| Hotline: 0983.970.780

Độc đáo nghề trồng riềng

Thứ Năm 21/02/2013 , 10:21 (GMT+7)

Do nhu cầu thị trường gia tăng, nông dân xã Minh Tân (Lương Tài - Bắc Ninh) đã phát triển nghề trồng riềng thương phẩm, mang lại nguồn thu nhập đáng kể.

Nhắc tới cây riềng hẳn người nào cũng biết bởi củ của nó là gia vị không thể thiếu trong nhiều món ăn thuần Việt, tiêu biểu là thịt chó (cầy). Do nhu cầu thị trường gia tăng, nông dân xã Minh Tân (Lương Tài - Bắc Ninh) đã phát triển nghề trồng riềng thương phẩm, mang lại nguồn thu nhập đáng kể.

Những ngày giáp Tết Quý Tỵ, dù không phải là cao điểm của vụ thu hoạch, song mùi thơm ngào ngạt của riềng vẫn quyện vào gió khiến ai đi qua xã Minh Tân đều có thể cảm nhận được. Dọc hai bên đường bê tông nhẵn bóng, mọi khoảng đất trống đều được người dân nơi đây tận dụng để trồng riềng, thậm chí nhiều khu ruộng đất hai lúa cũng được bà con chuyển đổi sang trồng riềng.

Chúng tôi vào xã Minh Tân khi trời đã gần trưa nên chỉ gặp ông Tống Minh Nhĩ, cán bộ địa chính của xã còn ngồi đợi. Ông Nhĩ cho biết, nghề trồng riềng tại xã Minh Tân bắt đầu khởi điểm từ năm 1971.

Năm đó, con đê che chắn cho làng đã bị vỡ khiến đất cát theo nước từ sông tràn vào bồi lấp tất cả làng mạc ruộng đồng khiến bà con không thể trồng được bất cứ cây gì. Bắt đầu từ đó, nghề trồng riềng hình thành tại Minh Tân bởi chỉ duy nhất cây trồng này thích nghi được với đất cát.


Hoạt động sơ chế tại một cơ sở thu mua, chế biến riềng ở xã Minh Tân

Thời điểm hiện nay, nông dân huyện Lương Tài đang tích cực thu hoạch cây rau màu vụ đông, trong tổng số hơn 200 ha cây màu thì có gần 30 ha riềng ở các xã ven đê. Năm nay, gia đình anh Đỗ Đăng Hoàn, thôn Nhất Trai, xã Minh Tân đã dành toàn bộ diện tích hơn 1 mẫu để trồng riềng. Hiện anh Hoàn tập trung nhân lực thu hoạch.

Không chỉ gia đình anh Hoàn mà hầu hết người dân nơi đây đã tìm được hướng đi đúng trong việc thâm canh cây trồng, nâng cao hiệu quả kinh tế theo hướng SX hàng hóa ngay tại đồng đất địa phương.

Anh Hoàn cho biết, cây riềng giờ trở thành cây xóa nghèo của nông dân xã Minh Tân. Theo đó, 1 sào riềng cho thu hoạch khoảng 1 tấn riềng thương phẩm/năm, với giá bán dao động từ 6.000 - 9.000 đồng/kg, sau khi trừ hết chi phí bình quân đem về cho người dân không dưới 5 triệu đồng/năm.

Có cung ắt có cầu, sau khi Minh Tân trở thành xã trọng điểm chuyên canh cây riềng, rất nhiều hộ dân năng động thành lập cơ sở thu mua, chế biến củ riềng thương phẩm cung cấp ra thị trường, tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động. Bên cạnh đó, nhiều địa phương thấy tiềm năng hiệu quả từ cây riềng cũng bắt đầu trồng thử nghiệm và Minh Tân thành địa chỉ tin cậy cung cấp riềng giống.

Người dân nơi đây chia sẻ, kỹ thuật thâm canh cây riềng đơn giản, chỉ cần gieo trồng năm đầu tiên theo phương thức gối vụ thì cứ 8 tháng lại cho thu hoạch 1 lần và 3 năm sau mới phải trồng lại. Khâu chăm sóc khá nhàn nhã, chỉ bón một chút phân lúc đầu rồi đợi đến khi thu hoạch. Đặc biệt, cây riềng gần như không có sâu bệnh nên không tốn chi phí thuốc BVTV nên hiệu quả kinh tế mang lại khá cao, trồng 1 ha có thể thu nhập từ 70 - 90 triệu đồng/vụ.

Tuy nhiên, khi trồng riềng phải đặc biệt chú ý tới việc tạo hệ thống tiêu thoát nước bởi bị ngập úng riềng sẽ thối hết. Bên cạnh đó, thời gian thích hợp nhất để trồng mới riềng là sau Tết, trời bắt đầu có mưa xuân và đất đủ độ ẩm cần thiết.

Thôn Nhất Trai, xã Minh Tân trước đây đời sống nhân dân vô cùng khó khăn do lũ lụt, mất mùa. Nhưng nhờ có cây riềng mà bộ mặt của thôn có sự khởi sắc rõ rệt, những con đường bê tông rộng rãi, thoáng mát và trải dài đến tận ngõ xóm, các công trình phúc lợi xã hội được đầu tư xây dựng khang trang...

Trưởng thôn Nhất Trai vui mừng cho biết, cây riềng chính là cây phá thế độc canh tạo sức bật, nâng cao hiệu quả thu nhập cho nông dân. Hiện thôn có cả trăm hộ sống nhờ nghề trồng riềng, tỷ lệ hộ khá giàu chiếm hơn 60%, số hộ nghèo giảm xuống còn 0,6% (theo tiêu chí cũ) và trong vụ hè thu sắp tới cây riềng sẽ tiếp tục là cây xóa nghèo tiềm năng trên vùng đất bãi này.

Xem thêm
Tránh chồng chéo giữa quy hoạch nuôi trồng thủy sản và các ngành khác

Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh trả lời câu hỏi của nhà báo về tránh chồng chéo giữa quy hoạch nuôi trồng thủy sản và các ngành khác.

Sôi động mùa cá cơm

Ngư dân bãi ngang tỉnh Quảng Bình trúng đậm mùa cá cơm, cho thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi chuyến ra khơi.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất