| Hotline: 0983.970.780

Đột nhập cơ sở sản xuất phân bón 'công nghệ cuốc xẻng'

Thứ Ba 17/10/2017 , 09:59 (GMT+7)

Bằng “công nghệ cuốc xẻng” thế mà nhiều năm qua, với tên gọi hào nhoáng, Cty TNHH Ứng dụng và Phát triển công nghệ cao đã tung ra thị trường không biết bao nhiêu tấn phân bón.

Phải mất nhiều ngày theo dõi và thâm nhập cơ sở sản xuất phân bón, có địa chỉ ở số 105 đường Trần Phú, thị trấn Thường Tín, huyện Thường Tín (Hà Nội), chúng tôi mới phát hiện được phân bón ở đây sản xuất bằng cách dùng xẻng, xe rùa, chổi tre, cân đồng hồ và các thiết bị lạc hậu khác…

13-51-07_nh_1
Cơ sở sản xuất phân bón bằng “công nghệ cuốc xẻng”

Trong vai công nhân vào xin việc, chúng tôi chứng kiến Cty TNHH Ứng dụng và Phát triển công nghệ cao làm phân bón. Hình ảnh đầu tiên mà chúng tôi bắt gặp, là một công nhân nữ đang đóng gói khoảng vài trăm bao, với tên gọi "Phân trung lượng bón rễ CNC-855", loại 10kg, dạng bột, bao màu trắng.

Để tạo ra sản phẩm này có 2 công nhân nam phối trộn các nguyên liệu một cách qua loa, trên nền đất ẩm ướt. Hai người dùng xẻng xúc thứ nguyên liệu màu đen, mùi khai, dạng viên được thải ra từ thiết bị tạo hạt, dạng thùng quay đời cũ vào một máy nghiền nhỏ.

Sau đó dùng xẻng xúc thứ nguyên liệu đã được nghiền nhỏ này đổ lên một đống nguyên liệu dạng bột, màu đen khác được xe tải chở đến vào đêm hôm trước. Số lượng nguyên liệu để pha trộn không rõ nguồn gốc, trên bao bì lại ghi bằng chữ Trung Quốc.

13-51-07_nh_5
Trên bao bì nguyên liệu ghi chữ Trung Quốc

Ở một khu vực khác, một công nhân dùng xẻng xúc hai thứ nguyên liệu đã được trộn cho vào bì, người còn lại cầm bao đựng sản phẩm, nhấc lên đồng hồ cân và sắp xếp sản phẩm vào một chỗ. Vì hai thứ chất bột này không được trộn đều nên nhiều khi họ chỉ xúc được một loại nguyên liệu vào bao bì. Sau đó, một người làm công khác, đưa máy may tay đóng gói sản phẩm lại.

Hoàn tất, một công nhân đến vị trí dưới miệng phễu của thiết bị tạo hạt dạng thùng quay đời cũ, đóng gói sản phẩm cũng mang nhãn hiệu "Phân trung lượng bón rễ CNC-855", loại 10kg nhưng dạng viên, với hai loại vỏ bao màu vàng và xanh lá cây.

Theo ghi nhận của chúng tôi, cả ba dạng vỏ bao phân đều được in tỉ lệ, thành phần các chất giống nhau nhưng hai dạng bao sau khối lượng nguyên liệu màu đen, dạng bột được xe tải chở đến vào đêm qua được dùng ít hơn.

Số lượng nhân công làm việc, dụng cụ sử dụng và cách thức đóng gói sản phẩm hai dạng bao màu vàng, xanh lá cây giống như dạng bao màu trắng nhưng ở hai dạng bao sau nguyên liệu đã được "chế biến" thành viên, nên người làm không tiến hành thao tác trộn lẫn nguyên liệu. Cách thức đóng gói sản phẩm như thế này, còn được công nhân trong cơ sở áp dụng cho sản phẩm "Phân trung lượng bón rễ CNC-855" loại 25kg.

13-51-07_nh_2
Các loại phân bón đủ màu sắc, sau khi sản xuất kiểu thủ công

"Công nghệ cuốc xẻng", phương pháp phối trộn và đóng gói trên nền đất ẩm được công ty này sử dụng cho nhiều loại phân khác mang nhãn hiệu như "Phân trung lượng bón rễ HITEDA-3 màu CNC-10 2 10", "Phân trung lượng bón rễ HITEDA-3 màu NPK-Sio2", "Chuyên dùng cho cây chè HITEDA-3 màu CNC-963"...

Nguyên liệu sau khi "gia công, chế biến" thành viên sẽ được xe rùa và xe đẩy thô sơ chở đến đổ thành từng đống trên những khoảng đất trống trong kho. Khối lượng nguyên liệu chuẩn bị phối trộn và đóng gói sản phẩm được xác định theo số lượng chuyến xe rùa, những bao đựng nguyên liệu có khối lượng khoảng 50kg.

Sau đó người làm dùng xẻng trộn lẫn các nguyên liệu trên nền đất ẩm với nhau, giống như việc trộn hồ khô trong xây dựng. Công đoạn đóng gói sản phẩm các loại phân này được tiến hành tương tự như "Phân trung lượng bón rễ CNC-855".

Chúng tôi còn chứng kiến việc phối trộn nguyên liệu và vê viên tạo hạt bằng "công nghệ vừa xẻng, vừa máy". Vị trí này sử dụng hai nhân công dùng xẻng xúc các nguyên liệu dưới mặt đất ẩm đổ vào một chảo quay đời cũ, nay đã bị gỉ đen, dính đầy bụi, phân và mạng nhện.

Một người xúc nguyên liệu rồi đổ trực tiếp vào chảo quay, người còn lại xúc các chất đổ lên một băng tải dẫn vào chảo quay. Công nhân dùng một cọc sắt ngắn khơi thông lòng chảo, thậm chí vừa dùng xẻng xúc vào, vừa khuấy trong lòng chảo.

Nhiều năm qua, lợi dụng hai dãy nhà kho tồi tàn, cũ nát của một kho lương thực thời bao cấp, cơ sở này đã dùng để sản xuất phân bón. Địa chỉ của công ty này cũng rất mập mờ, cổng vào một bên ghi tên Cty TNHH Ứng dụng và Phát triển công nghệ cao, một bên ghi Cty Lương thực HSB, Xí nghiệp Kinh doanh tổng hợp Phú Tín.

"Công nghệ vừa xẻng, vừa máy" còn dùng một thiết bị tạo hạt dạng thùng quay đã cũ kĩ, lạc hậu. Một bộ phận nhân công làm ở vị trí chảo quay dùng xẻng trộn qua loa chất bột màu xanh và chất màu trắng dưới nền đất với nhau rồi xúc hỗn hợp này, có khi chỉ xúc chất màu trắng đổ lên chảo quay.

Người làm ở chảo quay sẽ dùng "phương pháp ước chừng bằng mắt" khối lượng nguyên liệu có trong chảo quay rồi ra "hiệu lệnh bằng mồm" cho công nhân làm đầu đường băng tải dừng hay tiếp tục việc đổ nguyên liệu.

Và như thế, trung bình mỗi ngày công ty này sản xuất ra hàng tấn phân bón với nhiều chủng loại, bằng “công nghệ cuốc xẻng”. 

Điều đáng nói, cơ sở sản xuất nằm sát nách nhà dân và gần Bệnh viện Đa khoa huyện Thường Tín. Trải qua thời gian, nhà kho nay đã xuống cấp nghiêm trọng. Mặt tường bị bong tróc, các cột trụ giữa nhà không còn, chỉ còn hai cột mục nát, mái nhà hoen gỉ nặng và có thể đổ sập bất cứ lúc nào.

Để sản xuất, cơ sở dựng thêm một nhà xưởng bằng khung sắt, cột bê tông và tấm lợp tôn. Từ lâu, công ty đã xây một nhà ở thấp, nhiều phòng nhỏ làm văn phòng, chỗ ăn, ở và chứa vỏ bao bì cũng đã xuống cấp.

Môi trường làm việc trong xưởng luôn ẩm ướt, thiếu không khí, ô nhiễm. 13 năm qua, cơ sở sử dụng mặt nền nhà xưởng bằng đất. Các hoạt động sản xuất, sắp xếp và bảo quản nguyên liệu, sản phẩm phân bón luôn được tiến hành trên nền đất ẩm thấp.

Theo quan sát, các loại nguyên liệu như "đạm", "kali" được xếp cùng nhau trong khu vực "đạm nguyên liệu" và "kali nguyên liệu" của nhà xưởng. Có nhiều bao vì để lâu ngày nên "chết cứng" và thấm ra nước. Nhiều bao bị thủng, phân rơi vương vãi.

13-51-07_nh_4
Nguyên liệu để sản xuất phân bón được chất đầy khu sản xuất

Trong phân xưởng, nguyên liệu lấy từ khu vực "kali nguyên liệu", "đạm nguyên liệu", sau khi "gia công" thành dạng viên, được đóng thành từng bao. Sau đó sắp xếp vào một nhà gạch nhỏ, cũ, ẩm ướt, mà không hề có bạt, hay một cái gì kê cao lên, gồm ba phòng không có vách ngăn, ngoài tường treo hai biển hiệu" "Amol" và "khu vực NK"...

Bên cạnh đó theo phản ánh của người dân, từ lâu, cơ sở không có hệ thống xử lý chất thải, bảo vệ môi trường.

Khi có mặt tại cơ sở sản xuất này, chúng tôi được chứng kiến xe ô tô mang biển số các tỉnh Nghệ An, Hưng Yên, Lào Cai, Lạng Sơn đến lấy phân bón.

 

Xem thêm
Nhận diện để hiểu hàng thật, tránh hàng giả Made in Japan

Sáng 15/3, Tổng cục Quản lý thị trường mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề 'Nhận diện hàng thật - hàng giả Made in Japan'.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bất động sản nghỉ dưỡng và những dấu hiệu phục hồi

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định: Năm 2023 thị trường bất động sản đã vượt qua giai đoạn 'bĩ cực' nhất, 2024 sẽ ghi nhận những động thái tích cực hơn.