| Hotline: 0983.970.780

Dồn điền đổi thửa - tiền đề để xây dựng NTM thành công

Thứ Năm 29/03/2012 , 13:55 (GMT+7)

Việc tiến hành dồn điền đổi thửa sẽ giải quyết được cơ bản tình trạng manh mún và phân tán ruộng đất, tạo điều kiện quy hoạch vùng SX...

Dồn điền đổi không phải là 1 tiêu chí trong xây dựng NTM nhưng dồn điền đổi thửa giúp tăng diện tích trên một thửa ruộng, tạo thuận lợi cho hộ canh tác, thực hiện cơ giới hoá nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá; từng bước phân công lao động trong từng địa bàn, tạo việc làm, tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích sản xuất.

Thành phố Hà Nội, từ khi sáp nhập đến nay có tổng diện tích đất nông nghiệp là 179.270 ha. Trước đây thực hiện Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị, ruộng đất nông nghiệp được giao khoán đến từng hộ gia đình được chia bình quân có ruộng tốt, có ruộng xấu, có gần có xa. Do vậy rất phân tán, manh mún, bình quân 10 - 12 thửa/hộ, cá biệt có nơi tới 30 - 40 thửa/hộ, diện tích bình quân 150m2/thửa, có nơi diện tích mạ chỉ có 5 - 7m2/thửa.

Ruộng đất manh mún đã không còn phù hợp với tình hình sản xuất như hiện nay vì không thể đầu tư thâm canh, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi không đưa được cơ giới hóa vào gây lãng phí công lao động rất lớn. Mặt khác ruộng đất manh mún, ô thửa nhỏ còn gây khó khăn cho việc lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quản lý đất đai. 

Có dồn điền đổi thửa mới mong làm ăn lớn

Để triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM với mục tiêu đã được Thành ủy Hà Nội xác định là trên 40% số xã đạt NTM vào năm 2015. Việc tiến hành dồn điền đổi thửa sẽ giải quyết được cơ bản tình trạng manh mún và phân tán ruộng đất cho người nông dân, tạo điều kiện quy hoạch vùng sản xuất tập trung; thuận lợi để áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào nông nghiệp, giúp giảm chi phí sản xuất và tăng hiệu suất lao động; chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông nghiệp; nâng cao thu nhập cho người nông dân; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; tạo quỹ đất để có mặt bằng xây dựng các công trình phúc lợi thực hiện nhóm tiêu chí xây dựng cơ sở vật chất trong NTM; tạo quỹ đất công cho cơ sở để thực hiện đấu giá huy động nguồn nội lực cho xây dựng NTM. 

Xã Nghiêm Xuyên, huyện Thường Tín là một trong những huyện dồn điền đổi thửa từ năm 2003. Trước đây, trung bình mỗi xã có từ 6-7 mảnh nhưng sau 5 năm triển khai (từ 2003 - 2007) chỉ còn từ 1-2 mảnh mỗi hộ. Những bước đi đầu tiên tại xã gặp không ít khó khăn do suy nghĩ của bà con sợ mất công bằng khi phải gắp thăm lại. Chính những khó khăn này Đảng ủy, chính quyền xã đã phải tìm những bước đi cho phù hợp để tháo gỡ những vướng mắc giúp cho bà con hiểu và đồng tình ủng hộ.

Ông Hoàng Văn Thanh, Chủ tịch UBND xã Nghiêm Xuyên, cho biết, xã đã xác định cần làm điểm để rút kinh nghiệm cho toàn xã. Cụm 5 thôn Nghiêm Xá đã được chọn làm điểm. Phương pháp chính xã triển khai làm dồn điền đổi thửa đó là cân đối sản lượng chỗ nơi làm xa, xấu thì sản lượng thấp hơn nơi gần tốt thì sản lượng cao hơn. Việc điều chỉnh trên quan điểm là giữ nguyên diện tích từng hộ như năm 1993 đã được chia, sau đó đánh số thứ tự từng ô ruộng và để nhân dân tổ chức gắp thăm.

Nguyên tắc trong việc dồn ruộng của xã là ghép các hộ anh em họ hàng gần nhau, trên cơ sở đơn vị chia ruộng để gắp phiếu lớn hơn. Đồng thời xã cũng đã có chế độ khuyến khích như có chế độ ưu tiên khối lượng đào đắp thủy lợi, nạo vét mương mán và mở bờ vùng bờ thửa cho cụm nào dồn ruộng nhanh và lớn; hỗ trợ công cho cán bộ trực tiếp làm công tác chia, dồn ruộng từ 3-5 triệu đồng và điều đặc biệt quan trọng là việc họp bàn công khai, dân chủ với dân và sự chỉ đạo chặt chẽ từ các chi bộ Đảng.

Đến nay xã Nghiêm Xuyên đã hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa. Từ năm 2008, xã đã thực hiện được việc đưa cơ giới hóa - đưa máy gặt xuống đồng. Gặp gỡ bà con nơi đây bây giờ hỏi về tác dụng của việc, ai cũng rất phấn khởi cho biết việc dồn điền đổi thửa có lợi cho dân rất nhiều như tiết kiệm được phân bón, giống, công lao động, chăm sóc, hiệu quả kinh tế tăng lên rất nhiều.

Nếu như Nghiêm Xuyên với những bước đi đầu tiên nhiều khó khăn và phải mất tới 5 năm để thực hiện xong dồn điền đổi thửa thì những địa phương tiến hành dồn điền đổi thửa sau có đúc rút được những kinh nghiệm để triển khai tốt hơn. Xã Đại Thắng thuộc huyện Phú Xuyên trong 2 năm từ 2008 đến cuối năm 2009 đã thực hiện dồn điền đổi thửa trên toàn 290 ha canh tác, cơ bản chỉ còn 1 mảnh/hộ. Theo chính quyền xã, cũng giống những nơi khác, khó khăn lớn nhất vẫn là người dân muốn theo lối sản xuất cũ, những hộ nông dân có đất tốt thì gần như không ủng hộ. Bài toán tưởng chừng như rất khó giải này được Đảng ủy chính quyền xã ở nơi đây tìm ra lời giải.

Theo ông Phạm Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Đại Thắng huyện Phú Xuyên cho biết, các bước đi trong công tác dồn điền đổi thửa tại xã như sau: Đầu tiên Đảng viên phải đi trước, vận động tuyên truyền cho bà con nông dân hiểu hết lợi ích và hiệu quả trong dồn điền đổi thửa. Thứ hai là giữ nguyên định xuất về số nhân khẩu và định xuất đất theo quy định từ năm 1993. Thứ 3 là vận động tuyên truyền để các gia đình chính sách ủng hộ chính quyền. Thứ 4, đó là chuyển đỏi các khu ruộng trũng và xấu sang làm VAC.

Chính từ những bước đi thận trọng nhưng phù hợp với lòng dân đã tạo nên cục diện sản xuất mới cho mảnh đất này. Hiện nay xã Đại Thắng đã quy hoạch được vùng sản lúa chất lượng cao khoảng 200 ha; vùng đất xấu, trũng đã được chuyển đổi thành vùng sản xuất VAC khoảng 53 ha. Đặc biệt, từ dồn điền đổi thửa, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi đã giúp cho thu nhập của hộ dân ở các vùng chuyển đổi nuôi trồng thủy sản có thu nhập khá đến 200 - 300 triệu/ha/năm (sau khi đã trừ chi phí sản xuất), nhiều vùng sản xuất nông nghiệp đã đưa được cơ giới hóa vào sản xuất.

Với những kinh nghiệm từ các xã làm tốt công tác dồn điền đổi thửa và quyết tâm của Đảng ủy và các cấp chính quyền huyện, đến nay huyện Phú Xuyên đã dồn điền đổi thửa được trên 6.700 ha /10.000 ha canh tác chiếm 65% tổng diện tích của toàn huyện, trong đó có 11 xã đã hoàn thiện dồn điền đổi thửa còn 17 xã đang thực hiện; phấn đấu đến cuối tháng 5/2012 huyện sẽ hoàn thành.

Bên cạnh Phú Xuyên, Thường Tín thì nhiều địa phương trên địa bàn thành phố cũng thực hiện rất tốt việc dồn điền đổi thửa. Trong đó phải kể đến xã Hợp Thanh huyện Mỹ Đức, xã chỉ mất 2 tháng đã thực hiện xong việc dồn điền đổi thửa. Hiện nay mỗi hộ trung bình chỉ còn từ 1 - 2 mảnh. Chính quyền xã nơi đây đã xác định công tác dồn điền đổi thửa là phải làm từ đồng làm về và dồn điền đổi thửa phải luôn phải gắn với quy hoạch xây dựng NTM. Từ dồn điền đổi thửa xã đã dành ra được cho quỹ đất công 22ha đất để làm đường giao thông và xây dựng các công trình công cộng.  (Còn nữa)

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm