| Hotline: 0983.970.780

Đông Du 2.0

Thứ Sáu 20/10/2017 , 09:01 (GMT+7)

Để phát triển và tiến tới thịnh vượng bền lâu, cái cần nhất cho Nghệ An trước hết là một tầm nhìn.

Một góc công viên trung tâm TP Vinh nhìn từ trên cao. Ảnh: vinhcity.gov.vn

Với một tầm nhìn được xây dựng dựa trên ước vọng của người dân, trên những ưu thế của mảnh đất và con người xứ Nghệ, mọi tiềm năng sẽ được đánh thức, mọi cố gắng sẽ được định hướng. Kinh tế nhờ đó sẽ phát triển, xã hội nhờ đó sẽ năng động và gắn kết.

Trong rất nhiều những ưu thế của tỉnh, duyên nợ với đất nước Nhật Bản có thể là yếu tố chưa được nhận thức đầy đủ và chưa được khai thác thật sự hiệu quả.

Nghệ An là quê hương của danh nhân Phan Bội Châu, người đã phát động phong trào Đông Du trong những năm đầu của thế kỷ XX, một phong trào hướng tới Nhật Bản để tìm cách giải phóng dân tộc. Do những điều kiện lịch sử khách quan, phong trào Đông Du đã không thành công. Tuy nhiên, duyên nợ với Nhật Bản thì vẫn còn đọng lại. Duyên nợ này cần được coi là nền tảng để chúng ta bắt đầu một phong trào Đông Du mới. Nếu phong trào Đông Du do cụ Phan Bội Châu khởi xướng đầu thế kỷ XX được gọi là Đông Du 1.0, thì phong trào Đông Du đầu thế kỷ XXI ngày nay sẽ là Đông Du 2.0.

Khác với Đông Du 1.0, Đông Du 2.0 đang có những điều kiện lịch sử hết sức thuận lợi. Đó là lợi ích chiến lược của hai nước Việt nam, Nhật Bản đang rất tương đồng. Đó là mối quan hệ hợp tác ngày càng toàn diện. Đó sự hiểu biết và gắn kết ngày càng sâu sắc. Rõ ràng, không gì có thể cản trở sự thành công của Đông Du 2.0. Hướng tới Nhật Bản, gắn kết với Nhật Bản để phát triển phải là một phần trong tầm nhìn của tỉnh Nghệ An. Đây cũng là cách để chúng ta khai thác di sản tinh thần quý báu mà cụ Phan Bội Châu đã để lại.

Tình cảm sâu nặng của cụ Phan với những người thầy, người bạn Nhật Bản quả thực vô cùng cao quý. Cho dù Chính phủ đã bắt đầu theo chiều hướng quân phiệt đã không ủng hội phong trào của cụ Phan, thì các nhân sĩ Nhật Bản, những người dân Nhật Bản vẫn đã rất ủng hộ cụ. Mà sự ủng hộ của những người dân mới là yếu tố quan trọng nhất và lâu bền nhất.

Hiện nay, Đại sứ quán Nhật Bản đang phối hợp với tỉnh Nghệ An để tổ chức các hoạt động kỷ niệm 150 năm ngày sinh của cụ Phan Bội Châu. Đây là dịp quan trọng để xây dựng mối thiện cảm của chính giới Nhật Bản, doanh nghiệp Nhật Bản, người dân Nhật Bản đối với quê hương của cụ Phan Bội Châu và với đồng hương của cụ. Đây cũng là dịp để Nghệ An trở thành tỉnh có vị thế đặc biệt hơn hết so với tất cả các tỉnh, thành khác trong quan hệ với Nhật Bản.

Thực ra, trong các chương trình viện trợ cho Nghệ An của Jica, không phải là không có sự tác động của những ưu tiên, ưu đãi đang bắt đầu được hình thành từ phía Nhật Bản. Tuy nhiên, phải nói thật là điều này cũng chưa thật rõ ràng. Đáng nói hơn là các doanh nghiệp của Nhật Bản vẫn chưa đầu tư nhiều vào Nghệ An. Đối với các doanh nghiệp thì tất nhiên điều kiện kinh doanh là quan trọng nhất.

Tuy nhiên, với những điều kiện kinh doanh tương đương, thì mảnh đất mà phòng trào hướng tới Nhật Bản đã được thôi thúc từ một thế kỷ trước chắc chắn sẽ có sức hút mạnh hơn. Ngoài ra, đối với các doanh nghiệp, thành công là lời chào mời có sức hấp dẫn lớn nhất. Nghệ An chắc chắn phải tạo mọi điều kiện để những doanh nghiệp Nhật Bản đầu tiên đầu tư vào tỉnh nhà phải thành công. Chỉ cần một doanh nghiệp thành công sẽ có hai ba doanh nghiệp tiếp tục đầu tư. Hai ba doanh nghiệp thành công sẽ có hàng chục doanh nghiệp đầu tư. Càng nhiều doanh nghiệp Nhật Bản vào Nghệ An làm ăn sự gắn kết của Nghệ An với Nhật Bản càng được tăng cường.

Hiện nay, Tập đoàn Sumidenso của Nhật đang ưu tiên tuyển dụng người Nghệ An cho các xí nghiệp của mình ở Việt Nam. Họ cho rằng những phẩm chất của người xứ Nghệ rất cần thiết của quy trình sản xuất của họ. Nguồn nhân lực sẽ là một trong những lợi thế để thu hút đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản. Tuy nhiên, quan trọng là phải phấn đấu để ngày càng nhiều hơn các nam thanh, nữ tú của Nghệ An được có cơ hội sang học tập và tu nghiệp ở Nhật Bản.

Với sự giao lưu ngày càng được tăng cường, sự chuyển giao sẽ không chỉ là đầu tư, là công nghệ, mà còn là những phẩm chất tạo nên thành công của người Nhật Bản.

Xét về mặt tính cách, người Nghệ An và người Nhật Bản có rất nhiều nét tương đồng. Đó là sự cần cù là lao động, là sự kiên cường, là lòng tự trọng. Thế nhưng cách thể hiện của người Nghệ An thường rất cứng. Trong lúc đó cách thể hiện của người Nhật lại rất kiêm nhường. Người Nghệ An có thể thể hiện lòng tự trọng bằng thái độ bất cần, nhưng người Nhật lại thể hiện lòng tự trọng bằng cách cúi gập người chào đối tác. Sự giao lưu chắc chắn cũng sẽ giúp người Nghệ chúng ta trở nên mềm mại hơn. Và có lẽ nhờ vậy cũng dễ thành công hơn.

Tóm lại, hợp tác với Nhật Bản là rất quan trọng để phát triển và tiến tới thịnh vượng. Phát huy di sản của cụ Phan Bội Châu vì vậy là một phần rất quan trọng của tầm nhìn chiến lược đối với tỉnh Nghệ An.

 

Xem thêm
Quy Nhơn đăng cai giải đua mô tô nước thế giới

Từ ngày 22-24/3, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sẽ diễn ra Giải đua mô tô nước thế giới UIM-ABP Aquabike World Championship với sự tham gia của hơn 60 vận động viên…

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

HLV Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam

Ông Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam và chính thức không còn nắm giữ vị trí HLV trưởng của đội bóng sau trận thua muối mặt trước tuyển Indonesia.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất