| Hotline: 0983.970.780

Thứ Bảy 26/08/2017 , 07:23 (GMT+7)

07:23 - 26/08/2017

Đông quan có khi là… yêu nước?!

Tiếc thay cái Sở này mới có 85% là cán bộ, nếu như 100% là cán bộ thì thành tích chắc còn “huy hoàng và chói lọi” hơn nữa. Mà biết đâu, “đông quan” chả là… yêu nước, nhỉ?

Ảnh minh họa

Thật ra, chuyện “đông quan” ở ta không lạ. Vì thế, bài báo “Sở 45 người, 38 người làm... lãnh đạo” được báo Dân trí phản ánh chả có gì lạ.

Theo phản ánh từ bài báo, Thanh tra Sở Giáo dục - Đạo tạo tỉnh Vĩnh Phúc có 5 người thì 4 người giữ chức Chánh Thanh tra và Phó Chánh thanh tra. Chỉ duy nhất bà Nguyễn Mai Hương là chuyên viên.

Phòng Tổ chức-Cán bộ chỉ có 2 người gồm ông Nguyễn Lê Huy làm Trưởng phòng và ông Vũ Kiên Cường giữ chức Phó phòng.

Phòng Giáo dục mầm non 100% công chức là lãnh đạo gồm: Trưởng phòng là bà Vũ Thị Ngọc và 2 Phó trưởng phòng là Triệu Thị Thu Hằng và Nguyễn Thị Phương Thảo.

Phòng Giáo dục tiểu học có 4 người thì có 3 lãnh đạo và chỉ có bà Dương Thị Bích Thuỷ là chuyên viên.

Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục có 4 người thì 3 lãnh đạo trưởng phòng và phó phòng, chỉ có bà Vũ Huyền Anh là chuyên viên.

Phóng Giáo dục trung học có 5 người thì 3 người làm lãnh đạo phòng và chỉ có 2 chuyên viên là bà Nguyễn Thị Mùi và ông Trương Trọng Kiên.

Phòng Giáo dục thường xuyên có 5 người thì 3 lãnh đạo phòng và 2 chuyên viên là bà Lê Thị Thanh Nhàn và bà Nguyễn Thị Mai Hoan.

Phòng Kế hoạch - Tài chính có 5 người thì 3 lãnh đạo, 1 thủ quỹ và 1 chuyên viên…

Ngoài ra, theo tìm hiểu của chúng tôi, Ban Thi đua - Khen thưởng thuộc Sở Nội vụ tỉnh Vĩnh Phúc cũng xảy ra chuyện “lạm phát” cán bộ lãnh đạo khi 9/12 công chức là lãnh đạo ban và chỉ có 3 chuyên viên.

Đọc những thông tin trên, lạ ư? Không. Thậm chí, nó “quen thuộc” đến mức phóng viên Dân trí nhiều lần liên lạc với Giám đốc Sở Giáo dục- Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc Hoàng Minh Quân và Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Trì để hỏi về những thông tin này nhưng không nhận được phản hồi nào.

Không phản hồi là… quá đúng!

Đúng bởi thiên hạ “Đẹp tốt khoe ra, xấu xa đậy điệm”. Thế nhưng trên tinh thần khiêm tốn, cái sự “đẹp tốt” này, không chỉ lãnh đạo Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc không muốn “khoe ra” mà cả Chủ tịch UBND tỉnh cũng không muốn “khoe ra”.

Khiêm tốn, rất khiêm tốn!

Thôi thì đành vào Cổng thông tin điện tử của Sở GD&ĐT của tỉnh Vĩnh Phúc để tìm hiểu vậy. Và thấy ngay bài “đinh” trên trang chủ: “Công đoàn ngành GD&ĐT đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước”.

Chao ôi! Thật tưng bừng và lộng lẫy với cơ man thành tích. Nào là “đã làm tốt công tác chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cán bộ, giáo viên, nhân viên, người lao động. Đồng thời, tích cực vận động đội ngũ cán bộ, nhà giáo và người lao động tham gia các phong trào thi đua, các cuộc vận động, thúc đẩy hoạt động chuyên môn, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ về "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo".

Rồi “phát động phong trào thi đua “Dạy tốt - học tốt” với các nội dung cụ thể, trọng tâm như: Đổi mới phương pháp dạy học và đổi mới kiểm tra đánh giá, sử dụng thiết bị, thao giảng, dạy tốt, dự giờ, rút kinh nghiệm, báo cáo chuyên đề”...

Đọc, mới thấy câu nói của tiền nhân “Đa quan tàn dân” sai đến 101%.

Bằng chứng là dù một sở có 38/45 lãnh đạo mà những thành tích đạt được vẫn “huy hoàng, chói lọi”. Thành tựu to lớn như thế, thì hỏi không sai 101% còn là… khiêm tốn.

Tiếc thay cái Sở này mới có 85% là cán bộ, nếu như 100% là cán bộ thì thành tích chắc còn “huy hoàng và chói lọi” hơn nữa.

Mà biết đâu, “đông quan” chả là… yêu nước, nhỉ?

 

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm