| Hotline: 0983.970.780

Độc chiêu thu ngân sách

Thứ Ba 19/06/2012 , 10:12 (GMT+7)

Bộ máy cồng kềnh, ngân sách lại eo hẹp nên ở nhiều nơi, quan xã tìm cách bổ sung ngân sách chi tiêu kiểu hết sức trời ơi.

Bộ máy cồng kềnh, ngân sách lại eo hẹp nên ở nhiều nơi, quan xã tìm cách bổ sung ngân sách chi tiêu kiểu hết sức trời ơi.

>> Nước chè, thuốc lào vặt và phim online

Xã có hơn 100 cán bộ

Chương 3, Nghị định 92 của Chính phủ có quy định, những người hoạt động không chuyên trách cấp xã không quá 22 người. Nhưng ở nhiều nơi, số này gần gấp đôi so với quy định.

Xã Thạch Kim (huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh) có 2.009 hộ, 10.679 dân. Về đội ngũ cán bộ, Chủ tịch UBND xã Hà Minh Tân khoe rằng, Thạch Kim thuộc diện đông “quan chức” nhất tỉnh Hà Tĩnh. Theo thống kê, ngoài 21 cán bộ công chức được biên chế, Thạch Kim có thêm 24 cán bộ bán chuyên trách, 14 giáo viên mầm non hợp đồng, 17 công an viên, 5 cán bộ y tế thôn bản… Nếu tính cả cán bộ phụ trách hưởng phụ cấp tại 6 thôn thì Thạch Kim có hơn 100 người ăn lương làm việc ở xã.

Ngoài các chức danh buộc phải có theo Nghị quyết của tỉnh Hà Tĩnh, xã Thạch Kim còn bổ sung thêm những vị trí rất “độc” như nấu nước, chạy giấy, bảo vệ, cán bộ hội… Đây là xã duy nhất ở huyện Thạch Hà có một đội công an viên gồm 4 người gọi là đội thường trực an ninh phản ứng nhanh, kiểu như đội cơ động đặc biệt. Đội phản ứng nhanh hoạt động độc lập so với 18 công an viên khác và hưởng phụ cấp như nhau. Ông Tân khoe rằng nhờ có đội này mà đời sống bà con được đảm bảo 24/24, có bất kỳ sự cố gì đều huy động có mặt ngay lập tức.


Cán bộ đông quá nên cảnh ngồi xem phim trong giờ làm việc là chuyện bình thường

Tính tổng cộng Thạch Kim có tới 22 công an hoạt động trên địa bàn chỉ có 6 thôn. Nhiệm vụ chính của họ là giữ gìn an ninh trật tự và xử lý các vụ đánh nhau lặt vặt ở làng. Năm vừa rồi, thành tích lớn nhất của đội ngũ công an xã 22 người này là tóm được vài tên trộm chó, bắt lên UBND xã nhổ cỏ một vài thanh niên làng gây sự đánh nhau, còn lại chẳng thấy làm gì. Ban công an ở xã nếu nhìn vào chức danh và số lượng có khi gần bằng công an huyện ở một số nơi. Mỗi thôn có hơn 3 công an viên nhưng đám nghiện hút vẫn cứ hoạt động đều. Không ít lần người dân vấp phải kim tiêm vất đầy ở các nhà văn hóa.

Công an viên đông kỷ lục đã đành, Thạch Kim còn chơi sang khi cho hẳn một người chuyên chạy vạy giấy tờ gọi là cán bộ chạy giấy. Mỗi tháng người này được hưởng mức lương 1,0 tức gần một triệu cho công việc cầm công văn từ phòng này sang phòng khác. Trong khi đó, đội ngũ văn thư, hôm tôi đến, cũng giống như buổi làm việc ở nhiều nơi khác, các cô vừa xem phim vừa buôn chuyện, chẳng có việc gì làm.

Bộ máy cán bộ ở Thạch Kim không chỉ cồng kềnh riêng ở xã mà lan rộng đến tận từng thôn. Bình thường, ở thôn chỉ có một xóm trưởng, một bí thư chi bộ nhưng nhiều thôn ở Thạch Kim như Long Hải có một xóm trưởng và hai xóm phó, thôn Giang Hà có một bí thư chi bộ và hai cấp ủy…

Cán bộ xã đông như họp chợ khiến quỹ lương của Thạch Kim phải chi trả lên đến 2 tỷ đồng mỗi năm. Hơn 100 người được cho là cán bộ xã, người thấp nhất như bà nấu nước, anh bảo vệ mỗi tháng cũng 6-7 trăm ngàn. 5 đoàn thể, ngoài một trưởng, một phó, 6 người phụ trách 6 thôn còn tuyển dụng thêm một người gọi là phụ trách nguồn vốn vay ngân hàng để hội viên phát triển kinh tế. Mỗi người được hưởng 300 ngàn một tháng. Một năm cũng tốn cả chục triệu rồi. Tôi hỏi ông Tân sao không để phó chuyên trách kiêm luôn việc này, ông Chủ tịch xã bảo: Thế cũng thừa sức làm, nhưng có trưởng, có phó rồi chẳng lẽ lại không có nhân viên? Xã tuyển vào cho nó ra ban ra bệ.

Trong quỹ lương phải trả lên đến 2 tỷ đồng mỗi năm thì 1,6 tỷ được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, còn lại 400 triệu xã phải tự lo cân đối. Khoản “tự cân đối” này là cả một chuyện dài. Chủ tịch Tân chỉ ra hai phương án khả thi nhất mà Thạch Kim đã áp dụng, đó là thu phí của người dân và bán đất theo quy hoạch của huyện. Nhưng: “Vẽ ra tất cả các loại phí cũng chỉ thu được 220 triệu, còn những 180 triệu chẳng biết kiếm từ nguồn nào. Xã phải tìm đất để bán. Nhưng bán mãi rồi cũng hết nên khó khăn chồng chất. Theo quy định trong kế hoạch sử dụng đất của tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2011-2016, mỗi xã chỉ được bán tối đa 1.000m2 đất một năm. Mỗi năm dân đóng góp tất cả các khoản phí được khoảng 40-50%, còn lại phải bán đất. Chúng tôi đang tính chuyện bán hết đất rồi không biết lấy đâu ra nguồn thu cho xã đây”. Ông Tân than thở.

Cái khó ló cái liều

Mấy năm gần đây, phong trào bán đất bổ sung ngân sách rầm rộ ở huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh). Từ Thạch Kênh, Thạch Đài, Phù Việt, Thạch Long, Thạch Kim… đến xã nào cũng thấy ào ào chuyện đua nhau bán đất. Tất cả đều được lý giải: Không bán đất lấy tiền đâu mà bù vào ngân sách? Lấy tiền đâu để chi trả lương, xây dựng cơ sở hạ tầng cho xã?


Cán bộ xã Thạch Kim thống nhất bán đất dù biết là vi phạm

Thời điểm này, lãnh đạo xã Thạch Kim đang đau đầu vì không biết đào đâu ra 1,452 tỷ đồng để giải quyết vấn đề “18 hộ dân đòi đất” đã âm ỉ từ mấy năm nay. Năm 2008, khi phong trào bán đất bổ sung ngân sách còn rầm rộ, xã Thạch Kim quy hoạch 22 lô đất, mỗi lô 103m2 để bán cho người dân. Theo quy trình, các hộ dân đứng ra mua đất đăng ký với xã rồi mang tiền đến nộp cho kho bạc. Cán bộ xã Thạch Kim đứng ra nhận tiền và hứa sẽ nộp thay cho người dân. 18 hộ nộp tiền cho xã nhưng chờ 3-4 năm trời chẳng thấy sổ đỏ đâu. Mấy lần lên hỏi cán bộ xã đều khất lần. Đời chủ tịch này xuống, chủ tịch khác lên vẫn chẳng thấy đả động gì đến việc làm sổ đỏ cho dân cả.

“Nếu nói về sai phạm bán đất bổ sung ngân sách thì không riêng xã chúng tôi mà khắp nơi đều thế cả. Chỉ có điều mỗi nơi “linh hoạt” một khác thôi. Thử tính, tỏng tòng tong các khoản xây dựng trường mầm non, trạm y tế, nhà văn hóa... xã đều phải chi cả thì lấy tiền đâu ra. Chỉ riêng chuyện tiền lương cho cán bộ đã lo không được lấy đâu ra mà xây dựng, nên chính quyền phải “linh hoạt” thôi”. Chủ tịch UBND xã Thạch Kim, Hà Minh Tân lý lẽ.

Mới đây, người dân thúc mạnh quá buộc cán bộ xã phải tính nước cùn, tuyên bố: Số tiền gần 1,5 tỷ xã đã tiêu hết rồi, chưa nộp cho kho bạc nên không làm giấy tờ cho dân được. Hóa ra, sau khi nhận tiền của người dân, bộ máy cán bộ xã Thạch Kim bao gồm Thường trực đảng ủy, Hội đồng nhân dân, UBND bàn với nhau chưa nộp cho kho bạc vội mà để lại sử dụng vào mục đích xây dựng cơ sở hạ tầng. Cuối cùng tiền tiêu hết, vị cán bộ nào cũng nghĩ “trách nhiệm tập thể, chẳng phải do mình” nên bây giờ chẳng biết lấy đâu để bù vào.

Vậy số tiền gần 1,5 tỷ đã đi đâu? Về vấn đề này, Phó chủ tịch UBND xã phụ trách kinh tế, ông Biện Ngọc Cường thừa nhận: Xã đã “linh hoạt” trong việc đầu tư xây dựng nhà văn hóa, trạm y tế, trường mầm non chứ không chia chác, bỏ túi như người dân nghĩ. Nhưng sao biết việc làm trái quy trình, vi phạm mà cả đội ngũ cán bộ xã đều nhất trí làm? Cái khó ló cái liều thôi. Túng phải tính, vụ việc vỡ lở, có kỷ luật thì kỷ luật cả xã, chứ có riêng ai đâu.

Bức xúc vì quan xã gian lận tiền bán đất chưa hết, người dân Thạch Kim còn phải è cổ đóng các khoản phí. Ngoại trừ 4 loại quỹ do nhà nước quy định, mỗi năm người dân còn phải đóng thêm những khoản hết sức trời ơi để bù vào khoản chi khổng lồ của xã. Tính sơ sơ, mỗi năm người dân Thạch Kim đóng gần chục loại phí. Chẳng hạn như cái khoản xây hội quán từng thôn. Bộ máy cán bộ xã thống nhất chia bổ đầu người dân theo tỷ lệ: 40-60. Tức nếu xây hết 100 triệu đồng thì người dân phải đóng 40 triệu, còn lại 60 triệu xã “linh hoạt” bằng tiền từ nguồn khác.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Yên Bái: Cảnh tan hoang những ngôi nhà bị mưa đá, giông lốc tàn phá

Ngày 28/3, tại tỉnh Yên Bái đã xảy ra mưa đá, giông lốc gây thiệt hại nhiều nhà ở và cây cối hoa màu các huyện Mù Cang Chải, Trấn Yên và Văn Chấn.

Bình luận mới nhất