| Hotline: 0983.970.780

Đời sống nông thôn hâm nóng nghị trường

Thứ Sáu 28/05/2010 , 09:42 (GMT+7)

Hôm qua, 27/5, QH đã dành cả ngày thảo luận về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH. Những vấn đề về Nông nghiệp - Nông dân - Nông thôn đã làm nóng nghị trường.

Hôm qua, 27/5, QH đã dành cả ngày thảo luận về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH. Những vấn đề về Nông nghiệp - Nông dân -  Nông thôn đã làm nóng nghị trường.   

Thật xót xa!

Mở đầu, ĐB Lê Như Tiến (Quảng Trị) nói: “Báo NNVN ra ngày 24/5 với những thông tin thật xót xa: ngư dân các tỉnh miền Trung đánh bắt hải sản về do mất điện không có hệ thống làm lạnh, không có đá ướp lạnh, hàng trăm tấn hải sản ươn ôi, bốc mùi, bán không ai mua, cho không ai lấy, thua lỗ hàng trăm triệu đồng mỗi đợt đi biển”.

Lặng người một chút, ĐB Tiến nói tiếp: “Nhiều hộ dân từng làm giàu bởi ấp trứng gà, trứng vịt nay phải thuê xe chở đi chôn hàng vạn quả trứng ấp giở do mất điện không nở được. Các nhà máy chế biến nông sản đều rơi vào tình cảnh khốn đốn, khóc dở, mếu dở khi mua hàng nghìn tấn hoa quả của nông dân, sau không chế biến được. Vì cắt điện, vùng chè xanh Tây Bắc nháo nhác, nhiều NM chè thu mua chè xanh về không sao, không sấy được. Riêng Cty Chè Trần Phú ở huyện Văn Chấn (Yên Bái) phải bỏ đi gần trăm tấn chè, thiệt hại cả trăm triệu đồng. Báo NNVN dẫn lời nhiều người dân rầu rĩ than phiền mất điện còn thiệt hại hơn cả dịch tai xanh và dịch cúm gia cầm cộng lại”.

Xúc động trước ý kiến của ĐB Lê Như Tiến, ĐB Tống Hữu Mạo (Thừa Thiên - Huế) tiếp tục khắc hoạ thêm bức tranh cắt điện ở nông thôn thông qua hàng ngàn ý kiến của cử tri tin tưởng gửi gắm: “ĐB Lê Như Tiến đã nói. Tôi xin nói dưới góc độ bức xúc của cử tri. Trước đây đã cắt, gần hai tháng qua lại cắt điện theo kiểu luân phiên. Nếu như cách đây 5-7 năm trở về trước việc cắt điện chưa ảnh hưởng gì lớn đến sản xuất và đời sống, người dân khi đó cắt điện cũng không sao cả, nếu không có đèn điện người ta sử dụng đèn dầu, không có quạt điện người dân sử dụng quạt mo...Nhưng nay vì điện gắn chặt với sinh hoạt, SX của người dân, cắt điện tạo ra bức bối trong nhân dân. Mất điện đến giờ ngủ chưa ngủ, ngồi vất vưởng chờ điện mới ngủ được. Trẻ em tối đến giờ học ngồi vào bàn học, mất điện chưa học, ngồi chờ. Các công sở mất điện nhiều nhân viên ngồi chờ. Các DN mất điện càng trầm trọng hơn, gián đoạn các quá trình SX, thiệt hại có khi hàng triệu hoặc hàng tỷ đồng”.

ĐB Mạo cho rằng, ngành điện giải thích thiếu điện tại vì tăng trưởng kinh tế những năm sau cao hơn năm trước kéo theo nhu cầu điện tăng thêm. Hoặc giải thích thiếu điện do trời nắng nóng, các NM thủy điện bị thiếu nguồn nước là chưa thỏa đáng. “Ngành điện cứ cắt điện và chưa chịu bất cứ một trách nhiệm nào. Chúng ta chưa có cơ chế gì và phải chăng đây cũng là một trong những lý do khiến cho việc mất điện còn kéo dài? Trách nhiệm của Bộ trưởng Công thương đến đâu?”- ĐB Mạo đặt câu hỏi. 

Nếu chỉ quan tâm như hiện nay thì…

Là ĐB đầu tiên thảo luận về Nông nghiệp – Nông dân – Nông thôn, ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng, dù Đảng và Nhà nước ta đã hết sức quan tâm, nhưng trên thực tế việc quản lý hiệu quả chưa cao, người nông dân còn phàn nàn về nạn hàng giả như: phân bón, thuốc trừ sâu, giống cây, giống vật nuôi, vật tư nông nghiệp tăng cao; người nông dân khó khăn trong vay vốn ngân hàng; mất điện thường xuyên ảnh hưởng đến sản xuất, do đó dẫn đến thu nhập của người nông dân giảm sút, bà con bức xúc.

Trao đổi với NNVN bên hành lang QH, PTT Thường trực Nguyễn Sinh Hùng cho biết việc thực hiện Nghị quyết TƯ7 không bị chậm. Trước những ý kiến lo ngại về nợ quốc gia có ảnh hưởng đến việc bố trí vốn để thực hiện Nghị quyết TƯ7 không, Phó Thủ tướng nói: "Sẽ lựa sức mà bước. Sức mình khoẻ thì mình tính lên. Chúng ta đang làm các chương trình, đề án về Nông nghiệp – Nông dân - Nông thôn và chúng ta đang cố gắng thúc đẩy mạnh hơn thực hiện các chương trình, dự án để thực hiện Nghị quyết TƯ7”.

“Đề nghị Chính phủ có những giải pháp đồng bộ và nghiên cứu thí điểm, nếu được cho xây dựng các tập đoàn kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp, tập đoàn này sẽ giúp nông dân từ khâu SX đến khâu tiêu thụ sản phẩm, góp phần bình ổn giá, đảm bảo chất lượng VTNN, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân”- ĐB Vinh đề nghị.

Nhiều ĐB như hiểu thấu được nông dân, mang lên diễn đàn QH những bức xúc, những khó khăn mà đời sống nông thôn đang gặp phải và cho rằng thực tiễn của cuộc sống nông thôn đang ngày càng đặt ra qúa nhiều thách thức, nào là biến đổi khí hậu "sáng sớm lo giống, chiều ngăn nắng lửa", lũ quét, nạn phá rừng, hạn hán, xâm nhập mặn, nước biển dâng, thu nhập, công ăn việc làm…Những cái đó đang đòi hỏi ở tầm vĩ mô và QH, Chính phủ cũng phải đặt trong thực tiễn đòi hỏi sự chỉ đạo ngày một ngang tầm.

“Tôi đề nghị Chính phủ nên báo cáo đầy đủ hơn và đánh giá xác đáng hơn thực tế đó, đặc biệt là các giải pháp để thực hiện việc phát triển Nông nghiệp – Nông dân – Nông thôn theo tinh thần Nghị quyết TƯ7. Nếu chúng ta chỉ quan tâm  ở mức như hiện nay thì liệu năm 2020 nước Việt Nam có thể trở thành một nước công nghiệp hay không?” 

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Không tùy tiện tăng giá, ép khách du lịch dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

Ngành du lịch yêu cầu các cơ quan quản lý địa phương và doanh nghiệp công khai giá bán hàng hóa, dịch vụ và bán đúng giá niêm yết, không tùy tiện tăng giá.