| Hotline: 0983.970.780

Dốc sức “quản” thực phẩm Tết

Thứ Sáu 09/12/2011 , 08:55 (GMT+7)

NNVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Như Tiệp – Cục trưởng Cục Quản lí chất lượng Nông – lâm – thủy sản về kế hoạch giám sát chất lượng thực phẩm cuối năm.

Ảnh minh họa
Các cơ quan quản lí về ATVSTP thuộc Bộ NN-PTNT đã có kế hoạch gì để thắt chặt việc giám sát chất lượng thực phẩm vào dịp cuối năm nay? NNVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Như Tiệp (ảnh) – Cục trưởng Cục Quản lí chất lượng Nông – lâm – thủy sản (QLCL NLTS). 

Thưa ông, rất nhiều kỳ vọng về Thông tư 14/TT-BNNPTNT có hiệu lực hồi giữa năm nay sẽ là “chiếc gậy” để chấn chỉnh lại hoạt động SXKD nông sản thực phẩm. Kết quả đến nay thế nào? 

Mặc dù chỉ mới có hiệu lực gần nửa năm, nhưng có thể nói Thông tư 14 quy định việc kiểm tra, đánh giá cơ sở SXKD VTNN và sản phẩm nông lâm thủy sản đến nay đã giúp cả nước hình thành được cơ bản “bộ khung” rất cụ thể từ TƯ đến tận cấp huyện – xã để cùng nhau “quản” về hoạt động SXKD nông sản, VTNN– một đầu mối quan trọng quyết định tới chất lượng và ATVSTP.  

Đến thời điểm này, 100% tỉnh, thành trên cả nước đã hoàn thành việc tập huấn cho cán bộ phục vụ công tác chuyên môn. Hầu hết các tỉnh đã bước đầu thực hiện việc kiểm tra, đánh giá phân loại các DN, cơ sở SXKD nông sản và VTNN tùy theo các sản phẩm nông sản chủ lực của mình.  

Ví dụ các tỉnh ven biển, vùng ĐBSCL ưu tiên cho thủy sản, nghề cá, các tỉnh Trung du MNPB làm rất tốt sản phẩm chè… Riêng hai tỉnh thí điểm thực hiện Thông tư 14 ngay từ sớm là Thanh Hóa và Tiền Giang đến nay kết quả rất lạc quan. Cụ thể Tiền Giang đã kiểm tra, phân loại xong 10 sản phẩm nông sản chính trên toàn tỉnh, Thanh Hóa đã kiểm tra phân loại xong ở 17/27 huyện – thị. Tuy nhiên, vẫn có những tỉnh tới nay chưa làm gì. Tới ngày 15/12/2011 tới, chúng tôi sẽ tập hợp xong và có báo cáo cụ thể về tình hình thực hiện Thông tư 14.

Ngoài ra, còn rất nhiều thông tư Bộ NN-PTNT đã ban hành về lĩnh vực quản lí ATVSTP cũng đã bắt đầu có hiệu lực vào cuối năm nay. Vì vậy, tôi tin vấn đề ATVSTP vào dịp Tết nguyên đán sẽ có những chuyển biến khác biệt so với mọi năm. 

Cụ thể có những Thông tư nào thưa ông? 

Ngoài Thông tư 14, chúng tôi đã tham mưu cho Bộ NN-PTNT ban hành nhiều thông tư để giao cụ thể cho các đơn vị trực thuộc Bộ quản lí chuyên biệt các mảng thực phẩm. Cụ thể, ngành BVTV – chăn nuôi quản lí các sản phẩm rau, củ quả, ngoài Thông tư số 13/2011/TT-BNNPTNT hướng dẫn việc kiểm tra ATVSTP, hàng hóa có nguồn gốc thực vật NK có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7, hiện tại cũng đã hoàn thành 2 thông tư mới gồm: Thông tư quy định về điều kiện đảm bảo ATVSTP trong kinh doanh rau, củ, quả tươi và Thông tư Quy định về quản lý SXKD rau, quả và chè an toàn. Hai Thông tư mới này dự định sẽ có hiệu lực vào dịp cuối năm nay. 

 Ngành Thú y - Chăn nuôi hiện cũng đã có Thông tư 25 /2010/TT-BNNPTNT Hướng dẫn việc kiểm tra ATVSTP đối với hàng hóa có nguồn gốc động vật NK và nhiều Thông tư khác… Đối với lĩnh vực chuyên ngành do Cục QLCLNLTS quản lí, mới đây Bộ NN-PTNT cũng đã có Thông tư 74/2011/TT-BNNPTNT quy định về truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm nông lâm sản không bảo đảm an toàn, sẽ có hiệu lực từ ngày 14/12/2011.  

Với những thông tư này, sản phẩm thực phẩm – nông sản từ cuối năm nay sẽ cơ bản được quản chặt về chất lượng. 

Đơn cử như Thông tư 74/2011/TT-BNNPTNT đã trao quyền gì cho Cục QLCLNLTS để giám sát vệ sinh thực phẩm thưa ông? 

Cục có quyền thành lập và phối hợp với các đơn vị chức năng khác tổ chức các đoàn thanh tra để kiểm tra đột xuất bất kỳ một cơ sở hay đơn vị kinh doanh hàng nông sản (rau, thịt, thủy sản…) ở bất kỳ nơi nào để tiến hành kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ và lịch sử lưu hành hàng hóa. Nếu phát hiện sai lệch, thiếu bằng chứng chứng minh về hàng hóa sẽ buộc người kinh doanh khắc phục sự cố, thu hồi sản phẩm. Đối với mẫu hàng hóa khi kiểm nghiệm nếu phát hiện dư lượng các chất độc hại theo quy định, sẽ có các biện pháp xử lí tương tự, thậm chí xử phạt bằng tiền, rút giấy phép kinh doanh.  

Ngoài ra, khi phát hiện các sự cố thực phẩm, chúng tôi sẽ phối hợp với các đơn vị thuộc ngành BVTV hoặc Thú y để tiến hành xử lí theo các quy định khác.  

Trước mắt từ nay đến Tết nguyên đán, Cục tập trung cho hoạt động trọng điểm nào trong quản lí ATVSTP? 

Chính phủ đã giao BCĐ liên ngành TƯ về ATVSTP hiện đã thành lập xong 10 đoàn kiểm tra liên ngành, kế hoạch sẽ kiểm tra ở 21 tỉnh, thành trong cả nước từ nay đến dịp Tết nguyên đán. Trong đó, Bộ NN-PTNT được giao chủ trì 3 đoàn kiểm tra thuộc lĩnh vực quản lí.  

Cụ thể, Cục Thú y chủ trì một đoàn, Cục BVTV chủ trì một đoàn và Cục QLCLNLTS chủ trì, phối hợp với C49 (Bộ Công an) và Bộ Y tế tại TP HCM tiến hành kiểm tra tại hai tỉnh Trà Vinh và Bến Tre. Các địa điểm sẽ tập trung kiểm tra là địa điểm thu gom, sơ chế và tiêu thụ nông sản, thực phẩm như rau, củ, quả, thịt, hàng thủy sản, kẹo, nước mắm… Trước mắt, Cục sẽ phối hợp cùng các đơn vị để làm tốt công việc này mà Chính phủ giao. 

Các vấn đề ông vừa nói thuộc quản lí trong nước, còn chất lượng thực phẩm NK cũng đang khiến người tiêu dùng lo lắng, ví dụ như nhiều vụ sản phẩm “nội tạng trắng” được phát hiện gần đây? 

Tôi có nghe báo chí nói nhiều về việc này, đặc biệt là hàng từ Trung Quốc NK về. Tuy nhiên, tôi xin nói rõ hiện nay Cục QLCTNLTS chưa hề cấp đăng ký cho bất kỳ một DN nào của Trung Quốc NK thịt vào Việt Nam. Thế nên về lí thì không có thịt Trung Quốc NK chính ngạch vào Việt Nam. Còn sản phẩm “nội tạng trắng” thì Chính phủ vẫn đang liệt vào các mặt hàng cấm NK. 

Thế theo ông, tại sao thị trường vẫn phát hiện rất nhiều “nội tạng trắng”? 

Tôi có hai nghi vấn. Một là hàng NK hiện nay có hai luồng kiểm hóa “xanh” và “đỏ”. Luồng “xanh” dành cho các DNNK có uy tín nên không phải lật từng lô hàng lên để kiểm tra. Có thể DN được phép NK “thịt đỏ” đã trà trộn nội tạng trắng vào những lô hàng đó để về bán kiếm lời. Nghi vấn thứ hai là nội tạng trắng vào nước ta bằng con đường hàng tạm nhập tái xuất. Cái này gần đây cũng bị nhiều người cũng đặt nghi vấn. Nhưng xử lí sẽ khó vì chúng ta không thể cấm được DN tạm nhập tái xuất, bởi đây là thông lệ quốc tế. 

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hai giám đốc sở chỉ đạo cứu lúa trên cánh đồng Mường Lò

Giám đốc hai Sở: NN-PTNT và Công thương tỉnh Yên Bái trực tiếp chỉ đạo chống hạn cho diện tích lúa tại cánh đồng Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ).

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm