| Hotline: 0983.970.780

Đột phá chất lượng giáo viên

Thứ Ba 31/01/2012 , 09:51 (GMT+7)

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH) đã trao đổi với NNVN sau khi kết thúc chuyến thăm nhóm giáo viên VN được “đào tạo lại”.

Buổi thực hành của SV trường ĐH Segi, Malaysia

"Từ nay đến năm 2015, Việt Nam sẽ đưa 10.000 giáo viên các trường ĐH, CĐ... sang Malaysia để trang bị thêm kiến thức dạy nghề đào tạo công nhân. Đó là cú đột phá nhằm nâng cao chất lượng giáo viên dạy nghề trong nước", ông Nguyễn Tiến Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH) đã trao đổi với NNVN sau khi kết thúc chuyến thăm nhóm giáo viên VN được “đào tạo lại”.

Ông kỳ vọng gì trong chuyến khảo sát này?

Đây là chuyến đi nhằm khảo sát sơ bộ chất lượng của nhóm giáo viên trong các trường dạy nghề đầu tiên được cử đi... học lại. Nó cũng mang tính đột phá thí điểm nên chắc không tránh khỏi thiếu sót. Chúng tôi sẽ vừa làm vừa rút kinh nghiệm, miễn sao “sản phẩm” của mình gửi đi đào tạo được thị trường chấp nhận và đáp ứng yêu cầu xã hội. Ví dụ như đợt đi lần 2 này, chúng tôi dự định sẽ ưu tiên nhóm đối tượng là những sinh viên vừa tốt nghiệp loại giỏi, đã được trường nghề mời về giảng dạy.

Có nghĩa bước đột phá đào tạo nghề năm nay chính là chất lượng?

Đúng vậy. Thế nhưng chất lượng và số lượng luôn mâu thuẫn với nhau. Làm quản lý nên chúng tôi cần phải tính toán làm sao để hài hòa 2 nhóm này.

Thưa ông, việc đào tạo, dạy nghề ra sao để phát triển nguồn nhân lực đang mất cân đối?

Quả thật đây là vấn đề khó. Muốn làm được điều đó quan trọng nhất là cần thay đổi nhận thức của xã hội về dạy nghề, học nghề; trong đó công tác hướng nghiệp cần chú ý. Mặt khác, chúng tôi phải phối hợp với các cấp ủy Đảng, các tổ chức chính trị- xã hội để tuyên truyền nâng cao nhận thức về dạy nghề.

Đối với ngành, đó là thực hiện tốt Đề án tuyên truyền, nâng cao nhận thức về dạy nghề theo Quyết định số 103/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Song song đó, chúng tôi sẽ có những bước đột phá để nâng cao chất lượng đào tạo, gắn kết giữa dạy nghề với DN, trang bị kỹ năng nghề, năng lực sáng tạo, đảm bảo người lao động sau khi học xong có được việc làm trong môi trường cạnh tranh.

Hệ thống dạy nghề sẽ được tổ chức liên thông, dễ tiếp cận và phát triển bền vững. Định hướng quy mô đào tạo nghề đến năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 55%; gắn kết giữa dạy nghề với DN đảm bảo về cơ cấu trình độ, cơ cấu nghề đào tạo đáp ứng nhu cầu nhân lực kỹ thuật trực tiếp cho phát triển KT- XH, góp phần chuyển đổi cơ cấu lao động nông thôn, phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế, đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.

Ngoài ra, đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn cũng đặt mục tiêu đến năm 2020 có 40 trường dạy nghề chất lượng cao, trong đó có 12 trường đạt đẳng cấp quốc tế. Đây là một trong những đổi mới, đột phá nghề đào tạo và theo cấp độ quốc gia, khu vực mà VN sẽ đi theo hướng này.

Để đạt mục tiêu này, Tổng cục Dạy nghề triển khai biện pháp gì?

Chúng tôi đã chuẩn bị gần 30 chương trình đào tạo nghề trong các trường để đào tạo giáo viên theo chuẩn quốc gia. Chúng tôi cũng thí điểm đào tạo giáo viên bằng hình thức trực tuyến. Về chương trình 107 nghề quốc gia, chúng tôi đang hoàn thiện 35 bộ chuẩn quốc gia và đang thí điểm 14 chương trình quốc gia.

Vì sao phải gắn chữ nghề “quốc tế” như vậy, thưa ông?

+ Cuối năm 2011 VN đã đưa đi 96 giáo viên đầu tiên đang dạy trong các trường nghề sang Malaysia để đào tạo lại trong 4 tháng với 4 nghề là công nghệ ô tô, điện công nghiệp, điện tử và hàn.

Năm 2012, dự kiến gửi sang Malaysia khoảng 1.000 giáo viên. Từ 2012- 2013 hoàn thành bộ tiêu chuẩn về chương trình đào tạo để đến năm 2016 sẽ đưa bộ tiêu chuẩn dạy nghề này thực hiện đại trà trong các trường ĐH, CĐ.

+ "Tôi kỳ vọng ở nhóm giáo viên đầu tiên sang Malayxia và muốn sang tận đây để họ thấy rằng việc được cử đi đào tạo lại là một may mắn. Chính phủ đang trông chờ vào kết quả học tập của họ nhằm xây dựng bộ chương trình đào tạo mang tầm cỡ quốc tế", ông Nguyễn Tiến Dũng.

Với chương trình quốc tế, khu vực, mình không thể dùng chuyên gia của mình xây dựng chương trình mà phải nhờ chuyên gia quốc tế… Trong khu vực, ta đang hợp tác với Malaysia để họ chuyển giao kinh nghiệm một số chương trình đào tạo ngang tầm khu vực.  Bởi qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy Malaysia có hơn 1.000 bộ đào tạo nghề đạt chuẩn khu vực. Họ có cơ sở vật chất rất tốt và thành công trong đào tạo nguồn nhân lực. Chúng ta chỉ cần đạt theo chuẩn của họ là khá lắm rồi.

Phải chăng giáo viên VN đang thiếu hụt các kỹ năng mềm nên phải đào tạo lại?

Mặt bằng của chúng ta không đều mặc dù đi thi nghề thế giới, VN vẫn đạt giải. Thế nhưng lại không đáp ứng được nhu cầu của 1 số DN, đặc biệt là DN nước ngoài. Vì vậy, năm 2012 này, thi giáo viên giỏi nghề không chỉ thi lý thuyết mà còn phải thi thực hành. Có vậy mới đáp ứng được tiêu chuẩn giáo viên hiện nay là trình độ đào tạo, sư phạm nghề và kỹ năng nghề.

Làm thế nào hạn chế tình trạng chảy máu chất xám sau khi đưa giáo viên ra nước ngoài đào tạo, thưa ông?

Điều này chúng tôi cũng đã tính từ lúc bắt đầu thực hiện đề án này. Song, bản thân các trường cũng phải vào cuộc như bổ sung thêm chế độ cho các giáo viên đã được nâng cấp tay nghề để có thể giữ chân họ không chạy sang làm việc cho các doanh nghiệp với thu nhập cao. Ngoài ra cũng cần có ràng buộc về hành chính như giảng viên phải ký cam kết trước khi đi đào tạo. Nếu không trở lại trường làm việc thì phải có đền bù. Song quan trọng nhất là nhà trường cử đúng người, đúng đối tượng đi đào tạo.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Tránh chồng chéo giữa quy hoạch nuôi trồng thủy sản và các ngành khác

Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh trả lời câu hỏi của nhà báo về tránh chồng chéo giữa quy hoạch nuôi trồng thủy sản và các ngành khác.

Đề nghị xử lý hình sự đối tượng cố tình đánh bắt cá ở vùng biển nước ngoài

Chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của Bà Rịa - Vũng Tàu góp phần cùng cả nước gỡ 'thẻ vàng' của EC.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất