| Hotline: 0983.970.780

Đôi điều chưa biết về “bác sĩ cây trồng”

Thứ Ba 31/08/2010 , 10:34 (GMT+7)

Số lượng bản in của bộ sách Bác sỹ cây trồng, kể cả tái bản lên đến trên 100.000. Tác giả chính và chủ biên bộ sách đó chỉ là một kỹ sư nông nghiệp.

Kỹ sư Nguyễn Mạnh Chinh
Chưa bao giờ văn hóa đọc bị cạnh tranh khốc liệt bởi các phương tiện nghe nhìn như hiện nay nên số bản in mỗi đầu sách thường chỉ con số trăm, họa hoằn mới có cuốn dăm ba nghìn. Thế nhưng số lượng bản in của bộ sách Bác sỹ cây trồng, kể cả tái bản lên đến trên 100.000. Tác giả chính và chủ biên bộ sách đó chỉ là một kỹ sư nông nghiệp.

Kỹ sư = Tiến sỹ

Với bạn đọc báo Nông nghiệp VN thì cái tên kỹ sư Nguyễn Mạnh Chinh không còn xa lạ bởi nhiều bài viết hàm súc của ông được đăng trên các trang khuyến nông và khoa học kỹ thuật. Không hiểu sao khi gặp ông, tôi lại liên tưởng đến minh họa thần kỳ của Văn Cao trong truyện ngắn “5 con gà cồ” của nhạc sỹ tài danh Nguyễn Xuân Khoát đăng trên báo Văn nghệ năm 1972. Minh họa chỉ một nét, vẽ một nông dân ống thấp ống cao xách 5 con gà cồ cùng chiếc điếu cày lủng lẳng. Cũng gương mặt xương xương hom hóm, cũng vóc dáng nhỏ bé, cũng ống thấp ống cao tất bật... So với một nông dân phía Bắc những năm đấy thì ông Chinh chỉ thiếu chiếc điếu cày.

Tốt nghiệp xuất sắc khóa 4 Đại học Nông nghiệp I, ra trường năm 1963 ông được bổ nhiệm làm Trưởng trạm BVTV Cổ Lễ, Nam Định. Sau thời gian lăn lộn thực tế, năm 1972 ông hoàn thành công trình nghiên cứu trị bệnh bạc lá lúa và dịch lây nhiễm giữa giống ngắn ngày và giống lúa mùa dài ngày. Các công trình đều được đăng trên trang 1 tạp chí Khoa học kỹ thuật nông nghiệp ngày ấy. Ông Chinh tâm sự: Đến giờ tôi vẫn giữ những bài báo viết về những thành công đầu đời của mình. Nhưng ông tự hào hơn cả là tổng kết công trình nghiên cứu 15 năm bệnh sâu đục thân lúa ở đồng bằng Bắc bộ. Công trình nghiên cứu sâu đến mức những biến đổi do thay đổi cơ cấu diện tích lúa hiện nay cũng đã được dự đoán từ ngày ấy, hầu như không sai biệt nhiều.

Kết quả nghiên cứu đến nay vẫn được ngành sử dụng trong dự báo về phòng trừ sâu đục thân lúa. Để hoàn thành các công trình nghiên cứu khoa học đó, ông Chinh đã lội đủ khắp các vùng đồng ruộng trồng lúa miền Bắc. Miệt mài theo dõi sâu đục thân lúa mỗi đêm, đến mức bà con nông dân Nam Định ngày ấy gọi ông là “ông từ” Chinh vì tối nào cũng là người đi thắp đèn ngoài đồng. Để đảm bảo độ chính xác ông Chinh đích thân phân loại các con bướm, rồi tự tay pha chế thuốc diệt sâu bọ. Chính vì thế, trong hội nghị công bố tổng kết công trình nghiên cứu ấy, GS Đào Văn Tiến có nhận xét: “Công trình này theo tôi không những đạt luận án phó tiến sĩ mà có thể xếp loại luận án tiến sĩ xuất sắc”. Công trình được đăng trên tạp chí BVTV năm đó.

Cha đẻ của “Bác sỹ cây trồng”

Sau giải phóng miền Nam, ông được điều động vào Cai Lậy, Tiền Giang xây dựng trạm BVTV, rồi lại tiếp tục xây dựng Trung tâm BVTV phía Nam. “Con người của ruộng đồng” có dịp được cày xới không chỉ với mấy chục nghìn ha của một tỉnh mà cả triệu ha từ Phú Yên đến Cà Mau. Các trận dịch hại lớn như dịch sâu xanh da láng trên đậu nành ở An Giang, dịch bọ hung chè ở Lâm Đồng, dịch bệnh gỉ sắt cà phê ở Đăk Lăk… hay dịch sâu năn, sâu cắn gié ở Bạc Liệu, Cà Mau, Hậu Giang năm 1989-1990; Dịch rầy nâu năm 1990-1991 ở Cần Thơ… ông và đội phòng trừ dịch bệnh cơ động đều có mặt “trên từng cây số”, mặc dù phương tiện lúc đấy phổ biến là xe máy.

Với ngồn ngộn kiến thức về BVTV và cây trồng được ông nghiên cứu, đúc rút từ thực tế, lại có nhiều năm lăn lộn, “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với nông dân, học hỏi kinh nghiệm của nông dân, lời ăn tiếng nói của nông dân nên chàng kỹ sư trở thành thầy giáo tự nguyện của nông dân không rõ từ lúc nào. Mặc dù không thuộc biên chế khuyến nông, không được học nghiệp vụ sư phạm nhưng những bài giảng của ông về BVTV nói riêng và kỹ thuật canh tác nói chung cho nông dân, cán bộ kỹ thuật ở các địa phương luôn hấp dẫn, sinh động mà bất cứ người nghe nào cũng có thể hiểu và nhớ ngay. Trên thế giới có 2 người đối lập nhau, một là Anh-xtanh “nói nhiều nhưng không ai hiểu” (thuyết tương đối), hai là hề sac-lo “không nói nhưng ai cũng hiểu” – Ông Chinh đã khéo léo kết hợp cả 2 nên đã bằng ngôn ngữ bình dân, hóm hỉnh ông đã biến những kiến thức phức tạp thành đơn giản, biến cái khó thành dễ. Cái “siêu” của chàng kỹ sư bị nông dân hóa là chỗ đó.

Không chỉ tham gia tập huấn đầu bờ, giảng dạy cho nông dân, ông còn viết tới 60 đầu sách, có cuốn thuộc loại “cẩm nang” chuyên ngành. Ông cũng là cộng tác viên của rất nhiều báo như Nông nghiệp VN, Khoa học phổ thông, Đài truyền hình, Đài phát thanh. Tất cả các bài báo của ông đều có một nét chung – Không cần biên tập vì không thừa, cũng không thiếu. Năm 2000, khi được Đài tiếng nói nhân dân TP HCM mời tham gia chương trình IPM, ông chợt nảy ra ý tưởng xây dựng chương trình “Bác sĩ cây trồng”. Chương trình được báo Nông nghiệp Việt Nam và Đài tiếng nói TP.HCM, hưởng ứng và nhanh chóng trở thành chuyên mục ăn khách và nhận được nhiều ủng hộ của các nhà khoa học thuộc lĩnh vực khác, được 2 công ty lớn là Cty CP BVTV Sài Gòn và Cty Phân bón Bình Điền tài trợ.

Từ khối lượng kiến thức đã truyền thụ trên báo, trên đài ông đã tập hợp lại hệ thống hóa, mở rộng nâng cao thêm một cách bài bản, đó chính là bộ sách “Bác sỹ cây trồng” dự kiến đến 50 tập, nay đã viết đến tập 43 mà ông là tác giả chính vừa là chủ biên. Sách Bác sỹ cây trồng vẫn giữ “hồn vía” của những bài báo bác sỹ cây trồng, vẫn kiểu văn hàm súc, pha chút hóm hỉnh, dễ đọc, dễ hiểu nhưng kiến thức lại rất chuyên sâu. Chính vì vậy nên đây là bộ sách chuyên về nông nghiệp không được hỗ trợ giá nhưng lại có số bản in cực lớn.

Nay dù đã nghỉ hưu, ông vẫn tiếp tục viết sách, viết báo đều đặn, ngoài ra còn tham gia tư vấn cho nông dân trồng rau sạch. Ông bảo: Những gì đúc kết được trong suốt quá trình gắn bó với nhà nông ông sẽ không ngần ngại sẻ chia. Hơn ai hết ông hiểu điều nông dân cần.

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 2] Đưa yến sào thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực

Yến sào được kỳ vọng là sản phẩm xuất khẩu mang lại nguồn thu lớn cho Bình Phước, sau hạt điều, cao su và sầu riêng.

Kiểm tra đột xuất cơ sở giết mổ, chợ đầu mối, trường học

TP. HCM Công tác kiểm tra sẽ được TP. HCM triển khai đồng bộ tại các cơ sở kinh doanh, giết mổ, chế biến, nhà hàng khách sạn, bếp ăn tập thể, chợ đầu mối.

Giảm hơn 70% lượng nước nhờ tưới phun tận gốc

Tại các tỉnh Tây Nguyên, rất nhiều diện tích cà phê áp dụng công nghệ tưới phun mưa tận gốc giúp giảm được hơn 70% lượng nước tưới và chi phí nhân công.