| Hotline: 0983.970.780

"Đòn dân"

Thứ Sáu 26/10/2012 , 10:28 (GMT+7)

Xin thưa ngay với bạn đọc rằng những chuyện này tôi không được chứng kiến nhưng tôi cũng không “nghe hơi nồi chõ”.

* "Hết quan, toàn dân" (lời thoại trò “Chơi ô ăn quan”)

Xin thưa ngay với bạn đọc rằng những chuyện này tôi không được chứng kiến nhưng tôi cũng không “nghe hơi nồi chõ” (nói theo cách của dân gian). Nhưng vì là những chuyện rất tế nhị nên xin bạn đọc đánh cho chữ đại xá, để tôi được phiếm chỉ hoặc dùng tên tắt của các nhân vật khi hầu chuyện bạn.

Mỗ là vị quan thứ nhì trong hệ thống quan chức của tỉnh N. Là quan to, tất nhiên Mỗ có dinh thự ở thành phố, dù quê Mỗ ở làng Đ, cách thành phố chỉ dăm cây số. Năm ấy thân sinh Mỗ quy tiên. Khỏi phải nói cũng biết đám tang thân sinh quan phó tỉnh linh đình đến thế nào: Vòng hoa hàng trăm, khách đi xe sang đến viếng nườm nượp, phải dùng mấy bao tải mới chứa hết phong bì, cỗ bàn ngả la liệt, việc ẩm thực tất thảy đều do một nhà hàng rất lớn trên thành phố phụ trách...

Khâu tổ chức đám tang rất bài bản, do một ban tang lễ toàn người có chức có quyền phụ trách, nên mọi việc diễn ra rất trơn tru. Nhưng đến khi chuyển cữu để đưa cụ ra đồng thì xảy chuyện.

Sau hai tiếng đòn tre chấp hiệu, dân làng bỗng... đồng loạt bỏ về trước sự thất thần của tang chủ và sự thảng thốt, ngơ ngác của khách khứa. Xe linh cữu không ai đẩy, kiệu rước vong, kiệu phật chẳng ai khiêng, cờ, phướn, vòng hoa... không ai mang. Làm sao bây giờ?

Cả nhà cùng con cháu cuống cuồng, phải chia nhau đến từng nhà nài xin người ra đẩy, ra khiêng giúp. Nhưng người thì kêu đau bụng, người nại cớ nhức đầu... Hàng tiếng đồng hồ sau mọi thứ vẫn chỏng chơ. Một vị khách, trong khi chờ đợi đã tản bộ trong làng, và được một cụ già hé cho biết nguyên nhân:

- Cái thằng ấy, càng làm to nó càng khinh dân làng như rác. Về làng, cái mặt nó cứ vác lên như cái lệnh, gặp bất cứ ai, kể cả những bậc ngang hàng với bố nó, với ông nội nó, nó cũng không cất nổi một câu chào, ăn nói thì rặt một thứ giọng xách mé. Việc đường xá, việc xây đền xây chùa... làng gửi thư đến tận nơi nó cũng không đóng góp một xu, dù nó giầu nứt đố đổ vách. Có chức có quyền, nó dung túng cho người nhà hết chiếm đất của người này đến cướp đầm, cướp hồ của người khác. Cháu ruột nó đánh người thành tật cả đời, nó cũng cậy quyền biến trái thành phải. Dân làng tôi căm nó lắm, nhưng mà thấp cổ bé họng chẳng biết kêu ai...

Vị khách vội chạy về thì thầm cho Mỗ biết. Lãnh đạo xã phải triệu tập họp khẩn, lệnh cho trưởng các đoàn thể chia nhau đi vận động hội viên của mình. Kết quả là sau hơn 3 tiếng đồng hồ mới có một số người đến khiêng cụ ra đồng, dù giờ hạ huyệt ấy, theo vị sư trụ trì chùa làng, là rất xấu.

Chuyện thứ hai. Nhà chủ tịch xã Ngh ở trong một ngõ xóm thuộc thôn P, xã B, huyện V, tỉnh V. Năm ấy xã phát động phong trào “bê tông hoá” ngõ xóm bằng cách dân tự góp tiền làm, và nhanh chóng được nhân dân đồng tình. Để đổ được bê tông con ngõ xóm nhà chủ tịch, mỗi khẩu trong ngõ phải đóng 350 ngàn đồng.

Tất cả đều đã đóng, nhưng riêng nhà chủ tịch xã thì không, bởi ông cho rằng ông làm lãnh đạo, thì phải khác với dân thường. Không chỉ thế, muốn cho người em ruột, nhà cũng cùng trong ngõ, được “thơm lây”, ông chủ tịch bảo em “không việc gì phải đóng”.

Biết chuyện, bố vợ người em ông chủ tịch đã đến khuyên con rể: “Chẳng ai chỉ sống với anh em được, mà sống là phải sống với dân với làng. Dân người ta đóng được thì mình đóng được. Anh nên đóng, nếu không có thì tôi cho”. May mà người em nghe thủng lời khuyên chí tình ấy.

Con ngõ bê tông vẫn hoàn thành dù không có số tiền 1,4 triệu đồng (4 khẩu) của nhà chủ tịch. Nhưng rồi sau đó, một hôm có chiếc xe ô tô rất sang vừa chớm rẽ vào ngõ, lập tức có mấy người dân ra chặn đầu xe:

- Ông vào nhà ai?

- Tôi vào nhà ông Ngh chủ tịch xã.

- Nếu gặp ông chủ tịch xã vì việc công thì mời ông ra uỷ ban. Còn gặp ông Ngh về việc riêng, thì mời ông để xe ô tô ngoài kia.

- Ngõ rộng mà bác, xe vào có cản trở giao thông đâu?

- Ngõ rộng nhưng mà do dân xóm tôi góp tiền làm, còn nhà ông Ngh thì không. Ông để xe ngoài kia, đi bộ vào vậy.

Ngõ rất sâu. Năn nỉ mãi không được. Sợ để xe ngoài đường cái không an toàn, vị khách kia đành lùi xe, điện thoại cho ông chủ tịch xã ra gặp. Từ đó, mỗi lần có ai đi xe con, rồi sau cả người đi xe máy nữa, vào nhà ông chủ tịch, đều bị dân bắt để xe ngoài đường cái.

Khi biết nguyên nhân, rất nhiều người đã quay xe đi thẳng chứ không thèm điện thoại cho ông chủ tịch ra gặp như vị khách lúc đầu nữa. Cho đến tận bây giờ, khi ông Ngh đã về hưu rồi, nhưng cái tiếng “đi nhờ đường của dân” thì ông và cả gia đình vẫn phải mang.

Và đây là chuyện thứ ba. Cách nhà ông Ngh không xa, nhưng thuộc đất của huyện khác, cũng cùng tỉnh V có ông V là Phó chi cục trưởng Chi cục Thuế của huyện. Vợ V là giáo viên. Vợ chồng V ở cùng với mẹ và một người em chưa vợ trong ngõ xóm, dù nhà rất to. Gọi là xóm nhưng chỉ cách thị trấn chưa đầy một cây số.

Năm ấy dân xóm cũng góp tiền “bê tông hoá” ngõ, mỗi khẩu trong xóm phải góp 400 ngàn đồng. Nhưng cậy mình là quan chức, ông V không thèm đóng cho 4 khẩu nhà mình, và cũng không cho mẹ và em đóng góp.

Con ngõ vừa được đổ bê tông xong thì cũng là lúc gia đình ông V tổ chức cưới vợ cho em. Đám cưới, thì tất nhiên là trang hoàng rực rỡ, cỗ bàn la liệt. Nhà trai cùng khách mời đã tề tự đông đủ, chỉ chờ đoàn rước dâu về là vào tiệc.

Chiếc xe hoa vừa rẽ từ đường làng vào ngõ, chiếc xe ca chở đoàn rước dâu, đưa dâu cũng vừa rẽ theo, thì bị gần chục người dân chặn lại:

- Ai bỏ tiền làm ngõ thì người nấy đi. Người nào không góp tiền, xin tìm lối đi khác.

Hết đôi co đến nằn nì, kể cả xin được xuống xe đi bộ để đưa dâu vào nhà đám, những người chặn đường vẫn dứt khoát không cho, và càng ngày càng nhiều người kéo ra thêm. Hơn một tiếng đồng hồ sau, hai chiếc xe đành phải lùi ra, quay đầu, chở cả cô dâu chú rể lẫn đoàn đưa dâu ra một nhà hàng ở thị trấn. Biết chuyện, đoàn đưa dâu nhà gái bỏ về sạch, cô dâu chú rể đành trút váy cưới, áo vét, mặc như thường đi bộ đưa nhau về. Nhà đám ế hơn một trăm mâm cỗ, phải đổ hết xuống ao, khiến cá cũng chết sặc, nổi phếnh bụng...

Một trong những người kể những chuyện trên cho tôi nghe là cụ Trần Văn Kỹ ở làng Đệ Nhất, xã Mỹ Trung, huyện Mỹ Lộc, Nam Định. Tôi còn nhớ khi kể xong, cụ bảo:

- Làm quan, dù to đến đâu thì sau khi hết làm quan, cũng phải sống với dân. Với lại, có phải ai sinh ra cũng làm quan ngay đâu, đúng như một câu “ca dao mới” đã nói, là “Sinh ra, ai cũng là dân/ Phấn đấu dần dần, một số (mới) làm quan”.

Đọc xong câu ấy, cụ Kỹ bỗng cau mặt:

- Nhưng mà cái bọn trẻ bây giờ nhiều thằng láo lắm ông ạ. Câu ca dao của người ta là thế, mà nó lại xuyên tạc đi rằng thì là: "Sinh ra, ai cũng là dân/ Mua bán dần dần, một số (mới) thành quan”. Thế là nó nói xấu cán bộ. Tôi mà là Nhà nước, tôi cho cái bọn nói xấu cán bộ ấy rũ tù hết.

Xem thêm
Rapper Double2T ra mắt album đầu tay đánh dấu chặng đường mới

Rapper Double2T chính thức cho ra mắt album đầu tay mang tên "10 Năm Trước", đánh dấu chặng đường mới trong sự nghiệp âm nhạc.

Arsenal và Liverpool thất bại, Man City sắp vô địch Premier League?

Man City đã có quyền tự quyết trong cuộc đua vô địch Premier League sau vòng 33 khi Arsenal và Liverpool đều phải nhận thất bại.

ĐT U23 Việt Nam chính thức chốt danh sách tham dự VCK U23 Châu Á

HLV Hoàng Anh Tuấn đã chính thức đưa ra quyết định cuối cùng về danh sách 23 cầu thủ đội tuyển U23 Việt Nam tham dự VCK U23 châu Á 2024.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất