| Hotline: 0983.970.780

Đổi thay xóm nghèo trên cao nguyên đá

Thứ Bảy 21/05/2016 , 08:01 (GMT+7)

Đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, có một nhóm bà con từ các vùng quê Quảng Ngãi dắt díu nhau vào Đức Trọng, Lâm Đồng lập nghiệp. Họ chọn ngay phải khu vực cằn cỗi nhất ở mỏ đá Tam Bố, thôn Hiệp Hòa, xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng để cắm dùi. Cứ ngỡ cuộc đời khó ngẩng mặt lên nổi, nhưng không phải…

Có sức người...

Đến nay, đã có ngót 30 hộ dân ở các huyện Mộ Đức, Sơn Tịnh, Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, đến Mỏ Đá Tam Bố lập nghiệp và hình thành một xóm Quảng ngẫu nhiên ở cao nguyên Lâm Đồng.

Cứ ngỡ ở đây quanh năm suốt tháng chỉ có một màu trắng khô cằn của đá và tiếng máy khoan, máy xúc ì ầm, nhưng mới đây tình cờ đi qua khu vực này, tôi không khỏi ngỡ ngàng khi nhìn lên những ngọn đồi, thấy những trụ tiêu đang vươn mình trong cái nắng cháy da.

Chúng tôi ghé vào một căn nhà cấp 4 nằm giữa vườn tiêu, cà phê xanh um, Một người đàn ông chừng hơn 50 tuổi bước ra, nở nụ cười tươi chào, mặc dù chưa biết khách là ai. Sau khi tôi giới thiệu, người đàn ông cũng cho biết, anh tên Huệ, năm nay 47 tuổi.

“Tôi đến đây lập nghiệp từ năm 1993 với 2 bàn tay trắng, giờ gia đình có 3ha vườn tiêu trồng trên… đá, trong đó có 1ha tiêu 10 tuổi và 1,5ha tiêu 3 tuổi, mới cho thu bói vụ đầu tiên. Toàn bộ diện tích tiêu đều trồng xen với cà phê. Vụ này, tôi thu khoảng 4 tấn tiêu khô và gần 10 tấn cà phê nhân. Giá tiêu hiện nay bình quân 180.000 đồng/kg. Còn cà phê khoảng 37.000 đồng/kg. Trừ chi phí, cũng được khoảng hơn 700 triệu đồng”, anh Huệ cho biết.

Dẫn tôi đi thăm vườn tiêu của anh, quả thật là “chân không đạp đất”, vì nền hoàn toàn là đá. Theo lời anh Huệ kể, ở vùng đất này trồng tiêu rất hiệu quả, nhưng chi phí rất cao, vì đất đá rất khó canh tác.

Mỗi năm, anh bón tới 10 tấn phân chuồng và 2 tấn phân NPK/ha (cho cả tiêu và cà phê). Điều quan trọng nhất là phải có nước tưới. Nhà nào cũng phải chủ động có máy tưới riêng. Nước bơm từ suối Đạ Le hoặc bơm từ giếng khoan. Năm nào cũng vậy, vào mùa khô, cứ 10 ngày phải tưới 1 lần, thì cây tiêu mới “trụ” được. 

Cũng đến đây lập nghiệp từ năm 1993, nhưng không chịu nổi vùng đất cằn sỏi đá này, anh Trần Văn Phát về Sài thành để làm ăn. Tích cực “bon chen” nhưng cũng không thể khá được, đến năm 1998, anh quay trở lại khi vùng đất này bắt đầu có “sức sống”. Lúc này, trong túi chỉ vỏn vẹn có 13 triệu đồng, hai vợ chồng anh quyết chí làm ăn.

Từ khó khăn, vất vả, nhưng vợ chồng anh Phát có đủ nghị lực vươn lên bằng sức lao động chính mình và hiện giờ đã có trong tay 4ha cây trồng; trong đó, có 1,5ha tiêu và diện tích còn lại là cà phê. “Vùng đất này rất phù hợp với cây tiêu. Hơn nữa, tôi trồng giống tiêu Vĩnh Linh, nên năng suất đạt tới 5 tấn tiêu khô/ha. Còn năng suất cà phê chỉ đạt 2 tấn nhân/ha. Tôi sẽ tiếp tục phát triển thêm 1ha tiêu nữa. Cũng nhờ cây tiêu, nên trong 3 năm nay, thu nhập của gia đình tôi đạt trên 1 tỷ đồng/năm” - anh Phát vui mừng chia sẻ.

Vừa trồng vừa thử nghiệm, bà con trong xóm đã lựa chọn được giống tiêu Vĩnh Linh để nhân rộng và tự ươm giống để cung cấp cho nhau và bán ra thị trường. Trong xóm có những hộ nhờ ươm tiêu giống, mỗi năm có thêm nguồn thu nhập 30 - 40 triệu đồng. 

Giàu nhờ trồng tiêu trên đá

Xóm “tiêu”, từ một xóm nghèo “rớt mồng tơi”, rất ít người biết và quan tâm đến, nhưng nay đã trở thành một xóm cư dân mà tất cả đã giàu và khá, khó có xóm nào sánh kịp. Tuy nhiên, điều mà khiến tôi đôi chút chạnh lòng, khi nghe anh Huệ và bà con ở đây mong mỏi rằng: “Vật chất đã đủ đầy, nhưng xóm tiêu lại là xóm “nghèo” nhất về tinh thần, do mọi thứ đều tự phát và tự lo…”.  

ductrong2084548694
Từ 2 bàn tay trắng, cắm dùi trên vùng đá cằn cỗi, nhưng nhờ chắt chiu dành dụm, cần cù, những gia đình người Quảng ở xóm tiêu Tam Bố đã giàu lên

Lúc bấy giờ, chung “số phận” đói nghèo, họ cố quên đi thời gian, cùng đồng cam chịu khổ, nhẫn nại đào bới và nhặt từng viên đá để trồng bắp, gieo đậu. Trời thương, bắp đậu cũng “sống” được trên đá, nên đã “níu giữ” chân bà con xứ Quảng ở lại. Đến những năm 1997, 1998 trở về sau, bà con bắt đầu chuyển hướng trồng cà phê.

Thế nhưng, không thuận lợi như các nơi khác ở Lâm Đồng, tại khu vực Mỏ Đá này, trồng được cây cà phê cũng hết sức nghiệt ngã. Từ việc đào bới đá, tạo bồn, trồng và chăm sóc cà phê cũng lắm công phu và chi phí rất lớn, nên hiệu quả không cao. Rất may, từ sau những năm 2000, bà con tiếp tục mày mò và tìm ra được một loại cây trồng khác, mà không ai nghĩ là sẽ thành công như ngày hôm nay. Đó là cây tiêu, một cây “cứu cánh” cho bà con xóm Quảng. 

Ở xóm Quảng, anh Nguyễn Văn Hiếu, thuộc diện “nghèo”, nhưng thu nhập của gia đình trong năm cũng đạt trên mức 300 triệu đồng. Theo lời anh Hiếu, gia đình anh chỉ có trên 2ha cây trồng; trong đó, mới chuyển sang trồng 0,4ha tiêu. Nhờ “sinh sau đẻ muộn”, rút kinh nghiệm người đi trước, anh chọn giống tiêu Vĩnh Linh để trồng.

Trong vụ này, anh thu hoạch được 2,3 tấn tiêu khô. Cũng như anh Trần Huệ và anh Trần Văn Phát, anh Nguyễn Văn Hiếu tuy mừng, nhưng rất tiếc nuối: “Giá như, ngay từ đầu bà con xóm Quảng được các ngành và chính quyền địa phương quan tâm hướng dẫn chọn giống, kỹ thuật trồng và chăm sóc… thì có lẽ bà con còn giàu hơn bây giờ”. 

Do đây là xóm di dân tự phát, nên hiện nay, mọi chuyện trong cuộc sống và làm ăn bà con đều phải tự lo là chính. Từ khi chuyển sang trồng tiêu, bà con chưa hình dung ra là phải chọn giống tiêu gì. Ban đầu, một số bà con trồng giống tiêu sẻ. Khi vỡ lẽ, thì bà con mới biết giống tiêu sẻ thua kém hẳn giống tiêu Vĩnh Linh cả về năng suất, chất lượng và giá cả, thì đã hơi muộn màng.

Anh Trần Huệ, là một trong số bà con ban đầu trồng giống tiêu sẻ, phân trần với tôi: “Em lỡ trồng 1ha tiêu sẻ đã hơn 10 năm tuổi; tuy rất tốt và năng suất cũng khá cao, nhưng vẫn thua kém giống tiêu Vĩnh Linh. Phải đợi thêm vài năm nữa, khi hết chu kỳ kinh doanh (chu kỳ 10 - 15 năm), tôi sẽ chuyển sang trồng giống tiêu Vĩnh Linh”. 

Không chỉ trong công việc làm ăn mà ngay cả trong cuộc sống và sinh hoạt, như chuyện làm đường và kéo điện… bà con cũng phải tự lo, tự làm. “Mặc dù là người dân của xã Ninh Gia (huyện Đức Trọng), nhưng nhiều thứ phải nhờ xã Tam Bố (huyện Di Linh), như kéo điện từ xã Tam Bố sang”, anh Nguyễn Văn Hiếu tâm sự.

Ngoài ra, tôi còn nghe bà con xóm Quảng kể đến chuyện xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Một số lô, thửa đất nông nghiệp trên cùng một khu vực cận kề nhau, có người thì được cấp, nhưng có người thì lại không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Còn nguồn nước ở dòng suối Đạ Le, liên tục bị ô nhiễm do một số doanh nghiệp khai thác khoáng sản, làm ảnh hưởng đến đời sống và sinh hoạt, bà con đã đề nghị nhiều lần nhưng cũng không được các ngành và chính quyền địa phương giải quyết...  

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm