| Hotline: 0983.970.780

Đông Nam bộ: Tràn lan giống cao su rởm

Thứ Tư 07/07/2010 , 10:50 (GMT+7)

Nhiều nông dân ở Đồng Nai, Bình Thuận, Bình Dương...phản ánh bị thiệt hại nặng nề do mua phải cây giống cao su kém chất lượng, mới trồng đã chết hàng loạt.

Ông Nguyễn Trần Bảy bên vườn cao su bị chết trụi vì giống rởm

Nhiều nông dân ở Đồng Nai, Bình Thuận, Bình Dương...phản ánh bị thiệt hại nặng nề do mua phải cây giống cao su kém chất lượng, mới trồng đã chết hàng loạt.

Theo ghi nhận của NNVN, gần đây do giá mủ cao su liên tục tăng và dự báo sẽ còn tăng nữa nên nhiều người dân đua nhau trồng cao su tiểu điền. Chính vì vậy nhu cầu giống cây cao su chất lượng trở nên nóng bỏng, cung không đủ cầu đẩy giá cây giống lên cao. Do nguồn cung không đủ, các hộ nông dân, chủ trang trại phải mua cây giống của những chủ vườn ươm nghiệp dư hoặc cây giống trôi nổi. Chính vì thế thị trường giống cao su đang diễn ra vô cùng bát nháo. Hậu quả “nhãn tiền” là nhiều vườn cao su đã chết hàng loạt.

Mới đây, nhiều người dân tại Đồng Nai, Bình Thuận vô cùng tê tái khi nhìn vườn cao su mới trồng đã chết hàng loạt. Ông Phạm Lực từ Đồng Nai lên Mang Yang (Gia Lai) trồng hơn 4 hecta cao su hồi tháng 2/2010 theo chủ trương chuyển diện tích rừng tự nhiên sang cao su tiểu điền. Sau khi đào hố, trồng được hơn 8.000 cây thì cây cao su con chết đồng loạt. "Bây giờ tôi muốn tìm lại người đã bán cấy giống để khiếu nại cũng không biết đâu mà hỏi. Tôi muốn chia sẻ để những bà con khác không nên mua giống trôi nổi mà “ôm sầu” như tôi" – ông Lực nói.

Ông Hoàng Duy Quế - PGĐ kỹ thuật Viện Nghiên cứu cao su Việt Nam:

Hiện người trồng cao su muốn có giống tốt phải đặt hàng tại Viện và phải đợi 6 tháng sau mới có hàng. Từ tháng 3/2010 đến nay, cao su giống trên thị trường đang thiếu trầm trọng. Nguyên nhân là do các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và một số tỉnh phía Bắc đang triển khai chương trình trồng 1 triệu hecta cao su từ nay đến 2015 nên nguồn giống càng trở nên khan hiếm và đắt đỏ.

Tại huyện Định Quán (Đồng Nai) hồi tháng 1/2010 gia đình ông Nguyễn Cương Kim cũng mua 3.000 cây cao su giống với giá tới 20.000 đ/cây (tổng cộng 60 triệu) của ông Ba Tuấn- một người đánh ôtô tải bán dạo. Theo ông Kim, do đặt mua giống ở những đơn vị cung ứng giống quốc doanh không có nên đành phải mua trôi nổi bên ngoài. Nhìn bề ngoài những cây giống rất to khỏe, lá xanh, dày và không có biểu hiện nấm hay sâu bệnh. Người bán cũng “cam đoan” nhà ở thị trấn Lộc Ninh, Bình Phước có trang trại lớn ươm cao su chất lượng cao nhiều người đã biết. Nào ngờ cây giống trồng được hơn 5 tháng thì có biểu hiện vàng lá rồi chết rũ rượi, mất toi 60 triệu chưa kể hàng chục triệu tiền phân và công chăm bón. "Xót của tôi tìm về Lộc Ninh để tìm nhưng không ai biết ông Ba Tuấn là ai"- ông Kim cho biết.

Tương tự, tại Đức Linh, Bình Thuận, vợ chồng ông Nguyễn Trần Bảy vốn là ngư dân tận đảo Phú Quý lên bờ lập nghiệp, trồng 7 hecta cao su than thở: "Do khan giống cao su quá nên phải đặt từ các thương lái ở tận Đồng Nai chuyển về. Cách đây bốn tháng, 7 hecta cao su mới trồng của tôi thì có tới 3 hecta đã chết trụi. Bao nhiêu công lao, vốn liếng đổ vào coi như trắng tay". Theo Phòng NN- PTNT huyện Đức Linh, do cao su giống đang trong tình trạng cầu vượt quá cung, nên giá cao su giống bị đẩy lên rất cao. Một số thương lái còn tung tiền gom cao su giống rồi găm hàng, khiến cho thị trường giống trở nên khan hiếm giả tạo.

Xem thêm
Cà phê có thể bị tiêu hủy nếu vi phạm quy định kiểm dịch của Mexico

Thông báo ngày 21/3 của Mexico sửa đổi các yêu cầu kiểm dịch thực vật hạt cà phê Arabica và Robusta nhập khẩu từ một số nước, trong đó có Việt Nam.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Lợi nhuận quý I/2024 của DAP Vinachem tăng đột biến

Chi phí đầu vào một số nguyên liệu chính giảm, xuất khẩu thuận lợi giúp DAP Vinachem báo lãi đột biến quý I/2024.