| Hotline: 0983.970.780

Dòng sông Thao như đang giãy chết trước vấn nạn tàn phá vô tội vạ

Thứ Sáu 02/02/2018 , 14:30 (GMT+7)

Sông Thao là một phần của sông Hồng, từ ngã ba Bạch Hạc (Việt Trì) ngược lên Yên Bái, Lào Cai. Suốt mấy ngàn năm qua, dòng sông đã chứng kiến những bước thăng trầm lịch sử của dân tộc.

Nhưng sông Thao giờ đây đang bị tàn phá, khiến cho những ai đã gắn bó với dòng sông không khỏi có những nỗi niềm…

Dòng sông có hai mùa, mùa lũ từ tháng 5 đến tháng 9, mùa cạn từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau. Mùa lũ nước đỏ đục phù sa, mùa cạn nước lờ nhờ, đấy là khi lũ trẻ tha hồ ngụp lặn. Ngày trước, sông chảy qua làng Y Can vào cuối mùa cạn, lòng sông khá hẹp, lũ trẻ thường bơi từ bờ bên này sang bờ bên kia chỉ mất vài phút.

20-02-12_2
Bến đò Y Can bên dòng sông Thao

Trong ký ức của tôi không thể quên được cụ Nguyễn Thị Quý, người làng thường gọi là cụ Ấm. Bởi họ lấy tên con trai trưởng của cụ là ông Nguyễn Xuân Ấm để gọi thay tên cụ. Chả biết do tật nguyền hay suốt ngày gò mái chèo nên lưng cụ gù, chiếc thuyền nan của cụ dài chừng 5 mét, rộng ba người ngồi.

Mùa cạn thì đỡ, còn mùa mưa cụ phải chèo ngược sông sát bờ chừng vài trăm mét rồi mới quay mũi thuyền sang bờ bên kia, khi đó thuyền mới cập được bến. Với bất cứ ai cụ cũng ân cần: "Đò bắt đầu đi rồi, mọi người bám chắc cạp thuyền nhé, đừng ai đứng lên, ngồi nhấp nhổm thế kia lật đò chết cả nút".

Nói rồi cụ tiếp tục nhai trầu, mắt hướng nhìn dòng sông cuồn cuộn chảy, nước vỗ ì oạp hai bên mạn thuyền, lướt qua những búi rác trôi lềnh phềnh trên sông. Hai chân cụ bơi chèo bền bỉ, một tay cầm mái chèo phía sau như bánh lái.

Sau này, sức cụ đã yếu, con trai thứ là ông Nguyễn Bá Tích tiếp nhận con đò. Giờ ông Tích đã 75 tuổi, ông giao con đò cho cậu con trai út Nguyễn Xuân Tĩnh tiếp cái nghề của cha ông. Ông Tĩnh thay con đò nan bang đò sắt, gắn động cơ, chở được cả chục chiếc xe máy, thời gian qua sông từ vài chục phút giờ chỉ cần vài phút.

20-02-12_3
Ông Nguyễn Bá Tích kể chuyện về dòng sông

Từ khi tuyến tỉnh lộ 166 chạy dọc phía Tây bờ sông Thao, ít người qua đò Y Can. Chiều cuối Đông nắng nhạt, tôi trở lại bến đò Y Can. Vẫn là dòng sông Thao, đang mùa cạn gò cát ngổn ngang nước sàu bọt ngàu đục. Dọc dòng sông từ Yên Bái lên tận Lào Cai không biết bao nhiêu thuyền hút cát, sỏi, tàu cuốc vàng, lén lút trên những đoạn sông vắng. Dòng sông lúc nào cũng ngầu đục, sục sôi những bọt trắng xóa như đang quằn quại.

Tháng 7/2016, tôi theo đoàn công tác của sở Tài nguyên-Môi trường tỉnh Yên Bái tóm gọn một chiếc tàu hút sỏi trên quãng sông thuộc xã Quy Mông. Cứ nhìn những đổng sỏi thải tấp lên thành gò cao giữa dòng sông, đủ thấy con tàu này đã hút sỏi tại đây nhiều tháng trời, chỉ khi báo chí lên tiếng thì chính quyền địa phương và cơ quan chức năng mới vào cuộc.

Vậy ai đã bảo kê cho tàu tặc đó? Tiếp đến, ngày 23/9/2016 được người dân báo, chúng tôi lên xã Yên Hợp vào ngòi Thia, một chi lưu của sông Thao, bắt gặp hai chiếc tàu vàng cao lớn như ngôi nhà ba tầng. Khi tôi đang chụp ảnh thì nhận được cuộc gọi của chủ hai chiếc tàu vàng xin xỏ, hứa rút ngay đêm đó. Sau này hỏi ra, người nhắn số điện thoại của tôi cho chủ hai tàu vàng chính là người cán bộ huyện Văn Yên đi cùng. Buồn!

20-02-12_5
Tàu hút cát sỏi trái phép trên dòng sông

Càng buồn hơn khi tôi biết chiến dịch móc ruột dòng sông Thao từ tháng 11/2015 đến tháng 12/2016 do Cục Đường bộ cho phép Công ty Việt Sơn nạo vét dòng chảy tận thu 35.201m3 cát. Theo người dân phản ánh, chả thấy tàu nạo vét dòng sông, chỉ thấy thuyền hút cát đêm ngày, khiến dân xã Đông An phải xua đuổi.

Tôi hỏi thăm mãi mới tới nhà ông Nguyễn Bá Tích, ông Tích kể rằng ở bến đò Y Can có 6 hộ làm nghề chèo đò đã ba đời nay. Ngày xưa xã Y Can có hai bến, mỗi bến có ba hộ thay nhau chèo đò, nay nhập lại một bến, mỗi hộ chèo 7 ngày thì bàn giao bến cho hộ khác.

Đời ông đã chứng kiến ba trận lũ lịch sử vào các năm 1968, 1971, 2008, cánh đồng Y Can nước ngập trắng băng tới tận chân gò. Sau mỗi trận lụt cánh đồng lại trở nên màu mỡ, lúa tốt chưa từng thấy.

20-02-12_6
Bờ sông Thao bị sạt lở
20-02-12_7
Những đống sỏi thải cao như núi giữa dòng sông

Vào những đêm lặng gió ông chèo thuyền buông câu. Ông đã câu được con cá lăng 12 kg, cá chiên 7,5 kg còn những con cá vài ba cân thì không nhớ xuể. Dân hai bên bờ sông Thao đánh cá bằng các ngư cụ: Te, lưới, cụp…

Bây giờ cá tôm đã cạn kiệt, chẳng mấy người ra sông đánh bắt cá như ngày xưa. Nhìn ra phía dòng sông Thao ngùn ngụt khói sương, đôi mắt ông Tích rơm rớm: "Chỉ ít ngày nữa dòng sông tụt trơ các bãi cát, không đầy ắp nước như mấy chục năm trước đây. Nghe nói phía thượng nguồn Trung Quốc đắp các con đập thủy điện, rồi trên các dòng suối lớn cũng xây dựng nhiều nhà máy thủy điện khiến dòng sông cạn kiệt như đang giãy chết".

Nắng đã tắt trên dòng sông Thao, tôi trở về trên con đò của gia đình ông Nguyễn Văn Dũng, nay đã gần 60 tuổi. Mấy chục năm chèo đò trên sông nước, da thịt ông nâu bóng như màu của dòng sông. Chắc ít năm nữa, tuổi đã cao, ông sẽ lại chuyển giao con đò cho cậu con trai út. Cậu bé cười bảo tôi: "Cháu không thi vào đại học, ở nhà phụ giúp bố cháu chở đò, sau này bố cháu già yếu thì tiếp quản con đò này thôi bác ạ".

20-02-12_4
Ông Nguyễn Văn Dũng phát áo phao cho hành khách trên đò

Tôi khua tay xuống dòng sông, nước không mát lịm phù sa mà nhơn nhớt như pha dầu luyn. Vốc nước lên tay, có mùi tanh hôi thật khó tả. Nhớ lại mùa nước cạn năm 2011, dòng sông Thao mấy chục cây số từ biên giới Việt-Trung chảy qua thành phố Lào Cai nước đen ngòm hôi thối, bãi bờ vàng màu gỉ sắt.

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cầu Trần Hoàng Na phục vụ lưu thông từ ngày 26/4

Từ ngày 26/4, cầu Trần Hoàng Na, bắc qua sông Cần Thơ chính thức đưa vào khai thác sử dụng, phục vụ nhu cầu lưu thông cho người dân.

Bình luận mới nhất