| Hotline: 0983.970.780

Đổi thay vùng kinh tế quốc phòng Mẫu Sơn, nơi biên cương xứ Lạng

Thứ Năm 16/02/2017 , 14:35 (GMT+7)

Trở lại địa bàn chiến lược khu kinh tế quốc phòng Mẫu Sơn (tỉnh Lạng Sơn) sau gần 4 thập kỷ, ký ức của những năm tháng không thể lãng quên lại ùa về trong tâm trí chúng tôi.

Những đồi cỏ tranh heo hắt, rừng lau xám mịt bao phủ cả một vùng biên cương với những điểm cao, bình độ căm căm trong gió lạnh biên thùy.

Những tưởng chiến trường chia nửa vầng trăng nhưng địa bàn chiến lược giờ đã khoác lên mình một diện mạo mới. Thật tự hào, chính những người lính năm xưa cầm súng bảo vệ từng tấc đất biên cương nay lại viết tiếp bản hùng ca bất tử mang lại sự thay da đổi thịt nơi phên dậu Tổ quốc.
 

Sắc thái mới trên địa bàn chiến lược

Biết chúng tôi là là lính cũ của Trung đoàn 196 (Sư đoàn 338, Quân đoàn 14 Lạng Sơn), Đại tá Hà Tiến Lưu (Chính ủy Đoàn kinh tế - quốc phòng 338) nồng nhiệt nói, sứ mệnh lịch sử của Sư đoàn 338 đã được hoàn thành.

Thực hiện Quyết định 568/1999/QĐ-BQP, ngày 04/05/1999 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Sư đoàn 338 chuyển thành Đoàn kinh tế - quốc phòng 338, làm nòng cốt trong xây dựng Khu kinh tế - quốc phòng Mẫu Sơn trên địa bàn biên giới tỉnh Lạng Sơn.

13-49-52_1
PV NNVN phỏng vấn Trưởng thôn, Bí thư chi bộ thôn bản Vàng, xã Cao Lâu, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn
 

Đoàn có nhiệm vụ cùng với đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, quy hoạch, bố trí lại dân cư; thực hiện các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, tham gia xoá đói, giảm nghèo, xây dựng cơ sở chính trị và củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân trên địa bàn chiến lược phía Bắc của Tổ quốc.

Vùng Dự án có diện tích tự nhiên 124.845 ha với 231 thôn bản nằm trên địa bàn 20 xã của 05 huyện, có 198,8 km đường biên giới tiếp giáp Trung Quốc. Trong đó có 65 thôn, bản thuộc 16 xã biên giới. Dân số trong vùng Dự án khi bắt đầu triển khai có 27.770 nhân khẩu của 5.322 hộ, gồm 4 dân tộc chính: Tày (48,06%), Nùng (44,49%), Dao (6,54%), Kinh (0,66%); địa hình phức tạp, giao thông chưa phát triển, đi lại khó khăn, trường học, trạm y tế đều thiếu. Nhìn chung, trình độ dân trí còn thấp, kinh tế chưa phát triển, tỷ lệ hộ nghèo trước năm 2010 trung bình là trên 65%; tình hình trật tự, an toàn xã hội diễn biến phức tạp, v.v.

Trung tá Lê Ngọc Kiên (Phó Trưởng ban tham mưu đoàn 388) cho biết, đoàn đã khảo sát, lập quy hoạch tổng thể, ưu tiên xây dựng các công trình quan trọng, cấp thiết, như: Hệ thống giao thông, thủy lợi, công trình nước sạch, các công trình thiết yếu trong khu dân cư tập trung, v.v. Từ năm 2000 đến nay, Đoàn đã dành 1/3 tổng giá trị của Dự án cho việc làm mới 08 tuyến đường giao thông liên xã, liên bản với chiều dài hơn 32 km; ngoài ra, còn làm thêm hàng loạt đường nhánh để thuận tiện cho sản xuất, tuần tra, chăm sóc rừng phòng hộ.

Đồng thời, triển khai xây dựng 14 công trình thủy lợi với tổng chiều dài kênh mương trên 33 km, có thể tưới cho gần 500 ha lúa nước. Trong đó, các hồ chứa nước Cao Lâu, Nặm Thíu, các đập thủy lợi Bản Lầy, Tắp Tĩnh, Khuổi Lý, Khuổi Cáy, Bản Khén và Khiêng Lạn đều có khả năng cung cấp nước tưới cho hàng chục héc-ta cây trồng, bảo đảm cho đồng bào sản xuất từ một vụ lên hai vụ/năm.

Nhờ phối hợp chặt chẽ với địa phương trong quy hoạch lựa chọn địa điểm xây dựng các công trình thủy lợi, nên trong số đó có nhiều đập dâng tự chảy, tiết kiệm được chi phí bơm nước, tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Cùng với đó, để bảo đảm nước cho cán bộ, chiến sĩ và đồng bào một số bản xa nguồn nước, Đoàn đã hoàn thành 5 công trình cung cấp nước sinh hoạt phục vụ cho hàng ngàn người.
 

Đổi thay

Những công trình hạ tầng cơ sở đã làm đổi thay nhanh chóng vùng kinh tế quốc phòng Mẫu Sơn. Đồng thời với quá trình triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng, Đoàn 338 phối hợp chặt chẽ với địa phương quy hoạch 7 điểm dân cư tập trung, di giãn 121 hộ với 625 nhân khẩu thuộc các bản Pò Nhùng, Bắc Lệ, Nà Lầm, Phạ Tầm, Song Phe, Co Sâu và Nà Phát.

Qua đó, đã hình thành các thôn bản mới sát biên giới, góp phần tạo nên “phên giậu” bảo vệ Tổ quốc. Bản Co Sâu (Thuộc thôn bản Vàng, xã Cao Lâu, huyện Cao Lộc) được thành lập năm 2015. Bản nằm ven đường biên, sát với lối mở Co Sâu - Pác Sắn.

Ông Phạm Văn Phục (Trưởng thôn Bản Vàng) cho biết, Bản Co Sâu có từ trước đây nhưng do sự cố biên giới nên người dân di cư sâu vào nội địa. Để tái lập bản, Nông lâm trường 196 thuộc đoàn 338 đã hỗ trợ hầu hết các điều kiện thiết yếu cho người dân như điện, đường bê tông, công trình nước sinh hoạt, nhà văn hóa…mỗi hộ dân xây dựng nhà lại được hỗ trợ 30 triệu đồng.

Anh Hà Trọng Nghiệp (Bản Co Sâu) khoe, bản mới, hạ tầng mới, tư liệu sản xuất mới, chỉ sợ mình không có sức mà làm giàu thôi. Anh Nghiệp khoát tay chỉ cho chúng tôi những ngôi nhà khang trang với lá cờ đỏ sao vàng được treo trang trọng trên cành cây nêu ngày Tết vẫn còn tươi rói phấp phới bay nơi tuyến đầu tổ quốc. Chợt thấy một niềm tự hào tràn dâng lồng ngực.

Một nhiệm vụ quan trọng của đoàn kinh tế quốc phòng 338 là giúp nhân dân xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế. Sau khi khảo sát địa bàn và tham khảo kinh nghiệm của ngành Lâm nghiệp, Đoàn quyết định sử dụng cây thông làm cây trồng chủ đạo để giúp dân phủ kín những khu đất hoang hóa, đồi trọc. Đây là loại cây dễ trồng, chịu được sự khắc nghiệt của khí hậu, thời tiết, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng vùng Dự án và cho thu hoạch nhựa rất năng suất, bán được giá cao.

13-49-52_7
Chụp ảnh lưu niệm với cán bộ Đoàn KT - QP 338, Nông lâm trường 196.
 

Đến nay, Đoàn đã sản xuất được gần 10 triệu cây thông giống, cung cấp và hướng dẫn nhân dân trồng mới hơn 3.840 ha rừng. Ở giai đoạn đầu, nguồn thu từ tiền công trồng mới và chăm sóc gần 3.500 ha rừng phòng hộ, hàng trăm héc-ta rừng tái sinh cũng đã giúp bà con trong vùng Dự án từng bước khắc phục khó khăn, yên tâm làm ăn theo sự chỉ dẫn của bộ đội.

Thượng tá Vũ Hồng Hưng (Giám đốc Nông lâm trường 196, đoàn 338) cho hay, nhiều rừng thông đến giai đoạn thu hoạch là nguồn lợi to lớn đối với đồng bào. Tính riêng nguồn tiền gửi ngân hàng từ khai thác nhựa thông của nhân dân các xã vùng Dự án huyện Cao Lộc trong năm 2017 đã lên đến 45 tỷ đồng.

Ông Chu Văn Trường (Thôn Pò Phấy, xã Cao Lâu, huyện Cao Lộc) cho biết, mỗi cây thông cho sản lượng 3 kg nhựa/năm. Với giá dao động từ 30.000 - 40.000 đồng/kg thì mỗi cây có khoảng 100.000 đồng/năm. Mỗi ha thông có 1650 cây. Tính ra một năm nguồn thu đạt khoảng 150 - 160 triệu đồng/ha. Gia đình ông Trường có 5 ha cây thông mã vĩ đang độ thu hoạch nên ông yên tâm bỏ túi mỗi năm gần 1 tỷ.

Ông Hoàng Tiến Thụ (Bí thư Đảng ủy xã Cao Lâu, huyện Cao Lộc) cho biết, ở Cao Lâu, ở Cao Lộc, có rất nhiều hộ dân có thu nhập hàng trăm triệu đồng từ khai thác nhựa thông mỗi năm. Cũng từng là sĩ quan của Trung đoàn 196 (SƯ đoàn 338), ông Thụ tự hào nói, Nông lâm trường 196 mà tiền thân là Trung đoàn 196 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong cả 2 thời kỳ. Bây giờ Nông lâm trường vẫn cùng một ý chí với nhân dân, là chỗ dựa vững chắc của đồng bào, giúp đỡ, hỗ trợ tích cực địa phương phát triển kinh tế xã hội.

Cùng với trồng rừng, Đoàn 338 thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật khuyến nông, khuyến lâm, chăn nuôi; xây dựng các mô hình điểm về trồng lúa nước, ngô lai, xoài, trám, măng Bát Độ, nuôi lợn nái, lợn thịt, bò sinh sản,… để đồng bào tham quan, học tập. Hiện nay, các mô hình sản xuất đã phát huy tác dụng, nhiều hộ gia đình đã thực sự thoát nghèo (năm 2015 tỷ lệ hộ đói nghèo còn 23,8%).

13-49-52_6
Hình ảnh hạ tầng dân sự mới được xây dựng ngay sát biên giới
 

Có thể nói, Dự án Khu kinh tế - quốc phòng Mẫu Sơn do Đoàn Kinh tế - quốc phòng 338 cùng cấp ủy, chính quyền và đồng bào nhân dân trên địa bàn triển khai đã và đang đem lại hiệu quả thiết thực, tạo nên một diện mạo mới cho vùng Dự án, có hướng phát triển vững chắc, khả thi.

Các thôn, bản đều có trường học, trạm y tế, điện sinh hoạt, đường giao thông và công trình thủy lợi, bảo đảm cho người dân yên tâm sinh sống, phát triển kinh tế. Thông qua các hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, Chương trình nhân rộng mô hình giảm nghèo, các dự án ổn định và phát triển sản xuất đã thực sự giúp nhân dân có thu nhập để xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế.

Việc vận động nhân dân đến định cư ở các thôn bản dọc biên giới đạt được kết quả tích cực, tạo nên những “cột mốc sống” nơi phên dậu Tổ quốc. Các cơ sở chính trị được củng cố, quốc phòng - an ninh được tăng cường đã giữ vững sự ổn định chính trị, ngăn chặn kịp thời các điểm nóng, nhạy cảm, giảm các vi phạm quy chế đường biên giới; tạo điều kiện thuận lợi cho việc hoàn thành phân giới cắm mốc, góp phần xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Đi dọc tuyến đường tuần tra biên giới, chúng tôi mãn nhãn trước màu xanh ngút ngàn của những cánh rừng thông mã vĩ, đâu đó điểm xuyết những bản làng trẻ, mới được thành lập với mầu cờ tổ quốc chói đỏ trên những nếp nhà khang trang. Cảm giác ấm áp dần xua đi cái lạnh lòng nơi bót gác tiền tiêu điểm tựa năm nào….

Tự hào lắm! Xin được cám ơn những người anh hùng đã từng bảo vệ vững chắc biên cương tổ quốc. Và giờ đây các anh đang viết tiếp trang sử vẻ vang, mang lại sắc thái mới, diện mạo mới, sức mạnh mới nơi địa đầu biên cương yêu dấu.

Một số hình ảnh hạ tầng dân sự mới được xây dựng ngay sát biên giới:

13-49-52_2

13-49-52_3

13-49-52_4

13-49-52_5

Xem thêm
Cần 114 tỷ USD cho lộ trình phát thải ròng bằng '0' đến năm 2040

Con số trên được chia sẻ tại lễ thành lập Mạng lưới đối tác khí nhà kính Việt Nam tại Hà Nội ngày 12/4. Mạng lưới nhằm thúc đẩy hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm và nguồn lực để hỗ trợ khối doanh nghiệp, các tổ chức kinh doanh Việt Nam trong kiểm kê khí nhà kính.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

GC Food đặt mục tiêu doanh thu 573 tỷ đồng

TP.HCM Ngày 12/4, Công ty Cổ phần Thực phẩm G.C (GC Food, mã chứng khoán GCF) tổ chức đại hội cổ đông thường niên, đặt mục tiêu lãi gấp đôi trong năm 2024.