| Hotline: 0983.970.780

Đồng bào vùng cao thoát nghèo nhờ 'bắt tay' với doanh nghiệp trồng dược liệu

Thứ Năm 24/05/2018 , 06:30 (GMT+7)

Huyện Sa Pa là “cái rốn” của cây dược liệu của tỉnh Lào Cai nhờ lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp. Những năm qua, Lào Cai đang nỗ lực đưa cây dược liệu vào cơ cấu cây trồng mũi nhọn, ứng dụng công nghệ tiên tiến, tạo giá trị kinh tế cao để xóa nghèo.

Từ đây đã có những cái “bắt tay” giữa nông dân và doanh nghiệp để trồng dược liệu.

09-16-03_1
Thu nhập từ trồng dược liệu cao gấp nhiều lần trồng lúa

Xuống xã vùng sâu Sa Pả, không khó để gặp hàng chục hộ nông dân người Mông, Dao thoát nghèo, khá lên nhờ trồng atisô bán cho Cty TNHH Traphaco Lào Cai.

Anh Thào A Từ ở thôn Suối Hồ cho biết, gia đình anh đã hợp tác trồng atisô với Traphaco Lào Cai từ năm 2011 đến nay. Từ 3.000m2 đất trồng lúa, anh chuyển sang trồng atisô, mỗi năm cho thu khoảng 7 - 8 đợt cắt lá, mang lại khoảng 70 triệu đồng. Cùng diện tích đó, trước trồng lúa chỉ đạt 12 triệu đồng/năm. Với số tiền đó, cộng với thu nhập từ trồng rau, gia đình anh đủ nuôi hai con đi học. Mới đây, anh Từ còn dựng được ngôi nhà khang trang.

Cách đó không xa, vườn atisô nhà Má A Máo ở thôn Má Tra cũng là cảnh tất bật thu hái lá atisô trên mảnh vườn rộng 0,3ha. Anh Máo tâm sự, trước đây, mỗi năm cả gia đình anh chỉ trông chờ vào một vụ lúa với thu nhập khoảng 6 - 7 triệu đồng. Cuộc sống luôn trong cảnh thiếu thốn. Nhờ trồng atisô, mỗi năm mang lại cho gia đình anh nguồn thu khoảng 30 triệu đồng .

Trước đây, ở Lào Cai đã từng nổi tiếng với các loại dược liệu làm thuốc chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe như tam thất, đỗ trọng, đương quy, gấu tầu, bạch truật, đẳng sâm… Ngày ấy, ai đến Sa Pa cũng cố tìm mua thang thuốc bắc, có các đầu vị nói trên về làm quà cho người thân hoặc để chữa bệnh, bồi bổ sức khỏe cho bản thân. Thời gian và sức ép của phát triển đô thị nóng đã làm mai một nhiều vị thuốc, cây dược liệu quí. Vì vậy, liên kết “bốn nhà” (nhà nước - doanh nghiệp - nhà nông - nhà khoa học) là hướng đi khả thi và hiệu quả để khôi phục, xây dựng thương hiệu dược liệu ở Lào Cai ngang tầm với tiềm năng vốn có.

Traphaco Lào Cai là doanh nghiệp đầu tư sớm nhất, bài bản, chế biến sâu vào cây dược liệu ở địa phương. Điểm mạnh của doanh nghiệp này là liên kết chặt chẽ với nông dân địa phương và Viện Dược liệu (Bộ Y tế) để sản xuất các loại cao atisô, viên thuốc bổ gan Bôganic và nhiều dược phẩm khác.

Ông Đỗ Tiến Sỹ, GĐ Cty Traphaco Lào Cai cho biết, chúng tôi xây dựng cơ chế liên kết bình đẳng, minh bạch, công bằng và trách nhiệm giữa bốn bên, thông qua các hợp đồng kinh tế, với các điều khoản rõ ràng để phát triển vùng nguyên liệu, sản xuất và xây dựng thương hiệu sản phẩm.

Cty thuê đất của người dân, trả tiền một lần bằng giá trị trồng lúa trong một năm, chứ không lập dự án cưỡng chế giao đất như một số dự án khác ở địa phương. Đồng thời hỗ trợ phân bón, kỹ thuật chăm sóc và thu hoạch, bảo đảm thu mua toàn bộ lá atisô và chè dây với giả thỏa thuận từ đầu vụ. Giá có thể điều chỉnh theo giá thị trường, thanh toán sòng phẳng với người bán.

Để nâng cao năng suất và chất lượng atisô đầu vào, Cty liên kết với nhiều viện nghiên cứu để phục tráng giống atisô bản địa Sa Pa đưa vào trồng cho năng suất và chất lượng cao hơn. Nhờ đẩy mạnh liên kết, đến nay, Cty đã phát triển vùng nguyên liệu ổn định hơn 70ha atisô, bảo đảm theo tiêu chuẩn GACP-WHO. Với sản lượng khoảng 2.000 tấn lá tươi/năm, bảo đảm đủ nguyên liệu cho dây chuyền sản xuất hiện đại của cty đặt tại thành phố Lào Cai.

Đơn vị này đã góp phần tạo việc làm và đảm bảo thu nhập hơn 200 hộ nông dân trồng, chủ yếu là người dân tộc thiểu số Mông, Dao ở địa phương.

09-16-03_3
Mục tiêu tới năm 2020, Lào Cai sẽ mở rộng diện tích dược liệu đạt 3.700ha

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Anh Tuấn, GĐ Sở NN-PTNT Lào Cai cho biết, trên địa bàn hiện có hàng chục doanh nghiệp đang liên kết với nông dân các huyện vùng cao có khí hậu ôn đới để trồng các loại cây dược liệu tam thất, đương quy, chè dây, bạch truật, cát cánh, đẳng sâm…

Tuy nhiên, khó khăn nhất là tích tụ đất đai thành vùng hàng hóa và nguồn vốn trồng dược liệu khá lớn so với trồng các loại cây nông nghiệp thông thường. Tỉnh Lào Cai đang tích cực nghiên cứu và thực hiện các giải pháp khuyến khích nông dân các địa phương nói trên chuyển đổi cây trồng trên diện tích đất sẵn có, lồng ghép các chương trình mục tiêu như nông nghiệp công nghệ cao, nông thôn mới, chương trình 135… để hỗ trợ nguồn vốn trồng dược liệu cho nông dân.

Để khai thác tốt thác lợi thế tự nhiên, tỉnh Lào Cai đã xây dựng quy hoạch phát triển cây dược liệu đến năm 2020, với mục tiêu mở rộng diện tích đạt 3.700ha và chủng loại đạt 22 loại cây dược liệu, sản lượng khoảng 12 nghìn tấn/năm.

Toàn tỉnh Lào Cai có 930ha cây dược liệu, phổ biến là atisô (70ha), đương quy (51ha), chè dây (17ha), xuyên khung (105ha), tam thất (7ha), sa nhân tím (425ha)… Tổng sản lượng đạt khoảng 4.000 tấn khô.

Để đẩy nhanh mở rộng diện tích, tỉnh Lào Cai đưa cây dược liệu vào diện được hưởng ưu đãi theo hướng khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Trên cơ sở đó, doanh nghiệp và hộ gia đình trồng dược liệu được hỗ trợ 15 triệu đồng/ha về giống, ưu đãi vay vốn, tích tụ đất đai thành vùng hàng hóa.

 

Xem thêm
Giá heo nhích kích thích người nuôi tái đàn

Sau thời gian dài duy trì ở mức thấp, từ đầu năm 2024 đến nay, giá heo ở Bình Định không ngừng tăng, hiện ở mức 51.000đ/kg, người chăn nuôi hồ hởi tái đàn…

Tỷ lệ tiêm chỉ đạt 52%, Quảng Nam bùng phát dịch lở mồm long móng

Tỷ lệ tiêm phòng thấp, ý thức người dân chưa cao, tập quán chăn thả rông trâu bò là những nguyên nhân dễ gây bùng phát dịch lở mồm long móng ở Quảng Nam.

Mỗi hộ trồng hàng trăm ha mía vẫn khỏe re

GIA LAI Những năm gần đây, cây mía đã cho nông dân vùng Đông Gia Lai có cuộc sống đủ đầy nhờ tiền vào rủng rỉnh. Cây mía đã khẳng định vị thế trên vùng đất này.