| Hotline: 0983.970.780

Doanh nghiệp 'bội tín', người trồng ớt lao đao

Thứ Tư 25/04/2018 , 07:15 (GMT+7)

Tin tưởng lời “hứa suông” của doanh nghiệp, hơn 20 hộ dân thôn Ngụ Phúc và Ngụ Quế, xã Cẩm Vịnh, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang phải ngậm quả “đắng” vì 2,8ha ớt cay chín đỏ đồng nhưng không có ai thu mua.

Tháng 9/2017, thông qua sự giới thiệu của một người quen biết, khoảng 20 hộ dân ở thôn Ngụ Quế, Ngụ Phúc liên kết với Cty TNHH Anh Thôi (Thanh Hóa) trồng ớt cay.

08-56-49_2
Ớt chín đỏ đồng nhưng không có người thu mua

Theo phản ánh của người dân, khi về vận động dân trồng ớt, doanh nghiệp này hứa hẹn xây dựng thành chuỗi sản xuất từ cung ứng giống, ni lông, phân bón đến bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch.

Do chưa có kinh nghiệm trong việc hợp tác sản xuất và tin vào lời hứa của doanh nghiệp nên người dân không đặt nặng vấn đề ký kết hợp đồng. Sau hơn 8 tháng “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, chăm chút từng sào ớt, cây trồng mới này cho năng suất khá cao.

Ớt bắt đầu chín, người dân liên hệ với Cty, ngay sau đó, doanh nghiệp Anh Khôi cũng cho người vào thu mua. Tuy nhiên, buồn thay sản lượng Cty bao tiêu chỉ được 8 tạ với giá “bèo” (dao động 5.000 - 6.000 đồng/kg) hơn rất nhiều so với giá ngoài thị trường.

Sau chuyến gom hàng cách đây hơn 1 tháng, Cty Anh Khôi “bặt vô âm tín” đến nay, bỏ mặc nông dân nuốt nước mắt nhìn cả ruộng ớt chín rụng đỏ gốc cây. Chị Nguyễn Thị Phượng, thôn Ngụ Quế xót xa cho biết, gia đình chị làm 2 sào ớt. Đợt 1 vừa qua, Cty vào mua 96kg, nhưng còn nợ tiền. Nay diện tích ớt chín ngày càng nhiều nhưng Cty “bội tín”, không vào thu mua nên chị chỉ còn cách ngắt mỗi ngày một ít đem ra chợ bán mong vớt vát đồng vốn.

“Bình quân đầu tư 1 sào ớt hết khoảng 1,5 triệu đồng. Tuy tính giá trị kinh tế không lớn lắm nhưng chúng tôi không nghĩ lời hứa của doanh nghiệp lại không có trọng lượng như vậy”, một hộ trồng ớt cùng thôn Ngụ Quế nhấn mạnh.

08-56-49_4
Nông dân ngậm quả “đắng” vì tin vào lời “hứa suông” của doanh nghiệp Anh Thôi

Chán nản trước vụ ớt “đắng”, khoảng 1 tháng nay nhiều hộ dân ở Cẩm Vịnh bỏ mặc đồng ớt chín thối. Chị Nguyễn Thị Hòa, thôn Ngụ Quế bảo: “Nhìn ớt chín rụng tôi xót của nên thu hoạch về chất trong nhà, hết làm tương lại đem ra phơi, một số đem ra chợ nhưng cũng rất khó bán. Bây giờ biết chắc là lỗ vốn rồi nhưng chúng tôi vẫn hi vọng phía công ty kịp thời về thu mua diện tích ớt chín còn lại, giá rẻ bao nhiêu bà con cũng chấp nhận. Nếu không thì một thời gian nữa đành phải hủy cây, cải tạo đất để trồng giống cây trồng khác”.

Trưởng thôn Ngụ Quế, ông Nguyễn Trọng Quế cho biết, sau khi Cty về họp bàn, người dân hào hứng bắt tay vào sản xuất. Do tin tưởng Cty nên bà con không đặt nặng vấn đề hợp đồng. Trước tết, Cty Anh Thôi có gửi bản thảo hợp đồng vào cho dân hoàn tất, song vì nhiều lý do nên đến nay vẫn chưa thể ký kết.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Chiến, Chủ tịch UBND xã Cẩm Vịnh thông tin, vụ đông 2017, chủ trương của xã đối với vùng đất thôn Ngụ Quế, Ngụ Phúc là trồng khoai lang chất lượng cao chứ không phải trồng ớt cay. Thế nhưng, khi Cty Anh Thôi vào đặt vấn đề trồng ớt, nông dân vẫn quyết tâm làm. Xã cũng đã khuyến cáo người dân nên làm hợp đồng cụ thể, ràng buộc giữa từng hộ với doanh nghiệp trên cơ sở đóng dấu xác nhận của chính quyền địa phương, nhưng đến nay vẫn không thấy hợp đồng đâu.

“Xã đã liên hệ với Cty, song họ bảo do thời tiết bất lợi nên chưa thể thu mua. Hiện ớt đang vào kỳ chín rộ, trong khi không có cơ sở chế biến nên người dân phải để quả chín rụng ngoài đồng. Nếu sắp tới chờ doanh nghiệp không được, xã sẽ vận động cán bộ, kết nối các nhà hàng “giải cứu” ớt cho người dân. Trước mắt chúng tôi làm công tác tư tưởng, khuyên bà con nếu có đầu ra thì nên bán cho được giá, gỡ gạc được đồng nào hay đồng đó”, ông Chiến nói thêm.

 

Xem thêm
Trại cầy vòi mốc lớn nhất miền Bắc thu hàng chục tỷ mỗi năm

Gần 20 năm gắn bó với cầy vòi mốc, anh Phạm Văn Hùng ở huyện Lục Nam, Bắc Giang đang thu được hàng chục tỷ đồng mỗi năm nhờ tâm huyết với loài vật này.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất