| Hotline: 0983.970.780

Đội chống "thủy tặc"

Thứ Hai 14/11/2011 , 10:16 (GMT+7)

Năm 2003, lần đầu tiên, hơn chục thành viên của thôn 8, xã Điền Hải đứng ra tình nguyện thành lập đội chống ngư tặc trên phá Tam Giang...

Một sáng, ra với đầm phá mưu sinh, ngư phủ Phan Công (đội 8, xã Điền Hải, huyện Phong Điền, tỉnh TT- Huế) tá hỏa khi phát hiện hàng chục mét vuông lưới nuôi cá tôm trên phá Tam Giang bị xé nát bươm. Đây là “cái giá” ông phải trả khi “mật báo” cho đội tình nguyện của thôn vây bắt "thủy tặc" vào tuần trước.  

Những thành viên của đội chống ''ngư tặc'' Tam Giang

Cuộc chiến trên đầm phá

Gặp chúng tôi, ông Phan Chiến, Chi hội trưởng Chi hội Nghề cá Điền Hải vui lắm. Ông bảo, một đời ngư phủ, chưa năm nào thấy phá Tam Giang hồi sinh mạnh mẽ như năm nay.

Nhắc đến “cuộc chiến” của ngư dân với nhóm thủy tặc trong quá khứ, ông Chiến bùi ngùi nhớ lại: "Những năm trước khi chưa có đội tuần tra, hàng nghìn ngư dân dọc miền Tam Giang từ Quảng Lợi, Điền Hải, Quảng Công, Quảng Ngạn, Quảng An… khi nhắc đến ngư tặc ai nấy đều kinh hãi. Bởi để bảo vệ bát cơm của mình, nhiều ngư dân đã phải đổ máu, tính mạng bị đe dọa. Thậm chí nhiều người cho đến nay đã mất sức lao động, vĩnh viễn bỏ nghề cũng chỉ vì cuộc chiến cam go với thủy tặc”.

Lật từng trang ký ức, ông Chiến nhớ lại một lần vây bắt ngư tặc, đội của ông đã bị vây hãm, một thành viên bị nhóm ngư tặc tấn công bị thương nặng. Ông kể: “Một hôm, đội chúng tôi nhận được tin báo từ người dân có một nhóm ngư tặc không biết người từ đâu, xuất hiện trên vùng đầm phá của xã, dùng đò máy cào hến, vào vuông lưới dùng xung điện đánh bắt cá trộm. Ngay lập tức, anh em cúng tôi gồm 8 thành viên trong đội lên thuyền xuất phát. Khi ra giữa phá, đồng loạt thuyền của ngư tặc quay mũi hướng lên thôn 9, xã Điền Hòa".  

Các thành viên của đội chống ngư tặc chuẩn bị ra quân tuần tra trên vùng đầm phá

"Đuổi đến nơi, chúng tôi đã dùng lời lẽ thuyết phục là không được đánh bắt trộm cá, dùng lưới cào theo kiểu tận diệt. Chẳng nói chẳng rằng, hàng chục thuyền của ngư tặc từ trong các thôn xóm lao ra, bao vây đội chúng tôi. Do không muốn xô xát nên chúng tôi bỏ cuộc ra về, thế nhưng nhóm người đánh trộm cá mỗi lúc mỗi hung hãn, dùng ván thuyền, đá và gậy sắt ném tới tấp làm anh em bị thương nặng”, ông Chiến kể.

Lần đó, nhóm ngư tặc đã đục thủng thuyền, dùng mũi sắt dài chừng một mét lao thẳng về đội tuần tra. Thanh sắt đập vào mạn thuyền rồi bật ra trúng vào ngực anh Nguyễn Tần (thôn 8, xã Điền Hải), làm anh gãy hai đốt xương sườn. Trong lúc nguy cấp do thuyền chìm, anh Tần chỉ kịp nhảy qua thuyền ngư tặc rồi ngất lịm. Chưa dừng lại, bọn ngư tặc còn có ý định áp tải thuyền của đội tình nguyện lên vùng cửa Lác để thủ tiêu. Rất may, nhận được tin báo, những ngư phủ Điền Hải đã kịp dong thuyền lên xã Điền Hòa ứng cứu đồng đội.

