| Hotline: 0983.970.780

Đột nhập lò giống gia cầm Đại Xuyên mùa dịch

Thứ Hai 29/09/2014 , 08:35 (GMT+7)

Sau khi có thông tin đàn gia cầm bị nhiễm vi rút H5N1 ở tỉnh Quảng Ngãi có nguồn gốc từ Đại Xuyên (Phú Xuyên - Hà Nội), nơi cung ứng giống thủy cầm lớn nhất nước, PV NNVN đã vào cuộc điều tra tại đây và phát hiện nhiều vấn đề rất đáng lo ngại.

Không rõ nguồn gốc, không cần kiểm dịch

Chúng tôi có mặt ở Đại Xuyên vào một buổi sáng chợ phiên. Như thường lệ, hàng trăm cuộc giao dịch, ngã giá giữa chủ lò và khách mua giống diễn ra khá chóng vánh. Theo thống kê, hiện nay Đại Xuyên có khoảng 300-400 lò ấp giống gia cầm tư nhân.

Từ gà, vịt, ngan, ngỗng đến bồ câu, vịt trời…loại nào cũng có. Mỗi ngày, hàng chục vạn giống gia cầm rời khỏi lò giống gia cầm lớn nhất nước để tỏa đi các tỉnh. Mặc dù thông tin vi rút H5N1 xuất hiện ở các địa phương có nguồn gốc từ đàn giống gia cầm ở Đại Xuyên, nhưng mọi hoạt động mua bán vẫn diễn ra hết sức bình thường.

Cơ sở SX Bình Anh nằm ngay trung tâm thị trấn Đại Xuyên. Bình quân mỗi phiên chợ, cơ sở này xuất khoảng 1 vạn con gia cầm giống. Vào vai những người nông dân cần mua giống gà, vịt, chúng tôi được ông chủ lò ấp tên Anh cho biết: Thịnh hành nhất thời điểm này là gà lai chọi, giống một ngày tuổi có giá 14 nghìn/con, gà sọc 19 nghìn/con, gà Lương Phượng lai 10 nghìn/con, vịt bầu 8 nghìn/con, vịt bơ 18 nghìn/con, ngan 13,5 nghìn/con… Nhắc đến chuyện kiểm dịch trước khi xuất bán, người đàn ông này đáp gọn lỏn: Không cần.

Theo ông Anh, hầu hết các lò ấp ở Đại Xuyên đều sử dụng nguồn trứng từ các cơ sở nuôi trong dân hoặc các trang trại. Các lò ấp chỉ việc ấp giống, còn nguồn gốc trứng thế nào phải hỏi các hộ dân chăn nuôi. “Mỗi cơ sở ấp bình quân từ 8 – 10 lò, phải lấy nguồn trứng từ hàng chục cơ sở chăn nuôi, làm sao mà biết hết được nguồn gốc trứng thế nào”, ông Anh bảo thế.

16-37-25_1
Các lò giống ở Đại Xuyên đang sử dụng nguồn trứng trôi nổi để ấp giống

Cơ sở SX Bình Anh có 9 lò ấp giống, hằng tháng xuất khoảng 9 – 10 vạn giống. Cũng như hầu hết các lò ấp khác, tất cả nguồn trứng phục vụ mỗi ngày đều phải tìm kiếm, đặt hàng trong các cơ sở chăn nuôi. Điều đáng lo ngại nhất, theo điều tra của chúng tôi, công tác kiểm dịch ở các lò ấp ở Đại Xuyên gần như bị thả nổi, không hề được quan tâm, giả sử có làm thì cũng theo kiểu chiếu lệ mà thôi.

Các chủ lò ở đây đều thừa nhận, chỉ có những chuyến hàng vận chuyển vào tận miền Nam thỉnh thoảng chủ hàng mới cần đến giấy kiểm dịch, còn lại đa số các vụ buôn bán giống ở đây chẳng cần đến mấy thủ tục lằng nhằng ấy.

Từ nhiều năm trở lại đây, các chủ lò ấp ở Đại Xuyên hoạt động theo cung cách hết sức chuyên nghiệp. Người mua chỉ cần điện thoại, chuyển tiền qua tài khoản, các chủ lò tự chuyển giống gia cầm cho. Phổ biến nhất là vận chuyển bằng xe khách, xe máy… Kể cả những nơi xa xôi như các tỉnh miền Nam, miền Trung thì cũng chỉ cần một cuộc điện thoại là OK hết.

Cách đây vài năm, khi điều tra về thực trạng các lò giống gia cầm không được kiểm dịch ở Đại Xuyên, PV NNVN chỉ cần bỏ ra 70 nghìn đồng đã có thể mua được một bộ giấy tờ kiểm dịch của cơ quan Thú y vùng này. Hiện tại, dường như mức giá ấy vẫn chưa thay đổi(?!) Ông chủ lò ấp Bình Anh tiết lộ: Nếu cần làm giấy kiểm dịch thì mỗi con mất thêm 500 đồng, 2.000 đồng tiền dán giấy “an toàn” cho mỗi hộp.

