| Hotline: 0983.970.780

Đời lúa khoai!

Thứ Ba 08/02/2011 , 09:30 (GMT+7)

Có một nghịch lý: Được- Mất của người trồng lúa, bên đây và bên kia biên giới đôi khi chỉ có 100-200 đồng/ký lúa! Thậm chí chỉ cần nhích lên 50 đồng một ký lúa là giao kèo có thể bị phá vỡ.

Ông Hùynh Văn Thòn

1. Ông Thòn nắm vắt cơm và bắt đầu gợi chuyện với bà Lay, người chở gạo Phkamalis, Phkakhanhay từ Battambang về Tịnh Biên tiếp thị kiểu thương nhân lúa gạo Thái Lan. Bà nấu chín và hai tay bưng nồi cơm điện mời khách dùng thử.

Chỉ một vắt cơm mà câu chuyện dung chứa biết bao hỉ, nộ, ái, ố... một thời khó xử ở vùng này khi lúa từ Campuchia bán sang bên đây biên giới bị xem là hàng lậu. Có vẻ như người ta sẵn sàng kết tội kẻ đã làm giá lúa nội địa xuống thấp chính là “ thằng” lúa ngoại. Ông Thòn không nghĩ như vậy khi đặt nguồn lương thực của một quốc gia vào bối cảnh thực của nó: Đó là sự chèo chống đơn độc. Nếu hai quốc gia thì nó giống như…đôi đũa.

Văn hóa muỗng nĩa sẽ khó khăn vô cùng khi cầm đôi đũa để hiểu được triết lý tương hợp. “Bạn phải khéo léo kết hợp mới gắp được”, tôi động viên người bạn nước ngoài và anh ta bắt đầu luyện gắp thịt, tới nay đã rành cách gắp đũa nằm để lấy được nhiều hơn.

Ông Thòn chịu ảnh hưởng tuệ giác của nền văn hóa này. Ông thuộc tuýp hành động để có một tập hợp những FF (Farmer’s Friends). Ông muốn đội quân FF lên tới 5.000 người. Trước khi họ sang Takeo, Candal và Kongpong Ch’nang, nơi ruộng đồng chứa niềm kỳ vọng thặng dư lúa gạo của Samdec và nhà vua, nhưng chưa ai chứng minh được bước nhảy năng suất. TS Nguyễn Bảo Vệ, một trong những người tham gia cuộc trải nghiệm đầu tiên nói: “Những ruộng lúa đạt năng suất 8,4 tấn/ha thay vì 2,2 tấn/ha như hàng trăm năm nay đã xuất hiện tại Kongpong Ch’nang”.

Nhiều thương lái tính toán sản lượng lúa từ châu thổ trong vòng 3 năm trở lại đây, có vẻ như có một con số bọc lót ở đâu đó dọc biên giới, mỗi năm không dưới một triệu tấn. Có nên giấu con số đó không? Nếu đó là lúa của người từ bên đây biên giới qua bên kia thuê đất, trả địa tô rồi chở lúa về hoặc lúa của dân bản xứ muốn bán sang biên giới vì họ không có nhà máy xay xát lúa gạo thì cách ứng xử ra sao là vừa?

“Khi trở lại Campuchia, tâm thế của tôi là muốn cùng những người anh em sản xuất lương thực và có dư để xuất khẩu”- ông Thòn đã nói điều này với trợ lý Thủ tướng Hun Sen. Khi lúa gạo hai nước liên kết vận hành kế hoạch tham gia thị trường thì lúa từ điền trang của xứ chùa Tháp có nhiều cơ hội tốt hơn, giá cả trên thương trường cũng sẽ khác hơn.

Có một nghịch lý: Được- Mất của người trồng lúa, bên đây và bên kia biên giới đôi khi chỉ có 100-200 đồng/ký lúa! Thậm chí chỉ cần nhích lên 50 đồng một ký lúa là giao kèo có thể bị phá vỡ. Sự nhỏ nhoi và bội tín làm cho cuộc đời này vô vị và buồn tẻ. Ông Huỳnh Văn Thòn, TGĐ Cty CP BVTV An Giang ( AGPPS) ôm ấp một dự án lúa gạo khép kín cốt để bảo vệ một chữ: Tín.

Ít nhất 100.000 hộ, quy mô khoảng 200.000 ha sẽ được kết nối với mô hình này. “20 năm nay, tui suy nghĩ nung nấu về điều này”, ông Thòn nói như vậy. Suy nghĩ làm sao tính trước cho nông dân, phần còn lại mới tới DN. Một kỹ sư FF làm việc với 20 nông dân, hướng dẫn họ làm lúa theo quy trình mới, bao tiêu sản phẩm, tổ chức sấy, xay xát, đóng gói, tạo sản phẩm thương mại có tên tuổi, hình ảnh khác biệt, có lộ trình nhận diện thương hiệu đàng hoàng. Mô hình điểm cho kế hoạch này từ Cầu Kè, nơi có số đông người Khmer. Đích thân sư cả cùng vận động.

 Mô hình đầu tiên đang được xây dựng tại An Giang. Tiền đầu tư sẽ cao hơn dự kiến 65 tỷ đồng cho một cụm liên hợp. “Ý tưởng làm mô hình khép kín, đâu phải ai cũng ủng hộ liền. Có người nói mưu mô gì đây? Họ đâu có biết anh em tụi tui cày sâu, cuốc bẫm mới sớm phát hiện nhu cầu mới, giúp nông dân nhận biết rủi ro. Bà con thấy "thằng” công ty này thiệt lòng giúp mình, biết điều với mình thì ủng hộ nó, thị phần tăng chỗ đó chứ không phải bùa phép gì.

Giống như những khao khát của người trồng lúa, vậy mà sao ông Thòn có được!? 

2. Không phải dễ dàng để có thể chuyển tải mọi suy nghĩ riêng mình thành một cuộc sống sôi động. Ông Lê Tùng Hiếu (Chín Hiếu) tự cho mình có cốt cách lúa khoai hay chí ít ông cũng đang trở lại châu thổ, làm việc gì đó cho nhẹ lòng với thiết bị của hãng BULOVA. Từ CHLB Đức về nước năm 1972, cốt cách lúa khoai thôi thúc ông nhanh chóng làm ra những chiếc máy xay lúa ru-lô cao su theo công nghệ Nhật Bản thay vì xay theo cối đá, thiết bị châu Âu. Đó là tốp dẫn đầu làm thay đổi công nghệ xay xát những năm hòa bình vừa lập lại.

 Thời cuộc vẫn còn ngổn ngang nhưng ông Chín cho rằng việc theo đuổi công nghệ xay xát chưa bao giờ đứt quãng. Trừ linh tính riêng ông, khi đưa ra dòng máy chạy dầu diesel 3 năm sau đó, bản thân ông cảm nhận cái khó khiến những ý tưởng này phải xếp lại. Bao cấp không phải cuộc chơi. Ông cảm nhận như vậy bởi nó từng tồn tại ở miền Nam trước năm 1975 với một tên gọi khác. Vikyno là điển hình của khu vực công và Vinappro tồn tại như điển hình cho khu vực tư. Quốc doanh ở miền Nam cũng từng bộc lộ những căn bệnh dù được ủ ấm bởi lớp vỏ bọc bao cấp: không tiếp cận, thấu hiểu người tiêu dùng để cải tiến thiết bị, không coi trọng hậu mãi, không chú trọng nhu cầu phụ tùng và chỉ giao phó việc giao nhận hàng hóa qua chành.

10 năm sau đó, ông Chín Hiếu (từng là Phó Giám đốc Vinappro) hầu như không làm được loại máy nào nữa dù Vinappro từng là điển hình xây dựng quy trình hoàn chỉnh do tư nhân đầu tư trước 1975. Nhà máy sống lây lất nhờ hàng tồn kho, không biết sản phẩm làm ra đi đâu, bán cho ai? Năm 1985, năm “cứu rỗi”- chủ trương đổi mới hồi sinh mọi thứ, doanh thu nhà máy tăng gấp 3- 4 lần, công nhân từ 200 lên 500 người liền, máy bơm, máy phát điện xuất xưởng. Nông dân đồng bằng thở phào.

Thỉnh thoảng cuộc sống lợn cợn gai góc trong quá khứ! Tại Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao ở Cà Mau hồi cuối năm 2010, một ngư dân Sông Đốc săm soi chiếc máy diesel sản xuất trong nước, nói “Hồi trước, tui phải mua một lúc hai cái máy diesel của Trung Quốc chỉ vì tìm hoài mà không thấy “ông” này. Tại sao mình có thể sản xuất mà không làm?”. Đã có lúc đó, 100.000 máy chạy dầu của Trung Quốc thong dong vào thị trường mình, đi đến đâu máy Trung Quốc nghênh ngang, thễu thện đến đó. Máy second hand ăn theo, lớp nghèo hài lòng vì nhu cầu được chắp vá! Còn những người ôm mộng công nghiệp hóa như ông Chín ngẩn ngơ đứng nhìn. Thị trường mình để người ngoài ăn mất

 “Trước năm 1975, IRRI đã chọn miền Nam sản xuất máy gặt đập liên hợp. Với hơn 200 chi tiết máy, tụi tui thuộc lòng”, ông Chín nói. Thời gian đã cuốn trôi những cơ hội. Lớp học trò trường Cao Thắng như ông Chín đã già đi, còn lại cuộc đời lơ lửng, tiếc nuối. Ông có vẻ day rứt khi nói chuyện lúa khoai ở châu thổ. Day rứt khi hơn ba thập niên, người châu thổ phải tự làm ra những chiếc máy gặt đập liên hợp không ai giống ai. Nghề cơ khí “mạnh” – Mạnh ai nấy làm và có những cơ phận trong chiếc máy gặt đập liên hợp Kubota gia công cơ khí chỉ 500.000 đồng nhưng người mua phải trả với giá 3-4 triệu đồng.

Ông Chín nói: Có tới nơi sản xuất những loại máy du nhập từ người khổng lồ mới giật mình khi các doanh nghiệp được bù 10% cho những loại máy xuất qua Việt Nam, xuất bao nhiêu cũng được. Trong 2 năm, nếu doanh thu xuất khẩu không đạt sẽ mất quyền hưởng lợi ưu đãi từ chính sách. Cuối năm, họ sẵn sàng bán tháo để hưởng chính sách 10%. Các doanh nghiệp mua đi – bán lại từ Việt Nam xem đây là cơ hội mua gom- giá nào cũng bán, bao nhiêu cũng mua bất kể đó là cái bẫy đẩy ngành cơ khí vào trạng thái gây mê.

Day rứt, nợ nần dù chẳng ai cho ông vay, nhưng ông tự cảm nhận rằng mình phải trả món nợ này lâu lắm. “Ở miền Nam trước năm 1975, kinh nghiệm của Bộ Kinh tế là: “Muốn kinh doanh phải có nhà máy sản xuất chứ không thả nổi cho mua bán ”, ông Chín nói. 

3. Chỉ cần bước qua khỏi cửa khẩu Tịnh Biên là nhìn thấy một cánh đồng mút mắt, cũng không ai biết nó rộng bao nhiêu! Chỉ biết mùa lũ lụt những năm cuối thế kỷ trước, cánh đồng biến thành biển nước vô bờ.

Ông Bùi Phong Lưu, giám đốc Cty Bùi Văn Ngọ chuyên cung cấp thiết bị cho quy trình chế biến lúa gạo chở qua Battambang một lần nữa trước khi ăn Tết Nguyên đán. Ở đó IFC- Công ty Tài chính của WB, đang hỗ trợ ngành lúa gạo của vương quốc Campuchia nâng cao sức cạnh tranh bên cạnh sự trợ giúp kỹ thuật của Cty Bùi Văn Ngọ. Cả ông Huỳnh Văn Thòn, ông Lê Tùng Hiếu, ông Bùi Phong Lưu đều thể hiện từng mảng trong bức tranh ghép. Nhưng có lẽ họ chưa từng ngồi chung trong một khung hình.

Một bài viết lúc cuối năm, thử tưởng tượng những người bị đời lúa khoai cuốn hút cùng ngồi chuyện trò về cách làm lúa thời hiện đại, trong đó mô hình FF ở Campuchia, chuyển giao chất xám trồng lúa nước ở Châu Phi hay cách đặt hàng của Qatar- một địa phương của châu thổ cung cấp dài hạn cho một quốc gia tiêu thụ lúa gạo- khởi đầu cho ý tưởng quốc tế hóa nghề trồng lúa từ châu thổ. Lẽ nào lại là hư ảo?

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Doanh nghiệp đầu tiên công bố sản xuất cà phê tuân thủ EUDR

ĐẮK LẮK Simexco DakLak đã được cấp chứng nhận tuân thủ EUDR cho 4.957 nông dân với diện tích 5.375ha trong vùng liên kết.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.

Bình luận mới nhất