| Hotline: 0983.970.780

Đột phá cơ chế bản quyền giống: 'Người nhà' cũng phải mua!

Thứ Tư 27/07/2016 , 08:22 (GMT+7)

Với việc chuyển giao bản quyền giống cho chính các đơn vị kinh doanh trực thuộc của mình, Viện Nghiên cứu ngô (Viện Khoa học nông nghiệp VN) đang tạo ra một cơ chế mới minh bạch, thêm động lực cho hoạt động nghiên cứu, chuyển giao KH-CN.

“Bản quyền hóa” giống ngô

Vừa qua, Viện Nghiên cứu ngô đã tiếp tục tung ra 4 hợp đồng chuyển giao bản quyền giống gồm: Hợp đồng chuyển giao quyền phân phối giống ngô lai VS71 với Cty Cổ phần Nông nghiệp miền Trung; hợp đồng chuyển giao quyền phân phối đối với các giống ngô lai LVN 885, LVN092 và LVN17 với Trung tâm Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật ngô (Viện Nghiên cứu ngô); hợp đồng chuyển giao quyền phân phối giống ngô lai LVN154 với Trung tâm Nghiên cứu và SX giống ngô Sông Bôi (Viện Nghiên cứu ngô) và hợp đồng bàn giao quyền khai thác giống bí xanh Thiên Thanh 5 với Trung tâm Nghiên cứu và phát triển sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao (Viện Nghiên cứu ngô).

Đây là lần thứ hai trong năm 2016, Viện Nghiên cứu ngô tổ chức sự kiện chuyển giao bản quyền giống ngô. Tuy nhiên khác với nhiều sự kiện chuyển giao bản quyền giống trước đây, sự kiện chuyển giao bản quyền vừa qua đã ghi nhận nhiều đột phá mới của Viện Nghiên cứu ngô về cơ chế quản lí trong hoạt động khoa học.

Điểm khác biệt thứ nhất ở lần chuyển nhượng này, đó là không chỉ các giống được chuyển giao bản quyền cho các doanh nghiệp bên ngoài, mà còn được chuyển giao cho chính 3 đơn vị là các trung tâm trực thuộc của Viện.

Điểm mới thứ hai phải kể tới việc Viện đã “bản quyền hóa” tất cả các giống ngô. Theo đó, một số giống ngô như LVN885, LVN092, LVN154 vốn không còn xa lạ với nông dân và đã được đưa ra SX từ lâu, nhưng từ nay sẽ chính thức được ràng buộc bằng các hợp đồng chuyển nhượng bản quyền giống.

Đối với giống bí xanh Thiên Thanh 5, đây là giống đã được Viện Nghiên cứu ngô ký hợp đồng nhận chuyển nhượng bản quyền từ Viện Cây lương thực - cây thực phẩm. Do đó với việc ký hợp đồng bàn giao quyền khai thác với Trung tâm Nghiên cứu và phát triển sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, trung tâm này sẽ phải chịu trách nhiệm chi trả phí bản quyền hàng năm trở lại cho Viện Nghiên cứu ngô.

Người nhà cũng như người ngoài!

TS Bùi Mạnh Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu ngô phân tích: Trước đây, các sản phẩm nghiên cứu của viện khi đưa ra kinh doanh được thực hiện theo cơ chế hành chính. Chẳng hạn đối với các giống chưa được ký hợp đồng chuyển giao bản quyền cho doanh nghiệp như LVN885, LVN092…, viện sẽ phải ra quyết định giao nhiệm vụ khai thác thương mại các giống này cho các trung tâm của mình.

Cơ chế này vừa không phát huy được tính chủ động, sáng tạo và nỗ lực của các trung tâm thuộc viện, vừa không khai thác hết được lợi thế để đưa các giống tốt ra SX, nhất là trong cơ chế thị trường giống ngô ngày càng cạnh tranh khốc liệt.

Vì vậy thay vì giao nhiệm vụ như trước đây, Viện Nghiên cứu ngô đã mạnh dạnh thực hiện theo cơ chế mới, đó là ký hợp đồng bản quyền phân phối với chính các đơn vị là trung tâm trực thuộc viện.

Với cơ chế này, có thể nói từ nay, các trung tâm của viện đã được xếp ngang hàng, chịu cạnh tranh song phẳng như các doanh nghiệp khác trên thương trường về chi trả phí bản quyền cho viện.

“Hiện các trung tâm thuộc viện cũng là đơn vị hoạch toán kinh doanh độc lập. Vì vậy, các trung tâm khai thác bản quyền của viện thì phải chi trả chi phí bản quyền là điều dễ hiểu. Quy định của pháp luật về tự chủ trong hoạt động KH-CN như Luật Chuyển giao công nghệ, Luật KH-CN… cũng đều đã cho phép có cơ chế chuyển giao như vậy.

Vì thế, bên cạnh việc tận dụng, phát huy tối đa nguồn lực thị trường, cơ chế này cũng sẽ giúp minh bạch hóa hoạt động nghiên cứu, chuyển giao sản phẩm KH-CN, đồng thời tăng nguồn thu để tái đầu tư cho các bộ phận nghiên cứu của viện”, TS Cường nhấn mạnh.

Phía các trung tâm đều khá hài lòng với cơ chế mới này. Ông Đỗ Văn Ngọc, GĐ Trung tâm Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật ngô tự tin cho rằng, với cơ chế thực hiện theo hợp đồng song phẳng như đối với doanh nghiệp, các trung tâm của viện vẫn hoàn toàn có lợi thế, bởi hơn ai hết, các trung tâm vẫn là “người nhà” của viện và hiểu rõ nhất về chất lượng ưu thế của giống nào tốt để khai thác trên thị trường. Cơ chế này cũng sẽ tạo động lực buộc các trung tâm phải thoát ra khỏi “sức ỳ” theo cơ chế giao - nhận như trước.

 

Xem thêm
Doanh nghiệp là đầu kéo phát triển chăn nuôi quy mô lớn

An Giang xác định được vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp trong việc nâng cao giá trị của ngành chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung gắn an toàn sinh học.

Nghề mới lên đời

BÌNH ĐỊNH Chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng cao, phong trào nuôi thú cưng ở phố thị theo đó cũng nở rộ, kéo theo nghề điều trị, làm đẹp cho thú cưng phát triển.

Đào Bắc Hà mất mùa, giá cao

LÀO CAI Hiện đào Pháp ở Bắc Hà đã vào chính vụ thu hoạch. Năm nay cây đào không được mùa nên giá cao hơn mọi năm.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.