| Hotline: 0983.970.780

Độc đáo nghề đóng tủ thờ Gò Công

Thứ Năm 17/02/2011 , 10:13 (GMT+7)

Làng nghề hiện có trên 500 hộ chuyên sản xuất, đóng tủ thờ và vật dụng trang trí nội thất đủ loại bằng gỗ lớn nhỏ...

Ở Tiền Giang, làng nghề đóng tủ thờ Gò Công (ấp Ông Non, xã Tân Trung, thị xã Gò Công) là một trong những làng nghề được công nhận đầu tiên của tỉnh và tủ thờ Gò Công cũng là sản phẩm độc đáo được biết tiếng không chỉ trong nước mà còn tại các nước có đông đảo Việt kiều sinh sống, làm ăn như: Mỹ, Canađa, Bỉ...

Những chiếc tủ thờ xuất xứ từ miền đất này được đóng bằng gỗ mun, kỹ thuật cẩn – chạm tinh xảo, tuyệt mỹ luôn là niềm ao ước, khao khát của mỗi gia đình người Việt, thể hiện không chỉ sự sang trọng, phú quí mà còn nét lịch lãm, tinh tế khi chọn lựa đồ trang trí nội thất và cả sự hiếu nghĩa trong thờ cúng tổ tiên của chủ nhân.

Làng nghề hiện có trên 500 hộ chuyên sản xuất, đóng tủ thờ và vật dụng trang trí nội thất đủ loại bằng gỗ lớn nhỏ với hàng ngàn lao động chuyên môn. Để nghề đóng tủ thờ Gò Công được khôi phục, phát huy và phát triển bền vững, địa phương đã hình thành HTX tủ thờ Gò Công qui tụ gần 20 hộ ngành nghề thu hút gần 300 lao động với mức thu nhập bình quân từ 3,5 triệu đến 4 triệu đồng/người/tháng. Nói về nghề, ông Phạm Văn Nam, chủ cơ sở đóng tủ thờ Gò Công Hai Á đồng thời là chủ nhiệm HTX tủ thờ Gò Công cho biết, gia đình ông đã 4 đời đóng tủ thờ Gò Công. Để cho ra đời một chiếc tủ thờ hoàn thiện, người thợ thủ công phải trải qua nhiều công đoạn: xẻ gỗ, phơi, bào, đục, ráp, cẩn ốc xà cừ hoặc trai sò, tiện, sơn bóng... Nếu tính một người thợ phải tốn cả tháng công mới xong một chiếc tủ thờ.

Ông Nam nói thêm, thời trước, mọi công đoạn đều làm bằng thủ công. Kiểu dáng tuy có đẹp nhưng đơn điệu, quanh đi quẩn lại chỉ có một vài mẫu với 3 – 5 trụ là tối đa (trụ là một chi tiết quan trọng trong kết cấu tủ thờ, vừa chịu lực vừa trang trí). Trong những năm gần đây, cùng với nỗ lực khôi phục, phát huy nghề đóng tủ thờ Gò Công nổi tiếng trong cả nước, các chủ cơ sở trong làng nghề đã có nhiều cải tiến mạnh mẽ, cho ra đời nhiều kiểu dáng và mẫu mã mới đẹp, được thị trường ưa chuộng. Tủ thờ Gò Công từ 3 – 5 trụ/chiếc, ngày nay đã nâng lên 7 trụ, 9 trụ, 11 trụ, 15 trụ rồi 19 trụ, 21 trụ, 25 trụ. Cơ sở Hai Á từng giao cho một khách hàng ở Bến Lức, Long An một tủ thờ 25 trụ mà với thời giá hiện nay không dưới 200 triệu đồng. Cũng tại cơ sở này, còn một chiếc tủ thờ 25 trụ có người trả 250 triệu đồng mà chủ nhân chưa bán (!). Ngoài ra, việc ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật mới, trang bị thêm máy móc phục vụ việc cưa xẻ, bào đục, chạm trổ... nên đã giúp cơ giới hóa đến 90% các khâu công việc. Nhờ vậy, cho phép các cơ sở đẩy nhanh tiến độ, sản xuất hàng loạt sản phẩm với chất lượng tốt, đồng bộ, thẩm mỹ... kịp thời cung ứng theo nhu cầu khách hàng lúc cao điểm. Ở làng nghề tủ thờ Gò Công, có hai thời điểm nhộn nhịp làm ăn nhất trong năm. Đó là tháng giêng đến tháng 3 ÂL và thời điểm từ tháng 10 ÂL đến Tết Nguyên đán. Chỉ riêng tại cơ sở Hai Á, ngay sau Tết đã nhận được hợp đồng đóng 12 tủ thờ chưa kể một số vật dụng trang trí nội thất khác như: trường kỷ, salon, bàn ghế... trị giá lên đến vài tỉ đồng.

Ông Phạm Văn Nam, Chủ nhiệm HTX tủ thờ Gò Công đánh giá trong vài ba năm trở lại đây, sản phẩm tủ thờ Gò Công được tiêu thụ mạnh trên thị trường nhờ yếu tố mẫu mã đẹp, chất lượng gỗ bền tốt, tay nghề thợ thủ công ngày một tinh thông. Nhờ đất nước đổi mới và hội nhập, nhờ chính sách phù hợp khuyến khích và khôi phục các ngành nghề nông thôn tạo công ăn việc làm cho người lao động, nghề đóng tủ thờ đang “thăng hoa” mang lại hiệu quả xã hội lớn. Tuy nhiên, cũng cần nhanh chóng xây dựng thương hiệu và có kế hoạch gắn với các tour, tuyến du lịch nhằm giúp làng nghề nhanh chóng vươn lên tầm cao mới.

Xem thêm
Tránh chồng chéo giữa quy hoạch nuôi trồng thủy sản và các ngành khác

Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh trả lời câu hỏi của nhà báo về tránh chồng chéo giữa quy hoạch nuôi trồng thủy sản và các ngành khác.

Sôi động mùa cá cơm

Ngư dân bãi ngang tỉnh Quảng Bình trúng đậm mùa cá cơm, cho thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi chuyến ra khơi.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất