| Hotline: 0983.970.780

Đông Triều đổi mới tư duy làm NTM

Thứ Năm 12/09/2013 , 10:26 (GMT+7)

Là một trong những huyện dẫn đầu tỉnh Quảng Ninh trong công tác xây dựng NTM, Đông Triều đang đề ra nhiều nhiệm vụ, phấn đấu trong năm 2014, địa phương sẽ “về đích”,...

Là một trong những huyện dẫn đầu tỉnh Quảng Ninh trong công tác xây dựng NTM, Đông Triều đang đề ra nhiều nhiệm vụ, phấn đấu trong năm 2014, địa phương sẽ “về đích”, trở thành huyện NTM, sớm 6 năm so mục tiêu của cả nước.

Thay đổi từ tư duy

Kim Sơn là xã đầu tiên của huyện Đông Triều được công nhận xã NTM trong năm 2012, sau đúng 2 năm thực hiện Chương trình NTM. Tại hội nghị tuyên dương các điển hình tiên tiến trong phong trào này của xã, ông Đặng Văn Ngung ở thôn Nhuệ Hổ cho biết, gia đình ông có một thửa ruộng nằm ven đường làng và căn nhà ngay ngã ba đường thôn, do đường hẹp đi lại khó khăn nên thường xảy ra va chạm giao thông. Khi Nhà nước có chủ trương mở rộng đường, ông đã hiến 94 m2 đất ruộng, 12,5 m2 đất thổ cư, phá dỡ công trình nhà bếp và tường rào để mở đường với tổng trị giá hơn 52 triệu đồng.

Khi được hỏi vì sao ông hiến số tài sản trị giá không nhỏ đối với một nhà nông? Ông tâm sự, chính nhờ sự vận động, vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền địa phương nên ông nhận thức được rằng, việc mở đường không ngoài mục đích phục vụ cho đời sống của chính mình và bà con trong thôn.

Ở xã Xuân Sơn, đơn vị đã đạt 18/19 tiêu chí và sẽ hoàn thành tiêu chí còn lại trong năm nay, ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch UBND xã, cho hay, Xuân Sơn là xã đồng bằng của huyện miền núi Đông Triều, trước đây sản xuất nông nghiệp là thế mạnh của xã nhưng từ nhiều năm nay do ảnh hưởng của công nghiệp làm cho lực lượng lao động phân tán, kéo theo sản xuất nông nghiệp bị thu hẹp đáng kể. Ba năm trở lại đây, thực hiện Chương trình NTM, xã đã lập quy hoạch vùng chuyên canh làm cho hệ số quay vòng đất tăng lên. Đặc biệt, trong tháng 1/2013, được sự ủng hộ tích cực của chính quyền huyện, xã đã tổ chức quy hoạch 13 ha đất để trồng rau an toàn.


Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ lúa sang của đậu, mang lại hiệu quả kinh tế cao 
ở xã Xuân Sơn

Ông Ngô Thành Chiến, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết, sau hơn 2 năm thực hiện Chương trình NTM, bộ mặt nông thôn của Đông Triều đã đổi thay rất nhiều. “Chúng tôi đã chú trọng thay đổi tư duy làm NTM, từ tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn chuyển sang phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho nông dân”, ông Chiến nói. Nhờ đó, đến nay, huyện đã đưa được 758 ha (đạt 40% diện tích) giống lúa QR1, QR2 chất lượng cao vào sản xuất, cho giá trị thu được cao hơn giống Khang Dân từ 10-13 triệu đồng/ha; vụ xuân 2013 toàn huyện đã gieo cấy 2,5 nghìn ha giống lúa chất lượng cao.

Bên cạnh đó là các mô hình trồng củ đậu 60 ha mỗi ha thu 140-160 triệu đồng/vụ; mô hình trồng 500 ha lúa nếp cái hoa vàng; mô hình trồng hoa 30 ha thu nhập 800 triệu đến 1 tỷ đồng/vụ; mô hình trồng cam canh, bưởi diễn 50 ha, thu mỗi ha 600-800 triệu đồng; trồng na dai 900 ha; vải, nhãn 2 nghìn ha; trồng thanh long ruột đỏ 41 ha; mô hình nuôi cá rô phi đơn tính 800 ha được chuyển đổi từ lúa cấy kém hiệu quả, thu nhập 250 triệu đồng/ha…

Hiện nay, toàn huyện có khoảng 100 hộ chăn nuôi hàng trăm con lợn/hộ, có thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm, có hộ thu nhập 5-6 tỷ đồng/năm.

Huy động các đoàn thể vào cuộc

Chính nhờ đổi mới tư duy trong xây dựng NTM, chương trình này của huyện đã làm cho các tầng lớp nhân dân nhận thức rõ mình chính là chủ thể. Do đó, người dân đồng tình, ủng hộ và tham gia hưởng ứng rất cao. Các tổ chức đoàn thể tích cực tham gia phong trào bằng nhiều việc làm cụ thể, đạt được những kết quả đáng khích lệ.

MTTQ là đoàn thể đóng góp quan trọng trong việc vận động thành lập được 700 tổ liên gia với 27,2 nghìn hộ, 273 tổ an ninh tự quản với gần 2 nghìn thành viên, 180 tổ hòa giải với 1,3 nghìn thành viên. Duy trì tốt mô hình “Đội xe ôm tự quản về ANTT” tại xã Yên Thọ. Thực hiện phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư, đến nay toàn huyện có 43 nghìn/45,1 nghìn hộ đăng ký gia đình văn hóa đạt 95,21%.

Hội CCB triển khai thực hiện phong trào “Thắp sáng làng quê” với 172/173 khu dân cư được lắp điện chiếu sáng, đảm bảo tốt công tác an ninh trật tự, an toàn xã hội. Ngoài ra, Hội còn phối hợp với Công an huyện, Hội Phụ nữ huyện quản lý, giáo dục được 95 thanh thiếu niên tiến bộ trên, 185 thanh thiếu niên có nguy cơ vi phạm pháp luật.

Hội Phụ nữ phối hợp với các xã thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, đến nay có 155 tổ/173 thôn, khu dân cư thành lập tổ thu gom rác thải. Ngày 21/21 hằng tháng, Chi hội phụ nữ tổ chức đồng loạt ra quân dọn vệ sinh đường làng ngõ xóm. Hội Nông dân thì vận động nhân dân sử dụng nước đảm bảo hợp vệ sinh; chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, sử dụng giống mới chất lượng cao, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, phát triển kinh tế.

Với nòng cốt là lực lượng thanh niên, Huyện đoàn Đông Triều đã chỉ đạo Đoàn Thanh niên các xã, thị trấn, trường học đồng loạt ra quân dọn vệ sinh, phát quang cây xanh che khuất tầm nhìn, xóa biển quảng cáo vi phạm hành lang ATGT... tại các tuyến đường dọc đường 18A, đường liên xã trong toàn huyện. Phối hợp với Ngân hàng Chính sách huyện giải ngân được gần 10 tỷ đồng với 24 tổ vay vốn để đoàn viên thanh niên thực hiện mô hình phát triển kinh tế…   

Để hiện thực hóa mục tiêu hoàn thành xây dựng NTM trong năm 2014, huyện Đông Triều đang tập trung chỉ đạo sản xuất hàng hóa theo hướng tập trung, chú trọng đặc biệt đến đảm bảo đầu ra cho nông sản bằng việc hình thành các vùng chuyên canh như vùng cây ăn quả, vùng lúa chất lượng cao, vùng nuôi thủy sản, vùng chăn nuôi lợn; đẩy mạnh xây dựng thương hiệu hàng hóa nông sản.

Trong năm 2013, theo kế hoạch, huyện sẽ có 6 xã về đích, nhưng sẽ phấn đấu 9 xã có khả năng về đích. Đối chiếu giữa quy định bộ tiêu chí quốc gia với kết quả thực hiện của huyện trong hơn 2 năm qua có thể khẳng định, lộ trình huyện Đông Triều về đích NTM vào năm 2014 là hoàn toàn hiện thực, thể hiện sự quyết tâm của toàn thể nhân dân và tuổi trẻ trong huyện.

Trong hơn 2 năm thực hiện Chương trình xây dựng NTM, toàn huyện đã vận động 1.596 hộ dân hiến đất cho làm đường giao thông, nhà văn hóa với tổng diện tích gần 170 nghìn m2, huy động được 7,6 nghìn ngày công; các doanh nghiệp hỗ trợ vật liệu gạch, xi măng tổ chức thực hiện được 1,5 km đường, 2 nghìn m2 gạch lát nền, xây dựng tường bao cho 17 nhà văn hóa thôn trên địa bàn 7 xã. Tổng giá trị các hộ dân hiến đất, ngày công, đóng góp của nhân dân, doanh nghiệp có giá trị trên 50 tỷ đồng, tiết kiệm khoản chi lớn cho ngân sách Nhà nước.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.