| Hotline: 0983.970.780

Doanh nghiệp thấm bài học 'thẻ vàng'

Thứ Hai 09/04/2018 , 09:05 (GMT+7)

Tại hội nghị bàn giải pháp khai thác, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm hải sản khai thác, do Bộ NN-PTNT phối hợp với UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức tại TP Nha Trang, nhiều DN đã bày tỏ nỗi thấm thía từ khi Ủy ban Châu Âu (EC) rút “thẻ vàng” chống khai thác bất hợp pháp IUU.

Thấm thía "thẻ vàng"

Đơn cử như trường hợp Cty CP Thủy sản Bình Định (Biddifisco) chuyên xuất khẩu cá ngừ đại dương mỗi năm khoảng 60 triệu USD, trong đó thị trường EU chiếm đến 65-70%.

08-16-29_4
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường chủ trì hội nghị. (Ảnh: Mạnh Tuấn)

Bà Cao Thị Kim Lan, GĐ Cty này bày tỏ: DN đã thấm thía với “thẻ vàng” và gặp rất nhiều khó khăn, nhất là khâu thu thập nhật ký khai thác không hề đơn giản và gần như không lấy được từ ngư dân. Do đó việc xác nhận nguyên liệu của DN bị trễ, ảnh hưởng đến làm hồ sơ xuất khẩu. “Nhật ký tàu chúng ta triển khai từ lâu nhưng mà thực hiện vẫn còn chưa đủ, lỏng lẻo và chưa thể nào kiểm tra, quản lý hết toàn bộ nhật ký. Nếu đưa cho DN làm việc này thì ngoài tầm và rất khó khăn”, bà Lan nói. Bà Lan kiến nghị, để tháo gỡ cho DN, việc thu nhật ký nên để cơ quan quản lý và khi ngư dân cập cảng thì nộp nhật ký này tại cảng cá. Và khi DN thu mua cá của tàu nào, thì họ sẽ xin từ cảng sẽ dễ dàng hơn là đi tìm chủ tàu để lấy.

Đối với trường hợp Cty Việt Cường (Tiền Giang) khi Thông tư 02/2018/TT-BNNPTNT ban hành, từ 7/3 đến ngày 5/4 thì DN trở nên bơ vơ, vì không mua được nguyên liệu. Lý do, Chi cục Thủy sản không xác nhận, còn ban quản lý cảng chưa sẵn sàng.

Ngoài ra, các DN còn kiến nghị về mức phí cấp giấy thẩm định xác nhận nguồn NLTS từ 700.000 đồng/lần giảm xuống còn 200.000 đồng/lần. Song, để đảm lợi ích hài hòa cho DN, mức phí này nên tính dựa vào khối lượng xác nhận thực tế.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP) cho rằng, hải sản Việt Nam phải nhanh chóng thoát “thẻ vàng”, chứ nếu bị chuyển sang thẻ đỏ sẽ bị cấm xuất khẩu sang thị trường EU, với kim ngạch 400 - 450 triệu USD/năm. Bên cạnh đó, chương trình giám sát thủy sản xuất khẩu (Simp) của Mỹ áp dụng cho 13 loài: bào ngư, cá tuyết Đại Tây Dương, ghẹ xanh Đại Tây Dương, cá hồng, hải sâm, các loài cá nhám và các loại cá ngừ. Đặc biệt năm 2019, chương trình này sẽ áp dụng cho tôm, cho nên chúng ta sẽ chịu nhiều rủi ro lớn.
 

Quyết liệt chống đánh bắt bất hợp pháp

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám, sau khi EC rút “thẻ vàng”, đến nay chúng ta chỉ có 1 trường hợp vi phạm đánh bắt bất hợp pháp.

08-16-29_2
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám trả lời báo chí về việc “thẻ vàng”. (Ảnh: Mạnh Tuấn)
Tại hội nghị, Bộ NN-PTNT cho rằng sẽ tháo gỡ Thông tư 02/2018 và giao Cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD) cấp giấy ICCAT phục vụ xuất khẩu từ 1/5/2018. Tuy nhiên trước mắt để không gián đoạn xuất khẩu, các DN sẽ tiếp tục được cấp giấy chứng nhận ICCAT tại các chi cục thủy sản; đồng thời Bộ NN-PTNT cũng sẽ xem xét giảm mức phí cấp giấy thẩm định xác nhận cho phù hợp.

Rất vui mừng khi mới đây Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã đẫn đầu đoàn công tác làm việc với EC, họ đánh giá cao sự nỗ lực của chúng ta khi triển khai quyết liệt các giải pháp và hành động, để tháo gỡ “thẻ vàng”. Và trong tháng 5 tới đây, EU sẽ cử đoàn đến Việt Nam để đánh giá thực địa. Do đó, chúng ta phải thực thi những giải pháp đã đưa ra và 9 khuyến nghị của EC. Ngay bây giờ phải hành động, làm tốt tất cả các vấn đề này.

Về các ý kiến của DN, Thứ trưởng Tám yêu cầu các cảng cá phải nhận nhật ký khai thác và chi cục thủy sản phải cử người xuống cơ sở thành lập phòng tại cảng cá để xác nhận các thủ tục, tạo thuận lợi cho DN.

Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, để gỡ “thẻ vàng” các địa phương phải tập trung quyết liệt, thực hiện 9 nội dung khuyến nghị của EU. Các khuyến nghị này cũng trùng vào quyết tâm của chúng ta về một nghề cá có trách nhiệm, bền vững. Vì vậy, 28 địa phương ven biển phải quyết tâm khắc phục ngay những thứ nhãn tiền trước mắt có thể khắc phục được. Phải cấm dứt điểm ngư dân khai thác ngoài vùng biển Việt Nam.

“Rất hoan nghênh là vừa qua chúng ta đã cơ bản khắc phục việc ngư dân đánh bắt ở các quốc đảo. Tuy nhiên hiện nay chủ yếu lo lắng khu vực phía Nam nên các tỉnh có ngư trường khu vực này phải đẩy mạnh tuyên truyền cho ngư dân không đánh bắt bất hợp pháp”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng cũng lưu ý, việc khai báo truy xuất nguồn gốc, khó mấy chúng ta cũng phải làm. Tổng cục Thủy sản phải rà soát cách ghi, cách nhận và khai báo. Rồi chủ tàu tập huấn hướng dẫn thuyền viên về khai báo...

08-16-29_5
Để xóa “thẻ vàng”, ngư dân không được đánh bắt bất hợp pháp. (Ảnh: Mạnh Tuấn)

Chúng ta phải triển khai tích cực, tổng rà soát các nội dụng để tháng 5/2018, phía EU cử đoàn sang Việt Nam đi kiểm ra và họ thấy được sự chuyển động tích cực, đồng bộ của chúng ta, để sớm gỡ “thẻ vàng”.

"Ở tỉnh Quảng Ngãi, tàu nào đánh bắt bất hợp pháp là tịch thu và tiêu hủy luôn, chứ không cần đợi thông tư hướng dẫn hay văn bản gì hết. Mỗi lần ngư dân bị bắt giữ do đánh bắt bất hợp pháp vừa tốn tiền, tốn của, lại ảnh hưởng lớn đến vị thế của Việt Nam".

(Ý kiến một đại biểu)

 

Xem thêm
Cà phê có thể bị tiêu hủy nếu vi phạm quy định kiểm dịch của Mexico

Thông báo ngày 21/3 của Mexico sửa đổi các yêu cầu kiểm dịch thực vật hạt cà phê Arabica và Robusta nhập khẩu từ một số nước, trong đó có Việt Nam.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Lợi nhuận quý I/2024 của DAP Vinachem tăng đột biến

Chi phí đầu vào một số nguyên liệu chính giảm, xuất khẩu thuận lợi giúp DAP Vinachem báo lãi đột biến quý I/2024.