Làng chài ở đội 8, xã Điền Hải bình yên ven phá Tam Giang

Địa bàn hoạt động của nhóm ngư tặc suốt cả dãy Tam Giang, không nơi nào đội quân này không đặt chân đến. Sự táo tợn của bọn chúng không ít lần đã làm cho ngư dân vùng đầm phá bao phen kinh hãi. Về xã Quảng An (huyện Quảng Điền), chúng tôi được nghe câu chuyện kinh hoàng về những ngư dân “dám” chống lại thói cướp bóc trên hành trình càn quét của ngư tặc.

Đó là trường hợp của ngư dân Trần Hữu Thế (thôn An Xuân, xã Quảng An). Lần đó anh Thế phát hiện nhóm ngư tặc ở Huế tấn công vuông lưới cá của mình. Chúng dùng xung điện vào trong vuông lưới càn quét hàng chục tạ cá, bốc bỏ lên thuyền như chốn không người. Vì xót của, anh Thế ra can ngăn, liền bị nhóm ngư tặc dùng mái chèo đánh, dí điện, khiến anh bất tỉnh. May mắn có những ngư dân gần vuông cá tri hô mọi người, nhóm ngư tặc với chịu buông tha…

Đội chống ngư tặc

Sự chống phá ngày càng táo tợn của ngư tặc, đã cướp đi bát cơm đẫm hồ môi, nước mắt của hàng nghìn ngư phủ trên đầm phá. Năm 2003, lần đầu tiên, hơn chục thành viên của thôn 8, xã Điền Hải đứng ra tình nguyện thành lập đội chống ngư tặc trên phá Tam Giang do ông Phan Chính, trưởng thôn làm đội trưởng.

Đội chống ''ngư tặc'' Tam Giang đã góp phần mang lại sự bình yên cho vùng đầm phá

Ban đầu, kinh phí sắm sửa máy móc, dụng cụ rất khó khăn. Mỗi thành viên đều phải bỏ tiền túi của mình ra, nhưng đa số ngư phủ là các hộ nghèo nên chẳng được bao nhiêu. Tích cóp, vận động mãi cũng chỉ được 9 triệu đồng, mua chiếc thuyền máy công suất nhỏ làm phương tiện đi tuần tra.

Ông Phan Chiến nhớ lại: “Bận đó mua được chiếc thuyền máy là đã quý lắm rồi. Tiền xăng dầu, chi phí tuần tra đều do anh em tự lo cả. Thời gian đó anh em ai nấy đều rất hăng say, trách nhiệm với bà con nhưng hiệu quả truy bắt lại không cao bởi thuyền có công suất nhỏ, không có công cụ hỗ trợ, chi phí xăng dầu không lấy đâu ra. Cứ mỗi lần tuần tra, đò máy đã ngốn mất trăm nghìn tiền dầu rồi, chưa kể lo chi phí nước non, thuốc phép cho anh em. Nhiều lúc nhận được tin báo của ngư dân, đến nơi thì thủy tặc đã chạy mất, bỏ lại cả đầm phá với những vuông tôm cá tan hoàng, xót lắm".

Để nâng cao hiệu quả tuần tra, không còn cách nào khác, 14 thành viên của đội phải đi vay mượn tiền bên ngoài, số khác thì đi cầm cố hay bán những thứ có giá trị trong gia đình mình. Cuối cùng, chiếc thuyền công suất 28CV đã được tân trang, quân số của đội tình huyện cũng thu hút 64 người tham gia. Thấy hoạt động có hiệu quả, bà con ở đội 8 cũng đóng góp công sức, tiền của phục vụ công tác tuần tra của đội. Sau 4 tháng hoạt động, với việc chi tiêu dè xẻn, đội tuần tra mới trả được hết nợ từ chi phí sắm thuyền, dụng cụ.

