| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 16/01/2013 , 10:10 (GMT+7)

10:10 - 16/01/2013

Đổi mới truyền thông tam nông

Đây là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh tại Lễ trao giải cuộc thi viết về “tam nông” năm 2012.

Đây là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh tại Lễ trao giải cuộc thi viết về “tam nông” năm 2012 vừa diễn ra tối 14/1, nhằm nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền về nông nghiệp, nông dân và nông thôn.


Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh (giữa) trao giải nhất cho tác giả Lê Đức Nghĩa (trái) và Trịnh Kế (phải) với phóng sự "Bám biển làm giàu"

Năm 2012 là năm thứ 2 mà Cuộc thi viết về đề tài nông nghiệp, nông dân, nông thôn được Bộ NN-PTNT cùng một số đơn vị tổ chức nhằm góp phần đưa Nghị quyết 26 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn vào cuộc sống.

Nhìn vào kết quả cuộc thi với hơn 300 tác phẩm của nhiều tác giả được gửi về trong thời gian diễn ra cuộc thi, có thể thấy mối quan tâm của người dân và báo chí đối với lĩnh vực này là không hề nhỏ. Theo Ban Tổ chức, cuộc thi thu hút sự tham gia của mọi tầng lớp nhân dân, từ cán bộ cao tuổi về hưu, cán bộ khoa học kỹ thuật, các nhà báo và các cộng tác viên trên nhiều lĩnh vực tại các tỉnh, thành phố, đến nơi biên giới, hải đảo.

Đáng chú ý là nội dung của các tác phẩm dự thi và đặc biệt là các tác phẩm đoạt giải không chỉ bó gọn trong khuôn khổ những bài viết về gương nông dân làm giàu, điển hình tiên tiến, mô hình nông thôn mới đã được báo chí khai thác nhiều.

Các nhà báo, phóng viên và cả những cây bút nghiệp dư không hề nhìn nông nghiệp với ánh mắt hời hợt, thiếu quan tâm mà đã đầu tư công sức, tâm trí để cho ra đời nhiều bài viết sâu sắc, phản ánh những hạn chế, yếu kém cần sớm khắc phục, đồng thời đề xuất những giải pháp, kinh nghiệm giúp các cơ quan chức năng có cách tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong lĩnh vực này.

Thế nhưng, đối nghịch với sự quan tâm mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân thì khối doanh nghiệp lại có vẻ thờ ơ, lãnh đạm còn các cơ quan chức năng cũng chưa có sự quan tâm thỏa đáng. Bằng chứng của sự thờ ơ này là vốn đầu tư vào ngành nông nghiệp từ cả ngân sách Nhà nước lẫn khối doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đều đang suy giảm ở mức đáng báo động, các chính sách hỗ trợ còn chậm trễ, thiếu khả thi… khiến đời sống của người nông dân ngày càng khó khăn.

Nhiều người dân ở các vùng nông thôn thậm chí phải bỏ ruộng vườn, quê hương lên thành phố kiếm sống vì không thể sống được bằng nông nghiệp nữa. Số lượng các hợp tác xã nông nghiệp đóng cửa, hoạt động cầm chừng ngày càng tăng.

Nguyên nhân của tình trạng này có phải là do công tác truyền thông, phổ biến thông tin, chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước về tam nông chưa được các cơ quan chức năng thực hiện đến nơi đến chốn, khiến doanh nghiệp thiếu mặn mà với nông nghiệp, còn chính quyền các địa phương thiếu thông tin cần thiết để triển khai chính sách hỗ trợ bà con?

Có lẽ, chính bởi thế nên tại Lễ trao giải Cuộc thi viết về đề tài nông nghiệp, nông dân, nông thôn vừa diễn ra, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã kêu gọi các cơ quan hữu quan “đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đôổi mới cách thức thể hiện, mở rộng mạng lưới phát hành để các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến được với người dân cả nước”.

Nhìn vào những thành tựu vào vai trò to lớn của nông nghiệp, lĩnh vực truyền thống, gắn liền với lịch sử đất nước, cung cấp việc làm cho khoảng 70% người lao động, mang lại nguồn thu ngoại tệ khổng lồ cho đất nước (xuất khẩu ròng 10 tỷ USD trong năm 2012), đồng thời là trụ cột kinh tế đất nước, thì có thể thấy yêu cầu “đổi mới truyền thông về tam nông” cấp thiết đến mức nào!

Bình luận mới nhất