Chủ một lò ấp khác có tên là Sâm Hương, khi được hỏi về việc kiểm dịch cũng đã xác nhận điều này. “Tất cả đều mua bán bằng tay bo, không cần giấy tờ, cũng không cần phải kiểm dịch gì cả. Giả sử có cần thì bỏ vài chục nghìn đồng ra trạm Thú y dán cho cái giấy là xong. Đấy là trường hợp mình đề phòng “hàng” đi qua những vùng có dịch, sợ bị tiêu hủy, chứ bình thường sợ gì. Cũng có trường hợp lấy mẫu máu để kiểm dịch, nhưng chỉ làm hình thức thôi, còn chúng tôi có làm bao giờ đâu.

Nhiều khi khách hàng cần, gọi điện cho cán bộ Thú y vào tận lò dán giấy theo kiểu dịch vụ. Hình thức này tiện lắm, những đợt có dịch bùng phát, cán bộ kiểm dịch cũng đến tận nhà dán cho tờ giấy rồi cho xuất hàng. Thậm chí, hộ nào làm ăn lớn, quen mặt rồi, cứ xuất hàng đi các tỉnh chẳng cần dán gì cả vẫn vô tư”, ông chủ lò Sâm Hương khẳng định.

Những ông chủ ở các lò như Sâm Hương, Bình Anh còn tiết lộ thêm, hầu hết số trứng được thu gom về ấp ở các lò giống gia cầm trong vùng cũng được thu mua theo kiểu tay bo, không có bất kỳ loại giấy tờ có thể chứng minh cả.

Việc đối phó với các trạm, chốt kiểm dịch cũng vô cùng đơn giản. Đối với các địa phương ở khu vực ĐBSH thì phương tiện phổ biến nhất là xe ôm. Cánh xe ôm chuyên vận chuyển trứng, giống gia cầm phải biết được chỗ nào có chốt kiểm dịch để tránh.

“Từ Đại Xuyên ra Quán Gánh có một đoạn cũng phải tránh. Cứ chạy vòng vào đường làng là tránh được. Thỉnh thoảng các chủ hàng phải đích thân chở hàng qua các chốt kiểm dịch rồi mới bàn giao cho đội quân xe ôm. Chủ hàng quen mặt rồi nên chả ai chặn lại. Mới đây có xe chở trứng từ Ninh Bình ra tới Hà Nam thì bị kiểm dịch bắt, cả xe hàng bị tiêu hủy, trị giá cả trăm triệu đồng”, ông chủ Sâm Hương nói thêm.

16-37-25_5
Giống gia cầm không rõ nguồn gốc rất nguy hiểm

Công tác kiểm dịch quá nhiều vấn đề

Giống gia cầm ở Đại Xuyên không chỉ rẻ mà còn có thương hiệu nhờ vào Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên (Viện Chăn nuôi – Bộ NN-PTNT) đóng trên địa bàn.

Thành thử có nhiều trường hợp, trứng, gia cầm giống ở các tỉnh bán không hết lại nhập về Đại Xuyên để tiếp tục quay vòng. Theo điều tra của NNVN, nguồn cung cấp giống của Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên chỉ chiếm một phần rất nhỏ so với số lượng giống gia cầm khổng lồ hằng ngày tuồn đi các địa phương.

Đối với các chủ lò ấp trôi nổi, người mua có thể yêu cầu nguồn giống ở Vạn Phúc, Thụy Phương hay Bắc Ninh… nhưng thực tế chẳng ai làm. Thứ nhất là nguồn giống này có giá khá cao, thứ nữa là thủ lục rất lằng nhằng. Chỉ riêng tiền giấy tờ đã mất 30 nghìn đồng/hộp. Lại còn vướng vào kiểm dịch này nọ, vừa mất tiền, vừa tốn công nên khách hàng chỉ thích giống các chủ lò bên ngoài.

Ngay cả một cơ sở được tin tưởng nhất ở lò giống gia cầm Đại Xuyên là HTX giống gia cầm Hoàng Thủy cũng nói thẳng: Vấn đề kiểm dịch ở các lò giống gia cầm nhiều bất cập lắm. Có hộ làm, hộ không, mà phần lớn là không làm. Nguyên nhân, theo tôi là do công tác kiểm dịch chồng chéo quá nhiều. Ví dụ, cùng ở Thường Tín, muốn vận chuyển về Đại Xuyên để bán, có một đoạn thôi nhưng nếu theo nguyên tắc phải trải qua nhiều vòng kiểm dịch.

Kiểm dịch giống bố mẹ, kiểm dịch lúc xuất bán, kiểm dịch trứng… Mỗi lần xin kiểm dịch là một lần tiền chứ có xin không được đâu. Một hộp là 40 nghìn đồng, một tờ giấy đi đường cũng 70 nghìn nữa. Cũng hơi tốn kém nên né được đợt nào hay đợt đó.

16-37-25_3

Trao đổi với NNVN, ông Nguyễn Văn Tuấn, PGĐ Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên cho biết: Về công tác kiểm dịch, khó khăn lớn nhất ở Đại Xuyên là chưa kiểm soát được đầu vào. Quả trứng thế nào, con giống đưa vào từ đâu thì chịu. Thực tế một số hộ vẫn thực hiện đúng theo quy trình ấp nở, thậm chí một số hộ được tập huấn theo dự án của FAO.

Tuy nhiên, nguồn gốc trứng người ta thu mua ở đâu về rất khó kiểm soát, cũng không thể biết được chất lượng ra sao. Chúng tôi được biết, nguồn cung cấp trứng chủ yếu từ các tỉnh Thái Bình, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương… thậm chí là tận trong Thanh Hóa.

Cũng theo ông Tuấn, một thực trạng hết sức đáng lo ngại là có khi người dân từ nơi khác mang trứng đến Đại Xuyên để ấp nở rồi bán dưới cái “mác” gia cầm Đại Xuyên. Rất nhiều khách hàng bị nhầm tưởng giống từ Đại Xuyên là của Trung tâm nhưng thực chất 100% sản phẩm là của các hộ dân tự ấp bên ngoài. Trung tâm không có chức năng SX giống đại trà mà chỉ nghiên cứu, đưa ra các giống gia cầm bố mẹ.

Về nguyên tắc, để đảm bảo nguồn giống gia cầm cần phải kiểm dịch từ đàn bố mẹ, nguồn gốc trứng cho đến con giống. Với thực trạng thả nổi cho các chủ lò ấp tự do buôn bán nguồn giống như hiện nay thì nguy cơ dịch là không thể tránh khỏi.

Rất lo ngại về vấn đề nguồn gốc giống gia cầm ở Đại Xuyên, ông Nguyễn Đức Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (nguyên Giám đốc Trung tâm NC vịt Đại Xuyên) thẳng thắn: Về nguyên tắc, các lò ấp giống gia cầm khi sử dụng trứng ấp phải chứng minh được nguồn gốc giống bố mẹ đã được kiểm dịch. Tuy nhiên, thực tế các lò ấp ở lò giống Đại Xuyên đã sử dụng nguồn trứng từ nhiều địa phương khác nhau, thậm chí là nguồn trứng từ giống bố mẹ thương phẩm, nguồn trứng nhập lậu Trung Quốc…

Điều này vô cùng nguy hiểm. Bởi đa số các vùng chăn nuôi, người ta chỉ chọn ra vài đàn, lấy có vài mẫu phân tích, xét nhiệm, kiểm dịch thôi, còn lại thì ai mà biết được. Trong khi đó, chỉ cần bỏ lọt một mẫu không kiểm tra nguồn gốc đã rất nguy hiểm rồi. Theo tôi, công tác kiểm dịch của các cơ quan Thú y hiện nay đang có vấn đề.

Giống gia cầm Trung Quốc vẫn âm thầm đổ bộ?

Trong quá trình điều tra ở các lò giống gia cầm tại Đại Xuyên, chúng tôi được một số chủ lò tiết lộ: Giống gia cầm Trung Quốc hiện vẫn có về Đại Xuyên, nhưng số lượng ít. 

Ông chủ HTX Hoàng Thụy cho biết: Gia cầm lậu về đến Hải Dương rồi chuyển xe chở sang Thái Bình, Nam Định phân phối. Chỉ một phần nhỏ chở ngược lên Đại Xuyên. Theo cung đường này, tiền cước vận chuyển cao nhưng do giá gốc bên Trung Quốc rẻ nên vẫn thuộc hàng siêu lợi nhuận. 

Chất lượng giống gia cầm Trung Quốc không bao giờ đảm bảo bằng giống Việt Nam, tuy nhiên nếu trà trộn với giống trong nước, người chăn nuôi không bao giờ phát hiện ra.

“Hiện giống gà, vịt Tàu vẫn về Đại Xuyên tuy không còn công khai và được đưa về nhiều kiểu. Họ đưa thẳng về Vĩnh Phúc, Hưng Yên hay Chương Mỹ (Hà Nội) để tiêu thụ. Hoặc chia nhỏ rồi mới đưa về Đại Xuyên. Việc kiểm soát là rất khó”, ông Nguyễn Văn Tuấn thông tin.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Sụt lún nghiêm trọng tại kho một công ty lương thực thiệt hại 10 tỷ đồng

CẦN THƠ Vụ sụt lún xảy ra tại kho Bến Thủy của một công ty lương thực, ước tính thiệt hại 10 tỷ đồng, ngành chuyên môn đang tìm hiểu nguyên nhân.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm