| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 10/06/2013 , 11:01 (GMT+7)

11:01 - 10/06/2013

Đổi mới từ gốc

Sau nhiều chương trình cải cách thủ tục hành chính về quản lý nhân khẩu, người dân dường như vẫn "mắc kẹt" trong hàng loạt giấy tờ,...

Sau nhiều chương trình cải cách thủ tục hành chính (TTHC) về quản lý nhân khẩu, người dân dường như vẫn "mắc kẹt" trong hàng loạt giấy tờ, từ giấy khai sinh, hộ khẩu, đến CMTND... và vẫn đang chờ đợi một sự đổi mới từ gốc.

Theo thống kê sơ bộ, mỗi ngày, các cơ quan hành chính Nhà nước phải thực hiện trung bình khoảng 600.000 giao dịch trong lĩnh vực hành chính công. Trong đó, hầu hết các TTHC đều được thực hiện thủ công và đòi hỏi người dân đến giao dịch phải tự chứng minh nhân thân của mình bằng việc xuất trình các loại giấy tờ như CMTND, hộ khẩu, hộ chiếu... hoặc nộp bản sao có chứng thực các giấy tờ này.

Nếu muốn tiếp tục thực hiện các giao dịch hành chính công với một cơ quan Nhà nước khác, người dân sẽ phải thực hiện lại các yêu cầu kể trên.


Ảnh minh họa

Điều này vô hình chung đã tạo ra một gánh nặng hành chính không nhỏ, gây lãng phí hàng nghìn giờ làm việc và nhiều tỷ đồng mỗi năm. Đấy là còn chưa kể đến việc không ít người đã lợi dụng sự phức tạp trong quá trình thực hiện các TTHC để trục lợi bằng các dịch vụ "cò" hộ khẩu, hộ chiếu, sổ đỏ... với giá "trên trời"!

Trong khi đó, các chương trình cải cách TTHC, dù được triển khai rầm rộ suốt nhiều năm và đã đạt được nhiều kết quả tích cực như: Giảm số lượng TTHC, giảm thời gian giao dịch, giảm sự phức tạp bằng chính sách "một cửa"... nhưng vẫn chưa đạt được bước đột phá cần thiết. 90 triệu người dân dường như vẫn đang "mắc kẹt" trong hàng loạt loại giấy tờ cá nhân rườm rà và vẫn đang chờ đợi một sự đổi mới từ gốc.

Quả thực vậy, chỉ cần nhẩm tính sơ qua cũng có thể thấy mỗi người dân, kể từ khi sinh ra đến khi qua đời sẽ phải hoàn thành không dưới 10 loại giấy tờ chỉ nhằm một mục đích là chứng minh thân nhân và cung cấp thông tin cá nhân cho cơ quan quản lý Nhà nước.

Điều đáng nói là phần lớn thông tin trong các loại giấy tờ này, bao gồm giấy khai sinh, hộ khẩu, CMTND, hộ chiếu, thẻ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, giấy phép lái xe, giấy chứng nhận kết hôn, giấy chứng tử... đều trùng lặp lẫn nhau. Thế nhưng, mỗi loại giấy tờ lại có quy định sử dụng khác nhau, do các cơ quan khác nhau cấp và có một mã số khác nhau khiến việc ghi nhớ, sử dụng trở nên phức tạp, rườm rà không cần thiết.

Trong bối cảnh đó, nhiều người kỳ vọng vào một "sự đổi mới từ gốc" từ Đề án tổng thể đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hôm cuối tuần trước.

Theo Đề án, nhiều loại giấy tờ như giấy khai sinh, thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi, sổ hộ khẩu, giấy chứng nhận kết hôn, giấy chứng tử, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe... sẽ được thay thế bằng một loại chứng nhận duy nhất là mã số định danh.

Theo ước tính của Bộ Tư pháp, với mã số định danh cá nhân này, người dân sẽ không phải khai thông tin công dân hoặc xuất trình/nộp bản sao/bản sao có chứng thực giấy tờ công dân khi thực hiện 1.300 TTHC tại các cơ quan hành chính Nhà nước, giúp tiết kiệm khoảng 1.600 tỷ đồng và hàng nghìn giờ giao dịch hành chính công mỗi năm.

Không chỉ dừng lại ở việc giảm chi phí và thời gian thực hiện các giao dịch hành chính công thông thường như CMTND, Giấy khai sinh, Giấy đăng ký kết hôn… việc cấp mã số định danh được kỳ vọng sẽ giúp xóa bỏ hoàn toàn những bất cập trong công tác quản lý cư trú của người dân bằng hộ khẩu vốn gây tranh cãi suốt nhiều năm qua.

Điều này đồng nghĩa với việc chấm dứt tình trạng hàng vạn người đang phải “tạm trú” ngay trong chính căn nhà thuộc sở hữu của mình hay không thể cho con em đi học tại các trường công lập dù sinh sống trên địa bàn trường đó vì chưa đủ tiêu chuẩn nhập khẩu.

Việc người dân sinh sống lâu năm ở tỉnh thành này nhưng vẫn phải đi hàng nghìn cây số về quê để xin xác nhận nhiều loại giấy tờ chỉ vì hộ khẩu vẫn còn ở nơi cũ cũng sẽ được chấm dứt khi mã số định danh được cấp vào năm 2015 theo lộ trình thực hiện của Đề án.

Kỳ vọng sẽ là như thế!

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm