| Hotline: 0983.970.780

Dồn điền đổi thửa và chuyện tin dữ đồn xa

Thứ Sáu 04/04/2014 , 13:30 (GMT+7)

Chuyện dồn điền đổi thửa đã làm được nhiều việc tốt nhưng dường như người ta chỉ nhăm nhăm soi vào một bất cập nhỏ lẻ mà xoáy sâu, chê bai...

Ông Lê Thiết Cương (ảnh) - Chi cục trưởng Chi cục phát triển nông thôn Hà Nội buồn rầu khi nhắc về chuyện dồn điền đổi thửa  (DĐĐT) đã làm được nhiều việc tốt nhưng dường như người ta chỉ nhăm nhăm soi vào một bất cập nhỏ lẻ mà xoáy sâu...

Ép hay không ép?

Thưa ông, có dư luận cho rằng Hà Nội cưỡng ép DĐĐT nên mới xảy ra chuyện một số nơi nông dân phản đối, bỏ hoang cả đồng ruộng?

Đất đai manh mún sẽ không quy hoạch được sản xuất, không đảm bảo nổi các tiêu chí về thu nhập, hộ nghèo, lao động, cơ giới hóa... nên tuy DĐĐT không phải là một tiêu chí trong xây dựng NTM nhưng là một việc làm cấp bách cần đột phá.

Trước đây khi thực hiện Nghị định 64, ta theo quan điểm người cày có ruộng nhưng lúc đó quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất chỉ là “con trâu đi trước cái cày theo sau”, gánh gồng là chính. Tư duy lúc ấy chỉ cốt chia ruộng sao cho bình đẳng, công khai, đâu đã nghĩ đến sản xuất lớn? Vì thế nên chia xa có, gần có, tốt có, xấu có, vàn có, trũng có. DĐĐT chẳng qua là câu chuyện sắp xếp lại đồng ruộng từ nhiều thửa, vài chục thửa mỗi hộ xuống còn 1-2 thửa.

Nói ép dân DĐĐT là không đúng bởi tất cả kế hoạch đều từ dưới đăng ký lên, từ thôn lên xã, từ xã lên huyện, từ huyện lên thành phố. Căn cứ vào đăng ký đó thành phố mới giao chỉ tiêu.

Lúc đầu một số nơi còn không hiểu, nghĩ diện tích trước của Hà Tây đã dồn còn 6-7 thửa/hộ là dồn xong rồi nên không đăng ký sau này mới bổ sung thêm. Trên cơ sở đề nghị của UBND các huyện, thị xã, Hà Nội mới giao chỉ tiêu phấn đấu thực hiện 76.365 ha chứ có quy định nào bắt ép DĐĐT đâu.

Vậy đến nay DĐĐT đã đạt kết quả gì?

Tôi quen công việc của nhà nông từ lúc 8 tuổi, đã thấy những nỗi bĩ cực dưới cơ sở, đã biết được sự phức tạp của nông thôn nên khi tiến hành DĐĐT không khỏi nơm nớp lo. Không ngờ kết quả đạt cao thế. Điều đó chứng tỏ nó quá trúng ý Đảng, lòng dân.

Tuy làm cho dân thật nhưng họ không đồng thuận sẽ không thể thực hiện nổi. Đến nay, toàn thành phố đã thực hiện DĐĐT được 73.237/76.365ha, bằng 95,90% kế hoạch. Mỗi hộ gia đình trước DĐĐT có 7-15 ô, thửa, thậm chí 27-39 ô, thửa đến nay chỉ còn 1-2 ô, thửa rất thuận lợi cho tổ chức sản xuất, giảm đỡ ngày công, tiết kiệm chi phí vật tư, phân bón, thuốc trừ sâu.

Sau DĐĐT nhiều cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa chất lượng cao đã hình thành. Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa giá trị cao ra đời như mô hình hoa ở Đan Phượng, Hoài Đức, Mê Linh, Từ Liêm, Thanh Trì, Đông Anh giá trị 0,5-1,5 tỷ/ha/năm; mô hình cây ăn quả ở Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thanh Trì, Gia Lâm, Đông Anh, Mê Linh giá trị 0,5-1,5 tỷ/ha/năm…

Tất cả những địa bàn DĐĐT đã thấy tác động thực tế của nó đến 19 tiêu chí NTM. Bờ vùng, bờ thửa phẳng phiu tiện cho xây dựng cánh đồng mẫu lớn, cho cơ giới hóa. Trước khi DĐĐT chỉ số cơ giới hóa của Hà Nội vào loại thấp dưới ngưỡng trung bình toàn quốc giờ đã tăng lên trên 80%.

Nông dân thấy canh tác thuận lợi, nhiều người còn phấn khởi bảo: “Tại sao các ông không làm sớm cho chúng tôi nhờ?”.

"Chúng tôi không xui dại"

Nhờ DĐĐT mà diện tích đất sản xuất nông nghiệp dôi dư do phá dỡ bờ vùng, bờ thửa và thu hồi được những diện tích trước đây đo sai, giao theo Nghị định 64 không đúng. Cụ thể, đến nay toàn thành phố đã thu được 1.349 ha đưa vào quỹ đất công của các xã. Nếu chỉ tính giá 1 tỉ đồng/ha theo đơn giá giải phóng mặt bằng hiện nay đã có trong tay trên ngàn tỉ rồi.

15-58-46_gui-nh-tuong
Người dân dưới cơ sở bức xúc với chính quyền vì DĐĐT sai

Nhờ có DĐĐT mới dễ quy hoạch xây dựng các công trình phúc lợi khác trên địa bàn. Như Bí thư và Chủ tịch xã Nghĩa Hương của huyện Quốc Oai trước cứ lên đây gặp tôi: “Anh ơi, anh xem nói các sở ngành giúp đỡ cho chúng em giải phóng mặt bằng cho 5 dự án xây dựng trạm xá, trường học, nhà văn hóa cái…”. Tôi hỏi DĐĐT xong chưa? Họ gãi đầu thưa: “Khó lắm!”. Tôi trấn an: “Khó cũng phải làm, cứ tin anh đi. Về bảo nhau mà làm xong sẽ thấy kết quả. Anh không xui dại đâu!”.

Thế là họ mới quyết liệt làm. Làm xong, thôi, tất cả tờ trình xin giải phóng mặt bằng đều không cần đến nữa. Họ cười: “Báo cáo anh chúng em thừa ra 8,3 ha, giờ vô tư”.

Vậy mẫu số chung của những xã “điểm nóng” về DĐĐT vừa rồi là gì thưa ông?

Đầu tiên là họ không tôn trọng quy trình DĐĐT gồm 7 bước, tất cả các bước đều phải đưa quy chế dân chủ cơ sở vào, lấy thôn làm đơn vị xây dựng phương án DĐĐT, lấy xã làm đơn vị điều tiết, trọng tài.

Nếu như diện tích đất ruộng thôn nào ra thôn ấy, mạch lạc về ranh giới thì không vấn đề gì, nếu có diện tích đan xen nhau xã phải điều tiết thật dân chủ.

Như Xuân Dương ở huyện Thanh Oai là thí dụ điển hình. Ở đây đất các thôn đan xen vào nhau, khi DĐĐT đáng phải thông qua dân, phải làm đồng loạt đằng này vừa sơ bộ họp xã đã cho hai thôn làm trước còn thôn nhiều nhất đất để lại sau. Chưa đâu vào đâu họ đã đào đắp mương máng vào cả diện tích đất của thôn chưa DĐĐT.

 Sai cơ bản, dân bùng lên, cái sảy nảy cái ung ngay. Lẽ ra khi xảy ra thế, huyện, xã tạm dừng việc DĐĐT để tập trung sản xuất đã sau đó xem vướng mắc ở chỗ nào, sai ở đâu thì bàn lại, họp thông qua dân.

DĐĐT là việc cực kỳ khó, đó là một cuộc cách mạng trong vấn đề đất đai nhưng không phải chia lại ruộng đất. Nhưng có nơi hiểu sai nên đòi chia lại đất cho người sinh sau năm 1993, có nơi cắt đất, lấy đất của người nơi khác đến địa phương mua một cách hợp pháp, có nơi người dân ép cán bộ địa phương phải xử lý một số sai phạm về đất đai từ những năm về trước mới thực hiện DĐĐT…

Vừa xếp hàng vừa chạy

Có dư luận cho rằng cán bộ cơ sở đã lồng ghép lợi ích của mình, của gia đình, của dòng họ vào việc DĐĐT nên mới xảy ra bức xúc?

Điều đó đúng. Một số ít địa phương cán bộ, đảng viên thiếu gương mẫu lồng ghép quyền lợi cá nhân nên thiếu công khai, minh bạch trong thực hiện như xã Viên An, huyện Ứng Hòa, thậm chí có nơi nội bộ, cán bộ, đảng viên trong thôn mâu thuẫn đã lợi dụng DĐĐT để chống phá nhau như xã Cao Viên - Thanh Oai...

Đến nay, một số địa phương vẫn để đất ruộng hoang không cấy vụ xuân với tổng cộng 196 ha như xã Cao Viên - Thanh Oai 121 ha; xã Tuyết Nghĩa- Quốc Oai 50 ha; xã Nguyễn Trãi - Thường Tín 42 ha và xã Hòa Bình - Thường Tín 15 ha.

Đáng lẽ phải “vừa xếp hàng vừa chạy”, cấy vẫn cấy mà sai phạm vẫn phải giải quyết chứ không nên bỏ hoang. Công tác DĐĐT là một việc làm rất khó, đòi hỏi cán bộ trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện phải có tâm huyết, trình độ chuyên môn nghiệp vụ.

Tuy nhiên, trên thực tế cán bộ làm công tác DĐĐT đều là kiêm nhiệm, năng lực chuyên môn chưa phù hợp với công việc được giao, khối lượng công việc lớn nên cán bộ ở một số nơi ngại, không muốn làm, đã đăng ký rồi lại xin để lại... Cán bộ phải gương mẫu, nhiệt huyết, biết hi sinh chứ nhiều đồng chí Chủ tịch, Bí thư cứ một hai “Em sợ quá, không làm được” thì đâu làm nổi?

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Gạo ST24, ST25 chưa được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu sang châu Âu

Vừa qua, xuất hiện thông tin về việc giống gạo ST24 và ST25 đã được ưu đãi thuế xuất khẩu sang thị trường EU. Tuy nhiên, đây là các thông tin chưa chính xác.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm