| Hotline: 0983.970.780

Dốc sức khôi phục sản xuất sau lũ

Thứ Sáu 29/10/2010 , 10:12 (GMT+7)

Vụ hè thu và vụ mùa 2010, Nghệ An phải đối mặt với đủ loại thiên tai: Hạn hán, bão, lũ lụt. Còn nhớ vụ hè thu, toàn tỉnh có 28.124/64.700 ha lúa hè thu bị hạn hán nẻ trắng đồng, khiến 8.708 ha lúa hè thu và 8.700 ha ngô đã bị chết trắng trên đồng ruộng.

Cơn đại hạn vừa qua đi, các địa phương đang gồng mình khắc phục lại vụ hè thu, thì bão số 3 lại đổ bộ vào Nghệ An với cấp 11, cấp 12 càn quét trên diện rộng.

Bão số 3 đã giáng một đòn nặng nề vào lĩnh vực SXNN: 40.283 ha lúa hè thu bị đổ ngập trong nước. Thêm 8.595 ha lúa bị mất trắng; 7.936 ha ngô bị đổ gãy; 826 ha lạc bị chìm nghỉm trong nước; 5.137 ha rau màu các loại bị xoá sổ; 126.781 cây ăn quả, cây công nghiệp bị bật gốc, gãy đổ... Bà con nông dân vừa khôi phục xong hậu quả bão số 3 thì trận mưa lũ lịch sử từ ngày 14 đến 18/10/2010 lại ập đến. Mưa kéo dài và như trút nước suốt 5 ngày trời đã làm cho nước trên các triền sông dâng trên cao, nước mưa trút xuống gây ngập úng nghiêm trọng tại 13 huyện, thành, thị làm 44.051 hộ dân bị ngập sâu từ 0,6 đến 1,6 mét, đẩy 184.741 nhân khẩu phải chịu cảnh ăn đói, mặc rét.

Trận lụt lịch sử này lại một lần nữa giáng một đòn chí mạng vào lĩnh vực SXNN: 5.397 ha lúa mùa bị xoá sổ; cùng với 19.446 ha ngô; 1.576 ha lạc; 2.927 ha khoai lang; 5.948 ha rau màu vụ đông vừa gieo trỉa xong và 13.515 ha nuôi trồng thuỷ sản đã bị nước lũ cuốn phăng. Công sức, tiền của, thậm chí cả tài sản của hàng chục nghìn hộ nông dân bị đổ xuống sông, xuống biển. Sau lũ lụt người dân có thể còn phải đối mặt với dịch bệnh ở người và gia súc. Có thể nói, thiên tai, hạn hán, bão lụt năm 2010 đã làm cho hàng nghìn hộ nông dân Nghệ An bị rơi vào tình cảnh kiệt quệ, không đủ sức để tiếp tục đầu tư cho vụ xuân 2011...

Đứng trước thử thách này, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành NN- PTNT Nghệ An khẩn trương tìm mọi giải pháp để giúp dân vùng lũ lụt khắc phục hậu quả, từng bước ổn định cuộc sống. Trong những ngày qua, bên cạnh việc các địa phương vùng lũ liên tục nhận được sự sẻ chia, giúp đỡ bằng tiền, lương thực, quần áo, sách vở của đồng bào của các nước, UBND các huyện đang khẩn trương phân phát 4.000 tấn gạo cứu trợ và 6 tấn hạt rau các loại từ quỹ dự trữ quốc gia của Chính phủ đến tận thôn xóm.

 Sở NN- PTNT Nghệ An đang chỉ đạo các cấp, các ngành chuyên môn triển khai công tác xử lý môi trường. Cán bộ thú y huyện, xã tổ chức phun Bencocid để tiêu độc khử trùng tại các khu dân cư, chôn lấp xác động vật chết, dùng vôi bột để xử lý mầm bệnh; tổ chức tiêm phòng vacxin cho đàn gia súc, gia cầm để không cho dịch tả lợn, dịch tụ huyết trùng, dịch tai xanh, dịch LMLM bùng phát và lây lan.

Việc khôi phục SXNN sau lũ lụt cũng đang được các địa phương triển khai một cách tích cực: Vừa tập trung tiêu thoát nước trong nội đồng, vừa chăm sóc số diện tích cây trồng vụ đông còn sót lại và nhất là sử dụng nguồn giống ngô và hạt rau của Chính phủ hỗ trợ triển khai gieo tiếp vụ ngô đông muộn trên các vùng đất bãi ven sông, đất đồi vệ, đất màu, tăng diện tích trồng khoai lang để lấy lương thực cho người và làm thức ăn xanh cho trâu bò; đẩy mạnh việc trồng các loại rau màu hàng hoá cao cấp để có thu nhập cao cho nông dân.

 Sở NN- PTNT Nghệ An cũng khuyến cáo các địa phương phải tập trung nguồn lực khôi phục lại hệ thống kênh mương nội đồng, xử lý sạt lở các tuyến kênh chính, kênh thấp và các hồ đập; vận hành cống tiêu thoát dưới đê và tích trữ nguồn nước để chuẩn bị phục vụ SX vụ xuân 2011.

Để giúp bà con nông dân vực lại sản xuất, tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 5027, ngày 22/10/2010, trong đó hỗ trợ nông dân khôi phục SX nông nghiệp bị thiệt hại do bão và lũ lụt như sau: Hỗ trợ 100% tiền mua giống ngô để gieo tiếp vụ đông muộn 2010 trên diện tích không ảnh hưởng đến SX vụ xuân 2011. Hỗ trợ giống rau cho các địa phương để gieo tiếp vụ đông; hỗ trợ 60 kg urea và 60 kg supe lân/ha để chăm sóc diện tích ngô vụ đông còn lại.

Đối với vụ xuân 2011, UBND tỉnh đồng ý hỗ trợ giống lúa để gieo cấy vụ hè thu và vụ mùa 2010 đã bị mất trắng sau bão số 3 và trận lũ vừa qua để gieo cấy vụ xuân 2011. Trong đó, diện tích gieo cấy lúa thuần thì hỗ trợ bằng giống lúa thuần từ nguồn dự trữ quốc gia phân bổ cho Nghệ An. Đối với diện tích lúa lai được hỗ trợ bằng tiền 1,5 triệu đồng/ha để mua giống; Hỗ trợ 100% tiền mua giống lạc cho diện tích lạc thu đông bị mất trắng để mua giống gieo vụ xuân 2011.

Lĩnh vực chăn nuôi, UBND tỉnh đồng ý hỗ trợ cho những gia đình có gia súc chết do bão, lũ tối đa 2 triệu đồng/con trâu, bò; tối đa 500.000 đồng/con lợn và tối đa 15.000 đồng/con gia cầm. UBND tỉnh cho phép Chi cục Thú y mua cho mỗi huyện 2 máy bơm có động cơ để phục vụ công tác tiêu độc khử trùng. Hỗ trợ 500.000 liều vacxin dịch tả lợn, tụ huyết trùng lợn và trâu bò cùng với 30 tấn Bencocid và 20 tấn Cloramin để xử lý vùng ngập lụt và các đầm tôm.

Hỗ trợ tiền mua giống khoai lang trồng trên diện tích ngô vụ đông bị mất với mức 1,5 triệu đồng/ha. Hỗ trợ giống ngô địa phương để gieo ngô dày làm thức ăn cho gia súc trong mùa đông tới. Lĩnh vực thuỷ sản cũng được hỗ trợ 2 tỷ đồng để mua giống thuỷ sản nước ngọt để thả lại. Ngoài ra còn hỗ trợ khắc phục 14 vườn ươm tại 10 huyện bình quân 25 triệu đồng/vườn và 200 kg hạt giống tạo cây con trong vụ xuan 2011.

Xem thêm
Bổ sung 1 cặp hươu sao lên đảo Bạch Long Vỹ

HẢI PHÒNG Hơn 10 ngày sau khi phát hiện cá thể hươu sao trên đảo, huyện Bạch Long Vỹ được bổ sung thêm 1 cặp hươu khác, có cả đực và cái để phát triển đàn.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đào Bắc Hà mất mùa, giá cao

LÀO CAI Hiện đào Pháp ở Bắc Hà đã vào chính vụ thu hoạch. Năm nay cây đào không được mùa nên giá cao hơn mọi năm.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.