| Hotline: 0983.970.780

Đớn đau những phận người 'nhà quê' - ung thư và ung thư

Thứ Sáu 30/12/2016 , 14:30 (GMT+7)

Tập đơn đề nghị xác nhận bệnh nhân cần tiếp tục điều trị giảm đau bằng thuốc gây nghiện (morphin) trong ngăn tủ hồ sơ của Bác sĩ Nguyễn Duy Hợp - Trạm trưởng Trạm y tế xã mỗi lúc một dày thêm. Mỗi lá đơn là một trường hợp bệnh nhân ung thư đã vào giai đoạn cuối, đau đớn...

Một bản tin buồn

Hơn 20 cái loa nén chợt vang vọng khắp làng trên, xóm dưới giọng đọc buồn bã ông Hồ Việt Hậu - phụ trách đài phát thanh: “Đây là đài truyền thanh xã Gia Xuyên (huyện Gia Lộc, Hải Dương). Thông báo tin buồn. Gia đình chúng tôi vô cùng thương tiếc báo tin mẹ, vợ chúng tôi là bà Nguyễn Thị X, trú quán tại thôn Tranh Đấu xã Gia Xuyên sau thời gian lâm bệnh, mặc dù đã được gia đình tận tình thuốc thang chăm sóc nhưng do bệnh hiểm nghèo, đã tạ thế hồi… Lễ viếng bắt đầu từ…”.

Nội dung tin buồn được nhắc đi nhắc lại hai lần trong một buổi để người nào chưa kịp nghe lần đầu sẽ biết lần hai mà chuẩn bị nhang hương đến phúng viếng. Từ hồi các phương tiện giải trí cá nhân như ti vi, máy tính nối mạng, điện thoại thông minh lên ngôi thì vai trò của hệ thống đài xã sa sút hẳn.

Có chăng ngoài thông báo tiền lương cho người về hưu, lịch thu tiền điện hàng tháng thì đọc tin buồn là việc thường xuyên mà hai cán bộ đài xã phải thay nhau thực hiện. Đọc mãi đâm ra thành quen. Trong khoảng 50 cái tin buồn mỗi năm của Gia Xuyên không ít trong đó là nạn nhân của bệnh ung thư…


Một bệnh nhân đang được điều trị ở trạm y tế Gia Xuyên
 

Tập đơn đề nghị xác nhận bệnh nhân cần tiếp tục điều trị giảm đau bằng thuốc gây nghiện (morphin) trong ngăn tủ hồ sơ của Bác sĩ Nguyễn Duy Hợp - Trạm trưởng Trạm y tế xã mỗi lúc một dày thêm. Mỗi lá đơn là một trường hợp bệnh nhân ung thư đã vào giai đoạn cuối, đau đớn đến mức không thể thuốc thang nào xoa dịu được mà phải an ủi bằng thuốc gây nghiện. Người xạ đen cả cổ vì K họng, người truyền hóa chất đến nát cả ven chân tay vì K gan, người phải cắt cả ngực vì K vú…

Mỗi lá đơn là một hồi chuông thống thiết dóng lên về tình trạng bệnh ung thư đang bủa vây, tàn phá nông thôn như thế nào. Lá đơn mới nhất tôi ngó vào đề ngày 21/12/2016 của bà Trần Thị Hảo - người nhà của bệnh nhân Hồ Văn Cam thường trú ở thôn Tranh Đấu.

Bởi morphin là chất gây nghiện, bị cấm sử dụng ra bên ngoài nên mỗi lần như thế bác sĩ Nguyễn Duy Hợp đều phải nghiên cứu rất kỹ tình trạng của người bệnh xem có đau đến mức phải dùng không: “Ngoài hỏi người nhà khoản ăn uống ngủ nghỉ, ngoài vạch mắt xem niêm mạch, sờ mạch bệnh nhân tôi còn nhìn vào sắc thái của họ để đánh giá. Lông mày nhíu lại, mặt cau, rên liên tục, nhịp thở ngắt quãng do phải nín cơn đau, người hốc hác, nhợt nhạt. Thường bệnh ung thư gan, ung thư phổi, ung thư xương là đau đớn nhất. Đau đến mức kêu ồ ồ, không ăn được, không ngủ được, không còn tỉnh táo. Còn nếu vẫn nói chuyện được bình thường thì tôi sẽ từ chối chứng nhận cho họ”.

Trước khi làm ở Gia Xuyên, bác sĩ Hợp đã từng kinh qua hai trạm ở xã Thống Kênh và Đoàn Thượng nên hiểu rất rõ những bệnh mà nông dân khu vực này thường mắc. Mẫu số chung là bệnh về hệ hô hấp, xương khớp, cao huyết áp tim mạch và nhức nhối nhất vẫn là ung thư. Ung thư mỗi lúc một nhiều và có xu hướng trẻ hóa rõ rệt.

Gia Xuyên là xã trung bình với ba thôn là Tằng Hạ, Tranh Đấu, Đồng Bào có dân số 8.260 khẩu. Theo đề nghị của tôi, cán bộ Trạm y tế xã đã đặt bút tính toán các cái chết trên địa bàn dựa theo những nguyên nhân như tai biến, già, ung thư, đuối nước, tai nạn…

Theo đó năm 2013, chết già chiếm tỉ lệ 32,7%, ung thư chiếm 31%, tai biến 26,2%; Năm 2014, ung thư vọt lên tới 40,8%, tai biến 32,6%, già chỉ 6,1%. Năm 2015, ung thư vẫn đứng đầu 35,1%, già 31,45%, tai biến 18,5%. Năm 2016, già chiếm 42,8%, ung thư 28,5%, tai biến 24,4%. Riêng về tai nạn giao thông trong 3 năm từ 2013 đến 2015 có tới 6 người tử vong.
 

Mờ mịt những phận người

Được sự giới thiệu của bác sĩ Hợp, tôi xuống thôn Đồng Bào ghé vào nhà chị Phan Thị Chút - y tế thôn để hỏi về ung thư. Tình cờ thế nào trong nhà khi đó có ba người đang nói chuyện thì hai người là nạn nhân của chứng bệnh hiểm nghèo này gồm chính chị Chút bị K trực tràng và người em họ là Tăng Văn Nghịnh bị K vòm họng. Đối với người dân Đồng Bào, ung thư như một tử thần không màu, không mùi, không vị để mà biết tránh né, cứ gõ cửa từng nhà, khều đi từng mạng người. Người chết yên phận dưới ba tấc đất để lại người sống nơi thế gian trong sợ hãi, hoang mang.

Chị Chút kể: “Tự nhiên một dạo tôi thấy bị đi ngoài nhiều, uống thuốc mãi mà không khỏi mới lên viện tuyến trên để khám. Lúc thông báo kết quả, tôi toát hết mồ hôi, lạnh người đi vì sợ nên bác sĩ mới pha cho cốc đường cho khỏi choáng rồi để con gái dìu đi. Người nhà biết chuyện đứng ngoài cứ chụm đầu vào nhau mà khóc. Thấy thế tôi cũng bật khóc luôn vì người ta thường nói “Vào viện K ra Văn Điển”. Thế là cuối năm đó chẳng còn tinh thần đâu mà cúng ông công ông táo, mà chuẩn bị Tết nhất gì nữa”.

Khác với hai thôn cùng xã là Tằng Hạ và Tranh Đấu chuyên canh rau màu, đào cảnh phải sử dụng lượng thuốc BVTV rất nhiều thì người dân Đồng Bào lại chân chỉ hạt bột, chủ yếu sinh nhai bằng nghề trồng lúa. Lượng thuốc sâu nói chung sử dụng khá ít thế mà ung thư lại rất nhiều, chỉ riêng đội 7 quanh khu vực chị Chút đang ở thôi đếm sơ qua cũng có tới 9 người đang mắc, người trẻ nhất là cháu bé đang học lớp 1 bị K máu còn người già nhất đã xấp xỉ tuổi thất thập.

“Trước nguồn nước ở đây thấy bảo có nhiều thạch tín nhưng từ mấy năm nay dân tôi đã có nước máy để dùng không phải dùng tới giếng khoan, giếng đào nữa nhưng ung thư vẫn nhiều. Có lẽ là do môi trường đã quá ô nhiễm rồi”, chị Chút nhận định như vậy.

15-00-15_dsc_4467
Nơi đâu nông thôn giờ cũng ngập rác
 

Rời nhà chị Chút, rời khỏi nơi hai con người đang lặng đi trước mờ mịt của những ngày tháng tới, tôi đến nhà chị Phan Thị Nhuôm. Đáng lẽ với độ tuổi ngoài ba mươi má chị vẫn còn thắm, mắt vẫn còn long lanh, người vẫn còn rực khí xuân thì nhưng trước mặt tôi là một bộ xương có da bọc bên ngoài. Cơn đau cứ hành hạ, bào nát cả ruột gan khiến cho chị phải nhăn mặt chịu đựng.

Những người nhà quê như chị vốn không có thói quen khám bệnh định kỳ mà chỉ khi khối u ở bụng trồi lên to bằng cái chén, vội vàng đi kiểm tra mới biết là K gan. Chị kiệm sức nên rất kiệm lời, hầu như chỉ lắc với gật trong suốt cả buổi nói chuyện.

Ba đứa con vây quanh như một đàn gà nhép lạnh lẽo buổi mưa, mong một chút chở che dưới đôi cánh rộng của mẹ. Thế nhưng đôi cánh ấy lại đang không che nổi cho chính bản thân mình chứ không nói đến người khác. Chuyện một lúc lâu, đám nhỏ hình như cũng lờ mờ đoán được tình cảnh bi đát của mẹ, mặt chúng cứ mỗi lúc một thất thần...

Người mẹ thấy vậy vội nựng nịu, ôm ghì đứa con út vào lòng. Mặt hướng ra ngoài, nơi đó là buổi chiều mùa đông vàng vọt như chính làn da của người bệnh trọng, nơi đó là nghĩa trang làng. Ngoài kia gió đang ù ù thổi từng cơn, trời vẫn không có rét.

Để hoàn thành loạt bài viết này, chúng tôi xin được trân trọng cảm ơn sự cộng tác của 3 Trạm y tế là Liên Nghĩa, Văn Giang (huyện Văn Giang, Hưng Yên) và Gia Xuyên (huyện Gia Lộc, Hải Dương) đã cung cấp tin kịp thời.

 

Xem thêm
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bị khiển trách

Ngày 19/4, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội bị Bộ Chính trị quyết định kỷ luật bằng hình thức Khiển trách.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Sìn Hồ thiệt hại nhiều cao su do mưa đá, gió lốc

Mưa đá gió lốc đã khiến hàng nghìn cây cao su bị gãy đổ, hàng trăm hécta phải dừng khai thác, cạo mủ. 

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm