| Hotline: 0983.970.780

Đổi đời từ cây riềng trắng

Thứ Ba 02/06/2009 , 10:28 (GMT+7)

Trồng riềng trắng, gia đình anh Nguyễn Minh Quang thực sự đổi đời với mức thu nhập 20 triệu đồng/tháng...

Qua việc trồng riềng trắng, gia đình anh Nguyễn Minh Quang đã thoát nghèo, xây được nhà khang trang, con cái có công ăn việc làm ổn định, đang dần dần từng bước cải thiện đời sống, với mức thu nhập 20 triệu đồng/tháng. Để mở rộng diện tích, anh dự kiến sẽ thuê thêm 5 công đất nữa để trồng riềng trắng. Học cách làm của anh nhiều hộ cũng dần khấm khá lên.

Trong khi nhiều người đang loay hoay chưa biết trồng cây gì trên cánh đồng bị nhiễm phèn, thì anh Nguyễn Minh Quang (Sáu Sút) ở ấp 4A, xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi, TPHCM, mạnh dạn chuyển đổi từ đất trồng lúa sang trồng cây riềng trắng, mang lại hiệu quả cao cho gia đình.

Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Minh Quang cho biết: Trước đây anh đã từng làm công nhân nhà máy đường ở tỉnh Bình Dương. Tuy nhiên do nhà máy làm ăn bị thua lỗ, công nhân không có việc làm, thu nhập bấp bênh, không đủ chi phí cho gia đình, anh quyết định nghỉ việc tìm về mảnh vườn thân quen của cha ông để lại với hy vọng xây dựng kinh tế, thay đổi cuộc sống.

Anh Quang kể, hồi mới về làm nông nghiệp cũng nhiều bỡ ngỡ lắm, bởi vì từ bé tôi có phải chân lấm tay bùn bao giờ đâu, lớn lên đi làm công nhân luôn, cho nên công việc đồng áng không rành lắm, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Năm 2007, trong một lần đi thăm người bạn ở quận 12 thấy anh ấy trồng riềng trắng, ngó cũng hơi lạ vì thông thường người ta hay trồng riềng đỏ.

Anh liền lân la hỏi thăm cách trồng, cũng như cách chăm bón làm sao và bán ở đâu? Thấy cũng dễ trồng anh mua giống về trồng thử. Lúc đầu anh Quang trồng 1.500m2, nhờ chịu khó cần cù, riềng được chăm sóc tốt, cây lớn nhanh, bán được giá, dần dà vườn riềng của anh Quang lên tới 10.000m2.

Anh Quang cho hay: “Cây riềng vừa là cây gia vị vừa là cây thuốc nam, cho nên thị trường tiêu thụ ở TPHCM và tỉnh Bình Dương rất lớn, nhờ trồng cây riềng nhiều gia đình có cơ hội thoát nghèo”. Theo anh, riềng cũng dễ trồng, cây ít bệnh, công chăm sóc thấp, không tốn tiền mua thuốc bảo vệ thực vật, ai trồng cũng được. Nên trồng vào đầu mùa mưa, có thể trồng bằng củ hoặc bằng nhánh, riềng cần những nơi đất có độ ẩm cao, nhưng không chịu được úng.

Trước khi trồng phải lên luống rộng 5 – 6m, xung quanh có đào mương để thoát nước. Dùng cuốc đào hố rộng 20cm, sâu 10cm (lưu ý có thể dùng tro trấu hoặc phân bón lót loại VL 07 + phân lân trộn đều, bón mỗi hố 1 nắm). Đặt củ riềng giống xuống lấp đất chặt xung quanh, phủ rơm khô hoặc cỏ lên trên để giữ ẩm. Cây cách cây 50cm, hàng cách hàng 60 – 70cm. Trồng xong tưới nước luôn, ngày 1 -2 lần, trời mưa không cần tưới. Khi cây riềng bắt đầu đẻ tược bón nhử loại phân 20 – 20 -15, mỗi cây 100g. Cây phát triển được 3 tháng (hình thành bụi) bón mỗi gốc 200g. Riềng trồng được 12 tháng bón thúc phân 999 của Bình Điền, để thêm 6 tháng là thu hoạch.

Năng suất riềng phụ thuộc rất lớn vào thời gian trồng, thời gian trồng càng lâu, riềng càng cay, củ càng lớn. Thông thường từ lúc trồng tới lúc thu hoạch khoảng 18 tháng là vừa (lứa đầu). Khi thu hoạch xong lứa đầu, nên để lại những cây bánh tẻ và lấp đất lại, tiếp tục chăm sóc, 12 tháng sau là thu được đợt hai. Trồng 1 công (1.000m2), chăm sóc tốt đạt 5 – 6 tấn. Giá bỏ mối hiện nay khoảng 4.000 – 5.000 đ/kg, lúc cao điểm lên tới 7.000 – 8.000 đ/kg, hiện nay một ngày anh Quang bán từ 80kg – 1.500kg riềng trắng.

Xem thêm
Giá heo nhích kích thích người nuôi tái đàn

Sau thời gian dài duy trì ở mức thấp, từ đầu năm 2024 đến nay, giá heo ở Bình Định không ngừng tăng, hiện ở mức 51.000đ/kg, người chăn nuôi hồ hởi tái đàn…

Tỷ lệ tiêm chỉ đạt 52%, Quảng Nam bùng phát dịch lở mồm long móng

Tỷ lệ tiêm phòng thấp, ý thức người dân chưa cao, tập quán chăn thả rông trâu bò là những nguyên nhân dễ gây bùng phát dịch lở mồm long móng ở Quảng Nam.

Điều tra sinh vật gây hại gây bệnh chết nhanh trên cây tiêu

Dự án V-SCOPE đã nghiên cứu, phát hiện 3 loài sinh vật gây hại gây bệnh chết nhanh trên cây tiêu ở Tây Nguyên cũng như việc tưới nước quá mức trên cây cà phê.

Mỗi hộ trồng hàng trăm ha mía vẫn khỏe re

GIA LAI Những năm gần đây, cây mía đã cho nông dân vùng Đông Gia Lai có cuộc sống đủ đầy nhờ tiền vào rủng rỉnh. Cây mía đã khẳng định vị thế trên vùng đất này.