| Hotline: 0983.970.780

Đổi đời ngay tại làng mình

Thứ Sáu 22/04/2011 , 11:15 (GMT+7)

Ông Đoàn Ngọc Thụ, Bí thư chi bộ thôn Thượng (Võ Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình) cho biết: "Bằng nhiều hình thức, chúng tôi đã tuyên truyền về xây dựng NTM đến tận từng người dân. Qua tuyên truyền kết hợp việc thực hiện hương ước của thôn, người dân thôn Thượng đã nhận thức sâu sắc trách nhiệm, quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi người dân, của mỗi gia đình trong việc xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế gia đình, xây dựng NTM..."

Đột phá kinh tế

Thôn Thượng có 460 hộ dân, nơi đây đất ít người đông, sản xuất thuần nông nhưng lại có trên 80% diện tích ruộng bị lầy thụt, đất bạc màu, chua phèn nên năng suất cây trồng đạt thấp. Ruộng ở đây không cày bừa được, khi cuốc ruộng, cấy lúa, người nông dân phải đứng 2 chân trên 2 cây sào tre to để khỏi bị lún xuống bùn lầy.

 Tuy vậy, từ khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, người dân thôn Thượng đã cải tiến kỹ thuật, đưa giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao vào gieo nên sản lượng lương thực ngày một tăng. Vì vậy, trong thời gian ngắn, sản lượng lúa của thôn đã tăng từ 230 tấn lên 270 tấn. Bên cạnh đó, thôn Thượng sớm chuyển đổi hơn 5 ha lúa hàng năm cho năng suất thấp, bấp bênh sang nuôi cá nước ngọt, mỗi năm sản lượng cá đạt từ 4 -5 tấn, góp thêm số tiền không nhỏ cho nguồn thu các hộ gia đình.

Nét đổi mới ở thôn Thượng là nhà nào cũng có một diện tích dành để trồng rau xanh quanh năm. Nhà ít thì trên dưới 100 m2, nhiều cũng đến 600- 700 m2 đất để trồng luân canh đủ các thứ rau. Ngoài trồng rau, một số người dân trong thôn đã nắm bắt được nhu cầu của thị trường cây cảnh; từ kinh doanh cây cảnh, mỗi năm có hộ thu về trên 100 triệu đồng. Gia đình ông Lê Tiến Hiền và gia đình ông Trương Quang Trồi có cách làm giàu khác bằng phát triển kinh tế trang trại, đã mạnh dạn đầu tư vốn mở trang trại cây- con tổng hợp, vừa có thu nhập cao lại giải quyết được việc làm cho nhiều người lao động.

Nhiều hộ gia đình khác đầu tư phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Đến nay, trong thôn đã có trên 25 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ, trong đó có 3 cơ sở sản xuất mộc cao cấp, gò hàn, 5 Cty xây dựng tổng hợp... tổng doanh thu mỗi năm ước đạt gần 10 tỷ đồng. Nhờ vậy, người lao động trong thôn ngày càng có việc làm, có thu nhập, số hộ nghèo mỗi năm một giảm.

Thay "áo mới"

“Qua mười năm xây dựng, thôn Thượng đã vinh dự được Ban chỉ đạo phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" của tỉnh Quảng Bình tặng cờ thi đua "Làng văn hóa tiêu biểu, xuất sắc giai đoạn 2000- 2010" và được UBND tỉnh tặng Bằng khen Có thành tích xuất sắc trong phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa". Từ mô hình xây dựng này, chúng tôi sẽ nhân rộng để thực hiện xây dựng theo định hướng xã NTM trong thời gian tiếp theo”, ông Lê Bá Phấn, Chủ tịch UBND xã Võ Ninh

Ông Lê Tiến Hiền, Trưởng thôn phấn khởi: “Nếu năm 2000, thôn Thượng có tỷ lệ hộ nghèo 35% thì đến cuối năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn lại 10%; trong lúc đó, tỷ lệ hộ khá và giàu chiếm đến 55%. Nhiều nhà cao tầng, nhà kiên cố đã mọc lên, đường ngang lối dọc được bê tông cứng hóa trên 90%".

Kinh tế phát triển, đời sống văn hóa ở khu dân cư ngày một đổi thay; cùng với các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao thường xuyên được tổ chức, vui tươi, lành mạnh. Hoạt động của các "Câu lạc bộ không sinh con thứ 3", "Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững" vẫn được duy trì và phát triển. Công tác khuyến học, khuyến tài luôn được thực hiện tốt, động viên được con em học hành giỏi, ngoan. Tiêu biểu trong công tác khuyến học có gia đình các ông Lê Hồng Sơn, Lê Thanh Lương và các dòng họ Lê, họ Phạm.

Điều đáng ghi nhận nữa là, từ năm 2007, thôn Thượng là đơn vị đầu tiên của xã Võ Ninh vận động bà con có ý thức thu gom rác thải để giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường, làm sạch, đẹp xóm làng. Mỗi tháng 2 lần các gia đình đưa bì đựng rác thải ra trước ngõ để tổ thu gom của thôn chuyển đến một địa điểm xa khu dân cư để xử lý. Từ mô hình thu gom rác thải ở thôn Thượng, đến đầu tháng 6/2009, xã Võ Ninh triển khai ra diện rộng và đã thực hiện tốt trong toàn xã.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm