| Hotline: 0983.970.780

Dồn điền đổi thửa để làm NTM

Thứ Năm 18/11/2010 , 10:44 (GMT+7)

Xã Thanh Giang, Thanh Chương (Nghệ An) đang từng bước tập trung quy hoạch ruộng đồng để làm NTM.

Biến những mảnh ruộng manh mún trước kia thành những thửa ruộng rộng cả nghìn mét vuông để quy hoạch đất nông nghiệp thành vùng sản xuất tập trung có hệ thống tưới tiêu, vận tải, điện lưới thuận tiện... Đó là bước khởi đầu quan trọng ở Thanh Giang, Thanh Chương (Nghệ An) trong quá trình xây dựng NTM tại địa phương này.

Xã Thanh Giang là xã đồng bằng, nằm phía hữu ngạn sông Lam nên đất sản xuất nông nghiệp rất đa dạng: đất 2 lúa, 1 màu; đất bãi phù sa và đất đồng. Lâu nay, không ai chịu nhường ai nên tất cả các loại đất đều phải chia nhỏ cho người dân nên nhà nào cũng có phần cả đất tốt lẫn đất xấu. Đây là lý do khiến việc tích tụ ruộng đất để đưa máy móc nông nghiệp vào SX theo hướng hàng hóa gặp rất nhiều khó khăn.

Toàn xã chỉ có hơn 255ha đất canh tác, sau khi thực hiện Nghị định 64/CP, ruộng đất Thanh Giang mặc dù đã được dồn điền đổi thửa (DĐĐT) từ 5.120 thửa xuống còn 3.500 thửa, mỗi hộ từ chỗ sản xuất trên 7 - 8 thửa xuống còn 4 - 5 thửa; hệ thống kênh tưới tiêu đã được kiên cố hoá nhưng ruộng khoán của người dân vẫn còn gần chục hạng, loại đất khác nhau, tuỳ theo độ xấu - tốt, gần - xa, cao - trũng, dễ tưới hay khó tưới...

Do vậy, nhìn tổng thể vẫn có tình trạng nhiều thửa ruộng có hình thù “dị dạng”, quanh co, có những thửa rất dài nhưng chiều rộng lại quá nhỏ, cộng với mạng lưới giao thông nội đồng chật hẹp, quy hoạch thiếu đồng bộ nên khó đưa cơ giới vào sản xuất và không thể hình thành được các vùng sản xuất hàng hoá tập trung.

Để tạo điều kiện cho việc đưa cơ giới hóa vào SXNN làm cơ sở cho việc phát triển kinh tế tại địa phương, từ đầu tháng 6/2010, xã Thanh Giang đã triển khai DĐĐT từ ô thửa nhỏ sang ô thửa lớn lần thứ 2, theo đề án: Tiếp tục chuyển đổi, chuyển nhượng ruộng đất của UBND huyện Thanh Chương. Bằng các biện pháp tích cực, Thanh Giang đã chuyển đổi 3.500 thửa xuống còn 1.500 thửa (bình quân từ 1 - 2 thửa/hộ), tạo điều kiện để quy hoạch và đầu tư xây dựng các công trình giao thông, thuỷ lợi nội đồng làm tiền đề xây dựng NTM.

Ông Tưởng Quốc Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Giang cho biết: Quá trình thực hiện DĐĐT lần 2, cấp ủy, chính quyền xã đã tập trung giải quyết tốt 2 khâu: Quy hoạch lại ruộng đồng một cách khoa học và phát huy tính dân chủ của người dân nhằm tạo sự đồng thuận cao trong thực hiện. Ngay từ khi được UBND huyện chọn Thanh Giang làm điểm DĐĐT lần thứ 2, Đảng uỷ đã ra Nghị quyết chỉ đạo chính quyền thực hiện đúng chủ trương của cấp trên; tuyên truyền rộng rãi các chủ trương, chính sách và lợi ích chung của công tác chuyển đổi đến tận cán bộ, đảng viên và nhân dân toàn xã.

Những ngày đầu thực hiện tuy có gặp không ít trắc trở bởi nhiều người dân có tư tưởng sợ sệt khi DĐĐT họ sẽ mất đi “bờ xôi ruộng mật”, nhưng khi kế hoạch của chính quyền được đưa ra lấy ý kiến, thảo luận công khai, dân chủ trong các buổi họp dân, thì ai ai cũng tự nguyện thực hiện DĐĐT.

Căn cứ vào quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch phân vùng của UBND xã, BCĐ tiến hành khảo sát, kiểm tra hiện trạng diện tích đất nông nghiệp trên bản đồ, đo đạc và trên thực địa lập phương án dồn đổi sơ bộ để định hướng cho xã viên bàn bạc sau đó tổng hợp, cân đối quỹ đất đưa ra phương án cuối cùng. Để tạo thuận lợi khi quy hoạch, đất nông nghiệp ở Thanh Giang được phân theo nhóm với các tiêu chí thuận lợi, khó khăn trong canh tác; các hạng đất cũng được chia làm 3 vùng, tính theo hệ số chân đất: Tốt, trung bình và xấu.

Phương án được UBND xã đưa ra là thu hồi toàn bộ diện tích đất canh tác để chia lại, phân bổ hệ số quy đổi trên cơ sở diện tích đất các vùng 1 vụ khó nước, 1 vụ dễ nước và 2 vụ khó nước, 2 vụ dễ nước. Lúc đầu xã dự định sau chuyển đổi, mỗi hộ chỉ còn 1 mảnh, nhưng từ thực tế, tập hợp ý kiến của bà con, mỗi hộ đã được nhận từ 1- 2 thửa thì mới đảm bảo công bằng và được nhân dân đồng tình cao.

Mục tiêu của DĐĐT lần thứ I2 tại Thanh Giang là mỗi hộ chỉ còn lại 1-2 thửa, với diện tích tối thiểu phải đạt 350m2/thửa. Các hộ có diện tích 7 sào trở lên được nhận không quá 3 thửa/3 vùng, hộ có diện tích 4 - 7 sào nhận 2 thửa/2 vùng, những hộ có 3 sào trở xuống được nhận 1thửa/1 vùng; khuyến khích các hộ có điều kiện nhận 1 thửa để thuận lợi cho canh tác, đưa cơ giới hoá vào sản xuất và mở rộng các mô hình trang trại, gia trại cho thu nhập cao.

Nhìn những thửa ruộng thẳng cánh cò bay, bờ vùng bờ thửa được quy hoạch rộng rãi, xe cơ giới có thể đi tới tận ruộng là những thay đổi rõ rệt ở xã Thanh Giang trên con đường xây dựng NTM tại địa phương. Hy vọng đây là bước khởi đầu quan trọng để giúp xã Thanh Giang từng bước đạt được các mục tiêu xây dựng xã NTM tại huyện Thanh Chương.

Để bà con yên tâm đầu tư sản xuất, thâm canh tăng vụ trên các diện tích mới nhận, xã Thanh Giang đã đầu tư 800 triệu đồng để xây dựng hệ thống cống, đập điều tiết nước. Trước mắt, UBND xã đứng ra vay vốn ưu đãi từ ngân hàng, sau đó dân đóng góp tính theo diện tích nhận khoán đã chuyển đổi (trong 3 năm sau mỗi vụ thu hoạch). Ngoài nguồn vốn vay, Thanh Giang đã được huyện hỗ trợ 100% kinh phí xây dựng thêm 500m cống cấp thoát nước.

Theo kế hoạch, hệ thống kênh tưới đều gắn với đường và đến từng thửa ruộng. Nhờ đó, ngoài nước tưới, các phương tiện từ xe vận chuyển nông sản đến máy cày, máy tuốt, máy gặt lúa... đều đi lại và hoạt động trên đồng ruộng một cách dễ dàng. Đến thời điểm này, tất cả các trục đường chính rộng 6m, dài 5km đã hoàn thành.

Gặp chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hạnh, trú tại xóm Tiên Cầu vui vẻ cho biết: “Sau khi DĐĐT lần 2, bà con chúng tôi ai cũng rất phấn khởi. Trước đây gia đình tôi sản xuất trên 5 sào nhưng chia thành 5 mảnh nằm rải rác ở nhiều xứ đồng, nay cũng từng ấy diện tích nhưng chỉ tập trung ở 2 mảnh, việc cày bừa, thu hoạch, đường sá nội đồng được mở rộng giúp chúng tôi tiết kiệm được chi phí sản xuất cũng như công sức chăm bón”.

Xem thêm
Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư 2 dự án dân cư nông thôn

Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư Dự án Khu dân cư nông thôn số 1 xã Ký Phú và Dự án Điểm dân cư nông thôn số 1 xã Bình Thuận (huyện Đại Từ).

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bà Rịa - Vũng Tàu có thêm 22 sản phẩm OCOP 4 sao

Chiều 28/3, Sở NN-PTNT Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức hội nghị giao ban tổng kết hoạt động của các HTX nông nghiệp và lễ công bố, trao giấy chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Bình luận mới nhất