| Hotline: 0983.970.780

Đột nhập “công trường vàng” giữa rừng phòng hộ

Thứ Tư 30/05/2012 , 10:46 (GMT+7)

Một “công trường vàng” nằm sâu trong rừng phòng hộ A Lưới (TT - Huế) với hàng chục “vàng tặc” tham gia đào khoét làm núi rừng tan hoang. Trong khi đó, lực lượng chức năng gần như bất lực khi đã truy quét nhiều lần vẫn không đẩy đuổi được nhóm người tìm vận may giữa chốn rừng sâu…

Một “công trường vàng” nằm sâu trong rừng phòng hộ A Lưới (TT - Huế) với hàng chục “vàng tặc” tham gia đào khoét làm núi rừng tan hoang. Trong khi đó, lực lượng chức năng gần như bất lực khi đã truy quét nhiều lần vẫn không đẩy đuổi được nhóm người tìm vận may giữa chốn rừng sâu…

Đường vào khe Cốp

Từ ngã ba Bốt Đỏ (xã Phú Vinh, huyện A Lưới) chúng tôi men theo con đường mòn dẫn vào bãi vàng khe Cốp (xã Sơn Thủy) dưới sự dẫn đường của ông T., một người dân địa phương. Từ quốc lộ 49A đi vào khe Cốp chừng 10 km đường rừng. Con đường dẫn vào bãi vàng lầy lội, in đậm dấu chân người bởi cơn mưa rừng chiều tối hôm trước. Ông T. bảo: “Tôi chỉ dẫn bọn anh đến “vòng ngoài” thôi nhé, sẽ đợi các anh ở bìa rừng, vào trong đó chúng nó biết mặt thì tôi sống cũng không yên ở đây. Vào đó các anh tùy cơ mà ứng biến thôi”. Vượt hàng chục con dốc dựng đứng, khe suối với lớp đá gan gà trơn trượt, quá giờ trưa, bãi vàng khe Cốp vẫn biệt tăm giữa chốn rừng sâu.


Đường vào bãi vàng khe Cốp rất hiểm trở

Từ lâu, tôi đã nghe những người đi rừng nói về vắt, hôm nay mới “nếm” đủ lợi hại của loài sinh vật này. Đất rừng nhão nhoẹt, vắt có mặt khắp mọi nơi. Nhiều đồng nghiệp của tôi phải dãy nảy khi vắt chui tọt vào tay áo, ống quần, ra sức cắn. Đoàn chúng tôi ai nấy đều mệt lả, tưởng chừng như bỏ cuộc. Nghỉ chân bên đường, chúng tôi gặp và làm quen với ba thanh niên người xã A Ngo vừa đi ra từ con đường phía trước. Bắt chuyện bảo chúng tôi là cán bộ môi trường đi khảo sát nguồn nước để làm dự án, N, một trong ba thanh niên cho biết: “Bọn em vào rừng lấy măng, đi từ sáng giờ mới trở ra. Từ đây về A Ngo đường còn xa lắm nên phải tranh thủ không chiều sẽ có mưa rừng, nước suối dâng cao sợ không về được”.

Theo quan sát của chúng tôi, nhóm thanh niên này nói là đi rừng lấy măng nhưng trong A Chói chẳng có thứ sản vật gì ngoài rựa, mác để phát quang cây rừng. Ông T, đưa mắt nhìn chúng tôi, ra hiệu đây là bọn “tai mắt” của các chủ vàng trong khe Cốp. Nếu nhóm thanh niên này nghi ngờ có lực lượng chức năng, liền lập tức thông báo cho các đối tượng đào đãi vàng, chuyến đi xem như phải hủy bỏ. Theo ông T, hàng ngày không chỉ riêng nhóm thanh niên này mà có chừng 15-20 người dân địa phương được thuê gùi gánh hàng gồm xăng dầu, máy móc, lương thực… cho các đối tượng đào đãi vàng duy trì hoạt động.


Máy lọc, đãi vàng hoạt động ngày đêm

Người dân vì mưu sinh đã tiếp tay cho các đối tượng đào đãi vàng với thù lao vài trăm nghìn/chuyến gùi hàng. Thấy nhóm thanh niên không có vẻ nghi ngờ gì cái “mác” cán bộ môi trường đi khảo sát làm dự án, chúng tôi yên tâm băng rừng đi tiếp. Trời ngả về chiều, cái nắng đã dịu bớt, từ xa, trong những tán cây rừng rậm rạp đã nghe rậm rịch tiếng máy nổ, tiếng người nói vọng lại…

Đột nhập “công trường vàng”

Như đã cam kết, ông T ở lại “vòng ngoài”, còn chúng tôi tiến sâu vào bên trong tìm hiểu về bãi vàng khe Cốp. Đi thêm chừng vài trăm mét, trước mắt chúng tôi hiện ra cả một “công trường vàng” với gần cả trăm đối tượng là phu vàng đang hì hục đào đãi vàng sa khoáng. Đây là cánh rừng thuộc tiểu khu 292 rừng phòng hộ A Lưới. Thấy động, một nhóm người toan bỏ chạy, lẩn vào các lán trại. Nhóm còn lại giữ nguyên tư thế, lăm lăm vũ khí trong tay sẵn sàng chống trả với ánh mắt dò xét, sắc lạnh. Chúng tôi nhanh chóng tự giới thiệu là cán bộ môi trường vào đây khảo sát nguồn nước để làm dự án. Khi cuộc trò chuyện dường như đã thân quen hơn, một người trong nhóm tên Thành, trạc chừng 35 tuổi, tự xưng là chủ vàng, đã có vợ con ở A Lưới mời chúng tôi vào lán trại.


Bãi vàng khe Cốp có gần trăm đối tượng là "phu vàng" ngày đêm khai thác

Thành cho biết, đa số anh em ở đây đều là người Sán Dìu, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên. Vì ngoài kia quá cơ cực, anh em mới rủ nhau đi vào rừng sâu đào đãi vàng tìm kiếm vận may. Thành mời chúng tôi dùng cơm, rồi bảo: “Theo phong tục của người Sán Dìu thì đã ngồi uống rượu, ăn cơm với nhau sẽ trở thành bạn, không đánh nhau nữa. Bọn em vì hoàn cảnh xô đẩy mà vào đây, làm cũng cực lắm, kiếm tiền nuôi vợ con. Biết khai thác vàng như thế này là vi phạm, xâm hại đến rừng núi nhưng nghèo quá chúng em mới làm nghề này. Mà mình không làm thì người khác cũng làm”.

Theo quan sát của chúng tôi, có chừng 2 ha rừng ở khu vực khe Cốp đã bị tàn phá, xới tung. “Công trường vàng” trước mắt chúng tôi như một bãi chiến trường với hàng trăm cây cối đổ ngổn ngang, có nhiều cây gốc cả vài người ôm không xuể. Dưới những cây rừng bị đốn hạ, hàng trăm hố hầm được khoét hàm ếch, có thể sụp đổ bất cứ lúc nào. Gần 100 phu vàng đang hì hục đào bới, lầm lũi dưới tán rừng sâu. Nhìn lên phía trên, nhóm đào vàng đang khoét sâu đến chân ngọn đồi gần khe Cốp, chỉ thêm thời gian nữa, chỉ cần vài trận mưa lớn làm đất nhão nhoẹt, quả đồi có thể đổ sụp bất cứ lúc nào. Và, sẽ không thể tưởng tượng nổi sẽ có bao nhiêu sinh mạng của các phu vàng bị chôn vùi dưới hầm sâu, mang theo cả giấc mơ làm giàu, đổi đời từ núi rừng.


Phút nghỉ ngơi của các "phu vàng"

Bên gần trăm đối tượng đang hì hục đào đãi, là hàng chục máy móc gồm máy nổ, máy xúc, máy xay, máy khoan, máng lọc vàng chạy ầm ầm hoạt động hết công suất. Từ trên thượng nguồn khe Cốp, dòng nước đục ngầu, vàng quánh cuồn cuộn đổ về xuôi. Đi xuống một con dốc, bên nhiều hầm vàng đã bỏ hoang là những hầm được đào mới. Thử chui vào “khảo sát” một hầm vàng, chúng tôi chứng kiến một cảnh tượng ghê người, hầm được đào sâu, khoét hàm ếch, vào sâu chỉ một màu tối, rất khó thở. Nếu không may xảy ra hiện tượng sạt lở đất, số phận của các phu vàng dường như được định đoạt!

Sau khi đã thu thập xong tư liệu, biện lý do trời đã về chiều, chúng tôi xin rút lui để đi làm việc của mình. Đi được một đoạn, Thành chạy với theo, móc trong túi ra một xấp tiền toàn tờ 500.000 đồng rồi nói: “Các anh đi đường vất vả, vào đây hiểu được chúng em nên chúng em quý lắm mong các anh cầm ít uống nước. Thường thì các đoàn kiểm tra vào đây, chúng em cũng làm như vậy cả”. Chúng tôi từ chối khéo với lý do đi công tác đã có hỗ trợ rồi, việc của ai thì người nấy làm. Nghe thế, Thành nói: “Các anh ra có báo cáo với cấp trên thì nói giúp chúng em một tiếng nhé”…


Từ thượng nguồn, dòng nước khe Cốp đục ngầu đổ về xuôi

Khó xử lý

“Việc giải quyết, ngăn chặn các đối tượng được thuê gùi hàng, làm tai mắt cho các đối tượng khai thác vàng rất khó khăn, vì họ đều là người dân bản địa, vì mưu sinh, không muốn hợp tác với lực lượng chức năng. Hiện, chúng tôi đang phối hợp với chính quyền các xã vận động, tuyên truyền những người này không làm thuê cho phu vàng” - Thiếu tá Sinh nói.
Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Xuân Trăng - Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết: “Các đối tượng vào khu vực khe Cốp khai thác vàng trái phép đa số không phải là người dân địa phương, mà từ các vùng khác đến, không có đăng ký tạm trú. Trong thời gian qua, nhiều lần phía huyện đã phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành truy quét, đẩy đuổi, xử phạt hành chính, phá hủy các phương tiện máy móc.

Nhưng khi lực lượng chức năng rút đi, đâu lại vào đấy, họ lại mua lại máy móc, thuê người gùi hàng hóa vào bãi vàng để khai thác tiếp. Trước mắt, chúng tôi chỉ làm như vậy chứ chưa thể mạnh tay được bởi nếu làm căng quá sẽ dễ xảy ra mâu thuẫn, xung đột. Phía huyện sẽ báo cáo lên tỉnh đề nghị có sự hỗ trợ thêm”.

Thiếu tá Nguyễn Nam Sinh, Phó trưởng Công an huyện A Lưới thông tin: “Mỗi lần tiến hành truy quét, chúng tôi đều thành lập đoàn liên ngành từ 40-50 người gồm công an, bộ đội, kiểm lâm, cán bộ của rừng phòng hộ. Tuy nhiên, việc truy quét gặp nhiều khó khăn do bãi vàng ở xa trong rừng sâu, địa hình hiểm trở, phức tạp. Những đối tượng khai thác vàng thuê luôn cả người dân địa phương gùi hàng làm “tai mắt”. Khi lực lượng truy quét vào thì chúng đã trốn, chỉ để lại một người địa phương trông coi lán trại”.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

10 năm lực lượng kiểm ngư cùng ngư dân bám biển

Trong 10 năm qua, lực lượng kiểm ngư ngày đêm bám biển, điều động hơn 1.500 lượt tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên các vùng biển Việt Nam.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Thêm 4 điểm du lịch tiêu biểu ở ĐBSCL

Cần Thơ Hiệp hội Du lịch ĐBSCL vừa công nhận 4 điểm du lịch tiêu biểu của vùng, các đơn vị tiếp tục đầu tư, nâng chất, làm mới những sản phẩm du lịch hiện có.

Bình luận mới nhất