| Hotline: 0983.970.780

Đồng Nai: Nhà vườn "khát" lao động

Thứ Sáu 22/04/2011 , 12:11 (GMT+7)

Thời điểm này trên địa bàn tỉnh Đồng Nai tình trạng lao động nông nghiệp đang khan hiếm trầm trọng...

Thời điểm này trên địa bàn tỉnh Đồng Nai tình trạng lao động nông nghiệp đang khan hiếm trầm trọng, nhất là đang vào thời vụ làm vườn và thu hoạch vườn cây cho kịp vụ mới. Có lúc giá thuê công lao động tăng tới 40- 50% so với năm trước, nhưng nhiều hộ vẫn không kiếm được nhân công.

“ĐỎ MẮT” TÌM NHÂN CÔNG

Chúng tôi về địa bàn các huyện Trảng Bom, Thống Nhất, Long Khánh (Đồng Nai) chứng kiến nhiều khu vườn cây đang vào mùa trái chín rộ nhưng vẫn còn “treo” trong vườn. Có nhiều chủ vườn phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi mong mướn được nhân công lao động về thu hoạch vườn cho kịp thời vụ nhưng tìm đỏ con mắt vẫn không ra.

Gia đình anh Nguyễn Thiện Liêm, ấp Hưng Hiệp, xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất có diện tích vườn hơn 1 ha trồng ổi và tiêu xen với cà phê, những năm trước mỗi khi vào thời điểm thu hoạch gia đình anh phải bỏ công đi “săn” lao động về thu hoạch vườn. Tuy nhiên, nhiều lúc cũng bập bõm, khiến gia đình anh cứ đến vụ lại lo! Anh Liêm tâm sự: “Vào thời vụ tiêu chín rộ, với khoảng 200 nọc tiêu tôi đã phải thuê tới hơn 50 công lao động, chưa kể vườn ổi cũng phải mướn nhân công hái cuốn chiếu quanh năm. Vậy nhưng, nếu thuê nhân công thời vụ khó kiếm lắm vì nhà vườn nào cũng “khát” lao động cả!”.

 Theo anh Liêm, để thuê được nhân công phụ việc làm cho đúng mùa vụ, các hộ phải chấp nhận trả tiền công cao khoảng 100 – 120 ngàn đồng/người/ngày. Thậm chí có thời điểm khan hiếm, người lao động “hét” giá mướn tới 150.000 đồng/người/ngày công thì chủ vườn cũng phải gật đầu.

Gặp chúng tôi, nhiều nhà vườn trồng xoài, chôm chôm, sầu tiêng ở thị xã Long Khánh cho hay, mỗi khi đến đợt cần phun thuốc BVTV cho các loại cây ăn trái cũng rất khó mướn lao động, dù tiền công trả 150.000 đồng/ngày. Có lúc không thuê được thợ, các nhà vườn đành phải “tự xử” nên rất vất vả. Anh Nguyễn Thanh Phước, ấp Hưng Bình, xã Hưng Thịnh cho biết: “Lực lượng lao động nhàn rỗi ở nông thôn còn nhiều, nhưng họ ngại làm thuê ở nông thôn mà thường tìm lên đô thị tìm việc. Do vậy, khi vào mùa vụ bà con nhà vườn phải chạy đôn chạy đáo mướn nhân công thu hoạch cho kịp nhưng cũng rất khó!”.

TÌM GIẢI PHÁP “GIẢM TẢI”  

Trước tình hình lao động nông nghiệp ngày càng khan hiếm, có nhiều nhà vườn do không mướn được nhân công nên đành phải “đóng đô” cả tháng tại vườn nai lưng ra làm ngày, đêm mà không hết việc. Ông Ba Nghĩa, ấp 6, xã Xuân Nhạn (huyện Cẩm Mỹ) than vãn: “Vừa qua, liên tục có mấy đợt mưa trái mùa ào xuống tôi sợ vườn chôm chôm đang thời kỳ ra bông đậu trái bị ảnh hưởng nên phải lặn lội tìm thuê thợ về phụ phun thuốc phòng bệnh cho vườn cây nhưng cũng đành bó tay. Do vậy, mình phải tự phun xịt mất cả tuần mới xong!”.

“Từ trước đến nay, chưa bao giờ nhà vườn chúng tôi gặp khó khăn như hiện nay. Trước đây cứ đến vụ, nhân công tìm đến tận nhà hỏi xin làm mướn, còn bây giờ nhiều chủ vườn phải chạy tìm kêu khắp nơi cũng chẳng mướn được nhân công để thu hoạch vườn cho kịp thời vụ”, ông Ba Nghĩa nói.

Theo ông Ba Nghĩa, vườn rẫy chôm chôm của gia đình ông ở cách xa nhà nên muốn thuê người trông coi thường xuyên nhưng đi tìm mỏi mắt cũng không có. Hiện nay các nhà vườn muốn tìm mướn được lao động nông nghiệp trẻ, có sức khỏe là cực kì khó. Chủ vườn Võ Văn Thành, ấp Hưng Hiệp, xã Hưng Lộc (huyện Thống Nhất) cũng bộc bạch: “Thực tế lao động nông nghiệp có sức khỏe hiện rất khan hiếm, nếu nhà vườn chúng tôi quá lệ thuộc vào nguồn nhân công thuê mướn này thì khó phát triển ổn định. Cái khó ló cái khôn, chúng tôi đã phải tự tìm giải pháp cho mình bằng cách “chế” ra những loại công cụ, phương tiện hỗ trợ cho một số công đoạn sản xuất như hệ thống tưới tiết kiệm, thu hoạch tiêu bằng vòi nước… cũng rất hiệu quả!”. Theo anh Thành, nhờ giải pháp kiểu “cây nhà lá vườn” như thế đã giúp cho gia đình anh đến nay không phải lo lắng chuyện thiếu nhân công lao động mùa vụ nữa.

Trao đổi với PV NNVN, ông Nguyễn Thanh Phước, Chủ nhiệm CLB làm vườn huyện Thống Nhất cho biết: Với những hộ có diện tích vườn lớn phải đầu tư máy móc thay bớt sức người mới chủ động sản xuất đúng mùa vụ. Nếu cây trồng không được bón phân, tưới nước, thu hoạch đúng thời điểm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến năng suất và chất lượng. Thậm chí, nhiều hộ dân ở các khu vực huyện Thống Nhất, Trảng Bom, Cẩm Mỹ… đã phải tính toán đầu tư máy móc để làm đất, tưới, thu hoạch nhằm giảm bớt khó khăn do thiếu lao động thời vụ tăng dần. Tuy nhiên, máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp chưa đa dạng nên tình trạng thiếu lao động vẫn diễn ra gay gắt.

Xem thêm
Hơn 370ha tôm nuôi bị thiệt hại do nắng nóng

TRÀ VINH Theo Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh, hiện toàn tỉnh đã có hơn 122ha nuôi tôm sú cùng hơn 249ha nuôi tôm thẻ chân trắng bị thiệt hại do ảnh hưởng nắng nóng gay gắt.

Điều động 1 kíp tàu tuần tra, phòng chống khai thác IUU

Từ ngày 22/4, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu điều động 1 kíp tàu tuần tra, kiểm soát kết hợp tuyên truyền phòng, chống khai thác IUU trên vùng biển do đơn vị quản lý.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.