Ngay những ngày đầu tiên “ra quân” với chiếc thuyền mới, đội chống ngư tặc đã tóm được hai nhóm thủy tặc xã Điền Hòa đang dùng lưới cào “nạo” vét vùng đầm phá đánh bắt hến, giao cho công an xã Điền Hòa xử lý. Để hoạt động của đội chống ngư tặc hiệu quả, theo ông Phan Chiến điều quan trọng là sự phối hợp, tin tưởng của ngư dân quanh vùng đầm phá.

Ông Chiến nhớ lại: “Lần đó, lợi dụng lúc chiều tối, một nhóm ngư tặc ở xã Hương Vinh (huyện Hương Trà) đã dùng thuyền nhỏ lên trước mặt vùng đầm phá của xã Điền Hải dùng xung điện đánh bắt trộm cá. Ngay từ khi thấy chúng cứ lảng vảng ngoài xa, ngư dân quanh thôn đã cảnh giác, liền mật báo cho đội chống ngư tặc. Để khỏi đánh động, ông Chiến dặn các ngư phủ dùng kẻng ra hiệu. Khi nào nghe tiếng kẻng thì đồng loạt nổ máy, dàn “thế trận” bao vây, tránh ngư tặc dùng thuyền nhỏ nhanh chân chạy thoát". 

Mỗi chuyến tuần tra, mang lại sự bình yên cho ngư dân ven phá Tam Giang

Với sự chủ động, khi nghe được hiệu lệnh, đội chống ngư tặc cùng ngư dân đội 8 đã tóm gọn nhóm ngư tặc khi đang quần thảo ở vuông cá của ông Phan Mùi, thu giữ hơn 2 tạ cá là chiến lợi phẩm của thủy tặc, trả lại cho ngư dân.

Bình yên Tam Giang

"Giữa con nước Tam Giang có lúc hào phóng cho ngư dân tôm cá, cũng có lúc khắc nghiệt trong mùa mưa bão, chưa bao giờ trên nét mặt ngư dân vùng đầm phá lại rạng ngời, cơm no áo ấm khi vùng phá đã “biết đong thừa” cho ngư dân bát gạo! Đội chống ngư tặc Tam Giang đã góp phần làm nên kỳ tích hiếm thấy", ông Hoàng Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Điền Hải.

Trở về các xã ven đầm phá Tam Giang hôm nay, cả một vùng mênh mông sóng nước giờ đã bình yên trở lại. Có được thành quả đó là nhờ công lao của những ngư phủ tình nguyện thành lập đội chống ngư tặc, ngày đêm tuần tra canh chừng, bảo vệ từng mét vuông lưới của ngư dân trên đầm phá.

Ông Hoàng Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Điền Hải, cho hay: “Gần 10 năm qua, nghề nuôi trồng, đánh bắt trên đầm phá đã có những bước tiến thấy rõ, mang lại đời sống no đủ cho hàng nghìn hộ dân. Có được thành quả đó là nhờ sự góp công lớn của đội chống ngư tặc. Cùng với sự hoạt động tích cực của đội chống ngư tặc và ý thức của người dân ngày một nâng cao, vùng đầm phá nay không chỉ bình yên trở lại mà còn là niềm cứu cánh mưu sinh cho hàng nghìn hộ dân theo ngư nghiệp”.

Nói về hoạt động của đội chống ngư tặc, ông Cao Huy Tế, Trưởng Công an xã Điền Hải, xúc động: “Hiệu quả hoạt động của đội chống ngư tặc thì đã rõ ràng rồi bởi trong gần 10 năm qua những thành quả đó đã được ngư dân không chỉ vùng Điền Hải mà các xã ven đầm phá khác ghi nhận, tri ân".

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Giá đất bồi thường thấp hơn giá thị trường ảnh hưởng đến giải phóng mặt bằng

THỪA THIÊN - HUẾ Giá bồi thường đất ở, đất trồng rừng sản xuất thấp hơn nhiều so với giá thị trường dẫn đến công tác giải phóng mặt gặp rất nhiều khó khăn.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm