| Hotline: 0983.970.780

Doanh nghiệp cần làm gì để đón sóng thương mại điện tử?

Thứ Năm 09/11/2017 , 14:59 (GMT+7)

Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC 2017 ngày 8/11 đã thông qua hàng loạt văn kiện quan trọng, mang tính dấu ấn của năm APEC 2017.

ảnh MH

Một trong số đó bắt nguồn từ sáng kiến của Bộ Công thương Việt Nam, đó là Khung thuận lợi hóa thương mại điện tử xuyên biên giới trong APEC.

Tầm nhìn và sự nhạy bén

Bình luận về việc này, TS. Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết: “Việc Việt Nam đề xuất thảo luận Khung thuận lợi hóa thương mại điện tử xuyên biên giới trong APEC ở chương trình nghị sự APEC 2017, và được tất cả các thành viên APEC ủng hộ. Điều này xác nhận tính đúng đắn từ sự lựa chọn của Việt Nam. Nó cũng chứng tỏ cả tầm nhìn lẫn sự nhạy bén của Việt Nam khi xác định các vấn đề chiến lược đặt ra cho APEC”. 

Việc ra đời Khung thuận lợi hóa thương mai điện tử (TMĐT) xuyên biên giới như một thành quả của năm APEC 2017, cũng như sự xuất hiện của nhiều doanh nghiệp TMĐT hàng đầu thế giới (Alibaba, Facebook...) tại Việt Nam trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao APEC đã cho thấy tầm quan trọng của TMĐT cả từ góc nhìn chính sách cũng như kinh doanh trong bài toán hội nhập hiện nay.

TMĐT xuyên biên giới hiện được coi là lĩnh vực phát triển nhanh nhất của thương mại thế giới. Từ xuất phát điểm gần như bằng 0 ở thời điểm hai thập kỷ trước, đến cuối năm 2016, TMĐT xuyên biên giới (bao gồm giao dịch doanh nghiệp – doanh nghiệp B2B và bán lẻ B2C) ước tính đạt 1.920 tỷ USD trên toàn cầu. Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương có khối lượng giao dịch lớn nhất thế giới, theo sau là khu vực Tây Âu và Bắc Mỹ. Tính riêng về TMĐT B2C, doanh thu TMĐT B2C xuyên biên giới của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương năm 2016 đạt 144 tỷ USD, chiếm khoảng 35,9% doanh thu TMĐT xuyên biên giới B2C toàn cầu. Con số này được dự đoán sẽ tăng lên 467 tỷ USD và 47,9% vào năm 2020.

Nhằm phát huy hơn nữa động lực tăng trưởng của TMĐT xuyên biên giới, đóng góp tích cực cho liên kết thương mại và kinh tế khu vực, Việt Nam đã đề xuất, chủ trì xây dựng sáng kiến về Khung thuận lợi hóa Thương mại điện tử xuyên biên giới trong APEC và coi đây là một nội dung quan trọng của chương trình nghị sự APEC 2017. Khung Thuận lợi hóa này tập trung vào 5 trụ cột làm việc như sau:

Thứ nhất, hoàn thiện và hài hòa hóa khung pháp lý TMĐT của các nền kinh tế APEC nhằm tạo thuận lợi cho TMĐT xuyên biên giới trong khu vực;

Thứ hai, tăng cường xây dựng năng lực để các nền kinh tế APEC có thể hỗ trợ các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ tham gia vào thị trường TMĐT xuyên biên giới trong khu vực và trên toàn thế giới;

Thứ 3, thúc đẩy hoạt động bảo vệ dữ liệu cá nhân xuyên biên giới thông qua việc thực hiện các chương trình đang triển khai của APEC;

Thứ 4, thuận lợi hóa thương mại phi giấy tờ trong khu vực;

Thứ 5, giải quyết những vấn đề mới và liên quan đến nhiều bên trong TMĐT xuyên biên giới. 

Doanh nghiệp cần làm gì?

Nằm trong khu vực được đánh giá là khu vực phát triển năng động nhất về TMĐT trên thế giới,Việt Nam đang đứng trước cả những thuận lợi và thách thức mà vị trí địa lý này mang lại. Bên cạnh nhiều yếu tố, thì xu hướng hội nhập và toàn cầu hóa cũng đang tác động rất mạnh đến TMĐT Việt Nam, thể hiện ở dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong thời gian qua, và cùng với vốn đầu tư là công nghệ và giải pháp. Dưới tác động đó, các xu hướng phát triển của TMĐT Việt Nam thời gian tới sẽ không nằm ngoài những xu hướng chung của thế giới, cụ thể như: Các công nghệ đặc trưng của Cách mạng công nghiệp 4.0 (dữ liệu lớn, Internet của vạn vật, trí tuệ nhân tạo, sinh trắc học...) sẽ khởi nguồn những hình thái ứng dụng TMĐT mới trong thời gian tới; Các mô hình kinh tế chia sẻ (Sharing Economy) phát triển mạnh; Phương thức bán hàng đa kênh (Omni Channel) được ứng dụng rộng rãi trong doanh nghiệp; TMĐT xuyên biên giới, cả theo phương thức B2B và B2C, phát triển nhanh; TMĐT trên di động và thanh toán di động trở nên phổ biến.

Nhìn rộng hơn ra bối cảnh nền kinh tế số và những chuyển động của cuộc cách mạng Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, TMĐT là phương tiện hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp gia nhập chuỗi cung ứng quốc gia và khu vực, nâng cao tính cạnh tranh và thực hiện thành công quá trình chuyển đổi số. Tại Việt Nam, các doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ chiếm tỷ trọng rất lớn trong tổng số doanh nghiệp cả nước (hơn 90%). TMĐT và công nghệ số đang mở ra cơ hội cho doanh nghiệp vừa và nhỏ rút ngắn khoảng cách với các doanh nghiệp lớn, nhờ vào tính cạnh tranh bình đẳng và linh hoạt của môi trường kinh doanh số. Yếu tố có vai trò quyết định đối với thành công của doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay là trình độ khai thác và tiếp cận công nghệ, cũng như phương thức tổ chức hoạt động kinh doanh và mạng lưới kết nối đối tác.

Để cạnh tranh trong môi trường năng động và có hàm lượng công nghệ cao này của nền kinh tế số, doanh nghiệp cần đổi mới cách tư duy, xây dựng những mô hình kinh doanh mang tính sáng tạo, tránh lối mòn của các doanh nghiệp đi trước. SMEs (doanh nghiệp nhỏ và vừa) có lợi thế về tính linh hoạt trong mô hình tổ chức hoạt động và khả năng sáng tạo, học tập cái mới, nhưng có thể còn hạn chế về vốn và năng lực nghiên cứu. Do vậy, việc chủ động trang bị kiến thức, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số, mạnh dạn áp dụng các mô hình TMĐT mới và chú trọng xây dựng uy tín, thương hiệu trên môi trường trực tuyến là những mục tiêu thiết yếu doanh nghiệp SMEs cần hướng tới để phát huy hơn nữa các lợi ích của TMĐT nói riêng cũng như hòa nhập vào dòng chảy của nền kinh tế số nói chung.

Còn theo TS Trần Đình Thiên, để triển khai sáng kiến Khung thuận lợi hóa thương mại điện tử xuyên biên giới trong APEC, chắc chắn còn rất nhiều việc phải làm.

 “Chính phủ đang làm những việc này một cách quyết liệt. Làm thật. Bộ Công Thương cũng đang nỗ lực rất tích cực. Tôi tin rằng sẽ có kết quả tích cực. Song để không bị tụt hậu thì phải nỗ lực hơn rất nhiều, và phải đúng hướng – đúng logic thời đại và với tầm nhìn liên kết, hội nhập toàn cầu”, ông Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

Xem thêm
Sản phẩm từ mật hoa dừa xuất khẩu chính ngạch sang thị trường thứ 5

Các sản phẩm từ mật hoa dừa do Công ty Sokfarm chế biến đã xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Nhật Bản, Hà Lan, Đức, Mỹ và mới đây là Australia.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm