| Hotline: 0983.970.780

Dòng họ 7 đời "dị ngón"

Thứ Ba 15/01/2013 , 12:04 (GMT+7)

Xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, vùng quê yên bình nằm giữa hai con sông huyền thoại Hàm Luông và Cổ Chiên. Ở đó, có dòng họ Võ đã 7 đời “dị dạng” khi cơ thể họ có đến 24 ngón chân, tay. Nhưng với họ, đó là do tổ tiên để lại, chẳng có gì thừa.

Xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, vùng quê yên bình nằm giữa hai con sông huyền thoại Hàm Luông và Cổ Chiên. Ở đó, có dòng họ Võ đã 7 đời “dị dạng” khi cơ thể họ có đến 24 ngón chân, tay. Nhưng với họ, đó là do tổ tiên để lại, chẳng có gì thừa.

>> Những người... khác người

NỔI TIẾNG

Cái tên Võ Văn Cống đã quá nổi tiếng ở xứ dừa này. Cho nên, tôi vừa tấp xe vào hỏi thăm đường, anh tài xe ôm đang ngồi gà gật vì ế khách bên đường đã hướng dẫn một lèo không cần suy nghĩ. Rồi anh ta kết luận: “Kể cũng hay, ổng chỉ là nông dân bình thường, nhờ có chân tay “chẳng giống ai” mà trở thành nổi tiếng”.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà xây nhỏ, đơn sơ mà ấm cúng, lão nông dân Võ Văn Cống, năm nay đã 74 tuổi, nhưng còn rất tráng kiện, hồ hởi kể chuyện về những con người “kỳ lạ” trong gia tộc mình. Ông bảo: “Ước tính sơ sơ, gia tộc tôi đã có 7 đời với khoảng gần 30 người khi sinh ra có 24 ngón”. Vừa nói, ông Cống vừa chìa bàn tay, bàn chân ra. Chúng tôi thấy mỗi bàn tay, bàn chân của ông dù thừa ra một ngón nhưng nếu không nhìn kỹ sẽ rất khó phát hiện bởi chúng khá đều nhau, được sắp xếp trật tự, ngay ngắn, cũng có xương, cơ, móng đầy đủ và cử động bình thường như các ngón khác.


Ba thế hệ (ông Cống, con trai và cháu nội) 24 ngón. Đặc biệt, các ngón chân
 rất đều nhau

“Chẳng có ngón nào là thừa”, nhìn bàn chân ông, tôi thốt lên. "Đúng vậy. Hồi nhỏ, thấy tay chân mình đều có 6 ngón, giống của má nên tui cứ nghĩ như vậy là bình thường. Đến lúc đi học, chơi đùa cùng các bạn, thấy các bạn có 5 ngón, tôi cứ nghĩ các bạn mình mới là người bất thường. Nhưng rồi thấy ai cũng chỉ… 5 ngón, chẳng giống mình. Tui hỏi má, bả cũng chẳng biết giải thích sao cả. Lớn lên tôi mới hiểu, 6 ngón như gia đình tôi là "độc nhất", ông Cống cười nhớ lại. Tuy nhiên, cho dù người xung quanh có thế nào thì ông Cống vẫn xem đó là những nét riêng “ông bà để lại”, chẳng có gì phải bận tâm!

Nói về “lai lịch” của những bàn chân, bàn tay 6 ngón, ông Cống hóm hỉnh: “Theo cha tui kể lại thì nguồn gốc 6 ngón xuất phát từ bên ngoại. Từ thời ông cố ngoại của mẹ tui lận. Đời ông ngoại tui sinh được gần chục người con thì hết một nửa thừa hưởng “di sản” của ông ngoại. Đến mẹ tui, sinh 11 người con thì chỉ có người anh thứ ba Võ Văn Chẩn và tui thứ chín là “đủ” 24 ngón, còn lại… chỉ có 20 ngón! Tui lập gia đình, có đến 12 đứa con và 5 đứa… bình thường như tui (tức 24 ngón). Hiện nay  đã có mấy đứa cháu cả nội lẫn ngoại giống tui rồi. Còn ông anh ba Chẩn của tui năm nay đã 85 tuổi, cũng di truyền 24 ngón đến đời cháu rồi".

“Chân tay nhiều ngón hơn bình thường có gây trở ngại hay khó khăn gì trong sinh hoạt hằng ngày không chú?”, tôi hỏi. Chậm rãi nhấp một ngụm nước, suy nghĩ một lát rồi ông Cống đáp: “Cái thua thiệt, bất thường duy nhất của những người trong dòng họ có bàn chân 6 ngón như tui là gần như cả đời chân đất. Vì chân thường to gấp rưỡi chân người bình thường, nên chẳng giày dép nào mang vừa. Tôi từng này tuổi rồi mà chưa mang giày lần nào. Còn dép thì chỉ những lúc đi đám cưới đám tiệc mới xách theo, đến nơi mới xỏ vào cho… lịch sự. Ngoài ra, chẳng có gì khó khăn cả, suốt mấy chục năm qua, tôi cũng lao động bình thường như bao người khác. Vẫn kiếm sống, nuôi vợ con. Thậm chí, tui có cảm giác là sức khỏe của mình tốt hơn người khác nữa”.


Những bàn chân, bàn tay 24 ngón của dòng họ ông Cống rất to và 
chẳng có ngón nào thừa

Nhắc đến cái tên ông Chín Cống, ai cũng biết. Có lẽ vì vậy mà chính quyền địa phương đã lấy tên ông để đặt cho cây cầu nhỏ mới xây bắc qua con kênh nhỏ gần nhà là cầu Ông Chín Cống.

DỊ HÌNH KHÔNG DỊ TÍNH

Trò chuyện với ông Cống, chúng tôi mới thấy, dù ông không bận tâm về sự khác người của mình, nhưng việc “dị” hình cũng khiến những thành viên trong gia đình ông gặp không ít rắc rối.

“Cháu đi học có bị các bạn chọc ghẹo vì 24 ngón không?”, tôi hỏi cháu Võ Minh Thành, năm nay 12 tuổi, con trai anh Võ Tấn Đức và là cháu nội ông Cống. “Dạ có. Tụi nó ghẹo hoài, nói con là người ngoài hành tinh, không chơi chung”, Thành đáp. “Cháu có buồn vị bị các bạn chọc ghẹo không?”, nghe tôi hỏi, Thành đáp ngay: “Dạ không”, rồi nhảy tung tăng ra sân.

"Trước giờ chân tui đâu có mang nổi dép, nên mãi đến khi chuẩn bị cưới vợ tui mới đi mua dép. Nhưng ra chợ tìm cả buổi mà không có đôi nào xỏ được chân vào. Cuối cùng, ngày cưới tui vẫn chân trần đi rước dâu”, anh Võ Tấn Đức, con trai ông Cống nhớ lại.


Cháu Võ Minh Thành, con trai anh Đức, cháu nội ông Cống với 24 ngón

Ông Cống cũng như các thành viên khác trong gia đình, coi việc cơ thể có 24 ngón tay chân là do ông bà, tổ tiên để lại nên chẳng mặc cảm gì. Duy có cô con gái thứ chín Võ Thị Hồng Nga của ông, vì muốn được mang giày cao gót trong ngày cưới nên xin cha mẹ cho phẫu thuật cắt bỏ 2 ngón chân thừa. Vợ chồng ông Cống thương con gái, sợ gia đình nhà trai e ngại với ngón chân thừa của cô dâu, nên đã đồng ý. Dù ông bảo: “Như vậy là có lỗi với tổ tiên”.

"Tôi đã công tác nhiều năm trong ngành y, chuyên nghiên cứu về cơ thể con người, đã đi không ít nơi trên thế giới nhưng cũng chưa thấy có trường hợp nào tương tự. Nếu có chăng thì trong dòng họ, gia đình cũng chỉ có một người dư ngón ở bàn tay hay bàn chân, chứ ít thấy trường hợp nhiều người cùng 24 ngón như gia tộc ông Cống. Đây là một hiện tượng đột biến gen, có yếu tố di truyền cực kỳ hiếm", bác sĩ Phạm Mai Đăng, Bệnh viện Hòa Hảo, TP.HCM.

Mặc dù “dị” hình vậy, nhưng những thành viên trong gia đình ông Cống đều là những nông dân giỏi, sống chan hòa với láng giềng và sẵn sàng làm giúp mọi người khi có thể. Bao năm nay, gia đình ông chưa từng có điều tiếng gì khiến bà con lối xóm phiền lòng. Biết gia đình ông Cống có khách phương xa viếng thăm, ông Tám Tần, một người hàng xóm của ông Cống sang chơi góp chuyện: “Ổng hiền như cục đất, lại mần ruộng giỏi nhất nhì xóm này nữa. Hồi trẻ Chín Cống là cầu thủ của đội bóng phong trào xã. Dù không mang được giày nhưng ổng vẫn chạy nhanh nhất trên sân và là chân sút số một, từng đưa đội bóng xã mấy lần vô địch rồi đó”.

Ông Tám Tần cũng kể lại một chuyện “dở khóc dở mếu” liên quan đến bàn tay, chân 24 ngón của ông Cống. Đó là hồi trẻ, ông Cống lỡ “trót dại” với một cô gái bên ngoài, ít lâu sau, cô gái ấy mang con đến nhà “khoe” với vợ ông. Chẳng cần nói gì, chỉ nhìn đôi tay đứa trẻ, vợ ông đã nổi đóa khi biết mười mươi đó là con ông. Còn “thủ phạm” chỉ biết cúi đầu “nhận tội”. Nhưng, đó là lần trót dại duy nhất và vợ ông rồi cũng bỏ qua.

Trong lúc “trà dư”, ông Chín Cống kể: “Cách đây mấy năm, có 2 người đàn bà bên Vĩnh Long sang tìm tui. Tưởng họ chỉ tò mò thôi, ai dè mấy bả nói tui đi là với họ. Tui hỏi đi làm gì thì họ úp mở nói đi làm việc này không cực nhọc mà nhanh giàu nữa. Họ nói tui đi theo họ, chỉ việc mặc áo choàng đỏ, trùm kín mặt mũi rồi quơ chân, quơ tay 6 ngón ra giả thần thánh, con trời xuống nhân gian chữa bệnh, cứu nhân độ thế... Nghe xong, tôi hiểu ngay là họ định lợi dụng mình để lừa gạt những người nghèo cả tin nên đuổi thẳng”.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Yên Bái: Cảnh tan hoang những ngôi nhà bị mưa đá, giông lốc tàn phá

Ngày 28/3, tại tỉnh Yên Bái đã xảy ra mưa đá, giông lốc gây thiệt hại nhiều nhà ở và cây cối hoa màu các huyện Mù Cang Chải, Trấn Yên và Văn Chấn.

Bình luận mới nhất