| Hotline: 0983.970.780

Đối xử với đất như cơ thể sống

Thứ Tư 22/10/2014 , 10:09 (GMT+7)

Với tư duy chỉ muốn chạy theo năng suất, chỉ nghĩ cách lấy đi từ đất để ăn chứ không tính chuyện lâu dài cho con cháu về sau nên đất đối xử phũ phàng…

Nói một cách công bằng, ngành SX phân bón đã góp một phần không nhỏ giúp VN từ một quốc gia thiếu lương thực trở thành nước XK một số chủng loại nông sản hàng đầu thế giới.

Tuy nhiên, người ta đang chứng kiến xu hướng lạm dụng phân bón hóa học một cách rất phổ biến, nhất là phân đạm. Đi ngược lại với xu thế của các nước phát triển đang giảm sử dụng phân bón hóa học thì các nước đang phát triển trong đó có VN lại sử dụng tăng vọt.

Theo ước tính, để phục vụ cho 12 triệu ha canh tác, mỗi năm nông dân VN đã vãi xuống đất khoảng 10 triệu tấn phân hóa học với hiệu suất sử dụng chỉ trên 40%, thậm chí một số vùng chỉ 10 - 20%. Điều đó đồng nghĩa với hàng năm nông dân VN bón vào đất 4,6 triệu tấn phân mà cây trồng không thể sử dụng được.

Điều đó đồng nghĩa với hàng ngàn tỷ đồng mồ hôi nước mắt của nông dân bị bay hơi hay rửa trôi. Điều đó đồng nghĩa với môi trường nông nghiệp ngày càng bị hủy hoại trầm trọng, đứng trên bờ vực mất cân bằng mãi mãi.

Trong khi ở nhiều nước tiên tiến, trồng một vụ rồi để cho đất nghỉ thì nông dân VN luân canh hai, ba vụ với tư duy chạy theo năng suất, chỉ nghĩ cách lấy đi từ đất chứ không tính chuyện lâu dài cho con cháu về sau. Lạm dụng phân bón hóa học, lạm dụng thuốc BVTV (mỗi năm sử dụng 200.000 - 250.000 tấn các loại - PV) trở thành hai “tội đồ” lớn nhất đang bức tử đất.

Thực tế phũ phàng ấy khiến cho TS Phan Huy Thông, GĐ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phải thốt lên tại Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp ở Phú Thọ với chủ đề “Nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón trong trồng trọt ở phía Bắc” rằng: “Xin đừng đối xử với đất như một thực thể vô tri, vô giác mà phải như một cơ thể sống!”. Gợi mở đó đã đánh mạnh vào tâm thức của 300 đại biểu dự hội nghị bên dưới.

Họ đã đem thực tế đồng ruộng nhà mình đặt lên bàn cho các chuyên gia, các nhà khoa học giải đáp. Ví dụ như: “Bón phân kết hợp với thuốc trừ sâu dạng hạt có được không? Nếu được thì trộn như thế nào?”. Chuyên gia trả lời: “Bà con không nên bón trộn phân lẫn thuốc BVTV như vậy vì phản ứng hóa học xảy ra sẽ khiến mất hoặc giảm tác dụng của cả hai loại. Phải cách ly hai thứ với nhau, bón phân trước một thời gian rồi mới xử lý thuốc BVTV sau”.

“Ở ruộng lúa gieo thẳng, chúng tôi phải bón phân thế nào?”. Chuyên gia trả lời: “Ruộng mới bừa và bón phân xong mà rút nước đi ngay sẽ bị trôi mất phân mà phải để lắng khoảng một ngày trở lên rồi rút nước”.

“Lúa đang bị ngộ độc phèn, ngộ độc hữu cơ có được bón phân không? Nếu bón thì phải bón loại phân gì và như thế nào?”. Chuyên gia trả lời: “Với ngộ độc phèn bà con cần bón thêm vôi còn ngộ độc hữu cơ thì khó xử lý hơn. Ngộ độc hữu cơ thường xảy ra ở vụ mùa do tập quán cày vùi gốc rạ. Khi ấy nhiệt độ cao cộng với yếm khí sẽ làm cho cây lúa bị chậm phát triển. Chúng ta nên dùng chế phẩm vi sinh để nhanh chóng phân hủy gốc rạ kết hợp với làm cỏ sục bùn, rút cạn nước để hạn chế khí metan phát sinh”.

Diễn đàn tiếp tục với những câu hỏi cụ thể hơn về cách sử dụng phân hóa học như dùng NPK 5-10-13 vượt định mức khuyến cáo có tốt cho lúa? Lúc này không gì xác đáng hơn là đại diện của chính Cty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao trả lời: “Chúng tôi chỉ khuyến cáo mỗi sào lúa sử dụng 20 - 25 kg/sào còn bón 30 - 35 kg/sào không ảnh hưởng gì mấy nhưng sẽ gây lãng phí vì cây không dùng hết”.

Bà con lại hỏi tiếp: “Ở ruộng lầy thụt cấy lúa một vụ có nên dùng NPK khép kín?”. Cty Lâm Thao trả lời: “Ruộng lầy thụt không nên dùng NPK hoặc nếu có dùng chỉ dùng một phần nhỏ còn tập trung vào bón supe lân. Lân có tác dụng cải tạo đất lầy thụt rất tốt”.

Diễn đàn “Nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón trong canh tác nông nghiệp ở miền Bắc” giúp các nhà khoa học nắm bắt thực tế để có những hướng nghiên cứu thiết thực; giúp các nhà SX có thêm thông tin để cải tiến quy trình, SX ra sản phẩm có hiệu quả cao; giúp bà con nông dân hiểu và sử dụng các sản phẩm phân bón một cách đúng đắn, hiệu quả.

Một nông dân thắc mắc: “Sau chu kỳ bón phân cho cây trồng cạn chúng tôi thấy phân vẫn còn nguyên dạng hạt ban đầu, vậy đó có phải là hiện tượng bất thường không?”. Cty trả lời: “Đó là hiện tượng bình thường bởi hạt phân có hai thành phần, phần cây dùng được ngay đã được hấp thụ còn phần vỏ bao bọc phải mất một thời gian khá lâu mới tan hết. Cái mà bà con nhìn thấy thực ra chỉ là cái vỏ của hạt phân thôi”.

Vấn đề thu hút nữa là tình trạng SXKD phân bón chất lượng kém, phân bón giả, đặc biệt đối với phân hữu cơ sinh học, phân bón lá, phân vi sinh đang khá phổ biến. Năm 2013 cơ quan chức năng chỉ kiểm tra 117 mẫu ở 3 tỉnh đã có tới 60 mẫu không đạt chất lượng so với công bố. Chính vì thế mà nhiều nông dân đã hỏi liên tiếp về kinh nghiệm phân biệt phân NPK thật và NPK giả. Điều này làm ngay chính chuyên gia cũng lúng túng bởi bằng mắt thường rất khó có thể chỉ rõ đâu là thật, đâu là giả.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh, để tránh mua nhầm vào hàng giả người nông dân chỉ nên mua phân bón ở đại lý, cửa hàng uy tín. Khi mua phân nông dân nên bảo người bán ghi vào sổ, khi bón nên giữ lại một ít làm mẫu để có cơ sở khiếu nại lúc thấy nghi ngờ.

Các nhà khoa học cũng nói lại một điều tưởng như đơn giản mà ít nông dân làm được là phải bón phân theo "4 đúng" (đúng chủng loại, đúng liều lượng, đúng thời gian, đúng phương pháp). "4 đúng" chính là bí quyết để bảo vệ túi tiền, bảo vệ môi trường và bảo vệ sức khỏe của nông dân.

Xem thêm
Giá heo tăng nhờ tăng cường ngăn chặn nhập lậu

Việc các địa phương ở phía Nam tăng cường ngăn chặn heo nhập lậu đang góp phần giúp cho giá heo hơi tăng lên ở Đông Nam bộ và trên cả nước.

Tỷ lệ tiêm phòng vacxin tăng, nguy cơ bệnh dại sẽ giảm

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình đang tập trung, dồn lực tăng cường quân số về các địa phương hỗ trợ tiêm vacxin phòng, chống bệnh dại.

Hưng Yên làm sống lại các lớp học IPM

Thời gian qua, trong khi ở một số tỉnh việc quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) bị lơ là thì Hưng Yên đã tìm cách vực dậy.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất