970.780

Đổ xô đi bắt chuột

Thứ Năm 07/10/2010 , 11:55 (GMT+7)

Theo tập quán vùng tứ giác Long Xuyên, chuột cũng là một món ăn được ưa thích. Năm nay tôm, cá khan hiếm, người dân đổ xô đi bẫy chuột…

Miền Tây Nam bộ được xem là xứ sở của chuột đồng. Tại vùng tứ giác Long Xuyên bất kể mùa khô hay mùa lũ chuột vẫn nhiều vô kể. Theo tập quán địa phương, chuột cũng là một món ăn được ưa thích. Năm nay tôm, cá khan hiếm, người dân đổ xô đi bẫy chuột…

>> Đói lũ, đói ăn

Nguồn thức ăn chính của chuột là lúa, gạo cùng hoa màu theo các mùa sản xuất. Chính vì vậy, loài chuột coi vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long là nơi lý tưởng để xây dựng “vương quốc”. Cứ vào giữa vụ, khi cây lúa bắt đầu lên đòng chuột kéo cả đàn hàng trăm con nối đuôi nhau tàn phá mùa màng. Ở nơi thực phẩm dư thừa nên chuột miền Tây cũng có thói quen xài sang. Món khoái khẩu nhất của loài chuột là đọt đòng sữa khi còn trong thân cây lúa, vào thời kì này mỗi con chuột có thể xơi gọn chừng 2 m2 ruộng.

Một đàn chuột vài trăm con đủ sức phá hủy vài hecta chỉ trong một đêm. Chuột đồng ở miền Tây có 2 loại: Chuột cơm và chuột cống nhum. Chuột cơm nhỏ con trọng lượng 4-5 con/ký, có lông màu hung vàng dáng vẻ dãi dầu sương nắng. Còn chuột cống nhum, to lớn, lông đen mượt, trọng lượng gấp 3-4 lần chuột cơm đồng. Do chuột nhiều và phá hoại mùa màng rất dữ nên người nông dân miền Tây phải tổ chức bắt chuột quanh năm. Ban đầu chỉ là bắt chuột phá lúa nhưng sau này bắt chuột, buôn chuột lại trở thành một nghề “hái ra tiền”.

 Ở đây, thịt chuột được bán ở các sạp chợ quê sẵn như thịt gà. Chuột mang bán cũng được phân ra thành 4 loại: Chuột cống nhum thuộc dòng đặc sản, khá hiếm, nên được bán với giá 70-80 ngàn đồng/kg. Chuột cơm lớn từ 4-5 con/kg xếp vào loại 1, đầu nậu bán đổ buôn trên thị trường giá 50 ngàn đồng/kg. Chuột cơm vừa là loại 2 từ 6-7 con/kg bán 40 ngàn đồng. Chuột cơm loại 3 chỉ để dành nuôi trăn cũng đến 30 ngàn đồng/kg. Người dân Nam bộ chế biến thịt chuột ra thành nhiều món chỉ nghe đã thấy hấp dẫn: chuột khía nước dừa, chuột om riềng mẻ, chuột xào lăn, chuột quay lu… Dân ghiền thịt chuột miền Tây còn gọi chệch tên cho món nhậu ưa thích của mình thành “ngựa đồng”.

Do nguồn cung thủy sản thiếu hụt nên nghề bắt chuột năm nay cạnh tranh gay gắt. Khác với lệ thường, vào mùa lũ, trên khắp nẻo đường, bà con nhộn nhịp quăng chài đánh bắt cá, tôm trên các cánh đồng. Nhưng năm nay vùng Tứ giác Long Xuyên lại nhộn nhịp về đêm. Chuột chạy theo đàn, người đi bắt chuột cũng lập thành từng đội. Ở Cái Dầu, Châu Phú, An Giang, cả làng cùng hành nghề bắt chuột. Có rất nhiều cách để bắt chuột nhưng phổ biến nhất vẫn là bẫy gập, bao cù và đâm chuột. Cách bắt chuột được nhiều nhất, vui nhất vẫn là “bao cù”.

Trước thời điểm gặt lúa, bà con để mồi chụm lại giữa ruộng, liên tục trong vài ngày. Chuột quen mồi “kháo nhau” tìm đến mỗi lúc một đông. Khi ấy, mọi người tập trung lại gặt lúa xung quanh tạo thành vòng tròn, rồi đào những hang nhỏ khuất sau đụn lúa, khi đàn chuột hoảng hồn chui xuống thì chỉ việc thò tay tóm bắt từng con. Tuy nhiên, cách bắt chuột này chỉ những ông chủ đồng ruộng biểu diễn, không dành cho dân chuyên nghiệp. Phần lớn dân chuyên chuột hành nghề bằng bẫy gập. Bắt chuột bằng bẫy gập không cần phải dụ mồi, người ta chỉ cần lần tìm dấu vết của đàn chuột chạy hôm trước rồi đặt bẫy. Đàn “ngựa đồng” thường quen lối cũ nên nhất định sẽ sập bẫy hàng loạt. Cứ khoảng một hai tiếng lại phải kiểm tra bẫy một lượt, bẫy nào sập thì đặt lại.

Cứ như vậy, người đặt vài chục đến trăm bẫy thì mỗi đêm cũng bắt được từ 100-200 con chuột. Lại có người chọn cách “săn” chuột, tựa như bắn chim. Bởi vào mùa nước nổi, chuột thường leo lên cây ẩn nấp. Ban đêm họ dùng đèn và súng bắn tên đi lùng chuột. Cách này khá phức tạp, vì chuột chạy rất nhanh nên đòi hỏi người đi săn phải là thiện xạ. Tính đến nay, anh Trần Văn Út, Châu Đốc, An Giang đã có tới 15 năm trong nghề bắt chuột. Anh cho biết, sau mỗi chuyến săn thịt “ngựa đồng” trở về , trung bình cũng có 200-300 ngàn. Tuy nhiên, nghề này hơi cơ cực, vất vả vì thường phải ăn chực, nằm bãi, dầm sương thức thâu đêm suốt sáng.

Rời miền quê nghèo khó, trở về thành phố Cần Thơ, thử tìm hiểu thị trường “ngựa đồng” trong khu vực nhà hàng. Câu hét giá đầu tiên cho món đặc sản chuột cống nhum quay lu là 120.000 đồng/kg. Nhu cầu thịt chuột đồng ở thành phố rất lớn, hình thành các quán chuyên thịt chuột, luôn sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của thực khách. Xem ra, thịt chuột tạm thời đang là sản phẩm cứu cánh cho các hộ dân nghèo miền Tây Nam bộ mùa đói lũ.
Bởi đồng bằng sông Cửu Long lúc nào cũng sẵn chuột nhưng muốn bắt được chuột phải nương theo mùa vụ của từng địa phương. Cứ nơi nào lúa bắt đầu làm đòng thì dân bắt chuột tìm đến. Dạo này lượng người đặt bẫy chuột đông hơn, nhóm săn chuột của anh Út cũng kết nạp thêm một người em họ vừa bỏ lưới lên bờ. Hầu hết những đội bắt chuột anh Út quen mặt đều thêm gương mặt mới, đòi hỏi anh phải tranh thủ đi sớm. Nếu chậm chân, hết chỗ đặt bẫy gần thì cả nhóm lại phải tiếp tục đi xa hơn nữa.

Sự chuyển dịch lao động từ đánh bắt thủy sản sang kiếm sống “nhờ” chuột còn thể hiện ở việc gia tăng số lượng người làm công tại cơ sở giết mổ chuột. Đối tượng lao động tại đây chủ yếu là phụ nữ, không thể theo chồng săn chuột thức đêm sống vật vờ hàng tuần lễ ngoài đồng. Vì vậy, để có thêm thu nhập họ chọn phương án làm thuê cho các chủ buôn. Riêng ấp Bình Chánh, xã Bình Long đã có tới 4 chủ buôn chuột.

Ông Lê Văn Số, một trong những chủ buôn tại đây cho biết cơ sở giết mổ chuột của ông thường trực phải có 25-30 người làm, mỗi công lao động tương đương với 80 ngàn đồng. Trung bình mỗi ngày ông nhập từ 700-1.000 kg chuột nhưng vẫn không đủ để cung ứng. Sau khi phân loại, mổ thịt, lột da, rửa sạch và ướp đá toàn bộ được chuyển đi tiêu thụ dưới Long Xuyên. Tính sơ sơ, chỉ trong một xóm Bình Chánh đã có gần trăm lao động làm thuê cho các chủ buôn chuột, chưa kể những người làm trung gian thu gom từ dân săn chuột rồi đổ mối cho chủ buôn, các “thương gia” chuyên nhập chuột từ Campuchia về…

Xem thêm
Nhiều mặt hàng nông sản ở ĐBSCL tăng giá

Giá bán nhiều nông sản đều tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái là nhờ thông qua sự liên kết với doanh nghiệp và các kênh tiêu thụ từ hệ thống siêu thị.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm