| Hotline: 0983.970.780

Doanh nhân mây nếp

Thứ Ba 20/11/2012 , 10:23 (GMT+7)

Có thể nói cả cuộc đời của doanh nhân Phạm Ngọc Dũng đã gắn chặt với cây mây nếp K83, ngay từ lúc nó được sinh ra.

Chúng tôi gặp Phạm Ngọc Dũng, GĐ Cty Cổ phần Thương mại sản xuất & phát triển mây song Dũng Tấn ở Thái Bình, khi ông vừa từ huyện Tân Lạc (Hoà Bình) trở về. Một dự án “xoá đói giảm nghèo” do một tổ chức quốc tế tài trợ đang được triển khai tại đó, và Cty Dũng Tấn được mời tham gia với nhiệm vụ tư vấn, chuyển giao kỹ thuật để đưa cây mây nếp K83 lên rừng.

Thật ngược đời, mây và song vốn là sản phẩm của rừng. Cách đây chưa lâu, cùng với gỗ là những con thuyền chất đầy mây, song còn ùn ùn từ mạn ngược xuôi về đậu kín các bến sông. Thành phố Nam Định có hẳn một khu phố gọi là “phố Hàng Song”, bởi chuyên buôn bán thứ sản phẩm đó của rừng. Bây giờ, rừng đã kiệt mây song rồi hay sao mà chúng ta phải làm cái việc hệt như việc chở đá lên non ấy? Nghe câu hỏi của chúng tôi, nhà doanh nghiệp chuyên về mây song cười rất tươi:

- Không chỉ Hoà Bình, mà hầu hết các tỉnh có rừng trên cả nước bây giờ đều đưa mây của chúng tôi lên rừng, nhất là từ năm 2005, khi Bộ NN-PTNT có quyết định công nhận mây nếp K83 là cây lâm nghiệp chính. Chúng tôi đã phải triển khai hàng chục vườn ươm ở nhiều tỉnh để tiện cung cấp giống.

Có thể nói cả cuộc đời của doanh nhân Phạm Ngọc Dũng đã gắn chặt với cây mây nếp K83, ngay từ lúc nó được sinh ra. Năm 1973, hai tổ chức của Phần Lan và Thuỵ Điển đã giúp ngành Nông nghiệp VN đưa giống mây mật của Malaysia về VN, lai tạo với giống mây nếp ruột gà, vốn là một loại cây truyền thống của Thái Bình.


”Doanh nhân mây nếp” Phạm Ngọc Dũng

Cuộc hôn nhân giữa “cô” mây nếp ruột gà với “anh chồng ngoại quốc” đã cho ra đời những thế hệ con cháu tuyệt vời. Giống mây lai có những ưu điểm vượt trội hơn hẳn cả giống bố lẫn giống mẹ: Thích ứng rộng, đẻ nhánh nhanh, năng suất cao, thân cây dài, tròn đều, thịt mây trắng bóng tự nhiên và dai hơn, khi đan, uốn không bị vỡ dập, và đặc biệt là trước khi dùng để đan lát các sản phẩm, sợi mây hoàn toàn không phải xử lý bằng hoá chất (chính nhờ có ưu điểm đặc biệt này mà sản phẩm mây đan của ta mới vào được các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật...).

Năm 1980, Tỉnh uỷ Thái Bình có nghị quyết đưa cây mây nếp lai vào trồng rộng rãi trong toàn tỉnh, và đến năm 1983 thì việc “phá giậu gai, cài giậu mây” trở thành một phong trào hết sức sôi nổi ở tỉnh lúa. Mỗi đảng viên phải phấn đấu trồng tối thiểu 50 bụi mây, không có đất thì phải mượn đất mà trồng. Tên “mây nếp K83” được dùng để gọi cây mây nếp lai giữa giống mây mật Malaysia và mây nếp ruột gà Thái Bình, là bắt nguồn từ phong trào đó. Do chủ động được nguyên liệu, nên nghề đan mây của Thái Bình đã phát triển khá mạnh mẽ trong gần chục năm trời.

Năm 1990, do biến động ở Liên Xô cũ và Đông Âu, sản phẩm mây đan của ta mất thị trường. Ngành mây đan nhanh chóng tàn lụi, người dân phá mây để trồng các loại cây khác. Giống mây nếp K83 gần như tuyệt chủng. Chính vào những năm đó, Phạm Ngọc Dũng là người đã “cả gan” đầu tư vào việc phục hồi, bảo tồn và chọn tạo để giữ lại giống cây quý này ở ngay quê anh là xã Thượng Hiền (huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình).

Từ năm 2003 trở đi, do được tự chủ trong SXKD, nhiều doanh nghiệp đã mở được thị trường hàng mây đan mới, ngành mây đan dần dần phục hồi và phát triển, nhu cầu nguyên liệu tăng từng ngày. Năm 2005, Sở NN-PTNT Thái Bình có quyết định công nhận giống mây nếp K83 được phục hồi từ cơ sở SX giống mây của Phạm Ngọc Dũng. Bộ NN-PTNT công nhận mây nếp K83 là cây lâm nghiệp chính. Cũng năm đó, Cty Dũng Tấn được thành lập với chức năng cung cấp cây giống, chuyển giao kỹ thuật, dạy nghề, phát triển ngành nghề nông thôn trong lĩnh vực song mây.

Năm 2008, BQL dự án trồng 5 triệu ha rừng của tỉnh Thái Bình đã chỉ định thầu hạng mục “Xây dựng mô hình phục tráng giống mây nếp K83” cho Cty Dũng Tấn. Năm 2006 và 2009, giống mây nếp K83 do Phạm Ngọc Dũng phục hồi, chọn tạo được Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương và Liên hiệp các Hội KHKT VN trao tặng Huy chương vàng và chứng nhận “Hàng VN chất lượng cao”.

Bản thân Giám đốc Phạm Ngọc Dũng, ngoài danh hiệu “Nghệ nhân có bàn tay vàng” do Hiệp hội Làng nghề VN trao tặng, còn được nhận rất nhiều bằng khen, giấy khen của Trung ương, của tỉnh... Cái danh hiệu “doanh nhân mây nếp” cũng gắn liền với tên anh từ đó.

Từ khi được phục hồi đến nay, trên 50 triệu cây mây nếp giống K83 đã có mặt ở 40 tỉnh, thành phố trên cả nước. Cty Dũng Tấn đã tham gia rất nhiều dự án xoá đói giảm nghèo, bảo vệ TN-MT trên cả nước như dự án phát triển song mây ở Quảng Nam, dự án phát triển trồng mây dưới tán rừng ở Bắc Giang, dự án phát triển mây song ở Khánh Hoà...


Vườn ươm giống mây nếp K83 của Cty Dũng Tấn

Giám đốc Phạm Ngọc Dũng chia sẻ: Mỗi một dự án đều để lại những kỷ niệm sâu sắc với tôi về tình người. Như khi đưa vào các huyện miền núi Quảng Nam, cây mây nếp K83 đã được bà con các dân tộc ít người đón nhận rất hồ hởi, họ coi đó như một thứ “của để dành”, vì trồng một bụi mây, không chỉ đời này mà hai, ba đời sau vẫn còn khai thác được...

Đáng nhớ nhất là khi làm việc với WWF (Quỹ Quốc tế bảo vệ tài nguyên tại VN). Chính tổ chức này đã tài trợ chương trình phục hồi và phát triển TN-MT sinh thái rừng của ta. Phương Tây không khí lạnh, không có cây mây, nhưng khi sang VN, các chuyên gia của tổ chức WWF nhận ngay ra ưu thế của nó, đó là hệ rễ đan xen dầy đặc, tồn trữ trong đất nhiều năm, có khả năng cân đối nước, giữ độ ẩm, chống bào mòn đất rất tốt.

Họ đã nhận xét rằng cây mây chính là cây của sự sống, cây để phục hồi môi trường. Và cây mây đã được họ chọn đưa vào nhiều tỉnh như Quảng Ninh, Hoà Bình, Sơn La... Cty Dũng Tấn đã được WWF ký hợp đồng thời hạn 5 năm, 2010 - 2015, với nhiệm vụ tư vấn, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật trồng cây mây nếp K83 cho các dự án của họ ở cả 3 nước Đông Dương.

Cũng theo “doanh nhân mây nếp”, thì hiện tại, nguyên liệu là sợi mây chưa đáp ứng được nhu cầu của SX. Trong những năm tới, mỗi năm có thể cần tới 6-7 tỷ mét sợi mây. Nghề đan mây SX đồ gia dụng và đồ thủ công mỹ nghệ vẫn là nghề giúp bà con nông dân xoá đói giảm nghèo hiệu quả nhất. Cty Dũng Tấn lúc nào cũng thiết tha được tham gia các dự án xoá đói giảm nghèo trong khả năng của mình như chuyển giao kỹ thuật, cung cấp giống mây, dạy nghề mây đan...

Chỉ cần bà con gọi vào số máy 0904.139.536 hoặc email đến hộp thư maysongdungtan@gmail.com, là người của Cty Dũng Tấn sẽ có mặt trong thời gian sớm nhất.

Xem thêm
Giá heo tăng nhờ tăng cường ngăn chặn nhập lậu

Việc các địa phương ở phía Nam tăng cường ngăn chặn heo nhập lậu đang góp phần giúp cho giá heo hơi tăng lên ở Đông Nam bộ và trên cả nước.

Tỷ lệ tiêm phòng vacxin tăng, nguy cơ bệnh dại sẽ giảm

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình đang tập trung, dồn lực tăng cường quân số về các địa phương hỗ trợ tiêm vacxin phòng, chống bệnh dại.

Hưng Yên làm sống lại các lớp học IPM

Thời gian qua, trong khi ở một số tỉnh việc quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) bị lơ là thì Hưng Yên đã tìm cách vực dậy.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất