| Hotline: 0983.970.780

Đồng hành cùng "cánh đồng mẫu lớn"

Thứ Sáu 13/01/2012 , 11:07 (GMT+7)

TS Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, từ vụ ĐX 2011-2012, Bộ NN-PTNT triển khai mô hình "cánh đồng mẫu lớn" khoảng 2.700/121.000 ha đất lúa tại các tỉnh, thành miền Đông Nam bộ.

Tỉnh có diện tích nhiều nhất là Tây Ninh (2.000 ha), 7 tỉnh thành còn lại, mỗi tỉnh có từ 50-150 ha. Từ thí điểm mô hình liên kết 4 nhà tại Tây Ninh năm 2008, cánh đồng mẫu lớn được triển khai ở khắp các tỉnh, thành miền Tây Nam bộ. Thắng lợi của mô hình tạo ra sức lan tỏa mạnh mẽ, cuốn hút ngày càng nhiều hộ nông dân tự nguyện đăng ký tham gia. Góp phần không nhỏ vào thành công của chương trình là DN cung ứng phân bón- Cty CP Phân bón Bình Điền.

"Theo bám mô hình ngay từ đầu, cán bộ kỹ thuật của Bình Điền đã xắn quần lội ruộng, hướng dẫn nông dân dùng giống lúa xác nhận, thực hành sạ thưa, sạ hàng, bón phân theo nguyên tắc 4 đúng, chăm sóc tốt để mùa vụ thắng lợi", ông Lê Quốc Phong, TGĐ Cty giãi bày.

Ông Lê Văn Mức, ở xã An Thạnh, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh, có 3 ha ruộng tham gia mô hình nói: “Sạ thưa như vầy lấy gì ăn? Trước giờ tui sạ 200 kg giống/ha. Nay cán bộ biểu sạ từ 100- 115 kg/ha, tui làm theo, nhưng chờ trời tối tui đem lúa giống ra vãi thêm, cho yên tâm. Bón phân cũng vậy, xài Đầu Trâu cây lúa cứng, ít sâu bệnh, nhưng lá chỉ có màu xanh vàng, tui phải lén vãi thêm urê cho xanh đậm mới chắc ăn".

Ông Lý Hồng Sơn, ở xã Phước Thạnh, từng làm ở Cty Cao su Tây Ninh, rồi chạy xe đường dài, sau về quê làm lúa. Ông có 2 ha đất lúa tham gia mô hình.  “Vụ ĐX vừa qua, tôi đạt 9,3 tấn/ha. Ức quá chú ạ, tôi mắc sai lầm để một ô ruộng nhỏ bị cỏ chụp, tính ra mất 20 bao lúa, nếu không thì đạt 10 tấn rồi. Về phân bón thì Đầu Trâu đưa ra công thức rất hay, rất đúng, lại tiện lợi cho nông dân. Cứ rải theo đúng hướng dẫn là khỏe re, không lo dư đạm, thiếu lân. NM đưa phân bón tới tận nơi, khỏi lo xài lầm hàng giả, hàng kém chất lượng. Bao phân đủ ký, lại được hỗ trợ trả chậm không tính lãi 4 tháng, còn gì hơn nữa”, ông thủng thẳng.

TGĐ Lê Quốc Phong cho biết, ông rất háo hức tham gia mô hình bởi đây là hợp tác tự nguyện, các bên tham gia cùng có lợi. Nhà nông đạt lợi nhuận bình quân từ 17- 25 triệu đồng/ha, cao hơn ngoài mô hình từ 2- 3 triệu đồng. Với Cty lợi ích thiết thực là quản lý chặt chẽ được đầu ra và hệ thống phân phối sản phẩm từ NM tới người tiêu dùng cả về chất lượng và giá cả. Cty đã chuẩn bị đầy đủ mọi mặt sẵn sàng “về miền Đông” với trách nhiệm, nhiệt tình cao nhất.

TS Bùi Bá Bổng, Thứ trưởng Bộ NN- PTNT nói : “SX lúa nước ta còn nhiều tồn tại như quản lý VTNN yếu kém, giá trị sản phẩm không cao, ảnh hưởng lớn tới sức cạnh tranh của hạt gạo trên thương trường và thu nhập của người SX".

Theo Thứ trưởng, cả nước đang có trên 150 DN kinh doanh, XK gạo nhưng chưa có DN nào tham gia vào chuỗi liên kết để cùng chịu trách nhiệm về đầu ra của hạt gạo. Ở khu vực miền Đông Nam bộ đang phát triển mạnh công nghiệp, dịch vụ nên các tỉnh có biểu hiện lơ là nông nghiệp, chưa khai thác tốt tài nguyên đất đai, dù một diện tích nhỏ SX lúa cũng là rất quý.

Dựa vào kinh nghiệm quý báu từ các tỉnh miền Tây, nhất là tỉnh Tây Ninh, cánh đồng mẫu lớn với sự tham gia của Đầu Trâu-Bình Điền chắc chắn sẽ thành công ngay từ vụ đầu tiên tại miền Đông Nam bộ...

Xem thêm
Bò 3B mang tới hi vọng cho người dân miền núi

QUẢNG TRỊ Người dân hi vọng bò 3B sẽ là đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ dự kiến mở rộng chăn nuôi sau khi kết thúc hỗ trợ.

Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Hơn 35.000m2 nhà màng ở Mộc Châu được hỗ trợ nâng cấp, cải tạo

SƠN LA Dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’ hỗ trợ 34 hộ gia đình ở Mộc Châu cải tạo và tối ưu hóa 35.420m2 nhà màng, nhà kính.