| Hotline: 0983.970.780

Doanh nghiệp lâm nghiệp khốn đốn

Thứ Hai 11/06/2012 , 09:30 (GMT+7)

Hàng loạt doanh nghiệp (DN) lâm nghiệp ở Đắk Lắk lâm vào cảnh nợ nần, khốn đốn khi “bầu sữa” gỗ khai thác theo chỉ tiêu bị cắt giảm.

Gỗ rừng bị lâm tặc khai thác trái phép được thu giữ tại Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Ya Lốp, một DN hiện chỉ nuôi bò để trả một phần lương cho công nhân giữ rừng

Hàng loạt doanh nghiệp (DN) lâm nghiệp ở Đắk Lắk lâm vào cảnh nợ nần, khốn đốn khi “bầu sữa” gỗ khai thác theo chỉ tiêu bị cắt giảm.

Thế chấp sổ đỏ trả lương công nhân

Từ đầu năm đến nay, 30 công nhân, lao động ở Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Chư Ma Lanh ở H.Ea Súp vẫn chưa được nhận lương trong khi vẫn phải làm nhiệm vụ trông giữ gần 13.800 ha rừng. Mỗi người chỉ được ứng 1 triệu đồng mỗi tháng để “cầm hơi”.

Ông Nguyễn Hữu Thu, giám đốc công ty, không giấu vẻ thất vọng: “Tiếng là DN nhưng giờ đây hầu như công ty không sản xuất kinh doanh gì ngoài công việc giữ rừng. Trước đây, công ty được khai thác gỗ trên diện tích rừng mình quản lý theo chỉ tiêu tỉnh giao, dù ít (khoảng 500 m3/năm) nhưng cũng có lợi nhuận đáp ứng khoảng 1/3 chi phí hoạt động. Từ năm 2009 đến nay, do rừng nghèo, không còn chỉ tiêu khai thác, DN lâm cảnh khốn đốn chưa từng thấy”.

Ông Thu cho biết, những năm trước, công ty đầu tư nuôi cá tại lòng hồ thủy lợi Ea Súp Thượng rộng hơn 1.000 ha, nhưng sau một thời gian, lượng cá thất thoát lớn do lũ lụt, đơn vị không còn vốn nuôi tiếp. Năm 2010, không còn nguồn thu nào đáng kể, ông Thu phải thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) ngôi nhà của gia đình ở Buôn Ma Thuột vay ngân hàng 500 triệu đồng để trang trải cho các hoạt động của công ty. Một số hộ công nhân cũng phải thế chấp sổ đỏ đất vườn vay tiền cho công ty mượn lại 300 triệu đồng.

Theo ông Thu, hiện công ty còn nợ công nhân 4 tháng lương năm 2010 (khoảng 400 triệu đồng). Năm 2011, công ty được ngân sách tỉnh cấp hỗ trợ 968 triệu đồng, mới đủ chi khoảng 50% lương và chi phí quản lý, bảo vệ rừng. Còn năm 2012 thì đơn vị chưa được hỗ trợ đồng nào, phải “giật gấu vá vai”, vay mượn tiền của khách hàng để duy trì hoạt động.

Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Rừng Xanh cũng trong tình trang tương tự khi không còn nguồn gỗ khai thác. Ông Nguyễn Văn Đính, giám đốc công ty cho biết, năm 2011 công ty được ngân sách tỉnh hỗ trợ 605 triệu đồng, vẫn còn thiếu 1,1 tỉ đồng cho công việc giữ rừng; năm nay thì chưa nhận được nguồn hỗ trợ nào. Hiện công ty còn nợ bên ngoài hơn 1 tỉ đồng nhưng không biết bấu vào đâu để trả. Hoạt động sản xuất, kinh doanh duy nhất của công ty là chăn nuôi đàn bò 200 con dưới tán rừng khộp; nhờ bán đi một số bò mà giải quyết một phần lương cho công nhân. Tương tự, Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Ya Lốp gần đó cũng “sống” lay lắt nhờ bán bớt đàn bò 350 con để trả lương cho công nhân trông coi hơn 7.000 ha rừng.

Khó khăn còn dài

“Hiện chúng tôi đang chờ triển khai đề án liên kết với Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam để chuyển một phần đất rừng nghèo sang trồng cao su. Nhưng việc thực hiện chủ trương này, nhất là thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng không đơn giản nên khó khăn của các đơn vị vẫn còn kéo dài” – ông Thu nhận định.

Từ năm 2011, các công ty lâm nghiệp (nguyên là các lâm trường) ở Đắk Lắk đồng loạt chuyển sang hình thức công ty TNHH MTV. Một giám đốc DN nhận xét, thực chất việc chuyển đổi này là “bình mới, rượu cũ” do hoạt động không khác lâm trường trước đây. Mỗi DN lâm nghiệp quản lý một diện tích rừng nghèo, khi có chủ trương đóng cửa rừng, cắt chỉ tiêu gỗ khai thác thì trở nên chới với, loay hoay tìm cách tồn tại.

Ông Lê Quang Tuyến, giám đốc Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Ya Lốp, phàn nàn: “Khó lòng vay vốn ngân hàng để phát triển kinh doanh vì các công ty lâm nghiệp không có tài sản gì thế chấp. Nhiều cơ quan quản lý cho rằng chúng tôi đã là doanh nghiệp thì phải tự xoay xở mà sống. Trong khi đó, không thể có nguồn thu gì từ rừng khộp nghèo kiệt”.

Ông Nguyễn Văn Xuân, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Đắk Lắk, thừa nhận có 13 trong số 15 DN lâm nghiệp đang trong tình cảnh khó khăn vì không còn chỉ tiêu khai thác gỗ rừng. Theo ông Xuân, hiện tỉnh đã thống nhất tháo gỡ một phần khó khăn này khi cấp ngân sách quản lý, bảo vệ rừng cho các công ty lâm nghiệp từ năm 2011 trở đi nhưng thủ tục giải ngân còn chậm nên nhiều đơn vị không chủ động được nguồn thu.

Tuy nhiên, theo các DN lâm nghiệp, việc hỗ trợ từ ngân sách địa phương theo định mức 1 người quản lý 1.000 ha rừng là quá thấp, không đủ chi phí cho hoạt động quản lý, bảo vệ rừng. Trên thực tế, nhiều DN phải hợp đồng thuê thêm nhân công để bảo vệ diện tích rừng mênh mông trước sự xâm nhập, tàn phá của lâm tặc. Ông Nguyễn Hữu Thu cho rằng chỉ có thể chuyển đổi một phần diện tích rừng nghèo, không còn hiệu quả kinh tế sang đất nông nghiệp các DN lâm nghiệp mới có thể trụ được.

Xem thêm
Hội chợ xúc tiến thương mại khu vực kinh tế tập thể, hợp tác 2024

Hội chợ diễn ra từ 18-22/4 tại phố Trần Nhân Tông và công viên Thống Nhất, Hà Nội với sự tham gia của 120 HTX từ 44 tỉnh thành và 30 doanh nghiệp.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ chi trả 352 triệu đồng quyền lợi cho khách hàng

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ phối hợp với Agribank - Chi nhánh Tuyên Quang chi trả quyền lợi Bảo an tín dụng cho khách hàng tham gia vay vốn không may gặp rủi ro.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm