| Hotline: 0983.970.780

Đòi lại sự công bằng cho nông dân

Thứ Sáu 21/07/2017 , 09:25 (GMT+7)

Trà Vinh là tỉnh đi đầu ở ĐBSCL tuyên chiến với nạn phân bón giả, kém chất lượng. Thời gian qua, cơ quan chức năng đã vào cuộc mạnh mẽ, mở nhiều đợt truy quét nhưng tình trạng này vẫn rất phức tạp.

Trả lời Báo NNVN, ông Trần Quốc Tuấn, GĐ Sở Công thương Trà Vinh khẳng định, thời gian tới sẽ vào cuộc quyết liệt hơn nữa để đòi lại sự công bằng cho nông dân và các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

08-20-10_1
Ông Trần Quốc Tuấn, GĐ Sở Công thương Trà Vinh

Được biết, Trà Vinh nhiều năm liền thực hiện rất nghiêm túc việc quản lý phân bón giả, kém chất lượng. Vậy tỉnh làm cách nào, thưa ông?

Thời gian qua, lực lượng chức năngđã mở nhiều đợt truy quét. Cụ thể, 3 năm qua, chúng tôi lấy gần 200 mẫu để kiểm tra, kết quả có hàng chục mẫu phân bón giả, kém chất lượng, tỷ lệ lên tới hơn 40%. Khi phát hiện, chúng tôi xử phạt thẳng tay, không có ngoại lệ. Đặc biệt, chúng tôi đã công bố những đơn vị sai phạm lên báo đài để phổ biến rộng rãi.

Bên cạnh đó, tỉnh tăng cường tuyên truyền. Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã tổ chức hàng loạt hội thảo, chuyên đề về dấu hiệu nhận biết cơ bản nhất để phân biệt phân bón thật, phân bón giả.

Đặc biệt, chúng tôi cũng phổ biến những chiêu trò của doanh nghiệp như tiến hành hội thảo hoành tráng, quảng bá bằng những lời “có cánh”, lợi dụng sự hạn chế của người dân để dùng các chữ tiếng nước ngoài trên bao bì, dễ gây nhầm lẫn... Qua đó giúp bà con nâng cao hiểu biết, cảnh giác hơn.

Từ kinh nghiệm đó, ông thấy việc xử lý sai phạm sản xuất, kinh doanh phân bón hiện còn tồn tại gì?

Nói thật, dù chúng tôi làm rất quyết liệt nhưng cái lợi từ kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng quá lớn nên thực trạng vẫn chưa có nhiều biến chuyển. Thị trường chưa lành mạnh như chúng tôi kỳ vọng. Quy định về xử phạt trong lĩnh vực phân bón còn quá nhẹ. Mức xử phạt cho kinh doanh phân giả, kém chất lượng từ 10 – 20 triệu. Xử phạt thế này không đủ sức răn đe. Phải tăng mức xử lý lên gấp 5, thậm chí gấp 10 lần.

Ngoài ra, theo tôi nếu đơn vị nào trong một năm mà 02 lần tái phạm thì phải thu hồi giấy phép hoạt động. Xử phạt lần đầu tức là cảnh báo, tức doanh nghiệp đã biết phân bón của mình không đạt. Lần sau tiếp tục vi phạm, là cố ý xem thường pháp luật, lúc đó phạt tiền không đủ sức răn đe nữa.

Chúng ta phải có biện pháp mạnh hơn, phải rút giấy phép hoạt động. Không thể để những doanh nghiệp đó hủy hoại đồng ruộng, vườn cây của người nông dân. Những doanh nghiệp làm ăn chân chính họ cũng chịu thiệt thòi trong vấn đề cạnh tranh với phân bón “bẩn”.

Ngoài ra, theo ông còn lỗ hổng nào cần phải lấp lại?

Vấn đề xử phạt tính theo lô sản xuất cũng chưa phù hợp. Giả sử có 02 đại lý A và B cùng kinh doanh một lô sản phẩm của cùng nhà sản xuất. Kết quả kiểm nghiệm mẫu vi phạm ở đại lý A chỉ áp dụng xử phạt tại đây. Không thể xử lý vi phạm cùng lô đang bày bán ở đại lý B. Muốn xử phạt phải gửi mẫu kiểm nghiệm lại. Tại sao làm vậy để tốn thời gian, chi phí?

Chúng tôi kiến nghị nghiên cứu sửa đổi quy định trên cho phù hợp. Trong vấn đề xử phạt, nếu cùng một lô mà phát hiện sai phạm chúng ta có thể lấy kết quả kiểm nghiệm mẫu của lô sản xuất đó áp dụng cho tất cả các sản phẩm cùng lô trên địa bàn toàn tỉnh, hoặc toàn vùng ĐBSCL.

Còn vấn đề xử phạt số lượng hàng trong một lô cũng vấp phải chiêu trò của các doanh nghiệp. Các đơn vị sản xuất phân bón giả, kém chất lượng thường xé nhỏ các lô sản phẩm để né tránh. Chẳng hạn, bình thường mỗi lô 100 bao, để tránh bị phạt nhiều, họ chia nhỏ mỗi lô chỉ 10 bao. Như vậy chúng ta chỉ xử lý được 10 bao thôi. Cần có quy định cụ thể, không thể để 1 lô sản phẩm chỉ có 5 – 10 bao được.

Thời gian tới, Trà Vinh sẽ làm gì để "tiêu diệt" phân bón giả, kém chất lượng?

Để làm sạch thị trường, công bằng với người sử dụng và những doanh nghiệp chân chính, chúng tôi sẽ tiếp tục làm mạnh, làm quyết liệt, không có ngoại lệ. Tuy nhiên, nguồn lực của địa phương cũng có hạn.

Cội nguồn sâu xa của phân giả, kém chất lượng là từ các nhà sản xuất. Mà các nhà sản xuất không nằm trên địa bàn tỉnh nên chúng tôi không "túm" được họ. Vì vậy, cần có quy chuẩn kỹ thuật chung cho các loại sản phẩm, hàng hóa là phân bón. Đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện nên doanh nghiệp phải đáp ứng đúng, đầy đủ các tiêu chuẩn bắt buộc mới được hoạt động. Không thể để những doanh nghiệp “cuốc xẻng” cũng ngang nhiên sản xuất phân bón như doanh nghiệp chân chính.

Còn về vấn đề thu giấy phép kinh doanh của những nhà sản xuất có sai phạm nhiều lần, mong các Bộ, ngành nghiên cứu sửa đổi chính sách ngay, vì có làm mạnh, làm quyết liệt từ trên xuống mới đủ sức răn đe. Có tháo gỡ vấn đề từ gốc thì mới bền vững, lâu dài.

Xin cảm ơn ông!

Ông Võ Hồng Ngoãn (Bạc Liêu): Tăng mức phạt và xử lý hình sự

08-20-10_2
 

"Trong nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh thực trạng thức ăn, thuốc thú y giả, kém chất lượng để lại hậu quả rất nặng nề. Kinh doanh thuốc thú y thủy sản bây giờ chẳng khác nào buôn bán “heroin” được hợp thức hóa. Các Cty làm hàng giả gây hại cả cộng đồng, “giết người” không cần dùng hung khí nhưng bị xử lý nhẹ như phủi bụi.

Hình phạt phải thích đáng hơn. Không chỉ bồi thường cho người bị thiệt hại mà còn truy cứu trách nhiệm hình sự. Thiên tai nặng nề cỡ nào cũng khắc phục được, còn nhân tai làm hại người nông dân hiện đang hoành hành một cách ngang nhiên, mà chúng ta lại khoanh tay đứng nhìn là sao. Cần phải mạnh tay mới mong giảm bớt hàng giả, kém chất lượng".

 

Xem thêm
Nhận diện để hiểu hàng thật, tránh hàng giả Made in Japan

Sáng 15/3, Tổng cục Quản lý thị trường mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề 'Nhận diện hàng thật - hàng giả Made in Japan'.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo an tín dụng đạt trên 300 tỷ đồng/năm

ĐBSCL Năm 2023, tổng doanh thu giữa Ngân hàng Agribank - Bảo hiểm Agribank tại khu vực Tây Nam bộ đạt trên 300 tỷ đồng.

Bất động sản nghỉ dưỡng và những dấu hiệu phục hồi

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định: Năm 2023 thị trường bất động sản đã vượt qua giai đoạn 'bĩ cực' nhất, 2024 sẽ ghi nhận những động thái tích cực hơn.