| Hotline: 0983.970.780

“Độc chiêu” tuyển sinh

Thứ Tư 10/10/2012 , 10:05 (GMT+7)

Trung tâm Dạy nghề TX An Nhơn (Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Định) không “nằm chờ sung rụng”, mà đã “sáng tác” ra những kiểu tuyển sinh rất “độc chiêu”.

LĐNT học nghề may tại Trung tâm Dạy nghề TX An Nhơn

Công tác tuyển sinh vào các trường dạy nghề đang vô cùng khó khăn, trong bối cảnh ấy, Trung tâm Dạy nghề TX An Nhơn (Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Định) không “nằm chờ sung rụng”, mà đã “sáng tác” ra những kiểu tuyển sinh rất “độc chiêu”.

Nâng tầm dạy nghề

Theo Đề án 1956 về đào tạo nghề cho LĐNT, năm nay Trung tâm Dạy nghề An Nhơn được Sở chủ quản giao chỉ tiêu tuyển sinh 390 học viên. Trong đó 90 đối tượng là con em gia đình thương binh, liệt sĩ (đối tượng 1); còn lại là đối tượng cận nghèo và những đối tượng khác. Riêng học viên nằm trong diện đối tượng 1, ngoài được miễn phí học nghề, học viên còn nhận được khoản trợ cấp 450.000 đ/tháng. Trong quá trình theo học, học viên còn được hỗ trợ tiền tàu xe.

Ông Nguyễn Văn Hùng, GĐ Trung tâm Dạy nghề TX An Nhơn cho biết: “Trung tâm đang dạy 9 nghề chính: Điện công nghiệp, điện dân dụng, điện tử dân dụng, may công nghiệp, hàn điện, thú y. Ngoài ra còn liên kết với các trường cao đẳng, trung cấp trong tỉnh để nâng tầm đào tạo và mở thêm lớp đào tạo các nghề bậc trung cấp như: Kỹ thuật xây dựng, công nghệ thông tin, LĐ-XH, cắt may, cắt gọt kim loại... Những học viên theo học trung cấp sẽ được học kèm văn hóa, để sau này có nguyện vọng sẽ học tiếp liên thông lên những bậc cao hơn”.

Cũng theo ông Hùng, nếu địa phương nào có nhu cầu, trung tâm sẵn sàng áp dụng phương pháp đào tạo lưu động. “Nông dân mình thường tham công tiếc việc, nên dù có ý muốn học nghề nhưng phải đi xa học tập trung họ rất ngại, sợ bỏ bê việc nhà. Do vậy, trung tâm đã mở rất nhiều lớp đào tạo tại địa phương, giáo viên phải mang cả thiết bị đi dạy lưu động”.

Ví như 2 lớp may công nghiệp đang dạy tại xã Phước Hưng (Tuy Phước) với 35 học viên và xã Nhơn Mỹ (TX An Nhơn) 35 học viên, giáo viên phải chở máy may về tận cơ sở để dạy. Nghề thú y cũng được trung tâm mở lớp đào tạo lưu động tương tự. Thậm chí đến cả nghề hàn điện, mặc dù vận chuyển máy móc để học viên thực hành rất khó khăn, nhưng giáo viên của trung tâm cũng khắc phục. Khi đi dạy, giáo viên phải “kè kè” chở theo những chiếc máy hàn, máy mài xách tay theo để học viên thực hành.

Về trang thiết bị giảng dạy, trung tâm không ngừng đầu tư cho tất cả các ngành học với mục tiêu không chỉ “đủ” mà phải hiện đại. Học viên nghề may và nghề công nghệ thông tin, suốt khóa học, mỗi người thoải mái “ôm” 1 máy, trên giáo viên giảng bài, dưới học viên thực hành luôn. Đặc biệt, riêng lớp trung cấp LĐ-XH, trung tâm mời cả giảng viên có học vị tiến sỹ về dạy.

Cái khó “ló”... độc chiêu

Mặc dù có nhiều nỗ lực nâng tầm cho công tác dạy nghề, thế nhưng để tuyển được học viên vào học cũng chẳng phải dễ dàng. Trong bối cảnh này, Trung tâm Dạy nghề TX An Nhơn áp dụng câu “Trâu không tìm cọc thì cọc đi tìm trâu”.

“Sản phẩm thực hành của nghề may, với 1 lớp đào tạo chúng tôi thu hồi ít nhất 20 bộ đồ. Vào những dịp trước Tết Nguyên đán hay trước khi bước vào năm học mới, chúng tôi thường xuyên cử cán bộ Công đoàn và Đoàn Thanh niên mang sản phẩm nói trên tặng cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Vừa là chút tấm lòng, vừa để bà con được dùng sản phẩm của chính con em mình làm ra”, ông Nguyễn Văn Hùng.

Tuy lực lượng cán bộ quản lý và giáo viên rất mỏng, thế nhưng vào mỗi đầu năm học, trung tâm dồn tổng lực cho công tác tuyển sinh. Ngoài 15 xã, phường trên địa bàn TX An Nhơn, trung tâm còn cử cán bộ về các xã Phước Hưng, Phước Quang và Phước Hiệp của huyện Tuy Phước để tiếp cận nhu cầu đào tạo của từng địa phương.

Không chỉ có thế, hằng năm, tại các kỳ thi chuyển cấp của học sinh phổ thông, trung tâm bố trí cán bộ về điểm thi để làm công tác tuyên truyền. Ông Nguyễn Văn Hùng chia sẻ: “Trong lúc phụ huynh chờ con thi, cán bộ trung tâm tiếp cận các phụ huynh để tuyên truyền, thông báo về việc tuyển sinh dạy nghề, giải thích là con em họ khi theo học nghề còn được học thêm văn hóa, sau này có thể liên thông lên bậc học cao hơn. Việc làm này đã cho thấy hiệu quả rất cao cho công tác tuyển sinh. Với chỉ tiêu 390 học viên, đến nay đã có 256 học viên đăng ký theo học”.

“Trung tâm có mối quan hệ chặt chẽ với các DN trên địa bàn để tạo đầu ra cho công tác đào tạo. Với các nghề kỹ thuật, cho đến nay, chưa 1 học viên nào ra trường mà bị thất nghiệp. Cty Hoàn Cầu đang “đặt hàng” chúng tôi 10 kỹ thuật điện tử và điện dân dụng. Còn Cty CP May Nhà Bè thì gọi điện “đặt hàng” công nhân kỹ thuật may liên tục. Năm tới, trung tâm sẽ đăng ký dạy thêm nghề mới, đó là nghề nuôi bồ câu tại nhà”, theo ông Hùng.

Xem thêm
Hơn 370ha tôm nuôi bị thiệt hại do nắng nóng

TRÀ VINH Theo Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh, hiện toàn tỉnh đã có hơn 122ha nuôi tôm sú cùng hơn 249ha nuôi tôm thẻ chân trắng bị thiệt hại do ảnh hưởng nắng nóng gay gắt.

Điều động 1 kíp tàu tuần tra, phòng chống khai thác IUU

Từ ngày 22/4, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu điều động 1 kíp tàu tuần tra, kiểm soát kết hợp tuyên truyền phòng, chống khai thác IUU trên vùng biển do đơn vị quản lý.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.