| Hotline: 0983.970.780

Dồn điền đổi thửa ở Hà Nội: Tậu trâu thì được, mua thừng thì không

Thứ Ba 25/10/2016 , 14:05 (GMT+7)

Quá trình dồn điền đổi thửa (DĐĐT) rất khó khăn được ví như một cuộc “tậu trâu” nhưng Hà Nội vẫn làm được, thậm chí hoàn thành vượt mức. 

Thế mà việc “mua thừng” là cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì ở nhiều nơi vẫn đang rất ì ạch…

17-37-02_dsc_9390
Có sổ đỏ dân mới yên tâm đầu tư, sản xuất
 

Trong quá trình chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) và Chương trình số 02 của Thành ủy Hà Nội đã xác định công tác DĐĐT là khâu đột phá để phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM.

Đồng thời tạo tiền đề tích tụ ruộng đất, phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, hình thành nên những vùng chuyên canh lớn và tạo điều kiện thuận lợi thực hiện các tiêu chí trong xây dựng NTM.

Đến nay, toàn thành phố đã thực hiện dồn điền, đổi thửa được 76.891,67/76.365,07ha (100,7%) do có 8 huyện có diện tích dồn điền, đổi thửa vượt 2.485,43 ha so với kế hoạch được giao.

Cụ thể ở các huyện Sóc Sơn (965,34ha), Ba Vì (770,34ha), Phú Xuyên (357,19ha), thị xã Sơn Tây (146,12ha), Thường Tín (89,37ha), Thạch Thất (71,60ha), Thanh Oai (63,12ha) và huyện Phúc Thọ (22,46ha).

Từ hiệu quả công tác DĐĐT, toàn bộ diện tích đất nông nghiệp đều được quy hoạch lại và đào đắp giao thông, thủy lợi nội đồng theo tiêu chuẩn, tiêu chí NTM.

Cơ giới hóa đã và đang được các xã, HTX và cá nhân đầu tư ở một số khâu chính như: làm đất, gieo cấy và thu hoạch, tiêu biểu như hầu hết các xã thuộc huyện Phú Xuyên và một số xã ở các huyện Chương Mỹ, Thạch Thất, Sóc Sơn, Quốc Oai, Thanh Oai, Thanh Trì, Gia Lâm, Mê Linh, Phúc Thọ, Đông Anh…

Mỗi hộ gia đình trước DĐĐT có 7 - 15 ô, thửa, thậm chí 27 - 39 ô, thửa như ở Sóc Sơn, Chương Mỹ... Đến nay, chủ yếu chỉ còn 1 - 2 ô, thửa, rất thuận lợi cho người dân trong tổ chức sản xuất, giảm đỡ ngày công, tiết kiệm chi phí vật tư, phân bón, thuốc trừ sâu...

Sau DĐĐT đã hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung như các vùng sản xuất lúa chất lượng cao ở các huyện Mỹ Đức, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Đông Anh, Thanh Oai, Chương Mỹ, Sóc Sơn….cho giá trị thu nhập tăng thêm so với sản xuất lúa truyền thống khoảng 20 - 25%.

Vùng sản xuất rau an toàn ở các huyện Đông Anh, Phúc Thọ, Hoài Đức, Gia Lâm, Chương Mỹ... với giá trị sản xuất từ 400 - 500 triệu đồng/ha/năm; vùng trồng cây ăn quả ở một số xã thuộc huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Chương Mỹ, Gia Lâm, Phúc Thọ….với giá trị 0,5 - 1,5 tỷ/ha/năm…

17-37-02_dsc_9391
Có sổ đỏ dân mới yên tâm đầu tư, sản xuất
 

Diện tích đất dôi dư sau DĐĐT (1.773,78ha) tạo điều kiện cho các địa phương quy hoạch mở rộng các công trình phúc lợi, quy hoạch đấu giá quyền sử dụng đất, tạo nguồn lực thực hiện xây dựng NTM.

Tuy nhiên đến giai đoạn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lại vướng mắc. Chính sách của Hà Nội là: "Hỗ trợ toàn bộ chi phí đo đạc, cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau DĐĐT, xây dựng bản đồ, quy hoạch đồng ruộng, hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng theo định mức quy định của Nhà nước. Nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách thành phố bổ sung có mục tiêu cho ngân sách huyện".

Hiện chỉ có 3 huyện cấp lại sổ đỏ cho 162.393 hộ dân gồm: Ứng Hòa (106.274 hộ); Đan Phượng (42.025 hộ) và Quốc Oai (14.094 hộ).

Đây là 3 huyện làm điểm theo dự án Vlap "Hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai Việt Nam" và nhận được sự hỗ trợ còn 15 huyện, thị xã, trong đó đặc biệt là Chương Mỹ, Sóc Sơn, Sơn Tây, Mỹ Đức, Phú Xuyên vẫn còn nợ dân việc cấp giấy.

Tại cuộc họp giao ban mới đây, số lượng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn đền đổi thửa của Hà Nội theo thống kê mới được 37,7%. Ước ở thời điểm hiện tại đạt khoảng 50%, nghĩa là vẫn có hàng chục vạn hộ dân chưa được cấp giấy.

Việc cấp sổ đỏ sau DĐĐT không những giúp làm tốt công tác quản lý về đất đai, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người nông dân mà còn tránh tình trạng lấn chiếm, tranh chấp… Chính vì thế ở những nơi chậm được cấp sổ đỏ, lòng dân vẫn chưa yên.

Lý giải về nguyên nhân cấp sổ đỏ chậm, nhiều huyện bảo lý do chính là thành phố chưa bố trí kinh phí kịp thời. Tuy nhiên kinh phí chỉ là một phần, chứ không thể quyết định được tất cả bởi việc cấp sổ đỏ cho cả hàng vạn hộ cần một khối lượng công việc khổng lồ, cần những người có chuyên môn, cần phải có phương tiện.

Thế nên nơi nào cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc thì ở đó mới hoàn thành sớm và lòng dân được yên.

 

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.