| Hotline: 0983.970.780

Dồn sức cho các xã điểm

Thứ Năm 03/07/2014 , 08:20 (GMT+7)

Sau thành công với 3 xã được công nhận đạt chuẩn quốc gia về NTM, tỉnh Hậu Giang đang chỉ đạo quyết liệt, tập trung xây dựng để có thêm các xã điểm tiếp theo về đích.

Hậu Giang là tỉnh đầu tiên ở khu vực ĐBSCL xây dựng thành công xã NTM, đó là xã Đạt Thành (TX. Ngã Bảy) được công nhận vào cuối năm 2013. Năm 2014, tỉnh này có thêm 2 xã là Vị Thanh (huyện Vị Thủy) và Tân Tiến (TP. Vị Thanh) hoàn thành 19/19 tiêu chí. Đây là sự cố gắng vượt bậc của một tỉnh mới được thành lập hơn 10 năm.

Không dừng lại ở những thành quả đó, Ban Chỉ đạo Chương trình MTQG xây dựng NTM các cấp của tỉnh Hậu Giang đang triển khai nhiều công việc cụ thể, cũng như tập trung huy động mọi nguồn lực để các xã điểm tiếp theo có thể về đích trong năm nay.

Ông Huỳnh Chí Nguyện, PGĐ Sở NN-PTNT, Chánh Văn phòng điều phối Chương trình MTQG về xây dựng NTM tỉnh Hậu Giang, cho biết, trong 11 xã điểm của tỉnh, ngoài 3 xã đã được công nhân, hiện có 6 xã đã đạt từ 14-16 tiêu chí đang nỗ lực phấn đấu để hoàn thành trong năm nay. Trong đó, xã Vị Tân (TP. Vị Thanh) đã thực hiện được 16 tiêu chí, còn lại 3 tiêu chí là giáo dục (chủ yếu là trường học, hiện mới có 2/5 trường đạt chuẩn), cơ sở vật chất văn hóa và môi trường.

Các xã tiếp theo là Vĩnh Viễn (Long Mỹ), Trường Long Tây (Châu Thành A), Thạnh Hòa (Phụng Hiệp), Đông Thạnh (Châu Thành) và Tân Thành (TX. Ngã Bảy) đều đã hoàn thành 14 tiêu chí.

“Khả năng các xã này hoàn thành 19/19 tiêu chí vào cuối năm là rất cao nếu có sự vào cuộc quyết liệt. Các cấp chính quyền cũng như người dân nơi đây đang nỗ lực để xây dựng.

Tuy nhiên, khó khăn mà địa phương đang gặp phải là nguồn vốn đầu tư cho xây dựng cơ bản, nhất là đối với tiêu chí giao thông và cơ sở vật chất văn hóa. Bài học từ các xã thành công cho thấy, địa phương chỉ có thể hoàn thành các tiêu chí khi có sự kết hợp giữa quyết tâm của chính quyền, sự đầu tư của Nhà nước và đóng góp to lớn của nhân nhân”, ông Nguyện chia sẻ.

Về các địa phương này, đâu đâu cũng thấy không khí xây dựng NTM mới khá sôi nổi, người dân hăng hái tham gia góp công, góp của khi có công trình xây dựng ở xóm, ấp mình.

Cuộc sống chưa phải là khá giả gì nhưng ông Sơn Kiên, ở ấp 12, xã Vĩnh Viễn (huyện Long Mỹ) vẫn tích cực tham gia cùng chính quyền xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, phát triển SX.

Ông Kiên hồ hởi: “Làm NTM là mình làm cho gia đình, con cháu mình hưởng. Chính nhờ có phong trào xây dựng NTM mà đường sá ở đây đi lại dễ dàng hơn.

Vì vậy mà mọi người trong ấp đều rất tích cực tham gia. Nhà có tiền thì đóng góp, không có thì hiến đất, góp ngày công lao động hay đơn giản hơn là tự nguyện tháo dỡ công trình, chặt cây cối trước nhà mình để mở rộng mặt đường… Có như vậy thì công trình mới nhanh được”.

Hiện nay, bên cạnh việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, xã Vĩnh Viễn đang tập trung phát triển SX, cải tạo vườn tạp để nâng cao thu nhập cho người dân. Nhiều hộ nghèo trong xã cũng đã đăng ký thoát nghèo thông qua việc được hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển SX như: trồng cây ăn trái, chăn nuôi hay buôn bán nhỏ.

Theo Ban Chỉ đạo Chương trình MTQG về xây dựng NTM tỉnh Hậu Giang, 6 tháng đầu năm 2014, toàn tỉnh đã huy động các nguồn lực đầu tư cho khu vực nông thôn được 7.652 tỷ đồng. Trong đó, vốn tín dụng là 7.208 tỷ đồng, vốn lồng ghép các chương trình 270 tỷ đồng, vốn nhân dân đóng góp 69 tỷ đồng và DN là 35 tỷ đồng.

Riêng nguồn vốn đầu tư trực tiếp cho Chương trình NTM là 63,5 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn Trung ương cấp 45,8 tỷ đồng (chủ yếu từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ). Đến nay, tỉnh Hậu Giang đã bố trí tổng số vốn trái phiếu Chính phủ năm 2014 giao cho các huyện, thị xã, thành phố trên địa xây dựng NTM là 43 tỷ đồng.

Trong đó, phân bổ cho 3 xã đã đạt 19/19 tiêu chí là Đại Thành, Vị Thanh và Tân Tiến để tiếp tục nâng cấp, củng cố các tiêu chí đã đạt được với tổng số tiền là 15,7 tỷ đồng; số còn lại được tập trung dồn sức cho các xã có khả năng hoàn thành trong năm nay, với mỗi xã từ 5-7 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo Sở KH-ĐT tỉnh Hậu Giang, để hoàn thành các dự án đã triển khai tại các xã điểm NTM của tỉnh, cần phải có nguồn vốn đầu tư gần 200 tỷ đồng.

Chi cục trưởng Chi cục PTNT tỉnh Hậu Giang Huỳnh Thành Hữu cho biết, qua khối lượng công việc đã làm được trong 6 tháng đầu năm và kế hoạch thực hiện những tháng còn lại thì khả năng để các xã nói trên hoàn thành 19/19 tiêu chí là rất lớn.

Tuy nhiên, để thực sự trở thành xã đạt chuẩn quốc gia về NTM thì chỉ khoảng 50% (3 xã). Nguyên nhân là thu nhập của người dân chưa đồng đều giữa các ấp; một số xã vườn tạp còn khá lớn, cần có thời gian để cải tạo; cảnh quan môi trường có chuyển biến nhưng chưa thật sự tốt.

Đặc biệt là đối với các công trình xây dựng cơ bản, khối lượng công việc còn rất nhiều nhưng nguồn vốn bố trí lại hạn chế, dẫn đến khó triển khai thực hiện đạt tiến độ theo kế hoạch đã đề ra.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm