| Hotline: 0983.970.780

Dòng họ và 5 cây di sản VN

Thứ Hai 21/01/2013 , 10:45 (GMT+7)

Chúng tôi tìm đến xóm 2, xã Nghi Thịnh để mục sở thị 5 cây thị di sản được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận vào ngày 16/3/2011.

Chúng tôi tìm đến xóm 2, xã Nghi Thịnh để mục sở thị 5 cây thị di sản được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận vào ngày 16/3/2011.

Theo Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam xác định thì cả 5 cây thị cổ được trồng trong khu vườn rộng khoảng 3.000 m2 đã có tuổi đời gần 700 năm. Ấn tượng đầu tiên cuốn hút chúng tôi là cả 5 cây thị đều chi chít những u, cục, ruột đã rỗng tạo ra những hang hốc cao quá đầu người. Cây lớn có chu vi 14 m, cây bé cũng tới 5 - 6 m.

Trong câu chuyện cụ Lê Văn Thành (96 tuổi) kể cho chúng tôi nghe thì dòng họ Lê ở xã Nghi Thịnh (Nghi Lộc, Nghệ An)  vốn có cuốn gia phả bằng chữ Hán ghi rất chi tiết về những thăng trầm của dòng họ này, nhưng thời chống Mỹ, bom đạn hủy diệt cả ngôi nhà thờ và thiêu cháy mất cuốn gia phả quý đó. Bởi thế, nếu lục tìm trong trí nhớ để kể về quá khứ dòng họ Lê cũng như sự ra đời và những bước thăng trầm của 5 cây thị cổ này sẽ rất khó chính xác.


Cụ Lê Văn Thành

Theo cụ Thành thì dòng họ Lê ở Nghi Thịnh đã từng có một quá khứ oanh liệt vào thời thời vua Lê - chúa Trịnh. Còn chuyện nguồn gốc của 5 cây thị được cụ Lê Văn Thành kể rằng: Ngay từ thời ông Lê Văn Bảy phục vụ dưới triều vua Lê, trong những lần cùng tướng sĩ Nam chinh đi qua đất Nghệ An, ông lấy làm lạ là giữa một vùng cát trắng mênh mông lại có một khu đất mát mẻ, cây cối mọc tươi tốt. Thời buổi triều chính rối loạn, quyền hành nằm cả trong tay phủ chúa, sẽ chẳng biết thời cuộc sẽ thay đổi thế nào nên ông đã nhắm vị trí này làm nơi tá túc một khi kinh thành xảy ra biến cố lớn.

Bởi thế, Đô hầu chỉ huy sứ Lê Văn Bảy đã đưa người nhà và con cháu vào Nghệ An chọn vùng đất này khai khẩn làm kế lâu dài cho con cháu mai sau. Nhờ đó, một khu đất cát trắng hoang sơ rộng hàng trăm mẫu ở đâu đã được khai khẩn, cải tạo thành một vùng dân cư rộng lớn. Riêng ông chọn 6 mẫu đất (3 ha) để gây dựng cho mình một ngôi nhà. Là một người hiểu biết cả thiên văn và địa lý, nên khi về vùng đất này, Đô hầu chỉ huy sứ Lê Văn Bảy đã trực tiếp trồng 6 cây thị vào trong vườn. Nó không chỉ tạo ra bóng mát cho căn nhà của mình trên vùng đất cát mà còn có thể làm thức ăn cho con người những lúc gạo châu, củi quế về sau....

Theo mô tả của cụ Thành thì trước đây hai bên tả vu và hữu vu của ngôi nhà thờ cổ kính mà dòng họ Lê đã xây dựng lên còn có 2 cái giếng nước do đích thân nhà vua sai lính về làm. Hồi đó người cháu của Đô hầu chỉ huy sứ tên là Lê Văn Hân, nhờ có công trạng lớn với nhà Lê nên có ngày ông Hân được vua phong tới 2 chức. Bữa nọ vua vời Lê Văn Hân vào chầu và tỏ ý muốn đích thân về thăm nhà ông tại Nghệ An. Khi nhà vua và đoàn tuỳ tùng về đến Nghi Thịnh thì thấy dân tình ở đây đang vào thời kỳ giáp hạt nên ngài rất thương cảm. Khi trở về triều vua cho gọi Lê Văn Hân vào và có ý muốn giúp quê ông ở Nghệ An một điều gì đó. Lê Văn Hân rất cảm kích liền quỳ xuống và tâu rằng: Quê thần đang bị đói kém! Thần chỉ dám xin bệ hạ ban cho ít gạo đem về phân phát cho dân làng!

Vua Lê, thở dài mà rằng: Quyền hành, lương thảo đều do phủ chúa cai quản. Trẫm lấy đâu ra gạo để ban cho khanh. Nghĩ tới nghĩ lui, cuối cùng vua Lê mới nói: Thôi, trẫm chỉ ban được cho khanh lộc nước để mọi người dân ở đó muôn đời cùng hưởng vậy!

Bởi thế, chỉ một thời gian ngắn quân lính triều Lê chuyên chở đá về và đào ở 2 bên nhà thờ của dòng họ mỗi bên 1 cái giếng rất to. Giếng được ghép bằng những tảng đá lớn đến 2 người khiêng không nổi. Thành giếng rộng 3 m, sâu 5 m được giật thành 3 cấp. Mùa mưa nước bên ngoài không tràn được vào trong, mùa nào nước trong cả 2 giếng đều trong vắt và đủ dùng cho cả một vùng dân cư rộng lớn. Mãi đến đời ông Lê Văn Ngự, được bổ làm quan ở Thanh Hóa, con trai ông Ngự là Lê Văn Trực đi thi mãi 3 lần vẫn không đậu cử nhân. Ông Trực cho rằng ngay từ thời triều đình đưa lính về đào giếng cho dòng họ Lê, đã có kẻ ganh ghét đã mượn tay thầy địa lý về yểm bùa vào huyệt đạo mà tổ tiên ông đã chọn khiến con cháu về sau không thể phát quan to được nữa. Ông Trực đã bàn với anh em chuyển hướng ngôi nhà thờ từ hướng Đông sang hướng Đông – Nam và tiến hành san lấp cả 2 cái giếng cổ đã được vua ban...


5 cây thị cổ

+ Theo hội đồng xét duyệt của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam thì 5 cây thị cổ này có tuổi thọ 670 năm, còn theo "Dư địa chí Nghệ An" thì mới 598 năm. Nhưng dựa theo lời kể của cụ Thành (đối chiếu với sắc phong của vua Lê Thần Tông ban cho 2 cha con ông Lê Văn Bảy và Lê Văn Hoan) thì 5 cây thị này mới khoảng 400 năm tuổi.

+ Năm 2006, cây thị nhỏ nhất được một người trả giá 30.000 USD nhưng vẫn không mua được. Mới đây một người khác đã nâng giá lên 7 tỉ đồng cho 5 cây nhưng dòng họ Lê vẫn không bán vì “đây là báu vật của tổ tiên, là nguồn mạch phát triển của cả dòng họ”, ông Lê Minh Thưởng, tộc trưởng cho biết như vậy.

Trở lại với chuyện 5 cây thị di sản, theo ông Lê Văn Thành, thì đến đời ông Lê Văn Nhã (cháu trực hệ đời thứ 5) quản lý 6 cây thị, ông Nhã có 3 người con trai nên khi lập gia đình cho các con, ông Nhã đã chia 6 cây thị cho 3 người con để họ chăm sóc, bảo vệ và hưởng lộc. Theo đó, ông Lê Ngọc Điều được chia 2 cây; ông Lê Văn Lại (2 cây) và ông Lê Văn Ninh (2 cây). Đến đời thứ 8, trong số 2 cây thị được giao cho ông Điều quản lý bão tố xô gãy và bật gốc làm chết mất 1 cây. Vì thế cho đến nay chỉ còn lại 5 cây nữa.

Theo ông Thành thì từ nhiều thế kỷ qua, những cây thị cổ của dòng họ Lê đã trở thành những nhân chứng lịch sử của quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.

Trong cuộc kháng chiến chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, 5 cây thị cổ đã vinh dự được Quân khu 4 chọn làm địa điểm đặt trận địa tên lửa. Do trận địa chỉ cách đó 300 m nên toàn bộ phương tiện, khí tài của bộ đội được cất giấu dưới tán lá sum sê của những cây thị. Bởi thế hằng ngày cả 5 cây thị như tấm lưng trần của người mẹ đứng ra hứng lấy những trận không kích dữ dội của kẻ thù để che chở cho bộ đội tên lửa đánh trả máy bay Mỹ. Thế nhưng, điều kỳ diệu là cả 5 cây thị vẫn không bị bom đạn Mỹ huỷ diệt.

Không chỉ là chứng tích của lịch sử, 5 cây thị cổ di sản của dòng họ Lê còn là thần cứu mạng cho nhiều người dân trong làng. Cứ đến mùa quả chín, khắp làng trên, xóm dưới đều tìm đến hái quả về ăn. 5 cây thị này đã trở thành vị cứu tinh của dân làng trong trận đói lịch sử năm 1945. Để không bị chết đói, người dân xã Nghi Thịnh đều đổ về đây hái quả thị chấm muối ăn và đã vượt qua nạn đói kinh hoàng này.

Xem thêm
Bình Thuận có Tân Bí thư Tỉnh ủy

Ông Nguyễn Hoài Anh được Bộ Chính trị chuẩn y chức danh Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2020 - 2025.

10 năm lực lượng kiểm ngư cùng ngư dân bám biển

Trong 10 năm qua, lực lượng kiểm ngư ngày đêm bám biển, điều động hơn 1.500 lượt tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên các vùng biển Việt Nam.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Thêm 4 điểm du lịch tiêu biểu ở ĐBSCL

Cần Thơ Hiệp hội Du lịch ĐBSCL vừa công nhận 4 điểm du lịch tiêu biểu của vùng, các đơn vị tiếp tục đầu tư, nâng chất, làm mới những sản phẩm du lịch hiện có.

Bình luận mới nhất