| Hotline: 0983.970.780

Dồn điền đổi thửa ở Hà Nội đạt kết quả tích cực

Thứ Năm 18/10/2012 , 10:02 (GMT+7)

Nếu tiến hành thành công dồn điền đổi thửa sẽ có tác động tích cực tới hầu hết 19 tiêu chí trong xây dựng NTM.

Dồn điền đổi thửa (DĐĐT) không phải là một tiêu chí trong xây dựng NTM, song với những địa phương có diện tích đất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, phân tán, bình quân mỗi hộ dân sở hữu nhiều ô, thửa ruộng phân tán trên nhiều cánh đồng như hầu hết các xã của Hà Nội thì việc làm này rất cần thiết.

Nếu tiến hành thành công DĐĐT sẽ có tác động tích cực tới hầu hết 19 tiêu chí trong xây dựng NTM. Chính vì vậy, để triển khai thắng lợi Chương trình 02-CTr/TU, Ban chỉ đạo TP Hà Nội đã xác định một trong những khâu đột phá là tập trung chỉ đạo thực hiện công tác DĐĐT diện tích đất nông nghiệp không nằm trong quy hoạch công nghiệp và quy hoạch đô thị.

Ngay sau khi UBND TP Hà Nội có Kế hoạch số 68/KH-UBND ngày 09/5/2012 và Sở NN-PTNT có Hướng dẫn số 29/HD-SNN về "Quy trình thực hiện công tác DĐĐT đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn TPHà Nội”, các huyện, thị xã đã nhanh chóng xây dựng kế hoạch và ban hành nghị quyết về công tác DĐĐT, đồng thời giao chỉ tiêu kế hoạch cụ thể để các xã căn cứ phấn đấu thực hiện. Các xã đã bám sát hướng dẫn của Sở NN-PTNT tiến hành xây dựng phương án DĐĐT trình duyệt, đồng thời rà soát nhân khẩu, hộ khẩu, diện tích đất nông nghiệp giao theo Nghị định số 64/CP, một số xã đã và đang tiến hành đo đạc, quy hoạch giao thông, thủy lợi nội đồng.

Vừa qua, tại hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình 02 của Thành ủy đến quý III và nhiệm vụ, giải pháp thực hiện trong quý IV/2012, báo cáo của Ban chỉ đạo TP và của Ban chỉ đạo các huyện, thị xã đã ghi nhận kết quả tích cực đạt được trong công tác DĐĐT tại các địa phương.

Một số địa phương đã thực hiện thành công như xã Tân Hưng, xã Minh Trí (huyện Sóc Sơn); xã Liên Mạc (huyện Mê Linh); xã Hợp Thanh (huyện Mỹ Đức); xã Đại Thắng (huyện Phú Xuyên)... và các xã này đang là mô hình điểm cho các địa phương khác đến học tập kinh nghiệm. Một số huyện đã thể hiện sự quyết tâm bằng việc đăng ký tăng thêm diện tích thực hiện trong 2012 như Chương Mỹ, Mê Linh, Phú Xuyên, Thường Tín, Đông Anh,…


Dồn điền đổi thửa để cơ giới hóa đồng bộ

Tại các địa phương trình tự, phương pháp đã cơ bản thực hiện theo hướng dẫn của TP. Nhiều huyện, thị xã đã coi nhiệm vụ DĐĐT là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2012.

Nhận thức được tầm quan trọng của công tác DĐĐT là tiền đề, là cơ sở triển khai các nội dung tiếp theo trong xây dựng NTM, do đó công tác này đã được tập trung chỉ đạo quyết liệt từ Ban chỉ đạo TP thực hiện Chương trình 02-CTr/TU Thành ủy Hà Nội, đến các huyện, thị xã, sự hướng dẫn của các sở, ngành. Cùng với đó, chính sách hỗ trợ của TP cho phát triển nông nghiệp, xây dựng giao thông nông thôn trong đó có công tác DĐĐT ra đời kịp thời và đáp ứng yêu cầu của cơ sở, hiện đang là nguồn động lực thúc đẩy quá trình triển khai thực hiện trên địa bàn toàn TP.

Kết quả đến nay, toàn TP đã có 99/228 xã (43,4%) có phương án DĐĐT, trong đó có 35 xã đã được phê duyệt, số còn lại đang tiến hành xây dựng phương án và xin ý kiến nhân dân thống nhất phương án. Một số huyện có nhiều xã trong kế hoạch DĐĐT 2012 đã xây dựng được phương án DĐĐT như Chương Mỹ 32/32, Sóc Sơn 23/23, Ba Vì 6/6, Phú Xuyên 10/16, đặc biệt 100% số xã của huyện Sóc Sơn đã có phương án DĐĐT được phê duyệt. Đến nay có trên 30 nghìn ha đăng ký kế hoạch DĐĐT của các huyện, vượt trên 11 nghìn ha so với kế hoạch của UBND TP.

Với những kết quả tích cực trên cũng đồng nghĩa với năng lực tổ chức thực hiện các nội dung Chương trình xây dựng NTM nói chung và công tác DĐĐT nói riêng của cán bộ từ huyện đến xã đã được nâng lên rõ rệt, củng cố lòng tin của nhân dân vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tạo công bằng, dân chủ trong cộng đồng nông thôn.

Tuy nhiên, công tác DĐĐT là một việc làm rất khó, bởi nó đụng chạm tới quyền lợi của hầu hết các hộ dân, phải tiến hành một khối lượng công việc rất lớn từ xây dựng phương án, kế hoạch triển khai, đến tổ chức tuyên truyền, họp ở nhiều cấp, đo đạc, lên bản đồ, gắp thăm, chia đất, cấp hồ sơ giấy tờ... chính vì vậy cán bộ địa phương ở một số nơi ngại, không muốn làm. Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân ở một số nơi hạn chế, chưa làm cho người dân thấy được ích lợi trước mắt và lâu dài của công tác DĐĐT. Những nguyên nhân đó đã dẫn đến một số hạn chế, khó khăn trong công tác DĐĐT trong thời gian qua tại các địa phương và rất cần phải khắc phục.

Để công tác DĐĐT năm 2012 hoàn thành tốt, tạo khâu quan trọng hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa ổn định, lâu dài thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển, góp phần đưa cơ giới hóa trong nông nghiệp và tạo tiền đề để xây dựng NTM, một số nhiệm vụ và giải pháp thực hiện đến cuối năm 2012 đã được cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU xác định và quyết tâm chỉ đạo thực hiện phấn đấu đến hết năm 2012 toàn thành phố DĐĐT đạt 30.795,27 ha.

MỘT SỐ GIẢI PHÁP

- Các ngành, các cấp tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động toàn thể cán bộ, Đảng viên và nhân dân hiểu rõ và tổ chức thực hiện tốt Chương trình 02-CTr/TU nói chung và công tác DĐĐT nói riêng.

- BCĐ các huyện, thị xã tích cực giúp đỡ các xã tổ chức triển khai thực hiện theo trình tự các bước tại Hướng dẫn số 29/HD-SNN về “Quy trình thực hiện công tác DĐĐT đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội”. Đồng thời tăng cường kiểm tra đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các xã trong quá trình tổ chức thực hiện, mặt khác tổng hợp đầy đủ những vướng mắc từ cơ sở phản ánh kịp tời về BCĐ TP để thống nhất phương án giải quyết.

- UBND TP bố trí nguồn vốn khuyến khích các xã thực hiện DĐĐT xong trong năm 2012 và là tiền đề để các huyện, thị xã chỉ đạo các xã phấn hoàn hoàn thành công tác DĐĐT trên địa bàn toàn TP theo Quyết định số 16/2012/QĐ-UBND ngày 6/7/2012 về quy định thí điểm một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn TP Hà Nội giai đoạn 2012 - 2016.

- Sở NN-PTNT chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện công tác DĐĐT của các địa phương.

- Sở Tài nguyên - Môi trường hướng dẫn trình tự thủ tục cấp đổi lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ sau khi địa phương thực hiện xong công tác DĐĐT.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm